Làm giàu từ chứng khoán: Trở thành nhà giao dịch thông minh ngay từ đầu
Làm giàu từ chứng khoán – Có lẽ bạn đã từng nghe câu ngạn ngữ trong bóng đá: “tấn công là cách phòng ngự tốt nhất”. Điều nực cười là có một câu ngạn ngữ khác hoàn toàn ngược lại: Một đội bóng chỉ giỏi tấn công mà không hề biết phòng thủ hiếm khi lên ngôi vô địch. Thực sự, một đội bóng giỏi phòng thủ thường tiến sâu vào trong giải hoặc thậm chí lên ngôi vô địch
TRONG SUỐT NHỮNG NGÀY THÁNG HUY HOÀNG dưới thời chủ tịch kiêm tổng giám đốc Branch Rickey, đội bóng chày Brooklyn Dodgers thường ném bóng rất tốt. Trong môn bóng chày, sự phối hợp giữa cầu thủ ném bóng và cầu thủ bắt bóng thể hiện khía cạnh phòng ngự của đội bóng và có thể quyết định đến 70% kết quả trận đấu. Gần như không thể dành chiến thắng nếu không phòng ngự tốt.
Điều tương tự cũng đúng trên thị trường chứng khoán. Trừ khi bạn bảo vệ tài khoản của mình tránh khỏi các khoản lỗ lớn, bạn gần như không thể trở thành nhà giao dịch siêu hạng.
BÍ QUYẾT KIẾM HÀNG TRIỆU ĐÔ LA TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CỦA BERNARD BARUCH
Bernard Baruch, một nhà giao dịch chứng khoán nổi tiếng ở Phố Wall và là cố vấn tin cậy của nhiều đời Tổng Thống Mỹ, từng nói: “Nếu một nhà đầu cơ chỉ cần chiến thắng một nửa trong số các giao dịch, anh ta đã trở thành một nhà giao dịch trung bình khá. Thậm chỉ chỉ cần thắng được 3 hoặc 4 trong số 10 giao dịch, anh ta cũng có thể trở nên giàu có nếu nhanh chóng cắt lỗ ở những giao dịch thua lỗ.”
Như bạn có thể thấy, thậm chí các nhà đầu tư thành công nhất cũng phạm phải sai lầm. Những quyết định tồi tệ này sẽ dẫn tới những khoản lỗ, và một số giao dịch thua lỗ sẽ vô cùng tồi tệ nếu như bạn không có kỷ luật giao dịch và thiếu cẩn trọng. Không cần biết bạn thông minh như thế nào, bạn có chỉ số IQ cao bao nhiêu, bạn là giáo sư hay tiến sĩ, nguồn thông tin của bạn đáng tin cậy ra sao, phân tích của bạn có tốt không, đơn giản là bạn không thể luôn luôn đúng. Thực sự, tỷ lệ các giao dịch chiến thắng của bạn là chưa tới 50%! Bạn phải thấu hiểu và thừa nhận sự thực này để trở thành một nhà đầu tư thành công. Quy tắc đầu tiên để trở nên thành công trong giao dịch chứng khoán là… luôn cắt lỗ nhanh và giới hạn mọi khoản lỗ trong tầm kiểm soát. Để làm điều này, bạn phải duy trì tính kỷ luật và sẵn sàng chấp nhận thua lỗ.
Michael W.Covel trong cuốn sách nổi tiếng Trend Following đã đưa ra một kết luận từ việc điều tra các quỹ đầu tư theo trường phái giao dịch theo sau xu hướng: “Tỷ lệ giao dịch chiến thắng của các quỹ đầu tư chỉ từ 30%-50% nhưng vẫn sinh lợi”
Marc Mandell, tác giả cuốn sách Winning on Wall Street (Chiến Thắng Phố Wall) đã là bạn đọc của Nhật Báo IBD từ năm 1987. Ông ấy thích tờ báo này vì nó mang lại cho ông nhiều ý tưởng kiếm tiền và nhấn mạnh các chiến lược quản trị rủi ro. Ông tin rằng: “Lỗ nhỏ và thắng lớn là bí mật chén thánh để trở thành nhà đầu cơ thành công”.
Quan điểm của Baruch về việc cắt lỗ đã nhắc tôi nhớ lại về câu chuyện của một nhà đầu tư mà tôi từng quản lý tài khoản vào năm 1962. Thị trường chung lúc bấy giờ đã giảm đến 29% và chúng tôi chỉ chiến thắng ở 1/3 các giao dịch trong tài khoản này nhưng tài khoản vẫn tăng khi tổng kết năm.
Lý do vì khoản lợi nhuận ở 33% các giao dịch chiến thắng lớn gấp đôi các khoản lỗ, vì chúng tôi đã cắt lỗ sớm. Tôi luôn muốn đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro là 3:1. Nếu bạn thường xuyên kiếm được các khoản lợi nhuận từ 20% đến 25%, bạn nên cắt lỗ ở mức 7%-8%. Nếu bạn đang ở trong thị trường con gấu như năm 2008, và bạn mua bất cứ cổ phiếu nào, bạn chỉ có thể thu được khoản lợi nhuận ít ỏi 10%-15%. Trong trường hợp này, bạn nên cắt lỗ nhanh ở mức 3% mà không hề có ngoại lệ.
Toàn bộ bí quyết để trở thành nhà giao dịch siêu hạng trên thị trường chứng khoán không phải là luôn luôn đúng mà là hạn chế thua lỗ ở mức thấp nhất khi bạn sai lầm.
Bạn phải học cách nhận ra khi nào bạn sai và cắt lỗ một cách quyết đoán, không hề do dự nhằm giữ cho khoản lỗ ở mức nhỏ. Công việc của bạn là cố gắng hòa cùng điệu nhảy của thị trường chứ không phải bắt Ngài Thị Trường phải nhảy theo nhịp của bạn.
Làm thế nào để biết khi nào bạn sai lầm? Thật dễ dàng: đó là khi giá cổ phiếu giảm xuống thấp hơn mức giá bạn đã mua vào! Bất cứ khi nào cổ phiếu bạn yêu thích giảm xuống thấp hơn giá vốn, khả năng cao bạn đã sai lầm và thời điểm bạn mua cũng sai. Hãy chấp nhận thực tế này.
PHẢI CHĂNG CÁC NHÀ ĐẦU TƯ THÀNH CÔNG LÀ NHỮNG NGƯỜI MAY MẮN VÀ LUÔN LUÔN ĐÚNG?
Phần lớn mọi người thường nghĩ rằng, nhà đầu tư thành công là người rất may mắn hoặc luôn luôn đúng. Chẳng suy nghĩ nào ở trên là đúng cả. Các nhà đầu tư thành công cũng thường phạm phải sai lầm, và thành công của họ đến từ nỗ lực không ngừng nghỉ chứ không phải may mắn. Họ luôn phải cố gắng hơn mỗi ngày và nhiều hơn so với những người bình thường. Thành công không thể đến sau một đêm. Đó là cả một quá trình lâu dài.
Để tìm kiếm sợi dây tóc thích hợp cho bóng đèn điện, bác học Thomas Edison đã tiến hành 6,000 mẫu thử carbon hóa cây tre. Chỉ duy nhất ba mẫu thử thành công. Trước đó, ông đã tiến hành hàng ngàn thí nghiệm trên các vật liệu khác nhau, từ sợi vải cho tới lông gà.
Vận động viên bóng chày Babe Ruth đã nỗ lực tập luyện để có cú đánh “ghi điểm trực tiếp (homerun)” đến nỗi ông cũng giữ kỷ lục là tay đánh bóng hỏng nhiều nhất. Irving Berlin đã viết hơn 600 bài hát, nhưng chỉ có 50 bài trở thành “hit”. Không hãng ghi âm nào ở Anh Quốc chấp nhận ghi âm ban nhạc The Beatles trước khi họ nổi tiếng. Michael Jordan từng bị loại khỏi đội bóng rổ ở trường trung học và Albert Einstein có rất nhiều điểm F (điểm kém) môn toán (Sau đó, ông mất nhiều năm để xây dựng và chứng minh thuyết tương đối).
Đó là quá trình thử và sai trước khi bạn có thể kiếm được những khoản lợi nhuận lớn từ các cổ phiếu như Brunswick và Great Western Financial khi giá tăng gấp đôi vào năm 1961, Chrysler và Syntex vào năm 1963, Fairchild Camera và Polaroid vào năm 1965, Control Data vào năm 1967, Levitz Furniture trong giai đoạn 1970-1972, Prime Computer và Humana trong giai đoạn 1977-1981, MCI Communicatins trong giai đoạn 1981 1982, Price Company trong giai đoạn 1982-1983, Microsoft trong giai đoạn 1986-1992, Amgen trong giai đoạn 1990-1991, International Game Technology trong giai đoạn 1991-1993, Cisco Systems từ năm 1995 đến năm 2000, America Online và Charles Schwab trong giai đoạn 1998-1999, và Qualcomm vào năm 1999. Đây là những siêu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán với mức tăng từ 100% đến hơn 1,000%.
Sau nhiều năm giao dịch, tôi nhận thấy trong số 10 cổ phiếu tôi mua, chỉ 1 hoặc 2 cổ phiếu thực sự là những siêu cổ phiếu với mức tăng trưởng ấn tượng như trên. Nói cách khác, để có thể kiếm được 1 hoặc 2 siêu cổ phiếu, tôi phải tìm kiếm và thử đến 10 lần mua.
Câu hỏi lúc này là: Bạn làm gì với 8 cổ phiếu còn lại? Liệu bạn ngồi ôm chúng và hy vọng giá sẽ tăng như nhiều người vẫn làm? Hay bạn sẽ bán chúng đi và cố gắng tìm kiếm cổ phiếu mới có thể tăng giá mạnh hơn?
KHI NÀO BẠN THỰC SỰ THUA LỖ?
Khi bạn nói: “Tôi không thể bán cổ phiếu này vì tôi không muốn phải ghi nhận một khoản lỗ?”, tức bạn cho rằng, mong muốn của bạn có thể gây ảnh hưởng nhất định đến thị trường. Nhưng thị trường không hề biết bạn là ai, và cũng không quan tâm bạn nghĩ gì và muốn gì.
Thực tế, không phải hành động bán ra khiến bạn thua lỗ, mà bạn đã thực sự thua lỗ trước đó rồi. Nếu bạn nghĩ, bạn chưa thua lỗ chừng nào chưa bán ra cổ phiếu, thực chất bạn đang tự lừa dối chính mình. Nếu bạn mua 100 cổ phiếu Can’t Miss Chemical với giá $40 và bây giờ nó chỉ có giá $28, giá trị khoản đầu tư của bạn chỉ còn $2,800 chứ không phải giá vốn $4,000. Bạn đã thua lỗ $1,200. Dù bạn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu hay chuyển nó thành tiền mặt, thì số cổ phiếu này cũng chỉ có trị giá $2,800 mà thôi.
Ngay cả khi bạn không bán cổ phiếu, bạn vẫn bị lỗ khi giá cổ phiếu giảm. Vậy tốt hơn hết là bạn nên bán ra và quay trở lại với trạng thái nắm giữ hoàn toàn bằng tiền mặt để có được tư duy khách quan hơn.
Khi bạn kiên quyết nắm giữ một khoản đầu tư thua lỗ lớn, bạn hiếm khi có tư duy sáng suốt. Bạn bị cảm xúc chi phối. Bạn tìm cách hợp lý hóa việc nắm giữ khoản đầu tư thua lỗ. Bạn tự cho rằng: “Giá không thể giảm xuống thấp hơn được nữa”. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng vẫn còn nhiều cổ phiếu tốt khác mà bạn có thể lựa chọn và lợi nhuận kiếm được từ các cổ phiếu này hoàn toàn có thể bù đắp được các khoản lỗ, thậm chí còn lời nữa là đằng khác.
Sau đây là một gợi ý khác giúp bạn đưa ra quyết định liệu có nên bán cắt lỗ hay không: hãy vờ như bạn không sở hữu số cổ phiếu thua lỗ này và bạn đã có $2,800 trong tài khoản ngân hàng. Sau đó, bạn tự hỏi chính mình, “Liệu bây giờ tôi có thực sự muốn mua cổ phiếu này?” Nếu câu trả lời là không, chẳng có lý do hợp lý nào để bạn tiếp tục nắm giữ nó?
LUÔN LUÔN CẮT LỖ Ở MỨC 7%-8% SO VỚI GIÁ MUA MÀ KHÔNG CÓ NGOẠI LỆ
Các nhà đầu tư cá nhân luôn phải tuân thủ quy tắc bất di bất dịch là chỉ chấp nhận mức lỗ tối đa 7%-8% so với giá mua khi đầu tư vào bất cứ cổ phiếu nào. Vì quy mô vốn lớn và đa dạng hóa danh mục quá rộng, các nhà đầu tư tổ chức không thể nhanh chóng nhảy vào và nhảy ra khỏi cổ phiếu để thực hiện kế hoạch cắt lỗ như nhà đầu tư cá nhân. Đây là một lợi thế cực kỳ quý giá của các nhà đầu tư cá nhân so với các tổ chức đầu tư lớn. Vì thế, là một nhà đầu tư cá nhân, bạn không nên đánh mất lợi thế này.
Khi Gerald M.Loeb của nhà xuất bản E.F.Hutton sắp hoàn tất cuốn sách mới nhất của ông về thị trường chứng khoán, ông ấy đã đến thăm tôi ở Los Angeles và tôi được hân hạnh thảo luận với ông về quan điểm cắt lỗ này. Trong tác phẩm đầu tay, The Battle for Investment Survival (Chiến Đấu Để Sinh Tồn Trong Đầu Tư), Loeb cho rằng tất cả các khoản lỗ nên được cắt ở mức 10%. Tôi đã tò mò và hỏi ông ấy liệu ông có thực sự tuân thủ quy tắc cắt lỗ 10% hay không. Ông ấy trả lời: Thực tế thì tôi thường cắt lỗ trước khi chạm tới mức 10%. Loeb là nhà đầu tư thành công khi kiếm hàng triệu đô la trên thị trường.
Bill Astrop, chủ tịch của công ty tư vấn đầu tư Astrop Advisory Corp, ở Atlanta, bang Georgia, cho rằng nên có điều chỉnh nhỏ trong phương pháp cắt lỗ 10%. Ông ấy đề nghị các nhà đầu tư cá nhân nên bán một nửa vị thế cổ phiếu đang nắm giữ khi giá giảm 5% so với giá mua và bán nốt phần còn lại một khi giá giảm 10% so với giá mua. Đây là một lời khuyên tốt.
Để bảo vệ số tiền mồ hôi nước mắt của bạn, tôi nghĩ mức cắt lỗ 7%-8% nên là mức lỗ tối đa cho phép. Mức lỗ trung bình ở tất cả các giao dịch nên thấp hơn, có thể chỉ khoảng 5% hoặc 6%, nếu bạn tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật này và nhanh chóng cắt lỗ. Nếu bạn giữ cho mức lỗ trung bình chỉ 5%-6%, bạn chắc chắn là một đội bóng phòng thủ cực kỳ chặt chẽ (giống như đội tuyển Ý). Nếu bạn không thể để cho đối phương ghi bàn, thì không ai có thể đánh bại bạn được!
Bây giờ, hãy ghi nhớ thật kỹ bí mật cực kỳ giá trị sau: NẾU BẠN SỬ DỤNG ĐỒ THỊ ĐỂ CHỌN CHÍNH XÁC THỜI ĐIỂM MUA KHI GIÁ TẠO ĐIỂM PHÁ VỠ THOÁT RA KHỎI CÁC NỀN GIÁ TỐT (LÀ NHỮNG KHU VỰC CỦNG CỐ), CỔ PHIẾU CỦA BẠN HIẾM KHI NÀO GIẢM 8% DƯỚI ĐIỂM MUA LÝ TƯỞNG.
Nếu điều đó xảy ra, hoặc là bạn đã chọn sai cổ phiếu hoặc thị trường chung đang bắt đầu bước vào thị trường con gấu. Đây là mấu chốt cho thành công của bạn trên thị trường chứng khoán. Barbara James, một bạn đọc của Nhật Báo IBD, người từng tham gia một số cuộc hội thảo của chúng tôi, chẳng biết gì về đầu tư cổ phiếu sau 20 năm kinh doanh bất động sản. Cô ấy bắt đầu giao dịch thử nghiệm bằng cách sử dụng các quy tắc của Nhật Báo IBD. Kết quả thật tuyệt vời khiến cô ấy tự tin giao dịch bằng tiền thật. Điều này xảy ra vào cuối những năm 1990, khi thị trường chứng khoán chỉ có một chiều duy nhất: tăng. Cổ phiếu đầu tiên cô ấy mua bằng cách sử dụng quy tắc của Nhật Báo IBD là EMC. Cô ấy bán cổ phiếu vào năm 2000 và thu về khoản lãi 1,300%. Cô ấy cũng đã có khoản lợi nhuận lớn khác ở cổ phiếu Ga.Ten. Với khoản lợi nhuận có được, cô ấy đã có thể mua nhà và xe hơi.
Barbara đã gửi lời cám ơn tới IBD nhờ ứng dụng quy tắc cắt lỗ 7% khiến cô ấy trở nên có lợi thế khi đầu tư trên thị trường chứng khoán. Kỹ năng đầu tư của cô được cải thiện. Trước khi thị trường bắt đầu sụp đổ vào mùa thu năm 2007, cô ấy đã mua ba cổ phiếu theo hệ thống CAN SLIM là: Monolithic Power, China Medical, và St.Jude Medical. Cô ấy nói: “Tôi đã mua tất cả chúng chính xác tại điểm pivot và buộc phải bán cả ba cổ phiếu này khi thị trường bắt đầu sụt giảm vào tháng 7 và tháng 8. Tôi vui mừng khi chỉ chấp nhận khoản lỗ nhỏ 7% hoặc 8%. Nếu tôi không tuân thủ quy tắc này, thậm chí tôi chẳng còn áo mà mang. Tôi đã không đánh mất số vốn của mình để chuẩn bị cho thị trường tăng giá tiếp theo”.
Tiếp theo là lá thư được gửi từ một khách hàng khác của Nhật Báo IBD, Herb Mitchell, vào tháng 2 năm 2009: “Qua nhiều năm, tôi đã nhận thấy sự hữu ích của các quy tắc mua và bán (đặc biệt là quy tắc bán) do Nhật Báo IBD cung cấp. Tôi phải mất vài năm mới thấu hiểu hết những quy tắc này và giờ đây, tôi bắt đầu gặt hái thành quả. Tôi gần như đã đứng ngoài thị trường trong suốt năm 2008 trong khi nhiều bạn bè của tôi than phiền rằng, họ đã mất hơn 50% tài khoản (hoặc nhiều hơn). Họ ngạc nhiên khi tài khoản của tôi tăng nhẹ 5% trong năm 2008. Tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn nữa. Nhưng không sao, bây giờ thì tôi vẫn còn tiền và tiếp tục đầu tư.
Ngoài ra, không có quy tắc nào nói bạn không phải chờ cho đến khoản lỗ chạm tới mức 7%-8% mới tiến hành cắt lỗ. Rất nhiều lần, bạn sẽ nhận ra thị trường chung đang ở trong giai đoạn phân phối (tức giảm giá) hoặc cổ phiếu bạn mua đang giảm nhẹ và khó có khả tăng tăng giá mạnh hoặc bạn đã phạm phải sai lầm. Trong những trường hợp này, bạn nên sớm cắt lỗ ngay cả khi giá cổ phiếu của bạn mới chỉ giảm nhẹ vài lai giá.
Ví dụ, trước khi thị trường sụp đổ vào tháng 10 năm 1987, có rất nhiều thời gian để các nhà giao dịch bán và cắt lỗ sớm. Thực ra, đợt điều chỉnh bắt đầu từ ngày 26 tháng 8 năm 1987, trước khi lan rộng thành cuộc bán tháo vào tháng 10 năm đó. Nếu bạn ngu ngốc chống lại Ngài Thị Trường bằng cách mua cổ phiếu trong giai đoạn thị trường chung đang điều chỉnh, tôi đề nghị bạn nên sớm cắt lỗ ở mức 3%-4% so với giá mua.
Sau nhiều năm kinh nghiệm với kỹ thuật cắt lỗ này, khoản lỗ trung bình của bạn sẽ trở nên nhỏ hơn trong khi kỹ năng lựa chọn cổ phiếu và chọn thời điểm mua trở nên chính xác hơn. Bạn sẽ biết cách thực hiện “bổ sung vị thế mua từng lần nhỏ” ở những cổ phiếu tốt nhất. Bạn có thể mất nhiều thời gian để học được cách bổ sung vị thế mua một cách an toàn khi cổ phiếu đang tăng giá, nhưng đây là điều đáng phải làm vì phương pháp này buộc bạn phải thoát khỏi các cổ phiếu yếu và tập trung đầu tư vào các cổ phiếu tăng giá mạnh. Tôi gọi đây là phương pháp “nhồi lệnh” (Xem Chương 11 để biết thêm chi tiết). Bạn sẽ cắt lỗ ngay cả khi giá chưa giảm 7%-8% so với giá mua vì bạn đang huy động tiền để bổ sung vị thế cho những khoản đầu tư tốt nhất trong bối cảnh thị trường chung đang tăng mạnh.
Nên nhớ: TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC PHÉP ĐỂ CHO MỌI KHOẢN LỖ VƯỢT QUÁ MỨC 7%-8%.
Bạn phải bán cắt lỗ một cách dứt khoát, không do dự. Nghĩa là không nấn ná ôm cổ phiếu chờ đợi thêm vài ngày nữa để xem điều gì có thể xảy ra. Đừng hy vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trở lại. Đừng chờ cho đến khi thị trường kết thúc phiên mới quyết định cắt lỗ. Mặc dù tất cả mọi tình huống đều có thể xảy ra (giá đảo chiều tăng trở lại) nhưng việc giá đã giảm thấp hơn 7% 8% so với giá mua vào, gần như chắc chắn bạn đã phạm phải sai lầm.
Một khi bạn bắt đúng cổ phiếu tăng giá và đang lãi lớn (trên giấy tờ), bạn di chuyển lệnh dừng lỗ lên phía trên để bảo vệ lợi nhuận. Lúc này, bạn có thể cho phép nhiều không gian (giữa giá và lệnh dừng lỗ) hơn so với bình thường. Đừng vội bán cổ phiếu chỉ vì nó giảm 7%-8% từ đỉnh giá. Điều quan trọng là bạn phải hiểu sự khác biệt giữa hai tình huống.
Trong trường hợp đầu tiên (bạn mua vào và giá cổ phiếu giảm), bạn có thể đã phạm phải sai lầm. Cổ phiếu không tăng giá đúng như bạn kỳ vọng và nó đã giảm xuống dưới giá mua. Bạn đang bắt đầu đánh rơi số tiền mồ hôi nước mắt, và nếu không sớm cắt lỗ, bạn sẽ còn mất nhiều hơn nữa. Trong trường hợp thứ hai (cổ phiếu tăng giá và bạn đang dùng lệnh dừng lỗ để bảo vệ lợi nhuận), vị thế mua của bạn là hoàn toàn chính xác.
Cổ phiếu của bạn tăng giá mạnh và tạo ra khoản lãi lớn. Bây giờ, bạn đang hoạt động ở vùng lợi nhuận nên bạn có thể cho phép khoảng cách giữa giá và lệnh dừng lỗ trở nên lớn hơn để hấp thụ những đợt điều chỉnh bình thường 10%-15% trong thị trường tăng giá.
Tuy nhiên, đừng mua rượt đuổi những cổ phiếu đã tăng giá quá xa so với những nền giá tốt. Mấu chốt để đầu tư thành công là phải mua đúng thời điểm giá tạo điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá tốt nhằm hạn chế khả năng cổ phiếu sẽ giảm 8% (xem lại Chương 2 để biết cách sử dụng các mẫu hình đồ thị khi lựa chọn cổ phiếu).
Happy Live team biên soạn/Làm giàu từ chứng khoán