Hơn 100.000 tỷ “tiền tươi” đang chờ mua ở công ty chứng khoán, ngang thời Vn-Index 1.500 điểm
Đây là quý thứ 4 liên tiếp lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tăng so với quý trước. Con số cuối quý 1/2024 đã tăng khoảng 21.000 tỷ đồng so với cuối năm trước.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý 1/2024, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối quý 1/2024 đạt khoảng 104.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý.
Đây là quý thứ 4 liên tiếp lượng tiền gửi của nhà đầu tư tại các CTCK tăng so với quý trước đồng thời là mức cao nhất từng được ghi nhận, vượt qua mức 100.000 tỷ đồng của quý 1/2022. So với cuối năm 2024 con số đã tăng khoảng 21.000 tỷ đồng chỉ trong vòng ba tháng đầu năm.
VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn với gần 25.200 tỷ đồng vào thời điểm 31/3/2024, tăng mạnh 8.600 tỷ so với cuối năm 2023 qua đó ghi nhận mức tăng mạnh nhất ngành. VPS hiện là CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên toàn thị trường với 1/5 thị phần sàn HoSE và khoảng 1/4 thị phần sàn HNX, UpCOM; thậm chí chiếm 2/3 thị phần thị trường phái sinh, bỏ xa các cái tên phía sau. Do đó, việc có lượng tiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản vượt trội cũng là điều không quá bất ngờ.
Xếp sau VPS là 2 công ty TCBS và SSI với số dư tiền gửi của nhà đầu tư xấp xỉ 9.000 tỷ và 8.200 tỷ đồng. Cả hai đầu ty này đều thu nhận thêm tiền gửi của nhà đầu tư, TCBS tăng hơn 3.200 tỷ trong khi TCBS tăng trưởng 2.900 tỷ đồng. Đây là mức tiền gửi của nhà đầu tư cao nhất mà TCBS từng ghi nhận tại cuối quý, trong khi con số của SSI là mức cao nhất kể từ quý 3/2021.
Trái ngược, Chứng khoán VNDIRECT ghi nhận sụt giảm tiền gửi của nhà đầu tư so với đầu năm, giảm gần 600 tỷ xuống dưới mức 5.800 tỷ vào cuối quý 1.
Còn lại đa phần top đầu đều có sự gia tăng khoản mục này so với cuối năm 2023. MBS tăng hơn 1.400 tỷ tiền gửi NĐT lên gần 5.700 tỷ; Mirae Asset tăng gần 1.200 tỷ trong 3 tháng lên 5.600 tỷ; tương tự VCBS giữ gần 5.600 tỷ tiền gửi NĐT, tăng khoảng 800 tỷ so với đầu năm.
Ở chiều sụt giảm, ngoài VNDirect, những CTCK ghi nhận tiền gửi của nhà đầu tư thấp hơn sau 3 tháng còn có Vietcap, HSC, VPBankS. Mức sụt giảm mạnh nhất là tại Chứng khoán BSC khi tiền gửi nhà đầu tư giảm gần 1.400 tỷ xuống còn 1.500 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2024.
Số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư tăng mạnh trong bối cảnh lượng tài khoản chứng khoán ghi nhận bùng nổ trở lại trong những tháng đầu năm. Sau giai đoạn sụt giảm do hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng trở lại trong 4 tháng liên tiếp, từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 3 năm nay. Riêng trong tháng 3, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 163.621 tài khoản và là lượng tăng lớn nhất trong vòng nửa năm trở lại đây. Tính đến cuối tháng 3/2024, Việt Nam có hơn 7,6 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7,6% dân số.
Không chỉ lượng tiền gửi của NĐT tại các CTCK gia tăng, nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư chứng khoán cũng được thúc đẩy mạnh. Dư nợ cho vay tại các CTCK vào thời điểm cuối quý 1/2024 ước tính lên đến 206.000 tỷ đồng, tăng khoảng 26.000 tỷ so với cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ margin ước tính vào khoảng 195.000 tỷ đồng, cũng tăng 23.000 tỷ trong ba tháng đầu năm và là con số kỷ lục trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Có thể thấy việc thị trường diễn biến tích cực, chỉ số VN-Index tăng một mạch không nghỉ trong 5 tháng để trở lại vùng đỉnh 19 tháng đã đưa chứng khoán sôi động trở lại. Mặt bằng lãi suất thấp càng là động lực tích cực thúc đẩy nhà đầu tư mạnh dạn đổ tiền vào kênh đầu tư chứng khoán. Tiền được giữ tại CTCK có thể do nhà đầu tư chưa hành động hoặc đã thực hiện hoá lợi nhuận và giữ tiền trong tài khoản. Mùa báo cáo tài chính quý 1 cũng mang đến những tín hiệu tích cực. Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo tăng trưởng tốt trên nền so sánh thấp sẽ góp phần khiến định giá thị trường trở nên rẻ hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ.
Tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý bối cảnh chung đang ẩn chứa nhiều rủi ro như tình hình quốc tế căng thẳng, giá cả hàng hoá leo thang hay áp lực tỷ giá. Việc VN-Index giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua phần nào phản ánh những thông tin tiêu cực. Theo Agriseco Research, tình hình vĩ mô quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, FED duy trì mặt bằng lãi suất cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, rủi ro an toàn chuỗi cung ứng hàng hóa và triển vọng tăng trưởng các nền kinh tế lớn. Những yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Đặc biệt tỷ giá là yếu tố rủi ro cần lưu ý khi USD/VND đã vượt mốc 25.000 đồng. Thị trường có thể tiếp tục gặp áp lực bán ròng từ khối ngoại giai đoạn tới sau khi khối này đã bán ròng hơn 1 tỷ USD trong một năm qua.
Maybank IBG Research trong báo cáo gần đây cũng đã đánh giá VN-Index tỏ ra yếu dần khi tiến gần vùng kháng cự và thị trường sẽ diễn ra điều chỉnh trong tháng 4. Tuy nhiên Maybank IBG Research cho rằng đây sẽ là cơ hội tích lũy cổ phiếu khi triển vọng kinh tế và chứng khoán sáng sủa hơn. Bộ phận phân tích này dự báo GDP sẽ tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm 2024 (so với mức 5,05% trong năm 2023), nhờ vào xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Sự phục hồi mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ diễn ra trong nửa cuối năm 2024.
Happy Live team sưu tầm/cafef