Quy tắc 4% trong tự do tài chính
Trong chu kỳ 30 năm, thì 90% nhà đầu tư có thể bảo toàn được khoản tiền đầu tư của mình khi mỗi năm rút ra 4% số tiền ấy, với mức lạm phát trung bình là 3%
Tự do tài chính đang trở thành mục tiêu mà nhiều người mong muốn đạt được, với kỳ vọng có thể đạt được trạng thái đủ đầy để tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái, không bị vướng bận về tài chính.
Với Bob Dockendorff – chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân người Mỹ, Phó chủ tịch Công ty tư vấn tài chính Claro Advisors, thì một trong những thắc mắc hàng đầu mà ông nhận được từ khách hàng của mình, xung quanh việc nghỉ hưu và tự do tài chính, đó là câu hỏi: “Bao nhiêu tiền thì tôi có thể nghỉ hưu?”.
“Đây là một câu hỏi khó, vì tôi không thể ngay lập tức cho bạn một con số cụ thể” – Bob Dockendorff chia sẻ trên trang Investopedia.com – “Để trả lời câu hỏi này, tôi thường cùng khách hàng thực hiện ba bước theo quy tắc 4% dưới đây”.
Bước 1: Ước lượng số tiền muốn chi tiêu hằng năm
Theo Bob Dockendorff, mỗi người có một cách sử dụng thời gian nghỉ hưu khác nhau, do đó việc xác định số tiền chúng ta muốn chi tiêu hằng năm sau khi nghỉ hưu là bước đi đầu tiên để trả lời câu hỏi cần bao nhiêu tiền để có thể nghỉ hưu.
“Nhiều người muốn cuộc sống nghỉ hưu của họ trôi qua đơn giản, với những thú vui như đọc sách, xem phim, gặp gỡ người thân, bạn bè… Những người này thậm chí chỉ chi tiêu chưa tới 50% mức lương hưu hoặc tiền từ các khoản đầu tư thụ động họ nhận được mỗi năm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người muốn tìm tòi, học hỏi những điều mới. Họ muốn đi du lịch, khám phá, trải nghiệm…
Và mức chi tiêu sau khi nghỉ hưu của họ có thể vượt xa số tiền họ có. Vì thế, bài toán đơn giản nhưng quan trọng nhất mà tôi muốn khách hàng của mình hoàn thành, đó là hãy thành thật với bản thân để qua đó tự ước lượng xem số tiền mà họ muốn chi tiêu mỗi năm sau khi nghỉ hưu là bao nhiêu” – Bob Dockendorff chia sẻ.
Bước 2: Áp dụng quy tắc 4%
“Quy tắc 4% thực ra được phát triển dựa trên một nghiên cứu của William P. Bengen. Sau khi ông nghiên cứu và phân tích dữ liệu thị trường trong suốt 75 năm, William đã nhận ra rằng, trong chu kỳ 30 năm, thì 90% nhà đầu tư có thể bảo toàn được khoản tiền đầu tư của mình khi mỗi năm rút ra 4% số tiền ấy, với mức lạm phát trung bình là 3%” – Bob Dockendorff nhận xét.
Quy tắc 4% – Hay còn gọi là quy tắc 25, được hiểu là công thức để tính ra số tiền để đạt tự do tài chính.
Công thức như sau: Lấy số tiền chi tiêu 1 năm x 25 = số tiền để đạt được tự do tài chính (Số tiền đó được hiểu bằng 25 năm chi phí sinh hoạt trung bình. Số tiền này sẽ mang đi đầu tư tài chính để nhận lãi từ các kênh đầu tư và mang lại lợi nhuận kỳ vọng. Sau đó, mỗi năm bạn được rút số tiền bằng 1 năm chi phí sinh hoạt được tính toán từ trước để trang trải chi phí mà không ảnh hưởng đến khoản tiền gốc đầu tư ban đầu).
Do đó, nếu ở bước 1, bạn xác định trung bình chi phí một năm của mình sau khi về hưu sẽ là 500 triệu đồng chẳng hạn, thì số tiền bạn cần để nghỉ hưu tối thiểu là 12,5 tỉ đồng (500 triệu/4%).
Tuy nhiên, bất cứ một quy tắc nào cũng có những điểm yếu, và Bob Dockendorff chỉ ra khá nhiều điểm yếu từ quy tắc 4%, đó là mức độ lạm phát ngày nay đã vô cùng khó đoán, cùng các yếu tố vĩ mô khác như suy thoái kinh tế, biến động chính trị, bệnh tật… Vì thế, nếu muốn sử dụng quy tắc 4%, bạn cần có một phương pháp phân bổ số tiền của mình hợp lý hơn.
Bước 3: Hoàn thiện quy tắc 4%
Và giải pháp mà Bob Dockendorff đưa ra, đó là chúng ta có thể sử dụng một hạng mục đầu tư cho tài khoản của mình. Bởi ở mọi môi trường, đầu tư luôn là giải pháp tốt để đảm bảo dòng tiền không bị mất giá ở hầu hết tình huống tồi tệ có thể xảy ra.
Chính vì thế, Bob Dockendorff khuyên, thay vì giữ khoản tiền “tĩnh” trong ngăn kéo, mỗi năm rút ra 4% để sử dụng, thì chúng ta hãy mang số tiền đó đi đầu tư. Bởi đầu tư là cách tốt nhất để hạn chế những rủi ro và những điểm chưa hoàn thiện trong quy tắc 4%.
Một chiến lược đầu tư hữu hiệu được Bob Dockendorff đề cập là sử dụng tỷ lệ đầu tư 21%, 39,5% và 39,5%.
Cụ thể, trong trường hợp số tiền là 12,5 tỉ đồng, chúng ta đầu tư 2,625 tỉ đồng (12,5 tỉ x 21%) vào những loại hình đầu tư ít rủi ro, thanh khoản tốt, với thời hạn từ một tới năm năm.
Tiếp đến, dùng 4,9375 tỉ đồng (12,5 tỉ x 39,5%) vào những khoản đầu tư có mức độ rủi ro trung bình, với thời hạn từ 5-15 năm.
Và số tiền 4,9375 tỉ đồng còn lại (12,5 tỉ x 39,5%) vào những khoản đầu tư thường có độ rủi ro lớn, với thời hạn dài, từ 15-30 năm.
“Tỷ lệ trên đôi khi có thể xê dịch, nhưng theo chúng tôi ghi nhận, nó đảm bảo sự cân bằng cho cấu trúc tài chính của hầu hết khách hàng. Ở lĩnh vực đầu tư càng rủi ro, thì độ nhạy cảm và tỷ suất lợi nhuận sẽ càng lớn. Bằng cách kéo dài thời gian đầu tư ở những lĩnh vực này, bạn sẽ có được sự an toàn cao hơn cùng với tỷ suất sinh lợi tốt hơn. Còn ở những lĩnh vực đầu tư ít rủi ro hơn, tôi thường khuyên khách hàng của mình thay đổi sau mỗi năm năm, bởi đó là thời gian cần thiết để khách hàng nhìn lại kế hoạch, hoạch định lại mọi thứ trong cuộc sống của mình, cũng như xem xét những vấn đề về sức khỏe, biến đổi của thị trường, tình hình chính trị – xã hội… để có những kế hoạch mới phù hợp nhất” – Bob Dockendorff kết luận.
3 biến số của tự do tài chính
Để đạt được tự do tài chính cần 3 trọng số chính là: thứ nhất, thời gian đầu tư (số năm đầu tư); thứ hai, hiệu suất đầu tư (tỷ lệ sinh lời/năm) và thứ ba là tỷ lệ tiết kiệm (mức % tiết kiệm sau thu nhập và chi tiêu).
Thời gian với mỗi người thì công bằng, bạn sẽ không thể để tác động đến yếu tố này.
Hiệu suất đầu tư là do năng lực của mỗi cá nhân, ảnh hưởng bởi khẩu vị rủi ro, mức độ chịu đựng biến động của thị trường. Đây là yếu tố khó nhất vì rất khó để duy trì tỷ suất sinh lời cao trong thời gian dài để đạt mục tiêu. Ngay cả Warren Buffett cũng đạt lợi nhuận khoảng 20% (lưu ý đây là lãi kép hàng năm), và 81,5 tỷ USD tài sản của Warren trong số 84,5 tỷ USD ông có được đến sau sinh nhật lần thứ 65 của ông.
Vậy yếu tố ta có thể tác động dễ nhất chính là tỷ lệ tiết kiệm. Được cấu thành từ công thức Thu nhập (Tạo tiền) – Chi tiêu = Tiết kiệm (giữ tiền). Không hẳn tiết kiệm chỉ để tiết kiệm mà trên hết tiết kiệm là hình thành tính cách và xây dựng thói quen tích sản và đầu tư (nhân tiền).
Việc Tiết kiệm còn giúp ta chừa chỗ cho sai lầm. Phần quan trọng nhất của mọi kế hoạch là lên kế hoạch dự phòng khi mọi chuyện không như dự tính. (Chẳng hạn 2 năm Covid vừa đi qua, hay sự sụt giảm của chứng khoán, bất động sản đóng băng hay một loạt công ty bán trái phiếu vỡ nợ vậy).
Một trong những cách tốt nhất để làm tăng khoản tiết kiệm của bạn không bắt buộc phải là tăng nguồn thu nhập. Bạn có thể bắt đầu bằng tiết kiệm nhiều hơn. Quan trọng nhất là hãy tiết kiệm trước khi chi tiêu, bởi việc này cũng giống như bạn đã xây nền móng vững chắc.
Happy Live Team
Nguồn: tinnhanhchungkhoan, DNSG
Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững