Ả-rập Xê-út tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng dầu/ngày cho tới cuối năm
Trong ngày 05/09, Ả-rập Xê-út thông báo sẽ kéo dài đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm nay.
Theo đó, sản lượng dầu thô của Ả-rập Xê-út sẽ ở mức gần 9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, 11 và 12/2023, đồng thời sẽ được đánh giá lại hàng tháng.
Lúc đầu, quốc gia dầu mỏ này chỉ định cắt giảm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7/2023, nhưng sau đó đã kéo dài thêm. Trước đó, các quốc gia khác trong OPEC cũng tự nguyện cắt giảm tổng cộng 1.66 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm 2024.
Về phía Nga, nước này cũng cam kết cắt giảm lượng dầu thô xuất khẩu khoảng 500,000 thùng/ngày trong tháng 8/2023 và 300,000 thùng/ngày trong tháng 9/2023.
Ngày 05/09, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết sẽ kéo dài đợt cắt giảm xuất khẩu 300,000 thùng/ngày cho tới cuối năm 2023 và cũng sẽ đánh giá lại hàng tháng.
Đây đều là các đợt cắt giảm tự nguyện vì chúng nằm ngoài chính sách chính thức của liên minh OPEC+. Trước đó, Tổng Thư ký OPEC Haitham al-Ghais cho biết việc các quốc gia tự nguyên cắt giảm thêm sản lượng không thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ liên minh OPEC+.
Sau thông tin trên, hợp đồng dầu Brent giao tháng 11/2023 tăng hơn 1% lên 90.07 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI ở mức 86.95 USD/thùng.
Gần đây, giá dầu được thúc đẩy bởi rủi ro an ninh ở Gabon và mối đe dọa gián đoạn nguồn cung ở Vịnh Mexico sau cơn bão Idalia. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến nguồn cung sẽ thắt chặt hơn trong nửa cuối năm 2023 khi nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Ả-rập Xê-út đang phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ để hỗ trợ một số dự án lớn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Việc cắt giảm sản lượng dầu thô và giá dầu giảm vào đầu năm nay đã khiến GDP của Ả-rập Xê-út chậm lại, với mức tăng 1.1% trong quý 2, giảm từ mức 3.8% trong quý trước và 11.2% trong cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, yếu tố ảnh hưởng là Ả-rập Xê-út đang dần mất thị phần vào tay Nga và Iran – những nước sản xuất dầu thô có chất lượng tương tự như Ả-rập Xê-út và chủ yếu hướng xuất khẩu sang Trung Quốc với mức giá chiết khấu cao.
Jorge Leon, Chuyên gia gia cấp cao của Rystad Energy, cho biết: “Tác động của việc cắt giảm này đối với lạm phát và chính sách kinh tế ở phương Tây là khó dự đoán, nhưng giá dầu cao hơn sẽ chỉ làm tăng khả năng thắt chặt chính sách mạnh hơn để kiểm soát lạm phát”.
Tiến Phát