Những lời khuyên về sự nghiệp mà bạn tốt nhất là nên… quên đi
Để có thể nhanh chóng đạt được những cột mốc thăng tiến trong sự nghiệp, đôi khi bạn cần đến những lời khuyên về sự nghiệp và tư vấn từ những người tiền bối.
Bằng kinh nghiệm dày dặn, những người đi trước sẽ phần nào giúp hậu bối tích luỹ được những bài học đáng quý trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, không phải lời khuyên nào cũng đáng để bạn lưu tâm. Nếu ai đã từng khuyên bạn 1 hay những điều sau đây, tốt nhất hãy nhấn nút xóa ra khỏi tâm trí ngay và luôn nhé.
Hãy chấp nhận công việc hiện tại, kể cả khi bạn không thích nó
Đây chưa bao giờ là một ý kiến hay trừ khi bạn quá tuyệt vọng về vấn đề tiền bạc. Điều này là không công bằng với cả bạn và ông chủ của bạn.
Khi ép mình làm một công việc không phù hợp, bạn sẽ thiếu động lực và chẳng vui vẻ gì. Chưa kể, năng suất trì trệ của bạn cũng chẳng giúp công ty khá lên được.
Hãy nhận công việc trả lương cao nhất
Tiền bạc không thể mua được hạnh phúc. Mặc dù ai cũng muốn được trả công xứng đáng nhưng tiền lương không phải là tất cả.
Còn có những yếu tố khác để quyết định có nhận một công việc hay không, như trách nhiệm công việc, các chế độ đãi ngộ, văn hóa công ty, tỷ lệ cân bằng công việc – cuộc sống, cơ hội thăng tiến.
Suy cho cùng, người ta có thể đến vì tiền bạc, nhưng lại rời đi vì những vấn đề không liên quan đến tiền bạc.
Hãy làm công việc mà bạn giỏi
Bạn có thể giỏi nhiều việc khác nhau. Giỏi một việc nào đó không phải là lý do duy nhất để nhận một công việc.
Bạn có thể rất giỏi một thứ nào đó nhưng lại không hề thích nó hay không tìm được mục đích ở công việc đó. Nếu bạn là một lái xe tuyệt vời, không có nghĩa là bạn nên lái xe taxi để kiếm sống. Thay vào đó, hãy tìm cho mình một công việc giúp bạn có tiền trước, để từ đó làm nguồn tài chính dồi dào để nuôi dưỡng tài năng thiện lành cá nhân.
Làm việc chăm chỉ đi, rồi bạn sẽ được thăng tiến
Ông chủ của bạn quan tâm tới giá trị mà bạn mang lại cho công ty, chứ không phải bạn chăm chỉ tới mức nào. Nếu bạn muốn thăng tiến, hãy lên tiếng.
Còn nếu cứ ngồi yên một chỗ, lặng lẽ làm việc chăm chỉ, nghĩa là bạn đang gửi đi thông điệp “tôi ổn với công việc và vị trí hiện tại”. Nhiều năm làm việc cho công ty không đồng nghĩa sẽ được thăng tiến. “Sống lâu năm” không đồng nghĩa với việc “lên lão làng”.
Hãy theo đuổi đam mê, tiền bạc sẽ tới
Một lời khuyên xứng đáng thuộc hạng “Vô ích và khiến con người chết vì ảo tưởng nhiều nhất” mọi thời đại. Làm công việc bạn yêu thích là rất quan trọng, nhưng không có nghĩa là bạn sẽ được trả công xứng đáng.
Đam mê của bạn cần phải đáp ứng nhu cầu của ai đó hoặc phải giải quyết được vấn đề nào đó. Nếu bạn có kỹ năng ở một lĩnh vực, hãy bán nó, viết về nó, dạy nó để kiếm tiền.
Thay vì chỉ tập trung vào đam mê, hãy xem xét cả điểm mạnh của mình. Trước khi tiếp thu lời khuyên này, hãy xác định: “Liệu nguồn đam mê của bạn có mang lại giá trị hạnh phúc vật chất cho bạn và khiến bạn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại?”
Hãy làm công việc mà bạn cảm thấy thoải mái
Thoải mái không có nghĩa là phù hợp. Thoải mái thường dẫn đến nhàm chán.
Sự hài lòng trong công việc lên đến đỉnh điểm khi bạn sử dụng kỹ năng và sự sáng tạo để làm công việc mà bạn thích. “Con người chết không vì công việc mà người ta hay chết vì sự nhàn hạ với công việc đó”.
Hãy tìm một nơi luôn tạo sự thách thức và cơ hội cho bạn học hỏi và phát triển. Công việc đó có thể không thoải mái, nhưng chắc chắn sẽ hữu ích cho bạn.
Hãy tìm một công việc thực sự
Trước khi tìm đến với công việc thật sự, bạn hãy định nghĩa đúng đắn công việc thật sự của mình là gì. Ý tưởng về một công việc thực sự của ai đó có thể hoàn toàn khác với của bạn.
Làm việc tự do có phải là một công việc “thực sự” không? Hay làm nhân viên giao pizza bán thời gian có phải là công việc thực sự không?
Công việc là công việc và bất cứ công việc gì mà bạn làm đều là công việc thực sự. Luôn có những bài học giá trị trong tất cả công việc, bất kể “thực sự” hay không. Nhân sinh quan mỗi người khác nhau, chỉ mình hiểu mình hơn ai hết.
Hãy nhận bất cứ mức lương nào mà bạn được đề nghị
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều dự tính trong đầu một mức lương, thường là thấp hơn bình thường. Đó là vì họ dự đoán bạn sẽ thương lượng mức lương.
Đừng yêu cầu quá cao nhưng cũng đừng e ngại đề nghị mức lương cao hơn. Họ có thể không đáp ứng chính xác đề nghị của bạn, nhưng ít nhất nó vẫn tốt hơn đề nghị ban đầu.
Hiểu được giá trị của mình ở đâu trong biển người nhân sự hiện nay. Mức lương của bạn đôi lúc cũng chính là thước đo giá trị mà người khác đánh giá về năng lực và tư duy của bạn.
Nguồn: Theo HRInsider