Học cách tiết kiệm tiền thông minh
Hiện tại đang là thời kỳ thịnh hành của chủ nghĩa tiêu dùng. Những câu như “không muốn bạc đãi mình”, “đời người ngắn ngủi, phải tận hưởng được hết thú vui trên nhân gian” đều là những cái bẫy tâm lý nhằm kích cầu, khiến chúng ta điên cuồng mua sắm. Nếu nghe theo, chính là bạn đã ngốc nghếch tự chui đầu vào bẫy.
Nhiều người tự hỏi: “Tôi có nên tiết kiệm tiền khi còn trẻ không?”. Có rất nhiều quan điểm về vấn đề này, nhưng hãy thử đặt mình vào trường hợp:
Người thân hoặc chính mình gặp biến cố phải vào viện, cần một khoản tiền lớn để chữa trị. Lúc đó trên người bạn không có đồng nào, đành đi vay mượn người thân và bạn bè, rồi phải chịu vô số lời chế giễu và mỉa mai. Lúc đó, liệu bạn có ước rằng, phải chi mình biết dành dụm tiền từ sớm hơn?
Bạn có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, nhưng cần bỏ ra một khoản tiền để tham gia chương trình đào tạo trong giai đoạn đầu. Thế nhưng, vì chẳng có nổi một đồng tích cóp nên bạn không thể tham gia, phải đứng nhìn cơ hội rơi vào tay người khác, bạn có buồn không?
Bạn đang đi làm hàng ngày, nếu một ngày công ty tuyên bố phá sản hoặc sa thải bạn và bạn thì không có bất cứ khoản tiền nào để dự phòng, bạn nghĩ mình nên sống thế nào trong thời gian tìm công việc mới?
Có thể trong mắt bạn, đây là những trường hợp chỉ 0,01% những người trên thế giới này gặp phải, có thể những điều tồi tệ này sẽ chẳng bao giờ xảy ra với bạn đâu. Nhưng bạn có biết rằng, cái để phân biệt người xuất chúng và kẻ tầm thường nằm ở khả năng nhìn trước tương lai và phòng hộ rủi ro của họ.
Bạn muốn là một người xuất chúng tương lai làm chủ đồng tiền và vận mệnh của chính mình hay chỉ là kẻ đi làm kiếm đồng lương để sống qua ngày? Câu trả lời đang nằm ở chính bản thân bạn!
Gợi ý số 1: Áp dụng nguyên tắc 6 chiếc hũ chi tiêu
Hãy chia tiền của bạn thành 6 cái lọ hoặc 6 tài khoản ngân hàng, hay còn gọi là 6 quỹ tài chính. Bạn lưu ý, 6 quỹ này hoàn toàn tách biệt với nhau. Mỗi khi có tiền (lương, thưởng, hoặc bất kể nguồn thu nhập nào) hãy chia khoản tiền này vào ngay 6 quỹ. Việc này cần kỷ luật và nỗ lực đều đặn, để sớm hình thành thói quen tốt cho bạn:
1. Quỹ tự do tài chính = 10%
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn mà không nhất thiết phải làm việc hay phụ thuộc tài chính vào người khác. Nhiều người có thể về hưu sớm là nhờ họ được tự do tài chính.
Bạn không được tiêu tiền trong quỹ này, tiền của quỹ này chỉ được dùng để đầu tư và tạo ra thu nhập thu động cho bạn. Lập quỹ này cũng giống như bạn nuôi một con ngỗng để nó đẻ trứng vàng cho bạn, vì thế bạn tuyệt đối không được ăn thịt ngỗng (tức là không được tiêu tiền trong quỹ) nếu bạn không muốn nhận một quả trứng nào ở tương lai.
2. Tiết kiệm dài hạn = 10%
Quỹ này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Ban đầu, bạn nên chia số tiền 10% tổng thu nhập này thành hai phần bằng nhau cho hai mục đích
Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (có giá trị tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) thì có thể cất riêng khoản này ra và tập trung cho những mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua ôtô, hay phụ giúp gia đình.
3. Giáo dục đào tạo = 10%
Bạn dùng quỹ này để phát triển bản thân: tham gia các lớp học, hội thảo, mua sách vở… Bạn nên nhớ, cách đầu tư tốt nhất chính là đầu tư vào học tập. Nếu bạn không phát triển có nghĩa là bạn đang chết.
4. Nhu cầu thiết yếu = 55%
Quỹ này giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống: ăn uống, xăng xe đi lại, điện thoại, các hóa đơn điện nước, quần áo và các chi phí khác.
Nếu bạn không thể sống với 55% thu nhập của mình thì hoặc là bạn cần gia tăng thu nhập hoặc là bạn cần đơn giản cuộc sống, ví dụ thay vì đi taxi, bạn hãy đi xe buýt, thay vì ăn ngoài thì tự nấu ăn ở nhà với những thực phẩm bình dân.
5. Hưởng thụ = 10%
Hãy dùng quỹ này để chăm sóc bản thân, giúp bạn được hưởng cảm giác của người thành công và giàu có: ví dụ ăn những món sang trọng đắt tiền, đến những nơi bạn chưa từng đến, đi spa, đi nghe hòa nhạc…
Bạn nên tiêu hết tiền của quỹ này ngay khi một tháng kết thúc. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được hưởng một dịch vụ đắt đỏ hơn, muốn đi một chuyến du lịch xa hơn, bạn có thể tiết kiệm quỹ này trong một quý trước khi sử dụng.
6. Giúp đỡ người khác = 5%
Quỹ này dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè…, như một cách thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Sống cũng có nghĩa là sẻ chia, hãy học cách cho đi để nhận lại nhiều hơn.
Gợi ý số 2: Định vị 4 vòng
Nhà sử học Tư Mã Thiên từng nói trong “Hóa Thực Liệt Truyện”: “Vô tài tác lực, thiểu hữu đấu trí, kí nhiêu tranh thì”.
Câu này có nghĩa là, khi chưa có tài sản, bạn chỉ có thể dùng sức lực của mình để kiếm tiền. Tiếp đó, bạn cần liên tục học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, từ đó thăng tiến, nâng lương. Sau này khi sức lực đã suy giảm, sử dụng trí tuệ của mình để kiếm tiền. Có thể thông qua ý tưởng, các mối quan hệ, các kênh khác nhau rộng khắp để tăng tiến tài sản của mình.
Phương pháp định vị 4 vòng gồm 4 điều như sau:
– Đam mê: Chỉ khi thật sự yêu thích một thứ gì, mới có thể hết lòng cống hiến, kiên trì theo đuổi, không bỏ cuộc vì thất bại.
– Khác biệt: Ta có những kỹ năng mà người khác không có, làm những thứ mà người khác không làm.
– Nhu cầu thị trường: Thị trường có nhu cầu và ta có thể đáp ứng được nhu cầu này.
– Khả năng: Bạn có tay nghề cao, hiểu biết rộng về một lĩnh vực nhất định nào đó.
Trong một bài phỏng vấn, nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Warren Buffett đã khuyên những người muốn thành công rằng: “Khoản đầu tư tốt nhất chính là đầu tư cho chính bản thân mình. Không kẻ nào có thể cướp nó từ anh. Học hỏi để khiến bản thân mình giỏi hơn, tốt hơn. Ta chỉ sống có một lần, đừng đợi đến 50 tuổi mới hối tiếc vì ít học”.
Chúng ta đang sống trong thời đại mọi thứ biến đổi vô cùng nhanh chóng. Chỉ một giây ngừng học hỏi, bạn sẽ bị bỏ lại, đặc biệt là khi bạn đang ở trong guồng quay của cuộc sống đô thị.
Cách tiết kiệm tiền thông minh nhất chính là học cách tiêu tiền. Đừng để bản thân phải trả những khoản học phí quá đắt vì tiêu xài phung phí, đầu tư hay kinh doanh thua lỗ bạn mới bắt đầu quay lại những câu hỏi ngu ngơ như: tiền là gì, tiền tốt hay xấu, sử dụng tiền thế nào cho đúng, tiết kiệm ra sao mới gọi là thông minh,…
Lúc đó, biết đâu chừng những người có cùng xuất phát điểm như bạn đã sớm đạt được tự do tài chính. Sống cuộc đời mà bạn ao ước đạt được.
Người sống trên đời, luôn phải có đường lui cho mình. Những người trẻ tuổi càng phải hiểu rõ điều đó. Quản lý tài chính tốt, biết đầu tư cho bản thân chính là đường lui tốt nhất của bạn.
Happy Live tổng hợp
Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững