Ba kẻ thù ngầm của trader – Làm sao để không trở thành con mồi trên thị trường?
Trong hành trình chinh chiến trên thị trường tài chính, có ba kẻ thù ngầm mà bất kỳ nhà giao dịch nào cũng dễ dàng sa vào: cảm xúc, quan điểm cứng nhắc và cái tôi. Những cạm bẫy này không chỉ cản trở hiệu suất giao dịch mà còn làm suy yếu khả năng thích nghi và phát triển trong môi trường biến động.
Ba kẻ thù ngầm của trader
1. Cảm Xúc: Kẻ thù lớn nhất của giao dịch là chính bản thân bạn
Trong thị trường, cảm xúc là một yếu tố không thể tránh khỏi. Phần lớn nhà đầu tư đều từng trải qua cảm giác hưng phấn khi thắng lớn, rồi ngay sau đó là cảm giác sợ hãi đến mức không dám giao dịch thêm khi thị trường bất như ý. Tuy nhiên, chính cảm xúc lại là nguyên nhân khiến bạn rời xa kỷ luật và quy trình.
Sự sợ hãi khi thị trường giảm điểm hoặc sự tham lam khi giá tăng mạnh thường khiến nhà giao dịch đưa ra những quyết định sai lầm. Không ít người đuổi theo lợi nhuận mà bỏ qua kỷ luật giao dịch, hoặc bán tháo khi thị trường chỉ biến động tạm thời.
Như Van Tharp nhấn mạnh: “Một sai lầm sẽ xảy ra khi bạn không tuân theo những quy tắc giao dịch của mình. Khi bạn xây dựng một kế hoạch kinh doanh nhằm định hướng việc giao dịch, bạn sẽ có rất nhiều quy tắc cần phải tuân theo. Nhưng nếu bạn không xây dựng những quy tắc đó, mọi thứ bạn làm đều sẽ là sai lầm.”
Để thoát khỏi cạm bẫy trên, hãy xây dựng một quy trình giao dịch rõ ràng và bám sát nó. Sử dụng các công cụ như nhật ký giao dịch để ghi lại cảm xúc và nhận diện điểm yếu của bản thân. Hãy nhớ rằng: kỷ luật là xương sống của thành công.
2. Quan Điểm Cứng Nhắc: Cái nhìn giới hạn chính là nhà tù của bạn
Quan điểm cá nhân là một con dao hai lưỡi. Trong giao dịch, việc hình thành những ý kiến quá cứng nhắc sẽ khiến bạn bỏ lỡ các cơ hội hoặc không phản ứng kịp trước những thay đổi bất ngờ của thị trường.
Ví dụ, bạn tin rằng một cổ phiếu “chắc chắn sẽ tăng” và từ chối chấp nhận rằng thị trường đang đi ngược lại. Quan điểm cứng nhắc khiến bạn bỏ qua những tín hiệu rõ ràng, dẫn đến thua lỗ không đáng có.
Hãy học cách linh hoạt. Tôn trọng các tín hiệu kỹ thuật và dữ liệu thực tế hơn là cảm giác hoặc dự đoán chủ quan. Thị trường luôn đúng, và nhiệm vụ của bạn là thích nghi, không phải cố gắng áp đặt quan điểm cá nhân lên thị trường.
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn có thể tập trung chú ý vào những gì đang diễn ra trên thị trường ngay lúc này? Bạn sẽ hoàn toàn ở trong hiện tại mà không bị tác động bởi bất kỳ định kiến hoặc sự thiên vị nào. Nếu bạn làm được điều này, việc giao dịch của bạn có lẽ sẽ tiến lên một tầm cao mới. Bạn có thể giao dịch như thế nếu bạn luyện tập “tỉnh thức” (hay “chánh niệm” trong Phật học).” – Van Tharp
3. Cái Tôi: Sự cố chấp là kẻ sát nhân thầm lặng
Cái tôi là cạm bẫy tinh vi nhưng không kém phần nguy hiểm, bởi nó ngăn cản bạn thừa nhận sai lầm và sửa chữa. Nhiều nhà giao dịch từ chối cắt lỗ vì không muốn “thừa nhận thất bại”. Kết quả? Thua lỗ càng lớn hơn, và bài học càng đắt giá.
Một nhà giao dịch có cái tôi lớn sẽ không bao giờ thừa nhận rằng mình sai. Thay vì cắt lỗ nhỏ, họ tiếp tục giữ lệnh với hy vọng “thị trường sẽ quay đầu”. Nhưng thị trường không quan tâm đến cái tôi của bạn.
Van Tharp chia sẻ: “Về mặt tâm lý, nếu bạn không thể trực diện đối mặt với những trở ngại và đón nhận chúng, bạn sẽ lại lặp lại chúng. Nhận ra rằng sẽ có những bức tường chắn đặt sẵn để bạn phải va vào chúng. Khi bạn chấp nhận và đón nhận thực tế này, bạn sẽ chấp nhận việc va phải tường. Lạ lùng thay, sau đó bạn sẽ không còn nhận ra những bức tường đang ở đó nữa, và không còn gì có thể ngăn trở bạn đạt được một mốc thành công mới trong thị trường.”
Chấp nhận rằng sai lầm là một phần của quá trình học hỏi. Đặt các ngưỡng cắt lỗ rõ ràng và tuân thủ chúng nghiêm ngặt. Điều quan trọng nhất là học cách buông bỏ cái tôi, nhận diện sai lầm và rút kinh nghiệm để cải thiện trong tương lai.
Cảm xúc, quan điểm cứng nhắc và cái tôi không phải là những kẻ thù vô hình mà chúng tồn tại trong từng quyết định giao dịch của mỗi người. Những chia sẻ của Van Tharp trong Super Trader mang đến góc nhìn rõ ràng và sâu sắc về cách nhận diện và vượt qua chúng.
Thành công trên thị trường không chỉ là vấn đề kỹ thuật hay chiến lược, mà còn là khả năng kiểm soát bản thân và thích nghi với những biến động không ngừng. Khi bạn học cách loại bỏ cảm xúc, giữ cho tư duy linh hoạt và chấp nhận sai lầm như một phần của hành trình, bạn không chỉ giao dịch hiệu quả hơn mà còn phát triển bền vững trong dài hạn.
Happy Live team
Có thể bạn quan tâm:
Bí kíp làm chủ tâm lý giao dịch Super Trader – Expanded Edition