Bài học về cách phản ứng với nghịch cảnh trong cuộc sống
Nghịch cảnh trong cuộc sống này thường làm chúng ta mệt mỏi, khó chịu và chán nản. Dẫu luôn biết rằng, vượt qua những khó khăn ấy sẽ làm chúng ta trở nên tốt đẹp và trưởng thành hơn, nhưng chúng ta cũng thừa nhận một điều: đương đầu với chúng không phải là một thử thách dễ dàng!
Không ngạc nhiên khi rất nhiều người đi làm không giữ được sự bình tĩnh của mình và sẳn sàng quát tháo đồng nghiệp, cấp dưới – chỉ đơn giản là họ sẽ phản ứng trước khi suy nghĩ rằng mình nên phản ứng như thế nào. Nhìn chung, việc khiến não bộ của bạn luôn trong trạng thái căng thẳng cũng tương tự như lên dây cót cho một quả bom hẹn giờ vậy – chỉ chờ đến thời điểm phát nổ. Và tất cả mối quan hệ, hình ảnh mà bạn đã và đang cố gắng xây dựng sẽ đi theo vụ nổ ấy hết.
Có rất nhiều phương pháp và cách thức khác nhau để giúp dân “cổ trắng” đối phó với áp lực, không chỉ đến từ nơi làm việc mà còn trong cuộc sống, nhằm có cách cư xử tốt hơn. Tuy nhiên, bài viết này sẽ chỉ ra cốt lõi của việc nên phản ứng lại những khó khăn, thách thức mà ta đương đầu như thế nào, từ đó bạn đọc có thể có được một hình ảnh trực quan sinh động hơn và tìm được cách thức cho riêng mình.
Bài học từ khoai tây, trứng và cà phê
Một ngày nọ, bếp trưởng David đang chuẩn bị một bữa ăn sáng thịnh soạn cho cô con gái Jennifer của ông trước khi cô đến trường. Ngay khi con gái vừa ngồi vào bàn ăn, ông đã nhận ra có điều gì đó không ổn trên gương mặt cô. Ông và cô bắt đầu trò chuyện với nhau:
– Có chuyện gì thế con yêu?
– Con cảm thấy mệt mỏi quá bố ạ. Ở trường con không kết bạn được với ai hết, việc học thì lại nhiều nữa. Con nghĩ mình không vượt qua khỏi lớp 4 đâu ạ.
Bếp trưởng David chỉ mỉm cười sau khi nghe cô tâm sự và ông liền lấy ra 3 chiếc nồi nhôm chứa đầy nước và bắt đầu đun sôi chúng. Sau khi nước sôi, ông để 1 củ khoai tây đã lột vỏ vào nồi thứ nhất, 1 quả trứng vào nồi thứ 2 và một ít hạt cà phê vào nồi thứ 3. Jennifer thắc mắc và buột miệng hỏi “Bố đang làm gì thế ạ?”. Đáp lại câu hỏi đầy tò mò của con gái, ông chỉ cười “Kiên nhẫn nào con yêu”.
Sau 20 phút, ông lấy củ khoai và quả trứng đặt ra 2 chiếc dĩa riêng, còn cà phê thì ông đổ vào 1 cái cốc. Đến đây, ông quay lại với cô con gái, vẫn còn đang khó hiểu, và hỏi:
– Con thấy đây là những gì vậy, Jennifer?
– Ừm thì chúng là khoai tây, trứng và cà phê chứ gì nữa ạ. – cô tỏ vẻ khá hiển nhiên.
– Nhìn kĩ hơn nào con yêu.
Cô bắt đầu cầm củ khoai tây lên thì nhận ra cái thứ mà cô nghĩ nó rất là cứng trước đó, đã hoàn toàn mềm nhũng và có thể dùng muỗng để nghiền ra. Cô xoay sang quả trứng, thứ vốn mỏng manh và dễ vỡ, thì bây giờ lại cứng cáp hơn rất nhiều. Chỉ có riêng cà phê, từ những hạt màu nâu thô kệch nay đã trở thành một thứ nước thơm ngon.
Bếp trưởng David liền nói: “Con thấy không, những thứ này đều đối mặt với cùng một nghịch cảnh là nước sôi, nhưng chúng lại chọn những cách phản ứng khác nhau. Con người cũng thế, khi gặp phải khó khăn, có người thì lập tức gục ngã và buông xuôi. Có người thì lại chọn cách phản ứng hung hăn và cứng ngắc. Nhưng cũng có người, lại chọn cách trở nên hài hòa với nghịch cảnh và trở nên tốt hơn cả bản thân họ trước đây. Vậy con muốn được trở thành khoai tây, trứng hay cà phê nào, con gái?”.
Tâm trạng càng muốn bùng nổ càng phải học cách phản ứng tốt hơn
Năm xưa, khi Abraham Lincoln làm Tổng thống Hoa Kỳ, Bộ trưởng Lục quân đã từng ca thán với ông vì bị một thiếu tướng buông lời vũ nhục, hy vọng Lincoln có thể giúp mình rửa hận. Khi thấy bộ dạng ấy, Tổng thống Lincoln đã nói anh ta hãy viết một lá thư để “đáp lễ” cho kẻ kia, nhưng trước khi gửi hãy đưa cho ông đọc.
Sau khi viết thư xong, ông liền đem đến cho Lincoln và thay vì đọc nó thì ông thẳng tay ném lá thư vào bếp lửa. Bộ trưởng thấy ngạc nhiên và bắt đầu chất vấn Lincoln.“Mỗi khi tức giận, tôi đều làm như vậy, viết hết những điều muốn mắng chửi ra, sau đó cho chúng vào lửa thiêu, sự bực tức cũng tự giác tiêu tán. Viết thư cốt để cho mình hả giận, nếu còn gửi cho đối phương, chẳng phải sẽ tự rước thêm bực tức vào người hay sao? Nếu ngài còn cảm thấy khó chịu thì viết tiếp vài lá nữa cho tới khi thoải mái mới thôi.” – Tổng thống Lincoln cười và giải thích.
Bấy giờ, Bộ trưởng Lục quân như đã hiểu được vấn đề liền tấm tắc: “Đúng vậy! Nếu thư này chuyển tới tay đối phương, kẻ đó tức giận mà viết thư mắng chửi lại mình, không phải càng thêm tức giận hay sao!”
Không có ai từ lúc sinh ra đã có thể kiểm soát được tâm trạng của bản thân, nhưng những người ưu tú không chỉ học được cách quản lý cảm xúc của bản thân đối với người khác mà còn biết cách làm chủ và điều khiển thành thục những cảm xúc ấy, dẫn đến những phản ứng phù hợp nhất. Trong câu chuyện này, tổng thống Lincoln đã biến mình thành “hạt cà phê” dung hòa Bộ trưởng Lục Quân và những bức tức của ông, đồng thời cũng dạy người này cách để tự mình làm “cà phê”.
Hãy là những “hạt cà phê” để dung hòa nghịch cảnh
Câu chuyện trên có lẽ không mới đối với tất cả chúng ta. Thế nhưng, hình ảnh minh họa sống động ấy vẫn luôn nhắc nhở chúng ta rằng: tuy ta không được chọn mình sẽ ở trong hoàn cảnh nào, nhưng ta hoàn toàn có thể chọn cách sẽ phản ứng lại ra sao. Khoai tây và trứng không thể phản ứng khác đi bản chất của chúng, nhưng vì chúng ta là con người, chúng ta được một “đặc quyền” chọn con người mình sẽ trở thành, nếu chẳng may rơi vào trong nghịch cảnh.
Cảm thấy kiệt sức, bực bội và chán nản trong cuộc sống là điều hoàn toàn bình thường. Bởi sau cùng mà nói, con người là một sinh vật mang nhiều cảm xúc cơ mà. Tuy vậy, bất cứ khi nào bạn chuẩn bị “phát nổ”, hãy lùi lại 1 bước và suy nghĩ về việc bạn đang cảm thấy như thế nào và cách bạn sẽ phản ứng. Thứ quan trọng nhất vẫn là quyết định của bạn. Học hỏi, thích nghi và chọn làm điều tốt nhất trong mọi trải nghiệm của bạn.
Hãy là những “hạt cà phê” thơm ngon nhất bạn nhé!
Huỳnh Phát – Happy Live