8 chiến lược đỉnh cao gia tăng tối đa năng suất làm việc của nhân viên
Năng suất làm việc của nhân viên tỷ lệ thuận với lợi nhuân gia tăng của doanh nghiệp. Dưới đây là 8 chiến lược đỉnh cao tăng tối đa năng suất làm việc của nhân viên:
1. Quan tâm đến yếu tố văn hóa công ty trong các chiến lược tuyển dụng
Zappos nổi tiếng với văn hóa tuyển dụng nhân viên như 1 quá trình kết bạn chứ không phải là quy trình tuyển dụng điển hình. Nhân viên tương lai được sàng lọc kỹ càng trước để xác định mức độ phù hợp của họ với giá trị cốt lõi của “đại gia đình” Zappos. Theo Zappos, sàng lọc những nhân viên phù hợp với văn hóa công ty sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho quá trình tuyển dụng và đào tạo.
Hơn nữa, một nhân viên phù hợp với văn hóa công ty của bạn có khả năng tiếp thêm sinh lực cho các nhân viên khác, và điều này sẽ giúp cải thiện động lực và năng suất của cả nhóm.
2. Nâng cao năng lực nhân viên bằng các khóa đào tạo
Sau khi được sàng lọc và tuyển dụng thì đào tạo nhân viên là công việc quan trọng tiếp theo cần được thực hiện để đảm bảo năng suất làm việc của nhân viên.
Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí Khoa học và Nghiên cứu Quốc tế (International Journal of Science and Research) cho thấy tất cả nhân viên và người quản lý đều được hưởng lợi từ các khóa đào tạo với nhiều cơ hội nâng cao kiến thức và các kỹ năng. Các khóa đào tạo hiệu quả sẽ giúp năng suất làm việc được nâng lên đáng kể.
3. Khuyến khích sự tự chủ của nhân viên
Vào tháng 2 năm 2015, Robby Slaughter – một chuyên gia về năng suất lao động đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Cách tốt nhất để cải thiện năng suất là khuyến khích các cá nhân tự quản lý thời gian và nguồn lực của chính họ”.Để làm được như vậy, các nhà quản lý phải tin tưởng nhân viện để họ có một sự tự do nhất định trong quản lý các hoạt động hàng ngày và cung cấp cho họ những chỉ dẫn cần thiết thay vì phải liên tục giám sát và cầm tay chỉ việc.
Học cách “buông bỏ” và cho phép nhân viên của bạn nắm quyền kiểm soát có thể giúp bạn tránh khỏi một vòng luẩn quẩn phổ biến: các sếp quản lý nhân viên bằng phương thức phàn nàn – nhân viên lo lắng và năng suất giảm – sếp lại tiếp tục phàn nàn.
4. Hướng về tương lai với các thông điệp rõ ràng
Giao tiếp là chìa khóa để thành công. Nếu hai bên nhân viên và doanh nghiệp không thể giao tiếp với nhau thì mọi sự việc sẽ trở nên bế tắc thực sự. Do đó, những nhà quản lý hãy đầu tư công sức để truyền đạt hiệu quả kỳ vọng và trách nhiệm rõ ràng cho nhân viên. Kết quả của việc làm này là một lực lượng lao động có năng suất vì họ biết được tầm quan trọng của những việc mình làm.
Hãy cố gắng tập trung vào tương lai — thay vì cố gắng “sửa lỗi” cho những vấn đề trong quá khứ.
5. Khuyến khích nhân viên tự chăm sóc bản thân
Có một sự thật hiển nhiên rằng nếu nhân viên của bạn bị stress hoặc mệt mỏi quá độ, họ sẽ không thể giúp bạn hoàn thành các công việc một cách hiệu quả.
Vì vậy, hãy khuyến khích nhân viên ở tất cả các cấp chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thân của chính họ. Công ty sẽ hỗ trợ nhân viên thực hiện điều đó bằng việc cố gắng xây dựng văn hóa lành mạnh, cởi mở và chuyên nghiệp:
- Lắng nghe nhân viên
- Cho nhân viên những góp ý mang tính xây dựng
- Tạo cho nhân viên những công việc thách thức để giúp họ thể hiện và nâng cao năng lực
- Thiết lập hệ thống đánh giá với những thông số rõ ràng
6. Cho phép nhân viên làm việc từ xa
Những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này đã chỉ ra rất nhiều kết quả thú vị. Người lao động được tạo cơ hội làm việc từ xa hiệu quả hơn, họ dành nhiều thời gian hơn cho công việc, nghỉ ít ốm hơn, thực hiện tốt hơn và nói chung tham gia nhiều hơn vào công việc. Tất cả điều này dẫn đến tiết kiệm chi phí đáng kể cho các doanh nghiệp.
Từ năm 2012 đến năm 2016, Gallup báo cáo số lượng nhân viên làm việc từ xa đã tăng từ 39% lên 43%. Và một cuộc khảo sát về Global Workplace Analytics cho thấy tổng số công việc được hoàn thành từ xa đã tăng 103% chỉ riêng đối với các nhân viên có hợp đồng chính thức với doanh nghiệp.
7. Đừng chặn nhân viên truy cập vào mạng xã hội
Nhân viên sử dụng mạng xã hội vì nhiều lý do. Với một số người đó là cách để họ xả stress nhưng cũng có những người khác sử dụng các công cụ này để như một phương tiện giao tiếp chuyên nghiệp với các đối tượng mục tiêu. Dù nhân viên sử dụng mạng xã hội với mục đích gì đi chăng nữa thì việc chặn các kết nối cũng sẽ là một hành vi làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần họ. Thông điệp “ngầm” của hành động này là sự thiếu tin tưởng vào nhân viên.
Một nghiên cứu của Evolv phát hiện ra rằng các trang mạng xã hội giúp người dùng trở nên đa nhiệm hơn, đem đến năng suất tổng thể hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn trong công việc của họ. Và nhân viên hạnh phúc sẽ có năng suất làm việc cao hơn.
8. Tăng sự hài lòng của nhân viên với các đặc quyền tuyệt vời
Những “gã khổng lồ” làng công nghệ như Google và Facebook luôn hiểu tầm quan trọng của sự hài lòng của nhân viên với công việc. Các công ty này nổi tiếng với các dịch vụ như phòng mát-xa, khoang ngủ và salon tóc cho nhân viên để đảm bảo nhân viên luôn hài lòng với môi trường làm việc và công ty.
Bạn không cần phải là một “cường quốc” ở Thung lũng Silicon để cung cấp cung cấp những đặc quyền độc đáo giúp gia tăng sự hài lòng của nhân viên. Tùy theo ngân sách công ty, hãy nghĩ đến những chi tiết đơn giản nhưng hiệu quả như các công ty dưới đây:
- Twillo cung cấp cho nhân viên một Kindle và một khoản trợ cấp hàng tháng để mua sách
- Burton cung cấp thẻ trượt tuyết miễn phí
- REI cung cấp cho nhân viên hai ngày nghỉ để làm những điều yêu thích của họ bên ngoài
- Nhân viên Tesla tiết kiệm tới 35% cho vé xem phim
- NutraClick trợ cấp nhân viên với chi phí phòng tập thể dục
Nguồn: HR Insider Vietnamworks
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU