50 bước đi tài chính cá nhân thông minh (Phần 3)
Phần cuối của 50 bước đi tài chính thông minh sẽ khiến bạn ngạc nhiên bởi những quyết định tưởng chừng không liên quan gì nhưng lại là những lý do sâu xa, giúp bạn đạt được tự do tài chính. Xem lại:
50 bước đi tài chính cá nhân thông minh (Phần 1)
50 bước đi tài chính cá nhân thông minh (Phần 2)
33. Hãy nói “không” hợp lý
Đôi khi bạn phải bảo vệ được tài chính của mình trước khi giúp đỡ người khác.
Nếu việc hỗ trợ gia đình buộc bạn phải chịu nợ hoặc tiết kiệm cùng, hãy lý giải lịch sự rằng bạn có thể giúp bằng cách khác chứ không phải cho tiền mặt.
34. Chuẩn bị giúp đỡ cha mẹ già
Những người dù ở lứa tuổi 20, 30 hay 40 đều sẽ phải giúp đỡ cha mẹ mình khi họ về già.
Điều này bao gồm hỗ trợ tài chính, chia sẻ nhà ở. Một khảo sát của Coldwell Banker Real Estatse cho thấy, 1/3 số người mua đang có xu hướng chọn loại nhà phù hợp cho nhiều thế hệ sinh sống.
35. Tránh dùng chung tài khoản tín dụng
Các thành viên trong gia đình thường ký chung một thẻ tín dụng để có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến trách nhiệm tài chính phức tạp sau này.
Một người nợ có thể ảnh hưởng đến tình hình tín dụng của những người còn lại. Do đó, tốt nhất là bạn không nên dùng chung tài khoản với bất kỳ ai.
36. Nói chuyện thẳng thắn
Nếu bạn không chắc chắn về kỳ vọng hỗ trợ tài chính của cha mẹ hoặc các thành viên khác trong gia đình, hãy ngồi xuống và cùng nhau thảo luận.
Một cuộc nói chuyện thân mật, trung thực về những gì đang cần, kỳ vọng và khả năng tối đa sẽ tránh được những hiểu lầm sau này.
37. Sống đơn giản hơn
Cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất đã mang cuộc sống của chúng ta quay về với thói quen đơn giản. Những món đồ tự làm, nấu ăn thậm chí cắt tóc tại nhà lại trở nên phổ biến.
Một số thay đổi nhỏ trong cách sống như đi xe đạp thay vì lái ô tô tới công sở có thể làm giảm đáng kể chi phí hàng tháng.
38. Tìm những thói quen tiết kiệm hơn
Thăm công viên công cộng, đi bộ, vào thăm bảo tàng miễn phí và các hoạt động cộng đồng hoàn toàn có thể thay thế được những chuyến đi du lịch đắt tiền.
39. Lên kế hoạch cho bữa ăn hàng tuần
Thực phẩm là một trong những danh mục có thể thay đổi bất ngờ nhất, dễ chán ăn và muốn đi nhà hàng.
Để tránh cái bẫy này, các bà nội trợ hãy thử lên kế hoạch cho bữa ăn trong tuần kế tiếp, nhờ đó sẽ sử dụng thực phẩm dễ dàng và hiệu quả hơn.
40. Thiết lập các mục tiêu tài chính chung
Nếu bạn đã có vợ hoặc chồng thì lên kế hoạch tài chính không thể hoàn thành một mình được.
Hãy cùng nhau thiết lập mục tiêu tài chính chung, nhờ đó có thể giảm tối đa xung đột trong chi tiêu hàng ngày.
41. Tự bảo hiểm cho chính mình
Phần lớn những người thuê và cho thuê nhà đều ít khi mua bảo hiểm cho căn hộ của mình.
Bảo hiểm cho thuê và thuê nhà có thể là cứu tinh trong cuộc đời bạn nếu có tình huống xấu xảy ra như thảm họa thiên nhiên, trộm cắp….
42. Hãy chắc chắn rằng mình đã sẵn sàng có em bé
Theo thống kê, trẻ em sẽ tiêu tốn của cha mẹ khoảng 250.000 USD cho đến tuổi 18, chưa bao gồm học phí.
Những người chuẩn bị làm cha mẹ nên chuẩn bị trước bằng việc tiết kiệm dần dần, bỏ qua món hàng chưa cần thiết và tìm ra giải pháp chăm sóc trẻ mà không bị rối loạn giữa công việc và gia đình.
43. Mua bảo hiểm nhân thọ
Không ai muốn bàn về cái chết nhưng một khi bạn chịu trách nhiệm chăm sóc con em hoặc có ai đó phụ thuộc, việc mua bảo hiểm nhân thọ kèm theo một di chúc viết sẵn sẽ rất cần thiết.
Một chính sách bảo hiểm lên tới 1 triệu USD chỉ tiêu tốn 800 USD mỗi năm đối với người trên 30 tuổi.
44. Dùng ít sản phẩm hơn
Cắt giảm những sản phẩm làm sạch, làm đẹp đắt tiền như nước hoa, nước thơm có thể giúp bạn tiết kiệm thêm cũng như bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, nếu khéo tay, bạn hãy thử tự làm một số loại nước tẩy tế bào chết cho riêng mình dựa theo những công thức sẵn có trên mạng.
45. Hủy bỏ đăng ký nhận catalog
Không chỉ vì catalog cám dỗ bạn mua những thứ không cần, chúng còn sử dụng rất nhiều giấy, rồi sau đó đi thẳng vào thùng rác.
Hãy nói với các nhà bán lẻ rằng bạn không muốn nhận catalog nữa hoặc nên sử dụng website, email để làm công việc này.
46. Giúp nhà vệ sinh hoạt động hiệu quả hơn
Thả một chai soda chứa đầy nước hoặc cát vào trong bệ chứa nước xả có thể giảm hóa đơn tiền nước của bạn nhanh chóng.
47. Phản hồi công ty thông qua mạng xã hội
Các công ty ngày càng chú ý hơn đến phương tiện truyền thông vì số lượng khách hàng phàn nàn thông qua blog, mạng xã hội đang gia tăng.
Nếu đã trải qua dịch vụ khách hàng truyền thống mà không có hiệu quả, bạn hãy lên tiếng trên mạng Internet để thu hút sự chú ý của họ.
48. Rút phích cắm các thiết bị điện
Một số thiết bị điện như hộp thu sóng, ti vi vẫn tiêu thụ điện ngay cả khi chúng đã tắt.
Do đó, để giảm hóa đơn điện hàng tháng, bạn hãy rút phích cắm hoặc dùng một thiết bị thông minh tự ngắt điện khi các thiết bị không sử dụng.
49. Cùng làm từ thiện
Nếu bạn muốn đóng góp cho tổ chức từ thiện nhưng ngân sách lại eo hẹp thì đây là giải pháp.
Một nhóm bạn góp tiền và tham gia tình nguyện cùng nhau sẽ mang lại lợi ích cho cả xã hội cũng như bản thân họ.
50. Từ thiện phi tài chính
Những bộ quần áo, đồ chơi đã qua sử dụng, thậm chí cả việc hiến máu đều có ích như là quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện.
Ngoài ra, bạn còn có thể giúp ngôi nhà mình trở nên gọn gàng hơn.
Theo vnexpress.net
Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live