fbpx

Tỷ phú Andrew Carnegie: Làm giàu bằng con đường tự học

Vượt khó làm giàu bằng việc tự học, tỷ phú Andrew Carnegie nắm trong tay khối tài sản lớn nhưng dành hầu hết số tiền kiếm được làm từ thiện.

Vượt khó đi lên trở thành vua sắt thép của Mỹ

Tỷ phú Andrew Carnegie sinh năm 1835, tại vùng Dunfermlin, Scotland. Do cuộc sống khá khó khăn nên năm 1845, gia đình ông nhập cư sang Mỹ – vùng đất hứa của nhiều người châu Âu lúc bấy giờ nhằm thay đổi vận mệnh.

Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, Carnegie không được đến trường học do nhà nghèo. Thay vào đó, ông bắt đầu làm việc từ khá sớm. Trong quá trình làm việc, Carnegie sớm bộc lộ bản thân là người ham học, thông minh, sáng dạ khi học hỏi từ những người đi trước, người lớn tuổi hơn để có hiểu biết nhiều hơn.

Khi lớn lên, ông từng làm nhân viên điện báo và đường sắt ở Pittsburgh, sau đó đi lên từ Công ty đường sắt Pennsylvania. Khi cuộc nội chiến tại Mỹ nổ ra, ông được yêu cầu phụ trách mảng đường sắt và điện báo của chính phủ. Được giao phụ trách công việc quan trọng này, ông đã làm việc một cách chăm chỉ và xuất sắc.

Ông Carnegie đầu tư vào ngành đường sắt và thu về nguồn lợi nhuận lớn. Nối tiếp thành công, ông đầu tư vào ngành sản xuất sắt thép trước khi mở một công ty sản xuất sắt thép năm 1868. Kể từ khi thành lập, công ty sắt thép của Andrew Carnegie ngày càng ăn nên làm ra và giúp ông từng bước trở thành vua sắt thép của Mỹ. Sự nghiệp thành công, ông Carnegie nắm trong tay khối tài sản hàng tỷ USD. Ông trở thành người có thế lực và có nhiều ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác nhau.

Công thức thành công: “Ham học hỏi + năng khiếu kinh doanh”

Andrew Carnegie
Andrew Carnegie

Để trở thành một trong những người đàn ông giàu có và quyền lực, Andrew Carnegie là người ham học hỏi. Ông là người thông minh, rất ham học ngay cả khi không có điều kiện đến trường học. Vì vậy, nhiều kiến thức và hiểu biết mà ông có được đều do ông tự học và tự đọc qua sách vở. Ông cũng học hỏi những người lớn tuổi hơn, hiểu biết nhiều hơn. Thông qua việc tự học, Andrew Carnegie đã biết làm kế toán kép và phân tích tình hình tài chính và kinh doanh thông qua những con số kế toán.

Một trong những nhân tố giúp tỷ phú Andrew Carnegie thành công trong sự nghiệp là nhờ năng khiếu kinh doanh. Khi trong tay không có 600 USD để mua cổ phiếu công ty đường sắt, Carnegie đã không ngần ngại vay mượn tiền để mua chúng và liên tục theo dõi biến động thị trường cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu tăng, Carnegie bán lại chúng và thu về số tiền lên đến hàng chục nghìn USD.

Tỷ phú Carnegie cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng khi từ số vốn 2 triệu đầu tư vào ngành đường sắt. Nhưng chỉ sau hơn 1 năm, ông đã thu về hàng chục triệu USD.

Theo tỷ phú Carnegie, để chạm đến thành công, phải đảm bảo rằng những sản phẩm hay dịch vụ làm ra đều là những thứ tốt nhất. Với sản phẩm tốt, khách hàng hài lòng và nhân viên vui vẻ phục vụ hiệu quả hơn. Ông Carnegie luôn nỗ lực để tạo ra sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý của tất cả các nhà máy công nghiệp.

Quan tâm, đối xử tốt với người khác là một trong những bí quyết thành công của tỷ phú Carnegie. Nhận thấy người lao động là lực lượng quan trọng giúp công ty thành công nên ông luôn gây dựng mối quan hệ tốt với nhân viên và có phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp của họ. Từ đó, nhân viên tiếp tục đóng góp và công hiến nhiều hơn cho công ty.

Tỷ phú Carnegie còn chia sẻ “10 quy tắc thành công” và được nhà báo trẻ Napoleon Hill giới thiệu với bạn đọc qua cuốn sách “Think and grow rich” (Hãy suy nghĩ và làm giàu”). Dưới đây là tóm tắt nội dung 10 quy tắc đó:

Andrew Carnegie

1. Xác định mục đích

Lên kế hoạch hành động và bắt đầu làm việc hướng tới mục tiêu của bạn ngay lập tức.

2. Tạo ra “nhóm tham mưu”

Liên lạc và làm việc với những người ‘có những điều mà bạn không có’.

3. Làm nhiều hơn

Làm nhiều hơn mức yêu cầu cần thiết là điều duy nhất có thể giúp bạn tăng lương hoặc thăng chức, và khiến mọi người biết ơn bạn.

4. Tin tưởng

Tin vào mục đích và chính bản thân mình sẽ giúp bạn luôn hành động với sự tự tin.

5. Có sự chủ động cá nhân

Làm những gì phải làm mà không cần người khác nói.

6. “Nuông chiều” trí tưởng tượng

Dám nghĩ xa hơn những gì đã thực hiện được.

7. Nhiệt tình

Thái độ tích cực sẽ đưa bạn đến thành công và nhận được sự tôn trọng từ những người khác.

8. Suy nghĩ chính xác

Suy nghĩ chính xác là “khả năng tách biệt thực tế khỏi những điều tưởng tượng và sử dụng thích hợp với mối quan tâm hoặc các vấn đề của bạn”.

9. Tập trung vào những nỗ lực của bạn

Không bị sao lãng khỏi các nhiệm vụ quan trọng nhất mà bạn đang phải đối mặt.

10. Kiếm lợi từ thất bại

Hãy nhớ rằng “luôn có một lợi ích tương ứng với từng thất bại”.

Tỷ phú với tấm lòng bác ái

Tỷ phú với tấm lòng bác ái
Tỷ phú với tấm lòng bác ái

Mặc dù nắm trong tay khối tài sản khổng lồ nhưng tỷ phú Andrew Carnegie không chọn lối sống xa hoa, lãng phí. Thay vào đó, ông sống một cuộc đời đầy ý nghĩa khi dành phần lớn tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện.

Theo ước tính, ông Carnegie đã đóng góp 60 triệu USD cho gần 3.000 thư viện, 78 triệu USD cho giáo dục, tặng các giáo đường 7.000 đàn piano…

Là một người yêu sách, ham đọc sách từ nhỏ nên ông rất trân trọng các thư viện. Vì vậy, khi trở thành người thành đạt, ông đã quyên tặng những số tiền lớn để xây dựng thư viện ở nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada, Australia… để mọi người có thể đọc sách, tiếp cận tri thức và tăng hiểu biết.

Tỷ phú Carnegie còn quyên góp khoảng 5 triệu USD cho Thư viện Công cộng New York, giúp thư viện này mở thêm một số chi nhánh năm 1901. Ông cũng dành khá nhiều thời gian để giúp đỡ người khác.

Đặc biệt, tỷ phú Carnegie luôn tâm niệm: “Chết trong tiền bạc, giàu có là một cái chết vô nghĩa”!. Chính vì vậy, ông đã dành 18 năm của cuộc đời ông cho các hoạt động từ thiện ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, nghệ thuật và hòa bình thế giới. Những nghĩa cử cao đẹp của ông đã trở thành tượng đài bất hủ trong trái tim hàng triệu người.

Những câu nói mang đậm dấu ấn Andrew Carnegie

Trong suốt cuộc đời, tỷ phú Andrew Carnegie không chỉ ghi dấu bằng những thành công lớn trong sự nghiệp mà còn nổi tiếng với những câu nói huyền thoại. Dưới đây là một số câu nói kinh điển của ông:

“Khi tôi trưởng thành hơn, tôi không chú ý đến những gì một người nói. Tôi chỉ xem những gì họ làm”.

“Tôi không hiểu máy móc chạy bằng hơi nước, nhưng tôi cố gắng hiểu một cơ chế còn phức tạp hơn nhiều, đó chính là con người”.

“Tôi tin rằng cách phòng ngừa tranh cãi tốt nhất là công nhận khả năng và dành sự quan tâm chân thành đến người khác cũng như vui mừng trong sự thành công của họ… Không có hành động tốt nào lại bị cho là vô ích. Ngay cả đến giờ này, tôi thỉnh thoảng gặp những người đàn ông mà tôi đã quên và họ nhắc lại những sự quan tâm nho nhỏ mà tôi đã dành cho họ”.

“Tôi tin rằng con đường đúng để đạt được thành công xuất sắc ở bất kể ngành nào là trở thành người thông thạo trong ngành đó. Tôi không tin vào việc phung phí nguồn lực vào quá nhiều thứ. Và theo kinh nghiệm, tôi hiếm khi, nếu không nói là chưa bao giờ, gặp một người đàn ông thành công xuất sắc trong việc kiếm tiền mà lại quan tâm đến quá nhiều thứ. Còn đối với bản thân tôi, quyết định của tôi đã được đưa ra từ sớm. Tôi tập trung vào sản xuất thép và sẽ trở thành bậc thầy trong lĩnh vực này”.

“Nói với người ta, chứ không phải nói về họ. Hãy là chính bạn, đừng cố gắng trở thành một “người diễn thuyết”.

Theo: Baomoi

Các viết cùng chủ đề