Huyền thoại “không bao giờ để mất tiền” Walter J. Schloss với triết lý đầu tư giá trị (p2)
Dự các “bữa tiệc chứng khoán” đầu năm, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là hết thảy các nhà đầu tư cá nhân bắt đầu quên đi mọi rủi ro của thị trường. Họ bắt đầu chìm trong sự hưng phấn tột độ, Những nguyên tắc đầu tư cơ bản về giá trị nội tại, lợi suất hằng năm hay cơ cấu tài chính đều bị bỏ qua. Tất cả những gì họ kỳ vọng là các khoản đầu tư của mình nhân đôi, thậm chí nhân ba một cách dễ dàng.
IV. Phương pháp quản lý danh mục đầu tư
Ngay cả khi một nhà đầu tư cá nhân tìm được cổ phiếu bán với P/B rẻ như 0.5x cộng với nhiều tiền mặt, không nợ vay như ngài Schloss ưa thích, song anh ta lại bỏ đến 60% danh mục của anh ta vào cổ phiếu này thì khả năng rất cao anh sẽ không đạt được tỷ suất sinh lời như mong muốn.
Đó là bởi vì anh ta có thể chịu nhiều rủi ro vi mô không dự kiến được: (1) chẳng hạn như rủi ro đạo đức ban lãnh đạo: thay vì hoàn trả tiền mặt lại cho cổ đông – họ lại tư lợi cho cá nhân qua công ty con hoặc các dự án phi lý (2) rủi ro thiếu thanh khoản, nhiều năm không tăng giá thị trường được (3) con số book value mà anh ta tính toán có thể bị thổi phồng, hoặc không được kiểm toán chính xác.
Nguyên tắc đa dạng hóa danh mục đầu tư (diversification)
Vì vậy, ngài Schloss luôn chú trọng đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư (diversification). Trong danh mục quỹ đầu tư của ông luôn có ít nhất 100 mã cổ phiếu. Ông đã trả lời với Jim Grant, trong hội nghị Grant’s Interest Rate Observer Fall Investment Conference rằng: “Warren đã từng nói rằng sở hữu một nhóm cổ phiếu là biện pháp phòng thủ đối với sự thiếu hiểu biết. Câu nói này cũng đúng ở chừng mực nào đó – Peter Lynch đã chạy quanh nước Mỹ để thăm hơn 300 doanh nghiệp mỗi năm. Anh ấy chẳng phải muốn tự sát hay sao!
Warren là một nhà đầu tư sáng chói. Tôi ngờ rằng có bất kỳ ai có thể bằng được anh ta. Anh ta đánh giá doanh nghiệp và con người rất tốt. Lạy chúa! Thậm chí gã lãnh đạo doanh nghiệp đó sẵn sàng giết mình để làm việc cho Warren! Anh ta thường chọn ra 5 doanh nghiệp tốt nhất, hầu hết trong số đó là các cổ phiếu tài chính, và anh ta rất giỏi trong chuyện này.
Ngược lại, chúng tôi biết giới hạn của bản thân. Chúng tôi không đi gặp người chủ doanh nghiệp. Chúng tôi không thể thuyết phục họ, không thể đánh giá mô hình kinh doanh tốt như Warren. Chúng tôi cảm thấy thoải mái khi mua những cổ phiếu với rủi ro được giới hạn và chúng tôi mua một nhóm cổ phiếu (group of stocks) như cách thầy Graham đã làm.
Một nhà đầu tư cá nhân, với vốn liếng hạn chế, không nhất thiết phải mua trên 100 cổ phiếu như cách ngài Schloss đã làm. Chỉ có những quỹ đầu tư lớn mới có thể đa dạng nhiều như vậy. Song anh ta nên có ít nhất 3-5 cổ phiếu, với vài ngành nghề khác nhau, để hạn chế các rủi ro vi mô hoặc kinh doanh không lường trước được. Cụ thể hơn về vấn đề này thì chúng tôi sẽ bàn ở bài viết về đa dạng hóa danh mục đầu tư ở phần dưới.
Khi nào thì nên bán?
Dù đã đánh bại thị trường hơn 50 năm, lúc được hỏi “Khi nào nên bán một cổ phiếu?”, ngài Walter Schloss cũng phải thừa nhận rằng bán ra một cổ phiếu là một quyết định rất khó khăn (very tough).
Ông nói rằng đôi khi bạn định ra giá trị thực, rồi lại dời điểm bán đi chỉ vì những thay đổi trong doanh nghiệp đó. Ông kể rằng hồi ấy ông giữ Southdown – một công ty xi măng tầm cỡ – với giá $12. Tuyệt vời thay, cổ phiếu sớm nhân đôi và ông bán nó tại giá $28, $30 trong vòng hai năm. Không lâu sau đó, ông nhìn lại, nó đã lên hẳn $70. Nên từ đó ông luôn khiêm tốn về việc mình bán sai cổ phiếu.
Ông cho rằng nhà đầu tư nên bán dần theo quy mô giá tăng (on the scale) – chẳng hạn bán một phần khi lãi 50%, một phần khi lãi 100%, v.v… Nhưng ông cũng thừa nhận nhiều khi bán xong giá tiếp tục tăng mạnh nữa. “Bạn cần phải hài lòng rằng chúng ta không bao giờ mua được giá thấp nhất, và bán được giá cao nhất cả.” – ông kết luận.
Ở đây chúng tôi – S.A.F.E team – muốn bổ sung một điểm về quyết định bán này. Nếu một doanh nghiệp thương hiệu lớn, có lợi thế cạnh tranh trong một ngành tăng trưởng, và có ban lãnh đạo liêm chính, luôn phấn đấu thì “thời điểm bán là không bao giờ” – như lời của ngài Fisher. Nhìn lại các trường hợp của VNM, MWG, PNJ, VCS, PTB, TLG, GDT, … mới thấy lời khuyên của Fisher thật chính xác.
Song để được vậy, nhất thiết nhà đầu tư phải hiểu rõ ba mặt toàn diện của một doanh nghiệp mà chúng tôi cứ nhắc đi nhắc lại: ngành, lợi thế cạnh tranh và ban lãnh đạo. Còn không, nếu doanh nghiệp thuộc hàng chất lượng thấp (low-quality) và chúng ta chỉ tập trung vào tài sản trên bảng cân đối kế toán, thì chúng ta nên đặt ra mức bán từng phần để đảm bảo an toàn vốn dựa vào giá trị thực, hoặc có thể là mốc 50% hay 100% như cách ngài Schloss đã làm.
Luôn đầu tư hơn 90% danh mục vào cổ phiếu mọi lúc
Trái với ngài Graham luôn cẩn trọng khi thị trường đang ở trạng thái quá nóng, Walter Schloss không mua trái phiếu hoặc giữ tiền mặt như người thầy của mình. Ông giải thích rằng: “Tôi không cố gắng dự đoán thị trường. Nếu bạn cầm tiền mặt và đứng ngoài, bạn sẽ bị bỏ lỡ 26% tăng trưởng của thị trường trong một năm trung bình chẳng hạn”.
Do đó, Walter Schloss vẫn nắm một danh mục cổ phiếu giá rẻ trên 100 cổ phiếu ở mọi thời điểm của thị trường. Ông hẳn sẽ mất tiền khi thị trường sụt giảm, nhưng do biên an toàn quá lớn, nên thường mức lỗ của ông được hạn chế tối đa chỉ từ 8% đến 10%.
Không bao giờ được tiết lộ danh mục đầu tư
Về vấn đề bí mật và khiêm tốn, Walter Schloss kể lại câu chuyện kinh điển thời ông còn làm cho ngài Graham: “Một ngày nọ có một gã đến, muốn gặp thầy Graham. Do ông ấy đi vắng, tôi hỏi rằng có chuyện gì không. Y bảo rằng y chỉ muốn đi ngang qua và cám ơn ông. Cứ 6 tháng quỹ Graham-Newman của ông lại xuất bản danh mục đầu tư ra công chúng, và y đã kiếm hàng trăm nghìn mỹ kim nhờ vào tất cả các ý tưởng đầu tư trong danh mục của ông ấy.”
Từ đó, ngài Schloss thề là không bao giờ tiết lộ danh mục đầu tư của mình cho bất kỳ ai cả. Điều đó không công bằng với các cổ đông hiện hữu của ông, và với chính ông. “Chúng tôi đã làm việc cật lực để có những ý tưởng đó. Chúng tôi không muốn đưa không nó cho người khác. Như thế thì không công bằng cho các nhà đầu tư” – ông khẳng định.
Không dấn thân vào những lĩnh vực ngoài tầm hiểu biết
Khi được hỏi ông có bán khống chứng khoán (short-sell), hay đầu tư vào hàng hóa (commodities) không, ông cũng trả lời khiêm tốn rằng mỗi khi ông thử vào những thứ ấy, thì lại thất bại cay đắng – nên ông chỉ tập trung đầu tư vào cổ phiếu rẻ, và đa dạng hóa tối đa.
Khi một nhà đầu tư kiếm lời lớn, thành công nhiều năm trên thị trường – anh ta hầu như sẽ vướng vào một căn bệnh “tự cho rằng mình biết tất cả”. Anh ta sẽ dễ dàng lấn sân các lĩnh vực anh ta không có kinh nghiệm và kết cục là thua lỗ đau đớn.
Với những thứ quá phức tạp, lựa chọn tốt của Schloss là bỏ qua – vì ông hiểu rất rõ vòng tròn hiểu biết của mình. Ông hiểu đến nỗi cả ngài Buffett cũng phải nể phục ông vì sự kiên định đó.
V. Một vài thông điệp cho các nhà đầu tư giá trị
Ngài Walter Schloss từ trần vào đầu xuân 2012, để lại một tấm gương về sự cẩn trọng, hiểu rõ bản thân và tinh thần trách nhiệm kiên quyết không để mất tiền của các nhà đầu tư tin tưởng vào ông.
Dù S.A.F.E team chúng tôi, cũng như Warren Buffett, không có cùng phương pháp tiếp cận và quản lý danh mục đầu tư giống ông. Song khi nhìn đến thành quả phi thường mà ông mang lại sau hơn 50 năm, quả thực chúng tôi không thể không “cúi đầu thán phục”.
Qua cuộc đời có tuổi thơ bất hạnh và một kết thúc có hậu của ngài Schloss, chúng tôi muốn gửi gắm một vài thông điệp cho các nhà đầu tư giá trị thông minh chúng ta:
Thứ nhất, nguyên tắc tối thượng trong đầu tư chứng khoán là không để mất tiền. Khi đã đảm bảo được mục tiêu này, tự khắc lợi nhuận (lãi kép) sẽ đến với ta trong tương lai một cách từ tốn.
Thứ hai, với nhiều doanh nghiệp chất lượng thấp và các công ty mà ta không hiểu rõ, việc chú trọng đến tài sản thay vì con số lợi nhuận dễ bị xào nấu là một lựa chọn khôn ngoan hơn.
Thứ ba, đa dạng hóa danh mục đầu tư giúp một nhà đầu tư cá nhân tiêu biểu giảm thiểu được rủi ro vi mô đáng kể. Trong trường hợp vốn liếng nhỏ, một danh mục từ 6-8 cổ phiếu có thể là một sự phân bổ hợp lý trên quan điểm của chúng tôi.
Cuối cùng, không nên cố gắng bán ngay đỉnh, cần bảo toàn vốn bằng cách bán từng phần; cũng như không nên tiết lộ danh mục đầu tư và lấn sân sang các lĩnh vực ta chưa có kinh nghiệm.
Trước khi lìa đời, Schloss có nói về các người bạn cũ – những nhà đầu tư thượng đẳng (superinvestors) rằng: “Có lẽ điểm chung duy nhất của đám học trò Graham chúng tôi là không có ai mất tiền cả. Chúng tôi hoàn toàn hành động theo lý trí. Chúng tôi không bị cảm xúc lấn át khi mọi thứ chống lại chúng tôi – và Warren là một ví dụ kinh điển cho điều đó. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đều là những người tốt, và trung thực. Đó mới thực sự là điều quan trọng nhất!”
Nguồn: newslettervietnam
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town (sách dành cho các nhà đầu tư giá trị kiểu Warren Bufffett)