fbpx

Acecook Việt Nam: Thương hiệu được tạo nên từ sự kết hợp Việt – Nhật

30 năm đầu tư tại Việt Nam, Acecook đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng với những thế mạnh về kinh nghiệm sản xuất thực phẩm, công ty đã bứt phá trở thành doanh nghiệp mì ăn liền hàng đầu tại đây.

Những khó khăn ngày đầu khai phá thị trường

Năm 1993 là một trong những dấu mốc quan trọng cho sự phát triển mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam và Nhật Bản, cũng là năm Acecook quyết định đầu tư vào ngành hàng mì ăn liền tại Việt Nam.

Ông Kajiwara Junichi – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Acecook Việt Nam chia sẻ, lúc đó, Việt Nam vừa mới mở cửa, kinh tế thị trường còn sơ khai nhưng công ty đánh giá đây là một thị trường tiềm năng nên quyết định qua thăm dò, tìm hiểu.

“Ngay từ khi đến Việt Nam, sự hiếu khách và thân thiện cũng như tinh thần hăng say học hỏi của người dân nơi đây đã tạo cho chúng tôi sự yêu mến và niềm tin sau này Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi đánh giá đây là một nơi tiềm năng để Acecook có thể phát huy những thế mạnh tích lũy nhiều năm của một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Nhật Bản nên quyết định đầu tư”, ông Kajiwara Junichi cho biết.

Acecook Việt Nam: Thương hiệu được tạo nên từ sự kết hợp Việt - Nhật - 1

Thử thách lớn nhất mà Acecook phải trải qua trong thời gian đầu là bài toán giá. Ban đầu, công ty ứng dụng công nghệ và sử dụng nguyên liệu của Nhật Bản nên giá thành sản phẩm rất cao so với giá mì gói chung trên thị trường nên bán chậm.

Tiết giảm chi phí mà không giảm chất lượng là bài toán khó mà Acecook cần phải giải. Công ty đã tìm đến các nhà cung cấp nguyên liệu tại Nhật Bản, nhờ họ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí cho các nhà cung cấp Việt Nam, mặt khác cũng hỗ trợ họ một phần trong việc nâng cấp một số thiết bị, máy móc, hệ thống nhà máy theo chuẩn của Acecook.

Sau 5 năm thực hiện và chuyển đổi, đến năm 2000, Acecook Việt Nam đã có được những nhà cung cấp nguyên liệu trong nước tốt, đáp ứng nhu cầu và bắt đầu cân bằng về giá với thị trường.

Kế tiếp là khó khăn về khác biệt văn hóa. Công ty nhận ra cần phải tạo ra sản phẩm có hương vị phù hợp với người dân bản địa. Acecook đã trao nhiệm vụ tìm ra các hương vị yêu thích của người tiêu dùng cho chính đội ngũ nghiên cứu và phát triển sản phẩm là người Việt. Sự kết hợp “công nghệ Nhật Bản, hương vị Việt Nam” đã giúp tạo nên thương hiệu Acecook nổi tiếng như: mì Hảo Hảo vị tôm chua cay, bún Hằng Nga vị bún mắm hay hủ tiếu Nhịp Sống vị hủ tiếu Nam Vang…

Quả ngọt kết hợp từ sự kết hợp công nghệ Nhật và hương vị Việt

Acecook đang sở hữu 11 nhà máy, 6 chi nhánh trên toàn Việt Nam, mỗi nhà máy đều có chi phí đầu tư lên đến hàng chục triệu USD, với máy móc nhập khẩu hiện đại, các dây chuyền sản xuất có tỷ lệ tự động hóa hơn 90%, năng suất trung bình khoảng 600 gói mì mỗi phút/dây chuyền. Doanh thu của doanh nghiệp năm 2022 khoảng 14.000 tỷ đồng và cung cấp cho thị trường hơn 3 tỷ sản phẩm thực phẩm ăn liền mỗi năm.

Riêng mì ăn liền Hảo Hảo đang là sản phẩm bán chạy nhất Việt Nam trong nhiều năm. Đến cuối năm 2021, công ty đã bán được 30 tỷ gói mì Hảo Hảo, tương đương mức tiêu thụ bình quân hơn 1,4 tỷ gói/năm. Và trong nhiều năm liền, công ty luôn nằm trong top “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” với sự gắn bó, cống hiến của hơn 6.000 cán bộ công nhân viên.

Theo ông Kajiwara Junichi – Chủ tịch HĐQT Acecook Việt Nam, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển. Quan hệ hợp tác kinh tế là trọng tâm trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam – Nhật Bản nên các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có Acecook được hỗ trợ rất nhiều. Nhật Bản có thế mạnh về công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, có nguồn nhân lực trẻ dồi dào và chính sách kinh tế mở.

Sự hợp tác giữa hai quốc gia là sự hợp tác toàn diện và thúc đẩy nhiều đổi mới. Là một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm công nghiệp, Acecook Việt Nam cũng đang được hưởng lợi từ việc đầu tư xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền hiện đại, phát triển công nghệ nghiên cứu thực phẩm tại các khu công nghiệp, tuyển dụng đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Acecook Việt Nam: Thương hiệu được tạo nên từ sự kết hợp Việt - Nhật - 2

Chia sẻ về định hướng sắp tới của công ty, ông KaJiwara Junichi cho biết: “Với gần 100 triệu người tiêu dùng, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, phát triển lớn cho các doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng và thực phẩm. Bên cạnh đó, với dân số trẻ, thích ứng nhanh với sự thay đổi và xu hướng công nghệ hóa giúp doanh nghiệp tìm kiếm những cơ hội đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn.

Chúng tôi cũng đang định hướng hoàn thiện chuỗi cung ứng, áp dụng những công nghệ sản xuất mới để nâng cao năng lực sản xuất, không ngừng cải tiến lợi ích của sản phẩm, tối ưu hóa trong trải nghiệm của người tiêu dùng”.

Cũng theo ông KaJiwara Junichi, về mặt quản trị, Acecook đang định hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống, triển khai các hoạt động nhằm giảm rác thải nhựa, đẩy mạnh truyền thông về việc tái chế các sản phẩm từ nhựa, nâng cao ý thức dinh dưỡng cộng đồng để có được lối sống khỏe, cân bằng hơn.

Happy Live Team

Nguồn: Dantri

Có thể bạn quan tâm

post_web_hpl_294cd5cf8ac0441fba3b1785c948de2b_grande.jpg

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề