fbpx

Andrew Nyquist: “Giải phẫu” hành trình đi tìm “tầm nhìn” của một trader

Sau đây là bài đăng trên trang seeitmarket.com của tác giả Andrew Nyquist – người sáng lập của trang web. Anh đã tích cực đầu tư trong hơn 15 năm, tập trung chủ yếu vào phân tích kỹ thuật và giao dịch theo xu hướng.

Blog, bài viết và đóng góp của anh đã xuất hiện trên nhiều trang web, bao gồm cả Yahoo! Finance, MarketWatch, Benzinga và Minyanville, nơi anh cũng đóng góp cho nền tảng giao dịch cao cấp của họ, Buzz & Banter.

Andrew cũng đã được phỏng vấn và trích dẫn trên nhiều phương tiện truyền thông, bao gồm cả Smartmoney thuộc sở hữu của Dow Jones & Company.

***​
Khi thị trường bắt đầu trở nên bất ổn cùng sự biến động, cảm xúc và sự không chắc chắn, thì tầm nhìn của một trader thực sự quan trọng.

Một số có thể than vãn, một số có thể khóc lóc, và thậm chí một số có thể bỏ cuộc, nhưng những cảm xúc đó sẽ không giúp bạn kiếm được lợi nhuận từ trading.

Để trở thành người giỏi nhất, bạn cần có khả năng thanh lọc tiếng ồn và tập trung vào việc xác định điểm vào lệnh tốt ở những cổ phiếu tốt, bất kể thị trường có đang tăng hay giảm.

Ví dụ: Khi tôi nhận thấy mô hình cờ đuôi nheo (pennant) kéo dài trong nhiều tuần của chỉ số S&P 500, tôi hiểu rằng, nó đang gửi một thông điệp tới những người tham gia thị trường rằng, động thái tiếp theo sẽ vừa lớn, vừa biến động.

Mặc dù thị trường đã chạy cách mức đáy được 15-20% và tâm lý thị trường đã tốt hơn, nhưng tôi biết rằng vẫn còn quá nhiều rủi ro khi tham gia vào thị trường. Vì vậy, tôi chỉ giao dịch nhỏ và chủ yếu vẫn để tiền ở ngoài thị trường.

Phân tích tỷ lệ Risk:Reward (rủi ro/phần thưởng) của tôi rất đơn giản: Một cú breakdown (phá vỡ xuống dưới) sẽ tiết kiệm cho tôi một khoản lỗ đáng kể, trong khi một cú breakout (phá vỡ lên trên) sẽ xác nhận cho một xu hướng tăng và tôi có thể nhảy vào lại thị trường, chỉ bỏ lỡ một phần nhỏ của động thái tăng giá.

Vâng, kiểu phân tích đã giúp tôi tránh được khoản lỗ từ 5% trở lên.

Bạn thấy đấy, khi nói đến đầu tư và trading, tôi không phải là một chàng trai ấm áp và dễ dãi. Tôi không quan tâm đến báo cáo thu nhập gần đây nhất hay số lượng khuyến nghị mua và một cổ phiếu đưa ra. Tất cả những gì tôi quan tâm là thời điểm và giá cả: cổ phiếu đã ở đâu, tại mức giá nào và nó sẽ đi về đâu? Và tôi sẽ vào lệnh với sự giúp sức của phân tích kỹ thuật.

Nói một cách đơn giản, tôi dựa vào phân tích kỹ thuật để nâng cao xác suất kiếm lợi nhuận, đồng thời hạn chế rủi ro mất tiền.

Tôi đã nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần rằng: “Hãy cho tôi một cổ phiếu tốt, một ít biến động và một cây bút màu, và tôi sẽ có một cuộc sống tốt đẹp.”

Đừng hiểu sai ý tôi, các nguyên tắc cơ bản rất quan trọng, đặc biệt nếu xét về lâu về dài. Nhưng tôi không thể nói cho bạn biết trong những năm qua, tôi đã từng nghe bao nhiêu lần những câu nói đại khái như “Hãy mua cổ phiếu đó, thu nhập của công ty rất cao và đó sẽ là một khoản đầu tư thắng lợi.”

Tôi tự hỏi: “Ủa? Bộ chỉ cần mua mà không cần đặt câu hỏi, không cần xác định điểm vào lệnh tốt và không cần lập kế hoạch giao dịch sao?”

Ngớ ngẩn!

Hãy thử tưởng tượng như thế này… Bạn có thể đã mua một cổ phiếu tuyệt vời như Apple (APPL) với giá từ $395 đến $400 (trong ví dụ bên dưới), mà không đặt bất cứ câu hỏi nào, mặc dù phân tích kỹ thuật đã chỉ ra khả năng giá sẽ đi xuống khi mốc $400 bị vi phạm và không thể quay lại. Điều này giống như việc hôm nay bạn mua một chiếc máy tính mới với giá $1.800, mặc dù cửa hàng đang quảng cáo rằng nó sẽ được giảm giá vào ngày mai với giá $1.500.

Tuy nhiên, trước nguy cơ độc giả nghĩ rằng tôi đang lên án phân tích cơ bản, thì hãy để tôi nói một cách dứt khoát rằng, phân tích cơ bản rất quan trọng. Những công ty tốt là nơi đầu tư tốt.

Trên thực tế, tôi tin vào việc xác định các công ty tốt trước tiên, sau đó là lọc những công ty để nhắm mục tiêu thông qua phân tích kỹ thuật hợp lý. Khi đã có danh sách của mình, tôi sẽ phát triển một kế hoạch giao dịch sử dụng biện pháp quản lý rủi ro kỹ lưỡng, bao gồm các lệnh giới hạn mua (buy limit order) để mua cổ phiếu tôi thích ở mức giá của mình và lệnh dừng bán (sell stop order) để hạn chế thua lỗ.

Những để đến được giai đoạn lập kế hoạch và đi xa hơn nữa, trước tiên chúng ta phỉ nhìn thấy những cơ hội. Và với suy nghĩ này, dưới đây là 10 công cụ sẽ giúp bạn trở thành một nhà phân tích kỹ thuật giỏi hơn:

1. Trendline

Đơn giản như khi bạn nối các dấu chấm lại với nhau. Xu hướng là bạn của bạn, cho đến khi nó không còn là bạn nữa.

Khi một đường trendline bị phá vỡ, đã đến lúc bạn phải thoát ra và đánh giá lại thị trường. Nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được kha khá tiền đấy!

2. Theo dõi khối lượng

Khi giá tăng hoặc giảm với khối lượng lớn, thì nó có xu hướng xác thực cho một động thái quan trọng.

Mặt khác, khối lượng thấp cho thấy sự thiếu thuyết phục của động thái.

3. Sử dụng đường trung bình động

Hãy quan sát đường trung bình động 50 và 200 ngày. Những đường MA này có xu hướng cung cấp ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự mạnh, tương tự như các đường trendline.

Bạn có thể sử dụng đường MA 20 ngày cho cả giao dịch trong ngắn hạn.

4. Để mắt đến RSI và chỉ báo quá mua/quá bán

Các chỉ báo này sẽ giúp ích cho bạn trong một số công việc.

Tôi thích chỉ báo rsi (chỉ báo sức mạnh tương đối) và William %R (chỉ báo quá mua/ quá bán).

5. Xác định hỗ trợ và kháng cự tại các điểm “tắc nghẽn”

Dù là giao dịch trong ngắn hay dài hạn, bạn đều có thể sử dụng các “kênh” giá hoặc các điểm “tắc nghẽn” để xác định các vùng hỗ trợ hoặc kháng cự.

6. Tìm hiểu về các mô hình kỹ thuật

Chẳng hạn như mô hình nêm tiếp diễn, mô hình Vai-Đầu-Vai đảo ngược, mô hình cốc và tay cầm, mô hình 2 đáy, mô hình tam giác tăng dần, mô hình cây búa…

7. Theo dõi và hiểu các mối tương quan

Ví dụ: Khi đồng đô la giảm giá, cổ phiếu sẽ có xu hướng hoạt động tốt (và ngược lại).

Hoặc khi chỉ số biến động (VIX) tăng cao hơn, thì thị trường có xu hướng gặp khó khăn.

8. Hiểu về các mức thoái lui Fibonacci

Các mức thoái lui Fibonacci phổ biến bao gồm 0,236, 0,382, 0,500, 0,618, 0,764 và 1,000. Những con số này dựa trên những con số quan trọng được xác định bởi Leonardo Fibonacci vào thế kỷ 13 và được các trader sử dụng để xác định mức thoái lui từ hai điểm cực trị (đỉnh và đáy).

Ví dụ: Nếu một cổ phiếu chuyển động từ 20 đến 10, thì cổ phiếu đó có thể gặp phải mức kháng cự khi điều chỉnh thoái lui ở mức 12,36, 13,82, 15,00, 16,18, 17,64 và 20,00.

9. Tìm hiểu kiến thức cơ bản về Phân tích DeMark

Các trader theo trường phái phân tích kỹ thuật không cần phải biết mọi kiểu phân tích, nhưng biết kiến thức cơ bản về một vài kiểu phân tích sẽ rất hữu ích.

Tom DeMark, một trong những nhà phân tích kỹ thuật thị trường giỏi nhất thời gian gần đây, đã phát triển một dạng phân tích, Chỉ báo DeMark, để xác định xác suất về thời gian và hướng di chuyển cũng như mục tiêu giá cho những biến động đó.

10. Tìm hiểu những kiến thức cơ bản về Phân tích sóng Elliott

Nhắc đến Phân tích sóng Elliott, Robert Prechter có lẽ là cái tên đầu tiên bạn nghĩ đến.

Sóng Elliott là một hình thức phân tích khác được rất nhiều trader tôn sùng. Điểm mấu chốt cơ bản của Phân tích sóng Elliott là giá có xu hướng di chuyển theo 5 sóng theo hướng của xu hướng chung (sóng đẩy) và theo 3 sóng ngược lại với xu hướng đó (sóng điều chỉnh).

Những công cụ này có thể và sẽ giúp bạn trở thành một trader giỏi hơn. Để trở thành người giỏi nhất, bạn phải sẵn sàng học hỏi điều gì đó mới mỗi ngày. Một cuộc hành trình đi tìm tầm nhìn cho riêng mình.

Hãy để niềm đam mê dẫn lối bạn và đừng quên tận hưởng cuộc hành trình này nhé!

 
Hoai An Le (Theo Traderviet)

Có thể bạn quan tâm
“Hướng dẫn giao dịch theo sóng Elliott”

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề