Lĩnh hội tinh hoa từ những trader THÀNH CÔNG NHẤT mọi thời đại – Đây là những gì họ làm…
Việc lắng nghe chia sẻ của những người thành công nhất, rồi áp dụng những ý tưởng giúp họ vượt qua những cuộc chiến khó khăn nhất và làm theo lời khuyên của họ có thể mang lại những giá trị ý nghĩa cho trader chúng ta. Khi bạn lần theo bước chân của các trader giỏi nhất và kết hợp ý tưởng của họ với các giao dịch của riêng mình, bạn đã tạo ra một sự khác biệt rất lớn. Sau đây là bài chia sẻ của tác giả Rolf trên trang web tradeciety.com để mọi người tham khảo nhé!
Quản lý thua lỗ và rủi ro
Rõ ràng là trong mỗi cuốn sách giao dịch, việc xử lý thua lỗ và quản lý rủi ro luôn được đặt lên hàng đầu. Không quan trọng là bạn đang lắng nghe lời khuyên của trader nào, mọi trader hàng đầu đều dành một sự chú trọng lớn vào tầm quan trọng của việc thua sao cho hiệu quả và có phương pháp quản lý rủi ro tốt.
- “Tôi có xu hướng cắt giảm các giao dịch tệ càng sớm càng tốt, quên chúng đi, và sau đó chuyển sang các cơ hội mới. Các yếu tố của việc giao dịch hiệu quả là: (1) cắt lỗ; (2) cắt lỗ; và (3) cắt lỗ. Nếu bạn làm theo ba quy tắc này, bạn có thể sẽ có cơ hội.” – Ed Seykota
- “Một mất mát không bao giờ làm phiền tôi khi tôi đã chấp nhận nó. Tôi sẽ quên nó qua một đêm. Nhưng sai lầm – không chấp nhận thua lỗ – đó mới là những gì gây thiệt hại cho túi tiền và tinh thần của bạn.” – Jesse Livermore
- “Nguyên tắc quan trọng nhất của đầu tư là chơi một cách phòng thủ, chứ không phải tấn công hết mình. Mỗi ngày tôi cho rằng mọi vị thế tôi có đều là sai. Hãy luôn tự hỏi bản thân mình cũng như khả năng của mình. Đừng bao giờ cảm thấy mình quá giỏi. Nếu vậy, bạn sẽ toi ngay. Hãy luôn duy trì cảm giác tự tin của bạn, nhưng phải luôn theo dõi nó.” – Paul Tudor Jones
- “Kiểm soát rủi ro là điều quan trọng nhất trong trading. Nếu bạn có một vị thế thua lỗ khiến bạn cảm thấy khó chịu, giải pháp rất đơn giản: Thoát ra ngoài, bởi vì bạn luôn có thể quay trở lại.” – Paul Tudor Jones
- “Bạn luôn nên chuẩn bị trước cho một trường hợp xấu nhất. Sự lựa chọn duy nhất nên là thoát ra ngoài nhanh hơn.” – Richard Dennis
- “Hãy đặt dừng lỗ của bạn tại một điểm mà nếu chạm tới, nó sẽ chỉ ra một cách hợp lý rằng giao dịch đó là sai, chứ không phải tại một điểm được xác định chủ yếu bởi số tiền tối đa bạn sẵn sàng mất.” – Bruce Kovner
- “Nguyên tắc đầu tiên của trading – có lẽ có rất nhiều quy tắc đầu tiên – đó là đừng bị cuốn vào một tình huống mà bạn có thể mất rất nhiều tiền vì những lý do mà bạn không hiểu.” – Bruce Kovner
Mẫu số chung trong số tất cả các nhận định trên đó là việc cắt lỗ nhanh và chuyển sang giao dịch tiếp theo là điều cần thiết. Đừng mãi đeo bám vào những trade thua; một giao dịch đơn lẻ hoàn toàn vô nghĩa đối với cả một sự nghiệp của bạn với tư cách là một trader, nhưng hầu hết mọi người đều để cho thua lỗ vượt xa tầm kiểm soát và họ sẽ để cho một trade thua đơn lẻ có tầm ảnh hưởng đáng kể đến số dư tài khoản giao dịch.
Hơn nữa, hãy tôn trọng điểm dừng lỗ của bạn và luôn đặt nó ở ngưỡng chứng tỏ rằng ý tưởng giao dịch của bạn đã sai, chứ không chỉ dựa trên các mục tiêu liên quan đến tiền hoặc để đạt được một tỷ lệ risk:reward nhất định nào đó.
Cảm xúc và tư duy
Sự ổn định về mặt cảm xúc và tính kỷ luật là nền tảng mà một trader cần phải có để có thể xây dựng nên phương pháp giao dịch của mình. Mất đi khả năng kiểm soát cảm xúc và để cảm xúc đưa ra các quyết định giao dịch bốc đồng, thì kể cả những hệ thống giao dịch tốt nhất hay phương pháp quản lý rủi ro xịn nhất cũng coi như vô ích. Ý tôi là, bạn chính là mắt xích yếu nhất trong hệ thống giao dịch của mình đấy!
- “Tôi thực sự cảm thấy rằng tôi có thể tiết lộ mọi bí mật của mình và cũng chẳng tạo ra sự khác biệt nào. Hầu hết mọi người đều không thể kiểm soát cảm xúc của mình hoặc tuân theo một hệ thống.” – Linda Raschke
- “Thị trường không bao giờ sai – chỉ có ý kiến mới thường sai mà thôi.” – Jesse Livermore
- “Tôi không để bị cuốn vào một tình huống khiến mình mất thời gian và không ý thức được những thứ khác.” – Ray Daliio
- “Nếu bạn tranh cãi với thị trường, bạn sẽ thua.” – Larry Hite
- “Yếu tố tâm lý trong đầu tư có 5 lĩnh vực. Chúng bao gồm một cuộc sống cá nhân vẹn toàn, một thái độ tích cực, động lực để kiếm tiền, không có xung đột [chẳng hạn như tâm lý nôn nao về thành công] và trách nhiệm trước mọi kết quả.” – Dr. Van K. Tharp
- “Thật khó để biết thị trường sẽ làm gì; nếu bạn không biết bạn sẽ làm những gì, bạn sẽ thua cuộc trong trò chơi.” Alexander Elder
Những câu nói này nhấn mạnh một thực tế rằng, trước khi tham gia vào hệ thống giao dịch của mình và cố gắng điều chỉnh mức dừng lỗ hoặc chốt lời, bạn phải tuân thủ kỷ luật của mình.
Lý do tại sao bạn lại không thấy được kết quả như mình mong muốn, không phải vì bạn đang sử dụng sai chỉ báo hay chọn sai setup, mà rất có thể vì bạn không thể làm chủ được cảm xúc khi giao dịch.
Phát triển và tự hoàn thiện
Trading là một trò chơi hiệu suất và chỉ có những ai xuất sắc nhất mới có thể leo lên hàng top và trụ lại ở đó. Các trader chuyên nghiệp làm việc rất siêng năng và thường bị ám ảnh bởi trading, trong khi đó, các trader nghiệp dư tầm trung thường cắt giảm thời gian giao dịch của họ để lướt qua các khung thời gian khác nhau nhằm săn kèo thơm hoặc đọc hết diễn đàn này đến diễn đàn nọ để cố gắng tìm ra một hệ thống tốt hơn. Dân chuyên sẽ hiểu rằng họ cần thực sự tham gia vào công việc và rằng việc học là không có hồi kết.
- “Những trader thành công liên tuc tự hỏi bản thân họ: Tôi đang làm đúng điều gì? Tôi đang làm sai điều gì? Làm sao tôi có thể làm tốt hơn những gì mà tôi đang làm? Làm sao tôi có thể có được nhiều thông tin hơn?” – Bill Lipschutz
- “Tôi thực sự coi trọng sự thật rằng tôi đã học cách giao dịch như một nghề nghiệp. Giống như bất kỳ công việc nào, chẳng hạn như chơi piano, sự hoàn hảo là thứ khá mơ hồ – Tôi không bao giờ chơi được một bản nhạc một cách hoàn hảo, và tôi sẽ không bao giờ mua đáy và bán đỉnh – nhưng sự nhất quán là có thể đạt được nếu bạn luyện tập ngày này qua ngày khác.” – Linda Raschke
- “Tôi đã học được rằng mỗi sai lầm có lẽ là sự phản ánh của một điều gì đó mà tôi đã làm sai, vì vậy nếu tôi có thể tìm ra đó là điều gì, tôi sẽ có thể học được cách trở nên hiệu quả hơn. Tôi đã học được rằng việc vật lộn với những vấn đề, sai lầm và điểm yếu của mình là sự rèn luyện củng cố nên tôi mỗi ngày. Ngoài ra, tôi đã học được rằng chính nỗi đau của môn “đấu vật” này đã khiến tôi và những người xung quanh đánh giá cao những thành công của chúng tôi.” – Ray Dalio
- “Nếu bạn không làm việc cực kỳ chăm chỉ, thì việc bạn trở thành một trader giỏi là điều cực kỳ khó xảy ra.” – Bruce Kovner
- “Việc nhận ra rằng bạn chịu trách nhiệm cho kết quả của mình sẽ là chìa khoá để đầu tư thành công. Những người chiến thắng biết rằng họ phải chịu trách nhiệm về kết quả của họ; còn những kẻ thua cuộc lại cho rằng họ không cần phải chịu trách nhiệm.” – Dr. Van K. Tharp
Ngay lúc này đây, hãy tự mình xem xét cách bạn giao dịch và tự hỏi:
Liệu bạn đã làm mọi thứ có thể chưa? Bạn có nỗ lực làm việc mà lẽ ra bạn nên nỗ lực? Bạn có liên tục làm việc với các kỹ năng giao dịch của mình và xem xét các giao dịch để xây dựng lợi thế của mình? Hay bạn chỉ là đang đi loanh quanh đâu đó và là một trong những người nhảy từ hệ thống này sang hệ thống khác, những người không thể phá bỏ ảo tưởng rằng một ngày nào đó, họ sẽ vấp ngã vào một hệ thống giao dịch chén thánh bất khả chiến bại nào đó?
Thêm một vài mẹo giao dịch khác
Ở đây, tôi đã tập hợp các câu nói hay về giao dịch thuộc các phạm trù khác nhau cùng với một vài lời khuyên thiết thực cho các bạn.
- “Tôi luôn xem lại checklist (danh sách kiểm tra) của mình. Đó là một tờ giấy viết bằng tay bằng plastic và được dán vào góc bên phải của bàn làm việc, nơi tôi không thể phớt lờ nó.” – Marty Schwartz
Marty Schwartz, người đã kiếm được hàng triệu đô la, vậy mà vẫn sử dụng một checklist vật lý để kiểm soát giao dịch của mình và để tránh phạm sai lầm. Nếu một trong những trader giỏi nhất trong lịch sử còn không thể trade mà thiếu đi một checklisst, vậy bạn thì sao?
- “Hệ thống không cần phải thay đổi. Bí quyết là ở chỗ trader phải phát triển một hệ thống mà anh ta tương thích.” – Ed Seykota
Một hệ thống không phải là thứ mà bạn mua được từ một trang web nào đó và sau đó chỉ cần làm y xì theo hướng dẫn là được. Một hệ thống giao dịch là một cấu trúc phức tạp và nó phải được điều chỉnh theo điểm mạnh, điểm yếu cũng như tư duy của chính bạn.
- “Tiền được tạo ra bằng cách ngồi yên một chỗ, chứ không phải giao dịch.” – Jesse Livermore
Livermore đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và chờ đợi; chờ đợi setup đúng và thời điểm thích hợp để tham gia vào thị trường, chờ thời cơ chín mùi để làm điều gì đó và kiên nhẫn trước các thời điểm thoát lệnh. Mọi người luôn cảm thấy rằng họ “buộc phải làm gì đó” và cứ thế, cứ động tay là dời stop loss, động tay là dời take profit và liên tục đi vào quản lý các giao dịch một cách tiểu tiết không cần thiết.
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z