Áp lực tỷ giá nhìn từ triển vọng cán cân tổng thể
Trong khi cán cân thương mại, tài khoản vốn, chuyển giao vãng lai thặng dư tốt và có nhiều triển vọng tích cực cho năm 2024 thì cán cân dịch vụ và cán cân thu nhập lại kém khả quan….
Nửa sau năm 2023, dù áp lực tỷ giá VND/USD không mạnh bằng giai đoạn cuối năm 2022 nhưng cũng đã leo thang từ tháng 8 đến tháng 10/2023. Nguyên nhân chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa VND và USD lớn, vì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, hạ lãi suất điều hành liên tiếp ngay từ quý 1/2023 để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong khi đó, trên thế giới, các ngân hàng trung ương lớn vẫn tăng lãi suất để chống lạm phát và neo lãi suất ở mức cao.
Trong giai đoạn áp lực tỷ giá leo thang, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt thị trường mở, hút bớt VND dư thừa trên hệ thống thông qua phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 28 ngày, nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng.
Đến nay, nhiều yếu tố cho thấy áp lực tỷ giá đã được giải tỏa. Ở bên ngoài, các ngân hàng trung ương lớn đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất. USD Index giảm mạnh. Trong nước, các vấn đề nội tại của nền kinh tế có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, cán cân thanh toán (vốn liên hệ và tác động lớn tới tỷ giá) được dự báo cải thiện tích cực trong thời gian tới.
Cán cân tổng thể thâm hụt hay thặng dư có liên quan mật thiết với vấn đề tỷ giá. Nhìn lại năm 2022, cán cân tổng thể âm tới 22,6 tỷ USD, riêng quý 3/2022 thâm hụt 15,6 tỷ USD, do vậy tỷ giá vô cùng căng thẳng.
Trong khi đó giai đoạn năm 2019, 2020, tỷ giá tăng không phải do vấn đề từ cán cân tổng thể (thặng dư lần lượt 16,7 tỷ USD và 14,4 tỷ USD) nên sau đó được xoa dịu khá nhanh.
CÁN CÂN THƯƠNG MẠI THẶNG DƯ
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo cán cân tổng thể của Việt Nam năm 2023 thặng dư 12 tỷ USD; năm 2024 giảm nhẹ còn 11,7 tỷ USD.
Đến nay, những yếu tố hỗ trợ cán cân tổng thể bao gồm thặng dư thương mại, giải ngân FDI tích cực, kiều hối ổn định.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 619,1 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9%; kim ngạch nhập khẩu đạt 296,6 tỷ USD, giảm 10,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 25,8 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD).
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD, tiếp đến là Trung Quốc (56 tỷ USD), EU (39,9 tỷ USD), ASEAN (29,4 tỷ USD), Hàn Quốc (21,5 tỷ USD), Nhật Bản (21,2 tỷ USD). Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD.
Trong 5 năm 2018 – 2022, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu trung bình của Việt Nam là +11,62% YoY và nhập khẩu là +11,27% YoY. Trong giai đoạn trong nước và quốc tế chịu cú sốc Covid – 19, xuất nhập khẩu suy giảm nhưng vẫn tăng trưởng dương. Tuy nhiên, sang năm 2023, chính sách tiền tệ chủ đạo trên thế giới nghiêng về thắt chặt, dẫn đầu là Fed, đã khiến nhu cầu hàng hóa thế giới nói chung, hay cụ thể hơn là các thị trưởng xuất khẩu chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu) sụt giảm, dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang các thị trường này suy yếu theo, thậm chí là tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, xuất khẩu đã có sự hồi phục từ tháng 10/2023, tác động tích cực đến cán cân thương mại của Việt Nam. Tháng 9/2023, IMF dự báo cán cân thương mại của Việt Nam sẽ thặng dư 25,4 tỷ USD năm 2023 (thực tế 11 tháng đã thặng dư 25,8 tỷ USD); năm 2024 thặng dư thương mại có thể đạt 27,9 tỷ USD.
Song, một số đơn vị phân tích trong nước lại đưa ra dự báo lạc quan hơn về triển vọng cán cân thương mại năm 2023 và 2024. Cụ thể, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định thặng dư thương mại năm 2023 có thể đạt 28,6 tỷ USD và năm 2024 là 29,1 tỷ USD.
Hy vọng lớn nhất đặt vào thị trường Mỹ. Xuất khẩu sang Mỹ sẽ hồi phục trở lại khi: (1) Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ; (2) Hàng tồn kho tại Mỹ đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây; (3) Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Tại một báo cáo triển vọng vĩ mô năm 2024 công bố cuối tháng 11/2023 vừa qua, FiinGroup dự kiến xuất khẩu năm 2024 tăng 10,4% và nhập khẩu tăng 7,8%.
TÀI KHOẢN VỐN CÓ TRIỂN VỌNG TÍCH CỰC
Bên cạnh cán cân thương mại, tài khoản vốn cũng có triển vọng tích cực nhờ giải ngân FDI giữ nhịp tăng trưởng.
Sau khi tăng mạnh trong 4 tháng trước, dòng vốn FDI đăng ký có dấu hiệu chững lại, đạt 2,3 tỷ USD trong tháng 11/2023, giảm 57% so với tháng 10/2023 và giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2022, do vốn đăng ký cấp mới từ các thị trường chính như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan giảm. Ngược lại, vốn FDI đăng ký điều chỉnh tháng 11/2023 (chiếm 50,4% tổng vốn FDI đăng ký) tăng mạnh (tăng 519% so với tháng 10/2023 và tăng 43% so với cùng kỳ năm trước).
Xét theo ngành, lĩnh vực, công nghiệp chế biến và chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn (chiếm 70% tổng vốn FDI đăng ký tháng 11), nhưng vốn đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng đột biến, tăng 270% so với tháng 10/2023 và tăng 133% so với cùng kỳ năm 2022.
Về giải ngân, vốn FDI giải ngân tháng 11/2023 đạt 2,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với tháng 10/2023 và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 11 tháng năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 22,9 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vốn FDI giải ngân có mức tăng thấp hơn (tăng 2,9%), đạt 20,3 tỷ USD – mức cao nhất cho cùng giai đoạn kể từ năm 2017 đến nay.
IMF dự báo giải ngân FDI tại Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 5,1% năm 2024, trong khi đó dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI) vẫn duy trì dương nhưng ở mức thấp do lãi suất đồng USD chưa hạ nhiệt. Vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn sẽ hạn chế do môi trường lãi suất quốc tế cao và mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vẫn ở mức thấp (BB+ theo S&P).
Ngoài ra, chuyển giao vãng lai luôn thặng dư do sự ổn định của dòng kiều hối về Việt Nam.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2023 được IMF dự báo đạt khoảng 100 tỷ USD, năm 2024 lên hơn 110 tỷ USD. Đây là mức khá an toàn, tương đương khoảng 17-18 tuần nhập khẩu.
CÁN CÂN THU NHẬP, DỊCH VỤ DỰ KIẾN VẪN THÂM HỤT CAO
Ở chiều ngược lại, cán cân thu nhập vẫn dự kiến thâm hụt cao do các khoản thanh toán, rút lợi nhuận của khối FDI về nước trong bối cảnh lãi suất cao và một số nước áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập khi các doanh nghiệp của họ chuyển lợi nhuận về nước (ví dụ FDI Hàn Quốc).
IMF dự báo rằng cán cân thu nhập của Việt Nam sẽ thâm hụt 20,2 tỷ USD năm 2023 và 21,3 tỷ USD năm 2024. Chênh lệch lãi suất VND – USD lớn đang là thách thức trong điều hành ngoại hối ở Việt Nam. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp có thể hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong nước tăng khả năng tiếp cận vốn nhưng tác dụng phụ là khiến dòng vốn ngoại chảy khỏi Việt Nam tìm đến các thị trường lãi suất cao.
“Theo tìm hiểu của chúng tôi, 9 tháng năm 2023, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài đã chuyển khoảng 31 tỷ USD về nước, gấp 12 lần cùng kỳ năm ngoái, bởi Chính phủ Hàn Quốc neo lãi suất ở mức cao và có nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc mang tiền về giúp ổn định kinh tế vĩ mô của họ”, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Group cho biết.
Quan sát động thái của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, có thể thấy môi trường lãi suất cao vẫn được duy trì ít nhất là trong nửa đầu năm 2024.
Cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed sẽ diễn ra ngày 13/12/2023. Các báo cáo quan trọng về thị trường việc làm và lạm phát tháng 11/2023 được công bố trước đó. Các phát biểu gần đây của nhiều thành viên Fed cùng với các dữ liệu kinh tế Mỹ dường như đã xác thực cho khả năng lãi suất sẽ được giữ không đổi trong cuộc họp lần này. Thị trường đang kỳ vọng vào khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trở lại sớm nhất vào tháng 5/2024 với 50% khả năng
Áp lực lạm phát tại khu vực đồng Euro đang hạ nhiệt như kỳ vọng nhưng tăng trưởng tiền lương vẫn mạnh và triển vọng dài hạn không chắc chắn, vì vậy cuộc chiến kiềm chế đà tăng giá cả của Ngân hàng Trung ương Châu Âu vẫn chưa kết thúc. ECB đã nâng lãi suất cơ bản lên mức cao kỷ lục 4% vào đầu năm nay để ngăn chặn đà tăng của lạm phát nhưng gần đây đã cho tín hiệu ổn định chính sách trong vài quý tới.
Các dự báo đã bắt đầu chuẩn bị cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của ECB có thể diễn ra trong tháng 4 hoặc tháng 6 năm sau. Chủ tịch ECB Lagarde cho biết bà kỳ vọng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục suy yếu với lãi suất cao, tăng trưởng thấp và thị trường việc làm yếu đi sẽ giúp ECB thành công đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2%.
Trong khi đó, cán cân dịch vụ của Việt Nam được IMF dự báo thâm hụt 10,4 tỷ USD năm 2023 và 9,9 tỷ USD năm 2024. Đà thâm hụt này đã được thu hẹp so với giai đoạn 2020-2022, khi cả thế giới rơi vào tình trạng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Yếu tố quan trọng đóng góp vào cán cân dịch vụ (lượng khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,2 triệu lượt, tăng 10,9% so với tháng trước và gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ tương đương 75% mức bình quân trước dịch Covid-19.
Tiến Phát