William O’Neil kiếm tiền bằng CANSLIM như thế nào?
Không nổi danh lẫy lừng trên các phương tiện truyền thông nhiều như nhiều tên tuổi khác, William O’Neil thành công và gắn bó cả cuộc đời với thị trường chứng khoán như một nhà nghiên cứu và tư vấn tài ba. Hầu hết tất cả những thành quả nghiên cứu của ông đều có tính ứng dụng vô cùng lớn.
Những thành công trong công việc môi giới cũng như đầu tư tài chính đã đưa ông đến quyết định thành lập một công ty môi giới, William O’Neil & Co., Inc – vào năm 1963. Ở độ tuổi 30, O’Neil trở thành người trẻ nhất từng mua một chỗ trong sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE). Từ năm 1962 đến 1964 với phương pháp chọn cổ phiếu đơn giản kết hợp phân tích biểu đồ đã giúp tài khoản chứng khoán của ông tăng lên tới trên 20 lần.
Sau khi thành công trên thị trường chứng khoán, ông đã lập ra thêm một tờ nhật báo tài chính quốc gia với tên gọi là Investor’s Daily William O’Neil, sau này trở thành tờ Investor’s Business Daily vào năm 1991. Hiện nay, ông vẫn là CEO của William O’Neil & Co., là chủ tịch và chủ bút của tờ Investor’s Business Daily, ngoài ra còn thường xuyên viết và giảng bài về các chủ đề liên quan đến đầu tư trên khắp nước Mỹ.
Vào tháng 2/2010, một nhánh của công ty William O’Neil + Co. Inc được tách ra thành O’Neil Securities, Inc chuyên phục vụ dịch vụ môi giới chuyên nghiệp cho nhà đầu tư tổ chức.
Về quan điểm, kiểu đầu tư của ông chỉ là tìm kiếm những cổ phiếu tăng trưởng có tiềm năng tăng giá nhanh nhất kể từ thời điểm mua vào theo phương châm đúc kết “mua con mạnh, bán con yếu”.
Nhờ cách thức nghiên cứu cẩn thận trong đầu tư này mà các khách hàng chịu khó nghe những lời tư vấn từ ông đã từng đạt tỷ lệ sinh lới gấp hai lần chỉ số S&P 500, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Mỹ. Và tất nhiên, nguyên tắc đầu tư của ông chỉ gói gọn trong 5 điều cơ bản dưới đây:
1. William O’Neil: Tìm các cổ phiếu có sự gia tăng lợi nhuận dần đều
William O’Neil từng nhận định rằng, hầu hết các cổ phiếu tốt đều có sự tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với cùng quý năm trước đó (ví dụ như quý 3/2024 bạn phải so sánh với quý 3/2023) và tỷ lệ tăng càng cao thì chứng tỏ cổ phiếu càng có nhiều triển vọng. Theo ông, các nhà đầu tư trước khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu cần xem xét tới sự gia tăng mạnh mẽ lợi nhuận của cổ phiếu đó, cụ thể là mức tăng trưởng của lãi ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) tối thiểu trong 3 – 6 tháng gần nhất.
Theo bậc thầy đầu tư, cổ phiếu tốt tăng trưởng bền vững là cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận đều đặn trong vòng 3 hoặc 5 năm trước đó. Các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận sau thuế hàng năm ổn định và đạt trên 20 -25%, tuy nhiên nên chú ý tới chu kỳ kinh doanh của từng ngành, từng công ty. Đối với William O’Neil, tiêu chí này có thể giúp nhà đầu tư loại bỏ khoảng 80% các cổ phiếu tồi.
Bên cạnh đó, William O’Neil cũng đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu được công ty mua lại và cổ phiếu của các công ty có tỷ lệ nợ dài hạn trên vốn tự có vừa phải, bởi theo ông thì tỷ lệ này càng cao bao nhiêu công ty sẽ càng phải đương đầu với áp lực trả lãi trong tương lai nhiều bấy nhiêu.
Để có được sự chính xác về mức gia tăng lợi nhuận, nhà đầu tư cần nghiên cứu tất cả các thông tin liên quan đến công ty mà họ muốn đầu tư. Các thông tin này bao gồm lịch sử và đặc điểm của công ty, tình hình tài chính, các chi tiết của đợt phát hành cổ phiếu và tổ chức bảo lãnh phát hành cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể tìm các thông tin này trong báo cáo tài chính của công ty hoặc từ các công ty dịch vụ tư vấn đầu tư. Các quyết định đầu tư chỉ nên đưa ra khi bạn đã có đủ cơ sở thông tin về cổ phiếu cũng như về mức tăng trưởng lãi ròng hàng năm.
2. William O’Neil: Nghiên cứu kĩ các nhân tố nội tại của doanh nghiệp
Những nghiên cứu của William O’Neil chỉ ra rằng giá cổ phiếu tăng sẽ bắt nguồn từ một số nhân tố nội tại nào đó. Những nhân tố này thường là tập trung doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, sản phẩm mới của công ty, ban giám đốc mới, phương thức quản lý mới của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Do vậy, sẽ không bao giờ thừa nếu các nhà đầu tư quan tâm đến những nhân tố nội tại này. Nếu xét thấy những nhân tố này có sự ổn định, không có biểu hiện đột biến theo chiều hướng xấu, thì đó sẽ là một cổ phiếu có nhiều triển vọng tăng trưởng trên thị trường chứng khoán.
3. William O’Neil: Quan sát quan hệ cung cầu của cổ phiếu
Nguyên tắc cơ bản về mối quan hệ cung và cầu cũng được áp dụng với thị trường chứng khoán. Đây là quy luật tối thượng và quan trọng hơn nhiều so với ý kiến của tất cả các nhà phân tích phố Wall, bất kể họ tốt nghiệp các trường đại học danh giá, họ vị cao, hay chỉ số IQ cao như thế nào.
Giá của một cổ phiêu có 5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành sẽ khó nhúc nhích vì nguồn cung quá lớn. Cần phải có lực cầu (hay khối lượng cầu) rất lớn mới đủ sức tạo ra đợt tăng giá mạnh ở loại cổ phiếu này. Trong khi đó, chỉ cần một lực mua vừa phải cũng đủ đẩy giá của một cổ phiếu có 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành tăng mạnh vì nguồn cung nhỏ hơn rất nhiều.
Vì thế, nếu bạn đang lựa chọn giữa hai cổ phiếu này để mua: một cổ phiếu có 5 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và một cổ phiếu có 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, thông thường cổ phiếu có số lượng cổ phiếu
đang lưu hành nhỏ hơn sẽ dễ dàng tăng giá mạnh hơn, nếu như tất cả các yếu tố khác đều như nhau. Tuy nhiên, vì cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ hơn ít thanh khoản hơn, nên chúng cũng dễ dàng giảm mạnh giống như khi chúng tăng giá mạnh, thậm chí đôi khi tốc độ giảm còn nhanh hơn. Nói cách khác, cơ hội lớn luôn đi kèm với rủi ro cao hơn.
Cách tốt nhất để đo lường lực cung và lực cầu của một cổ phiếu là quan sát khối lượng giao dịch hàng ngày. Khi một cổ phiếu tạo điểm phá vỡ thoát ra khỏi nền giá tốt khối lượng giao dịch nên tăng ít nhất là 40% hoặc 50% so với mức bình thường. Trong nhiều trường hợp, khối lượng thậm chí tăng 100% hoặc cao hơn nữa, cho thấy lực mua mạnh mẽ và giá chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng. Việc sử dụng đồ thị ngày, đồ thị tuần và đồ thị tháng giúp bạn phân tích và giải thích hành động giá và khối lượng của cổ phiếu.
Khi giá của một cổ phiếu đang xảy ra hiện tượng kéo ngược, bạn nên nhìn thấy sự cạn kiệt về thanh khoản ở một số thời điểm như là bằng chứng cho thấy không có thêm áp lực bán đổ vào thị trường (nguồn cung). Khi cổ phiếu đang tăng giá, trong hầu hết các trường hợp, bạn muốn nhìn thấy khối lượng tăng, như là bằng chứng cho thấy lực mua từ các nhà đầu tư tổ chức, chứ không đơn thuần chỉ là của các nhà đầu tư cá nhân.
4. William O’Neil: Chọn những cổ phiếu đầu bảng của ngành
Mọi người có khuynh hướng mua cổ phiếu mà họ cảm thấy tốt hoặc an tâm. Nhưng trong một thị trường tăng giá được chi phối bởi các cổ phiếu dẫn dắt năng động khiến nhiều người phải ngạc nhiên về khả năng tăng giá, việc lựa chọn cổ phiếu dựa trên sở thích thường khiến bạn mua phải các cổ phiếu tệ hại nhất, hay gọi là các cổ phiếu bị thị trường lãng quên.
Giả sử khi bạn nhìn trên bảng đồ nhiệt và bạn thấy dòng tiền đang tập trung vào nhóm ngành Viễn Thông. Nếu bạn mua công ty tốt nhất trong ngành và chọn đúng thời điểm mua, bạn sẽ có cơ hội đón
được con sóng tăng giá mạnh. Nhưng nếu như bạn mua một cổ phiếu chưa tăng giá nhiều, hoặc thậm chí là giảm giá (điều khiến nhiều người nghĩ đó là một món hời và an toàn), khả năng bạn đã chọn một cổ phiếu tồi, ít có tiềm năng tăng giá mạnh. Lý do đơn giản vì đây là cổ phiếu tồi nhất trong ngành.
Đừng tỏ ra hời hợt khi đầu tư cổ phiếu, tức mua cổ phiếu bạn thích vì lý do gì cũng được. Hãy đào sâu, thực hiện một số nghiên cứu khám phá và tìm ra nguyên nhân gì khiến một số cổ phiếu lại tăng giá nhiều hơn các cổ phiếu khác. Bạn hoàn toàn có thể làm điều này nếu chăm chỉ nghiên cứu.
William O’Neil cho rằng, nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chỉ nên mua 2 hay 3 cổ phiếu tốt nhất trong nhóm những cổ phiếu đầu dẫn đầu thu hút dòng tiền hiện tại, còn lại nên dành tiền cho những cổ phiếu có khả năng sinh lời trong tương lai. Ðặc biệt, các nhà đầu tư cần tránh mua những cổ phiếu có mức tăng trưởng cao nhưng không bền vững, chẳng hạn như cổ phiếu lên giá theo trào lưu, theo sự kiện nổi bật… bởi vì các cổ phiếu này được đánh giá là những cổ phiếu tụt hậu, không sớm thì muộn cũng mất giá.
5. William O’Neil: Xem đồ thị chứng khoán mỗi khi rảnh rỗi
Yếu tố thị trường chung là rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cổ phiếu. Ngay cả khi bạn đã đúng ở 6 yếu tố trong chữ cái Canslim, nhưng nếu bạn nhận định sai về xu hướng thị trường chung (ví dụ mua trong xu hướng thị trường chung đang giảm giá), xác suất 75% cổ phiếu của bạn cũng sẽ sụt giảm theo xu hướng thị trường chung. Giao dịch ngược xu hướng thị trường chung sẽ khiến bạn mất rất nhiều tiền. Phương pháp xác định xu hướng thị trường chung mà William O’Neil đã phát hiện và phát triển trong suốt nhiều năm qua, là mấu chốt quan trọng để đầu tư thành công, mà bạn sẽ được khám phá trong cuốn sách Làm giàu từ chứng khoán.
Nguồn: Tri thức trẻ
Có thể bạn quan tâm
Bộ sách Làm Giàu Từ Chứng Khoán (phiên bản mới) + Hướng Dẫn Thực Hành CANSLIM
(Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu)