Những cơ hội và rủi ro khi tham gia thị trường chứng khoán.
Có rất nhiều loại tài sản bạn có thể lựa chọn để đầu tư như chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu kho bạc Mỹ, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, doanh nghiệp tư nhân, vàng, bạc,…. danh sách kéo dài đến bất tận. Tuy nhiên nếu kiểm tra lợi nhuận từ chỉ số của toàn bộ thị trường chứng khoán trong hơn 100 năm qua, bạn sẽ nhận thấy cổ phiếu đem lại lợi nhuận cao hơn phần lớn các loại tài sản dễ tiếp cận khác.
Không những vậy, đầu tư chứng khoán còn đem lại nhiều cơ hội và lợi ích cho những ai biết tận dụng, hãy cùng xem đó là những cơ hội gì nhé!
1. Hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá.
Hiển nhiên đây là điều mà khi đầu tư chứng khoán ai cũng kì vọng. Khi công ty tăng trưởng tốt, giá cổ phiếu thường sẽ tăng cao và kéo theo là đem lại lợi nhuận từ chênh lệch giá cho những ai nắm cổ phiếu công ty. Ví dụ bạn mua cổ phiếu Vinamilk (VNM) ngày 26/12/2016 với giá 120.000đ/cổ phiếu. Tới thời điểm 6/7/2017, giá cổ phiếu là 157.000đ/cổ phiếu. Lợi nhuận như thế nào bạn hoàn toàn có thể tự tính được.
2. Nhận cổ tức hàng năm
Nhiều nhà đầu tư chỉ chú trọng đến chênh lệch giá mà quên đi cổ tức của công ty trong khi đây mới thực sự là nguồn thu nhập thụ động của bạn. Nhiều công ty khi làm ăn tốt có chính sách chi trả cổ tức hàng năm cho các cổ đông ( là người nắm giữ cổ phiếu của công ty) từ phần lợi nhuận của doanh nghiệp. Ví dụ nếu bạn sở hữu cổ phiếu của công ty Cơ điện lạnh ( REE), chưa bàn tới việc tăng giá cổ phiếu, bạn nhận được cổ tức khá đều đặn hàng năm từ năm 2011 đến nay với tỉ lệ 16%, không tệ chút nào phải không?
3. Tiền của bạn không bị ‘bốc hơi’
Với việc lạm phát tăng nhanh vào thời điểm hiện tại, thực tế tiền của bạn đang ‘bốc hơi’ mỗi ngày khi bạn cất chúng trong tủ hay trong ngân hàng ( kể cả khi bạn gửi tiết kiệm vì lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang ngày càng thấp hơn so với chỉ số lạm phát – tiền lãi bạn thu được thấp hơn so với số tiền “bị bốc hơi” của bạn). Đầu tư chứng khoán sẽ giúp chúng ta bảo vệ được giá trị tài sản của mình.
4. Nắm giữ và tham gia vào quản trị công ty
Khi bạn mua cổ phiếu của 1 công ty tức là bạn đang là chủ sở hữu 1 phần của công ty đó. Bạn nắm giữ càng nhiều cổ phiếu thì bạn càng có ảnh hưởng tới các quyết định của công ty về kinh doanh, nhân sự, định hướng,…
5. Mua bán dễ dàng, không đòi hỏi vốn lớn
Có rất nhiều kênh đầu tư khác hiện nay như bất động sản, vàng, ngoại tệ,…Nhưng chúng đều đòi hỏi bạn phải có 1 nguồn vốn tương đối ( đặc biệt là bất động sản) hoặc việc mua bán không dễ dàng chút nào. Đối với chứng khoán, chỉ cần vài cú click chuột là bạn hoàn toàn có thể giao dịch trên thị trường. Trong khi vốn để bắt đầu đầu tư chứng khoán có thể dưới 1.000.000đ . Ví dụ chỉ cần 200.000đ là bạn có thể sở hữu 10 cổ phiếu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và 10 cổ phiếu của Tập đoàn FLC rồi.
6. Luôn có cơ hội trên thị trường
Mặc dù có thể thị trường chung giảm hoặc tăng theo từng giai đoạn, nhưng mỗi cổ phiếu lại có thể có xu hướng khác nhau. Thị trường chung tăng trưởng tốt đương nhiên là bạn sẽ có rất nhiều cổ phiếu lựa chọn để đầu tư, nhưng kể cả khi thị trường suy giảm, cơ hội vẫn luôn xuất hiện trong số hằng trăm cổ phiếu.
Tất nhiên đi kèm với lợi nhuận luôn là rủi ro. Có lẽ chỉ cần search google : “lợi nhuận đầu tư chứng khoán” hay “lợi ích đầu tư chứng khoán” bạn sẽ nhận được cả triệu kết quả như là kiếm được bao nhiêu tiền, rồi bao nhiêu phần trăm 1 năm,…. kèm theo các chuyện kiếm tiền tỉ, giàu có từ chứng khoán.
Hãy quên tất cả chúng đi vì thực tế đầu tư chứng khoán không hoàn toàn dễ dàng như vậy, nhất là khi bạn không có kiến thức đầu tư và được hướng dẫn bài bản. Dưới đây là 1 số rủi ro cơ bản:
1. Rủi ro do tính thanh khoản thấp
Bạn có thể thấy tính thanh khoản (là việc có nhiều người mua và người bán sẵn sàng tham gia trao đổi mua bán cổ phiếu hay không- nói cách khác là bạn có dễ dàng mua bán cổ phiếu đó trên thị trường hay không) của toàn thị trường là khá cao nhưng với mỗi mã cổ phiếu thì tính thanh khoản lại khác nhau.
Ví dụ tính thanh khoản của cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hoà Phát) thường trên 1 triệu cổ phiếu 1 ngày nhưng với cổ phiếu HCT (Công ty Dịch vụ Vận tải Xi măng Hải Phòng) thì có những tuần thậm chí còn không có giao dịch. Thử tưởng tượng bạn nắm trong tay 1 lượng cổ phiếu lớn và không thể bán được trên thị trường trong 1 thời gian dài vì không có người mua??
2. Rủi ro từ thông tin
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá là có tính minh bạch thấp, các báo cáo tài chính thường xảy ra hiện tượng gian lận, việc này đòi hỏi các nhà đầu tư chứng khoán phải tìm hiểu rất kỹ và tìm cách phân biệt giữa những gì “người ta muốn cho mình thấy” và những gì “mình cần thấy”.
3. Rủi ro từ chất lượng và quy định của Công ty môi giới chứng khoán
các công ty chứng khoán có rất nhiều quy định và ràng buộc khi bạn mở tài khoản ( như về call margin, kí qũy,…) Vì vậy hãy xem xét và cân nhắc kĩ khi đọc hợp đồng vì chúng có ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư của bạn
4. Rủi ro từ các biến động thị trường
Đây được xem như là 1 trong những rủi ro chính và chiếm phần lớn đối với các nhà đầu tư. Thực sự thị trường chứng khoán hầu như luôn có những đợt biến động mạnh từ các tin tức như chiến tranh, giá dầu, lãi suất, phá giá tiền tệ … kéo theo đó là sự giảm giá hay lên xuống thất thường của thị trường. nên hãy luôn chuẩn bị tinh thần đón nhận.
Mặc dù vậy có những đợt giảm giá chứng khoán rất mạnh trong ngắn hạn lại là một cơ hội kiếm lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm hay đem đến cơ hội mua cổ phiếu với giá rẻ.
Ngoài ra còn nhiều những rủi ro khác nữa chưa thể liệt kê hết được. Tuy nhiên nếu bạn được trang bị những kiến thức đầu tư thực sự hiệu quả và được hướng dẫn 1 cách bài bản, bạn hoàn toàn không những có thể tránh được những rủi ro trên mà còn có thể kiếm được lợi nhuận lớn từ chính rủi ro.
Nguồn: dautuchungkhoanaz.com
Có thể bạn quan tâm