Bài học đầu tư cổ phiếu nhìn từ danh mục của Donald Trump
Dù tính khí hơi thất thường với những phát ngôn có thể gây “sóng gió”, phương pháp đầu tư cổ phiếu của ông Donald Trump: mua các cổ phiếu blue-chip và đa dạng hóa khắp nhiều lĩnh vực và quốc gia, là điều mà giới đầu tư có thể học được gì đó.
Thoạt nhìn, ý tưởng làm theo Tổng thống Donald Trump trong vấn đề quản lý tài chính cá nhân là thiếu khôn ngoan, vì dù là người rất giàu có và là Tổng thống giàu nhất lịch sử nước Mỹ, với tài sản ước tính lên đến hàng tỷ USD, nhưng “thành tích” kinh doanh của ông Trump lại… khá bấp bênh.
Cụ thể, ông Trump đã 4 lần nộp đơn xin phá sản trong 3 thập niên qua: đầu tiên là với công ty Trump Taj Mahal vào năm 1991, sau đó là Trump Castle Associates năm 1992, rồi Trump Hotel & Casino Resorts năm 2004, và cuối cùng là Trump Entertainment Resorts vào năm 2009. Rõ ràng là một “lý lịch” kinh doanh với 4 lần phá sản là điều mà hầu hết mọi người sẽ e dè khi làm theo.
Tuy nhiên, dù liên tục nộp đơn phá sản cho các doanh nghiệp cùa mình, nhưng ông Donald Trump lại chưa bao giờ nộp đơn xin phá sản cá nhân, và có thể chuyện đó là điều cực kỳ xa vời.
Tháng 7/2015, do luật pháp yêu cầu, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình, báo cáo tài chính cá nhân dài đến 92 trang của ông đã được tiết lộ, cho thấy rằng các nguồn thu nhập của ông là khá đa dạng: buôn bán, cho thuê chung cư, sân golf, khu nghỉ dưỡng, bán sách, kinh doanh thỏa thuận giấy phép và một danh mục đầu tư với nhiều quỹ đầu cơ, quỹ tương hỗ, vàng cùng nhiều loại cổ phiếu khác nhau. Và dù danh mục đầu tư cổ phiếu chiếm một phần tương đối nhỏ trong tài sản của ông, nhưng đó là kênh tài sản mà thu hút được nhiều sự quan tâm nhất.
Ông Trump hiện nắm giữ các cổ phiếu của Barclays (32 cổ phiếu), JPMorgan (60 cổ phiếu), Oppenheimer (31 cổ phiếu), và Deutsche Bank (173 cổ phiếu trong 2 tài khoản). Tổng giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu của ông dao động từ 33,4 đến 87,9 triệu USD, cơ bản gồm các cổ phiếu blue-chip truyền thống trong nhiều lĩnh vực. Các cổ phiếu công nghệ như Apple và Microsoft cũng có mặt. Các cổ phiếu năng lượng thì gồm có ConocoPhillips và Kinder Morgan. Những công ty hàng tiêu dùng như General Mills và chăm sóc sức khỏe như Johnson & Johnson cũng góp mặt. Cổ phiếu của các công ty dịch vụ công ích như American Water Works, những nhà thầu quốc phòng như Boeing và Raytheon và công ty thuộc lĩnh vực công nghiệp như Caterpillar đều góp mặt.
Một điều đáng chú ý nữa là, ông Donald Trump không chỉ đa dạng hóa theo lĩnh vực kinh tế mà còn theo địa lý. Các cổ phiếu Pháp thì có hãng dầu Total và gã khổng lồ ngành dược phẩm Sanofi, ngoài ra ông cũng sở hữu cổ phiếu của Bank of Montreal và Toronto-Dominion từ Canada như. Nước Anh góp mặt 2 cổ phiếu GlaxoSmithKline và BAE Systems.
Xung đột lợi ích mà ông Donald Trump hiện gặp phải với các doanh nghiệp và nhiệm vụ “phụng sự tổ quốc” của mình là ngoài phạm vi của bài báo này. Tuy nhiên, những gì mà giới đầu tư thu nhập dài hạn không thể phủ nhận là: có một danh mục đầu tư gồm các cổ phiếu blue-chip và bảo đảm rằng danh mục này được đa dạng hóa theo lĩnh vực kinh tế và theo quốc gia là một cách bảo vệ mình xuất sắc khi đầu tư. Điều đó bảo đảm rằng ông đều đặn có được một nguồn thu nhập đáng tin cậy. Cụ thể là, dù việc kê khai tài sản phục vụ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống kéo dài suốt 18 tháng, nhưng trong khoảng thời gian ấy, ông vẫn kiếm được 15 triệu USD từ danh mục đầu tư cổ phiếu của mình. Điều đó đảm bảo rằng nếu một lĩnh vực, hay một quốc gia “gặp vấn đề”, thì những lĩnh vực, hoặc quốc gia khác vẫn có thể giảm thiểu được chuyện đó và bảo đảm sự ổn định tài chính.
Tóm lại, dù tính khí hơi thất thường với những phát ngôn có thể gây “sóng gió”, khiến nhiều người nghi ngờ về năng lực lãnh đạo đất nước, nhưng phương pháp đầu tư cổ phiếu của ông Trump: mua các cổ phiếu blue-chip và đa dạng hóa khắp nhiều lĩnh vực và quốc gia, là điều mà giới đầu tư có thể học được gì đó.
Phước Lộc – Theo Trí thức trẻ