fbpx

“Aladin” Mark Zuckerberg và “thần đèn” Sheryl Sandberg của Facebook

Cả đời Mark Zuckerberg sẽ không thể nào quên được đêm Giáng sinh năm ấy, trong tiết trời cuối đông của vùng thung lũng Silicon, vận mệnh Facebook thay đổi. Như một chiếc xe gắn thêm động cơ phản lực, Facebook lao đi với tốc độ kinh hoàng.

Tháng 12/2007, tại bữa tiệc đêm Noel tại nhà Dan Rosensweig, COO của Yahoo!, Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, mạng xã hội chưa tròn ba tuổi và chỉ có 130 nhân viên đến dự với tâm thế của một người bạn gia chủ, không hơn không kém.

Anh không biết rằng đêm tiệc này cũng có một người phụ nữ giúp anh trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới, biến Facebook thành một nơi mà mọi người có thể sống cuộc đời khác.

Người đó là Sheryl Sandberg, Phó chủ tịch điều hành và bán hàng trực tuyến toàn cầu của Google lúc bấy giờ.

Chúng tôi đứng nói chuyện trong một tiếng đồng hồ“, Zuckerberg hồi tưởng lại cuộc nói chuyện đầu tiên với Sandberg. Ngay thời điểm đó, Zuckerberg biết công ty mình đang rất cần một COO (Chief Operating Officer – Giám đốc vận hành) và người đó không thể là ai khác ngoài Sheryl Sandberg.

Lúc ấy Mark Zuckerberg non nớt 23 tuổi, chỉ biết lập trình và tạo ra các sản phẩm. Còn Sheryl Sandberg 38 tuổi, dày dặn kinh nghiệm, đang làm trưởng bộ phận bán sản phẩm của Google. Trước đó, bà từng làm trưởng phòng Nhân sự Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Clinton, Chuyên gia tư vấn quản lý của McKinsey & Company và một nhà kinh tế học của Ngân hàng Thế giới.

Mark Zuckerberg chưa bao giờ nghĩ mình may mắn như vậy. Làm sao một người đang giữ chức phó giám đốc bộ phận bán hàng và hoạt động trực tuyến toàn cầu tại Google với hơn 4.000 nhân viên dưới quyền lại có thể bỏ việc để theo Facebook, một công ty “non xanh“, hoàn toàn chưa thu về một tí doanh thu nào và chỉ vỏn vẹn 130 nhân viên?

Dùng câu nói “đúng người đúng thời điểm” trong trường hợp này không thể chính xác hơn. Chính bản thân Sandberg trước đó đã có ý định rời khỏi Google nhưng không phải để đến Facebook. Cô đã nói chuyện với Donald Graham, Tổng giám đốc của công ty Post Washington về việc trở thành một nhà điều hành cấp cao tại tờ báo này.

Nhưng sau đêm tiệc Giáng Sinh, Zuckerberg đã gửi mail cho Sandberg và họ đã có cuộc hẹn ăn tối đầu tiên. Cả hai gặp nhau ở Flea Street Café, một quán gần ngã tư nhà của Sandberg ở Atherton. Nhưng sau đó họ nhận ra không gian nơi đó quá ngột ngạt, đông đúc. Hai người cần không gian riêng tư hơn nữa cho cuộc nói chuyện về tương lai của mạng xã hội thay đổi thế giới.

Thời điểm ấy nhà của Zuckerberg, người sáng lập Facebook lại quá nhỏ và không phù hợp với một cuộc nói chuyện quan trọng. Vì thế những cuộc hẹn về sau diễn ra tại căn hộ 6 phòng ngủ rộng rãi khang trang của Sandberg và chồng mình.

Mỗi tuần hai lần, ròng rã suốt 6 tuần, đều đặn là những buổi gặp mặt giữa hai con người: một “Aladin” đang tìm “thần đèn”, một “thần đèn” cũng đang tìm “ông chủ” có tầm nhìn, muốn dời non lấp bể.

Sandberg thường đi ngủ sớm và bắt đầu công việc lúc 5h 30 sáng nhưng suốt 6 tuần cô đều phải đưa Zuckerberg ra về vào lúc nửa đêm. Dave Goldberg, chồng cô, giám đốc điều hành của SurveyMonkey không thể không nghi ngờ mà thốt lên: “Nó thực sự giống như họ đang hẹn hò“.

Sáu tuần trôi qua, Sandberg quyết định gia nhập Facebook. Một hành trình khá gian nan khi cô phải mất đi nhiều mối quan hệ cho quyết định điên rồ của mình.

Đầu tiên cô gửi một lời từ chối nhẹ nhàng đến Donal Graham, Giám đốc tờ báo Post Washington. Có lẽ cô nhìn thấy tương lai tươi sáng của mạng xã hội hơn là một tờ tin tức.

Mùa đông năm ấy, Sandberg đã gặp Eric Schmidt, CEO của Google để nói về mong muốn làm một việc khác với vị trí bán sản phẩm trong công ty (chính xác vị trí cô nghĩ đến là COO Google).

Thế nhưng vị Chủ tịch lại gợi ý cho cô “chiếc ghế” giám đốc tài chính, một công việc mà cô đã từ chối vì không nghĩ rằng mình thích hợp. Sau đó cô hỏi một cách thẳng thắn về vị trí COO, nhưng đáp lại là quyết định giữ lại bộ ba Schmidt và hai người đồng sáng lập, Larry Page và Sergey Brin.

Mọi người ở Google vẫn cố thuyết phục cô ấy ở lại. Họ cố chứng minh rằng Facebook sẽ không để cô ấy có cơ hội tham gia vào ban giám đốc điều hành như những gì cô mong đợi.

Sandberg nói với mọi người rằng cô chọn Facebook bởi đó là công ty được điều khiển bởi các mối quan hệ bản năng và con người. Điểm mấu chốt mà Google không có. Ở Google, con người, khách hàng chỉ tương tác với nhau qua máy tính. Người hỏi và máy tính trả lời. Còn ở Facebook, con người trực tiếp tương tác với nhau.

Trong bối cảnh hỗn loạn giữa một bên quyết tâm ra đi và một bên cố gắng níu kéo, quan điểm trên của Sandberg dường như đã “đụng chạm tự ái” đến một số đồng nghiệp cũ của cô. Một quan chức cao cấp của Google cho biết: “Cô ấy có thể giải quyết sự ra đi của mình một cách nhẹ nhàng hơn là nói như vậy“.

Sandberg đã chấm dứt công việc tại Google sau 6 năm gắn bó vào mùa đông đó.

Vào tháng 2/2008, Zuckerberg đã kết luận rằng Sandberg là người sẽ nắm giữ chức COO của công ty này, đó là một mảnh ghép không thể hoàn hảo hơn.

Có những người thực sự quản lý tốt, người ấy có thể vận hành một tổ chức lớn. Và cũng có những người rất giỏi trong phân tích, tập trung vào chiến lược. Tiếc thay, hai loại này thường không nằm trong cùng một người“, Zuckerberg đã nhận ra Sandberg là một thái cực khác bù đắp cho chính mình.


Một số người thân trong gia đình Sandberg e ngại về việc cô quá chuyên nghiệp, xông xáo, khiến cho cánh mày râu nơi đây phải tự ái. Điều này khá dễ hiểu khi thung lũng Silicon luôn là nơi mà quyền lực lọt hết vào tay nam giới, họ luôn chiếm ưu thế. Chỉ có 25% kỹ sư ở Hoa Kỳ là nữ vì vậy họ rất ít khi được làm lãnh đạo.

Sandberg từng đặt cho Zuckerberg một câu hỏi, “Apple có một nữ lãnh đạo trong bảy người; Amazon một trong tám; Google hai trong chín. Tại sao hội đồng 5 thành viên của anh không có phụ nữ?

Giọng nói của Zuckerberg, vốn thường dõng dạc, mạnh bạo phút chốc hạ xuống thì thầm: “chúng tôi có một hội đồng quản trị rất nhỏ“, “tôi sẽ tìm những người tôi nghĩ là có ích, và tôi không đặc biệt quan tâm đến giới tính họ là gì hoặc họ đến từ công ty gì“, Mark Zuckerberg nói với Sheryl.


Nhưng sự yếu thế của phụ nữ không phải thứ mà Sandberg lo lắng. Vấn đề khiến cô bận tâm là tài chính. Không có tiền thì không thể gọi là công ty. Các kỹ sư của Google một thập kỷ trước hay của Twitter bây giờ, chủ yếu quan tâm đến việc xây dựng một trang web thực sự nhẹ nhàng, hấp dẫn. Còn lợi nhuận là điều quan trọng thì họ nghĩ nó sẽ tự tới sau.

Người dùng coi trang Facebook của họ là chốn riêng tư. Họ không muốn quảng cáo làm gián đoạn khi họ trò chuyện với bạn bè. Một số người tự hỏi Facebook chỉ là một thiên thạch và liệu nó cũng sẽ lóe sáng và rơi xuống một bãi đất hoang nào đó như Myspace đã từng.

Trong khi Sandberg đang xây dựng Facebook từ sở thích lười biếng, đầy cá tính của những con người chỉ lập trình và lập trình trở thành một ngành kinh doanh thực sự thì Mark Zuckerberg có quá nhiều tai tiếng. Anh giết một con dê theo cách tàn nhẫn: cắt cổ. Mark cũng tự ý mua lại Instagram mà không thông qua bất kỳ ai trong ban quản lý. Gã tóc xoăn lập dị này cũng bê bối, thiếu chuyên nghiệp đến nỗi từng đi gặp nhà đầu tư trong một chiếc áo khoác hoodie.

Sandberg thường xuyên họp hai lần một tuần với Zuckerberg, vào các buổi sáng thứ hai để lên kế hoạch cho một tuần làm việc và chiều thứ sáu để tổng kết. Xen kẽ là những cuộc họp 18-21h hàng ngày.

Tôi đi quanh phòng và hỏi mọi người ‘bạn nghĩ sao?‘ “, Sandberg nói. Cô ấy luôn hoan nghênh các cuộc tranh luận, đặc biệt về các vấn đề về doanh thu và quảng cáo.

Vào cuối mùa xuân năm đó, mọi nỗ lực của Sandberg đã được đền đáp. Mọi người đã đồng ý Facebook phải sống dựa vào quảng cáo và những quảng cáo này phải được trình bày tinh tế, kín đáo. Đến năm 2010, từ một công ty bị liên tục lỗ, nó đã có lãi khi Sandberg xuất hiện.

Trong vòng ba năm, Facebook đã tăng từ 130 nhân viên lên 250 người và từ 70 triệu người dùng lên 700 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Vào năm 2012, với tất cả những cống hiến và nỗ lực của mình, Sandberg chính thức trở thành người thứ 8 trong ban điều hành tại Facebook và cũng là người phụ nữ đầu tiên tại công ty nắm giữ chức vụ quan trọng. Việc này trái với tất cả những đồn đoán về tương lai mà những đồng nghiệp cũ của cô tại Google cảnh báo.


Sandberg bắt đầu làm việc tại Facebook vào tháng 3/2008, cô khởi đầu ngay với việc đặt câu hỏi và lắng nghe. “Cô ấy bước tới hàng trăm bàn làm việc của mọi người, cắt ngang cuộc nói chuyện của họ và nói, “Xin chào, tôi là Sheryl Sandberg“, Chris Cox, Phó giám đốc sản phẩm của Facebook nhớ lại. Lúc ấy, anh ta ngồi cạnh Zuckerberg.

“Đó là cử chỉ công khai như thể ‘OK, mọi người không cần phải dè chừng tôi. Tôi sẽ không nói gì lại với Mark. Tôi chỉ cố gắng để có mối quan hệ tốt với các bạn'”, Cox liên tưởng.

Giám đốc điều hành của Starbucks cũng nhận xét về người phụ nữ này: “Hầu hết người bạn gặp có trình độ cao có xu hướng muốn nói với bạn tất cả những điều họ đã làm và họ thông minh như thế nào hoặc họ muốn gây ấn tượng với bạn. Nhưng Sheryl không vậy“.

“Cô ấy xây dựng được niềm tin với mọi người vì cô ấy rất chân thành”, Mike Schroepfer, Kỹ sư trưởng tại Facebook nhận xét về Sandberg. “Mọi người có thể bị Mark hăm dọa, la lối nhưng Sheryl sẽ cắt ngang hành động ấy“, Bret Taylor, một kỹ sư khác cho biết.

Thậm chí cả Zuckerberg cũng biết ơn Sandberg với những gì cô có thể làm với một cách mềm mỏng, khác với vẻ bực dọc mà anh vẫn dùng để cư xử với những người xung quanh.

Cô ấy xử lý những việc mà tôi không muốn làm. Chẳng hạn như chiến lược quảng cáo, tuyển dụng và sa thải, quản lý và đối phó với các vấn đề chính trị. Tất cả những thứ đó nếu ở công ty khác, tôi đáng ra phải làm. Nhưng ở Facebook, nó được cô ấy đảm nhận và làm chúng tốt hơn“, Mark nói.


Hơn cả mối quan hệ “chủ nhân” và “thần đèn”, Zuckerberg và Sandberg thường chia sẻ với nhau nhiều thứ trong cuộc sống. Sandberg luôn có mặt mỗi khi Zuckerberg gây ra một lỗi lầm nào đó. Cô ở đó, trấn an, cho lời khuyên và cách giải quyết.

Nếu đã từng xem bộ phim nói về Facebook, “The social network” hẳn mọi người sẽ nhận ra những phân cảnh vào cuối ngày, trong không gian phòng làm việc không còn ai. Mark ngồi suy nghĩ về những rắc rối của chính anh. Ngay lúc đó Sandberg bước vào, đưa ra những lời khuyên, trấn an Mark.

Sandberg trong phim là thế, nhưng cô ở ngoài đời còn mạnh mẽ hơn. Cô cũng phản pháo về bộ phim “đậm chất điện ảnh viễn tưởng” của Hollywood. “Mark ngoài đời luôn vui vẻ, ngồi xung quanh những người bạn và gọi pizza“, Snadberg nói. Cô chốt lại việc bảo vệ “chủ nhân” của mình bằng câu “Ai sẽ dành hai giờ cuộc đời ra để xem bộ phim đó chứ?“.

“Cô ấy có thể trở thành giám đốc điều hành của bất kỳ công ty nào mà cô ấy muốn. Nhưng tôi nghĩ rằng cô ấy thực sự khao khát được tự tay làm tất cả mọi thứ và không nhất thiết lúc nào cũng phải là người đứng đầu“, Zuckerberg chia sẻ thêm về người phụ nữ đầy năng lượng này.

Theo: Zingnews

Các viết cùng chủ đề