Ấn Độ nhập ba triệu thùng dầu Nga
Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ đã mua ba triệu thùng dầu thô từ Nga để đảm bảo nhu cầu năng lượng, bất chấp áp lực từ phương Tây.
Một quan chức Ấn Độ giấu tên hôm 18/3 xác nhận thông tin này, cho biết New Delhi không áp đặt các biện pháp trừng phạt trong hoạt động mua dầu. Ông này khẳng định Ấn Độ sẽ mua thêm dầu từ Nga, bất chấp phản ứng của Mỹ và các nước phương Tây.
Mỹ, Anh và các đồng minh đang thúc giục Ấn Độ không mua dầu và khí đốt của Nga để phản ứng với chiến dịch quân sự tại Ukraine. Báo chí Ấn Độ cho biết Nga đang giảm giá dầu xuống thấp hơn 20% so với giá tiêu chuẩn toàn cầu.
Giá dầu thô tăng những tuần gần đây, tạo ra gánh nặng lớn cho các quốc gia như Ấn Độ, nơi phải nhập khẩu 85% lượng dầu tiêu thụ. Nhu cầu dầu của nước này dự kiến tăng 8,2% trong năm nay, lên 5,15 triệu thùng/ngày khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đầu tuần này cho biết việc Ấn Độ mua dầu của Nga sẽ không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng kêu gọi New Delhi “xem xét vai trò của mình trong lịch sử khi giao dịch với Nga”.
Khi phóng viên hỏi về việc mua dầu từ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết nhiều nước châu Âu vẫn nhập khẩu dầu và khí đốt của Moskva.
“Ấn Độ nhập khẩu hầu hết dầu để phục vụ nhu cầu của mình. Chúng tôi đang xem xét mọi khả năng trong thị trường năng lượng toàn cầu. Tôi không nghĩ Nga là bên cung cấp dầu lớn cho Ấn Độ”, Bagchi nói.
Iraq là nhà cung cấp hàng đầu của Ấn Độ với 27% thị phần. Arab Saudi đứng thứ hai với khoảng 17%, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với 13% và Mỹ với 9%.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt, loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn Moskva tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.
Mỹ đã cấm nhập dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga. Tuy nhiên, châu Âu vẫn đang tránh điều này, vì phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga ở mức độ lớn hơn nhiều so với Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) hiện nhập 40% khí đốt từ Nga. Nước này cũng cung cấp 27% dầu và 46% than nhập khẩu cho khối. Kim ngạch thương mại về năng lượng của EU với Nga trị giá hàng chục tỷ USD một năm.
Nguồn: vnexpress.net
Có thể bạn quan tâm