Bài học vỡ lòng về đầu tư của Nicolas Darvas: Phố Wall – Một Las Vegas khác (Phần 1)
Bài viết được trích từ sách Wall Street – The Other Las Vegas của nhà đầu tư Nicolas Darvas (1920-1977)
Nếu như bạn thấy rằng tôi có vẻ nhắc nhiều đến cờ bạc và thị trường chứng khoán, thì bạn hãy hiểu cho rằng, đó không phải là vì một mục đích nào quá ư to tát, tôi chỉ đơn giản muốn nhấn mạnh thực tế quan trọng của vấn đề. Kinh nghiệm của tôi trên thị trường đã dạy tôi rằng chỉ có một con đường đúng đắn duy nhất để tiếp cận với việc mua, bán cổ phiếu kiếm lời; và con đường đó là, đầu tiên phải hiểu thấu đáo về loại cổ phiếu mà bạn sẽ mua, và bạn hy vọng sẽ bán được nó với giá nào.
Lời nhận xét về thị trường chứng khoán của J.P.Morgan đã được công nhận là một nhận xét kinh điển về điều duy nhất chắc chắn trên thị trường chứng khoán ấy là: “Nó sẽ vẫn tiếp tục lên xuống thất thường.” Theo tôi, lời nhận xét ngắn gọn nhưng rất chính xác của Morgan cũng phải được áp dụng cho giới “cờ bạc” – yếu tố tạo nên thị trường chứng khoán. Kẻ đến, người đi, và như vậy thị trường chứng khoán vẫn sẽ luôn “lên xuống thất thường.”
Phải chăng hiện nay, xu hướng tăng giá của thị trường vẫn đang diễn ra, một thị trường giá tăng vẫn sẽ tiếp tục tồn tại?
Tôi nhận thấy một vấn đề nan giải trong mục quảng cáo các dịch vụ tư vấn đầu tư của tạp chí New York Times. Đó không phải là một mục quảng cáo mới, cũng hoàn toàn không phải là một mục câu hỏi mới. Tôi đã nhìn thấy nó mấy tháng nay rồi, thậm chí ngay cả khi thị trường kẹt ở “điểm chết” và số lượng giảm xuống chỉ còn gần mức 3 triệu cổ phiếu.
Vậy đâu là câu trả lời?
Thành thật mà nói thì tôi cũng không biết. Cũng như tôi không thể biết được các vòng quay roullete trong sòng bạc ở Las Vegas sẽ dừng lại ở đâu. Sự thật là, kể cả những người trực tổng đài tư vấn đầu tư cũng không biết trừ khi họ là những nhà triệu phú về hưu, chứ không phải là những tay trực tổng đài dịch vụ tư vấn 5 đô la rẻ tiền.
Tuy nhiên, lịch sử của Phố Wall cho thấy một điều rất rõ ràng là, thị trường chứng khoán nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung (mặc dù hai vấn đề này không trùng lặp) có quy luật “thịnh” – “suy” của riêng nó. Sau một thời gian suy sụp sẽ đến giai đoạn phục hồi. Giá cả đi xuống, giá cả lại tăng lên. Những kẻ thua cuộc bỏ đi, hoàn toàn trắng tay. Những con bạc mới lại đến.
Tuy nhiên, những câu hỏi thực sự quan trọng đối với tôi lại là:
(1) Làm sao để kiếm được tiền trên thị trường chứng khoán? và
(2) Làm sao để tránh được thiệt hại?
Tôi kiếm được tiền trong sòng bạc. Tôi đã đánh bại mọi mánh khóe. Đó chính là thành quả trong chuyến phiêu lưu của tôi – “trận đột kích” vào pháo đài tiền bạc, vào ván bài lấp lánh, vào trò chơi may rủi vĩ đại này.
Ở điểm khởi đầu…
Tôi cũng bị coi là một con bạc, xét về một phương diện nào đó thì điều này hoàn toàn đúng. Nói chung, bất cứ người nào đem đặt một khoản tiền là X đô la với hy vọng sẽ thu lại khoản đầu tư X này với chút lợi nhuận nào đó đều là đánh bạc.
Nhưng tôi có thể nói ngay từ đầu, mục đích của tôi là phải loại bỏ các yếu tố rủi ro, hoặc phải giảm nó đi càng nhiều càng tốt. Tôi yêu sự chiến thắng. Ai mà không mong mình chiến thắng cơ chứ? Nhưng tôi vốn rất thận trọng; khi tôi thấy các con số trên bảng điện tử của thị trường chứng khoán giảm một điểm, rồi hai điểm, rồi ba điểm, trái tim tôi dường như ngừng đập. Tôi thực sự lo sợ!
Chính bởi nỗi lo sợ ấy, cuối cùng tôi đã rút ra một vài nguyên tắc làm việc cho bản thân. Một khi đã chơi bạc, mối quan tâm chính của tôi là phải giảm thiểu thiệt hại đến mức tối thiểu có thể.
Nhưng nguyên tắc này chỉ để dự đoán về những điều đã không xảy ra từ lâu. Khi bắt đầu, tôi nắm bắt được rất nhiều cơ hội. Vậy nhưng điều tồi tệ nhất ở đây là, tôi nắm bắt lấy chúng mà không hề biết rằng tôi đang đánh bạc. Tôi khởi đầu với những ý nghĩ mới lạ về thị trường chứng khoán, và với một sự tự tin đến mức thái quá – điều mà tôi cần phải thay đổi trước khi có thể bắt đầu học bất cứ điều gì.
Lạc vào con đường hoa hồng đi đến sự giàu có
Chuyến phiêu lưu đầu tiên của tôi trên thị trường chứng khoán là hoàn toàn tình cờ, không phải ở Phố Wall mà ở tận Canada. Tôi được đề nghị mua một số cổ phiếu của một công ty khai thác mỏ của Canada trong một vụ thỏa thuận thuê mướn không bình thường. Số cổ phiếu tôi có là tiền công tôi được trả cho màn vũ đạo của mình tại Toronto thay vì trả tôi bằng tiền mặt. Tôi không chú ý lắm đến thỏa thuận này vì khi đó tôi đang khiêu vũ tại khu phố Latin ở New York và còn một số việc khác nữa. Thế nhưng, tôi vẫn mua những cổ phiếu mà người ta mời, và thật là ngạc nhiên, tôi trở thành chủ sở hữu của số cổ phiếu trị giá 3 nghìn đô la của một công ty có tên là BRILUND.
BRILUND? Tên công ty nghe giống như một hãng chuyên sản xuất thiết bị làm sạch nhà bếp đời mới vậy. Tôi không mấy tin tưởng vào chúng. Vì vậy, tôi đặt chúng sang một bên và thậm chí là quên bẵng đi khá lâu, bởi lẽ tôi rất bận rộn với chuyến lưu diễn ở Mandrid và một vài nơi khác nữa.
Thế rồi, một lần do tính tò mò lúc nhàn rỗi tôi đọc mục thị trường chứng khoán trên một tờ báo, và tôi đã thực sự choáng váng. Dòng chữ về BRILUND đập vào mắt tôi. Tôi đã mua chúng chỉ với giá 50 cent một cổ phiếu. Thế nhưng, theo tờ báo đó, giá của nó hiện đã là 1,9 đô la! Phải mất một lúc tôi mới dám tin chắc rằng đây không phải là lỗi in ấn của tờ báo. Giá cổ phiếu của BRILUND – một công ty mà bạn có thể hiểu nhầm là chuyên kinh doanh xà phòng bột, nhưng thực tế nó đang thực hiện một số dự án khai thác mỏ không mấy khả quan ở Canada, đã tăng lên gần 4 lần!
Tôi đã bán những cổ phiếu này ngay lập tức. Bằng phép mầu nào đó, 3 nghìn đô-la ban đầu của tôi đã tăng lên thành hơn 11 nghìn đô-la. Và đúng như bạn có thể dự đoán, tôi đã bị cuốn hút thực sự. Và từ giờ phút đó, tôi trở thành một tay chơi cổ phiếu thực thụ. Rút ra bài học kinh nghiệm từ vụ BRILUND, với tôi, thị trường chứng khoán thực sự giống như một con đường trải đầy hoa hồng đối với những ai muốn trở thành triệu phú.
Tôi thấy mình giống như một anh chàng lạc trong một bí mật lớn. Tôi thấy mình tràn đầy tự tin và sức mạnh. Không có ai nói với tôi về cổ phiếu cũng như thị trường chứng khoán, nhưng giờ đây tôi đã biết về sự tồn tại của chúng, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng mình đã tìm thấy chìa khóa dẫn đến sự giàu sang. Vấn đề bây giờ chỉ là làm sao để kiếm được một người môi giới đáng tin cậy, chọn được loại cổ phiếu có giá trị, và rất có thể những gì mà tôi đã có được với cổ phiếu BRILUND sẽ được lặp đi lặp lại.
Hoa hồng có gai và những bài học cho con bạc tập tễnh trên TTCK
Tại sao mọi người lại không tham gia vào cái phát minh tuyệt vời – thị trường cổ phiếu này.
Ồ đó chỉ là vấn đề của họ mà thôi, tôi không quan tâm. Tôi bắt đầu tìm kiếm những loại cổ phiếu có giá trị khác. Tìm ở đâu? Chắc chắn là những người giàu có phải biết chứ, và vì tôi làm việc tại các câu lạc bộ đêm nên thường xuyên được tiếp xúc với các nhân vật giàu có, tôi có thể hỏi họ lắm chứ – và tôi đã làm như vậy.
Ai cũng có những mánh khóe riêng, có những nguồn tin riêng, có hiểu biết riêng, và có một loại cổ phiếu yêu thích – loại cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng giá. Dường như sự tồn tại của thị trường chứng khoán không phải là một bí mật được cất giấu cẩn thận. Nhưng khi tôi bắt đầu sử dụng một vài mánh nhỏ mà tôi đã học được với khoản tiền riêng của mình (khoản tiền công mà BRILUND đã trả), tôi mới lờ mờ nhận ra rằng con đường dẫn tới sự giàu sang trên thị trường chứng khoán không hoàn toàn rộng mở như mọi người thấy.
Năm tiếp theo, tôi tiến hành hàng tá vụ đầu tư, cố gắng kiếm tìm một BRILUND thành công khác. Tôi bắt đầu tại thị trường nhỏ ở Canada, và có vẻ là tôi nên ở lại đó, cố gắng tìm cách lặp lại vụ đầu tư phi thường ban đầu. Thế nhưng, kết quả là con số không. Tôi nhận ra rằng mình đang đi ngược lại khẩu hiệu của giới kinh doanh “năng nhặt chặt bị”, – vì tôi đã ném tiền của mình vào hàng nghìn loại cổ phiếu của những tên tuổi không mấy tin tưởng như công ty dầu và khí đốt OLD SMOKEY, REXPAR, KAYRAND MINES.
Những gì tôi trải qua vào lúc đó chắc hẳn sẽ làm nhụt chí bất kỳ ai, trừ số ít những người mới nhập môn lạc quan nhất:
mua với 19 cent, bán ra với 10 cent…
mua với 12 cent, bán với 8 cent…
mua vào 130 cent, bán ra với 110 cent…
Khi đã cân đối được tài khoản môi giới của mình, tôi nhận ra rằng, trung bình mỗi tuần tôi mất đi 100 đô-la, rồi dần dần từng đồng từng đồng một của tôi lại ra đi – mà tôi còn phải mất thêm một khoản để trả phí môi giới trong các vụ đầu tư thua lỗ đó nữa chứ.
Các vụ đầu tư mua vào của tôi thực sự rất lung tung không có cơ sở. Tôi giống như một con bạc tập tễnh học chơi, bị nhử mồi bằng một ván thắng nhỏ, để rồi sau đó cứ lao vào với mong muốn vận may sẽ quay lại. Thật là kỳ lạ, tôi hoàn toàn không hề mất tinh thần. Tôi chắc một điều rằng vấn đề của tôi chỉ đơn giản là phải tìm ra chìa khóa, và từ đó, tôi sẽ tìm ra bí mật giúp tôi mua vào, bán ra rồi thu những khoản lãi lớn trên thị trường chứng khoán.
Và hiển nhiên, tôi phải đi một chặng đường dài để đến được với những điều mình tìm kiếm.
Thậm chí ban đầu, vấn đề trả phí môi giới đơn giản đối với tôi cũng hoàn toàn là một vấn đề xa lạ, hóc búa như tôi sẽ trình bày ở phần sau.
Dễ dàng giành được thành công với cổ phiếu của BRILUND, tôi bắt đầu theo dõi cổ phiếu của một công ty khai thác mỏ khác. Một người nào đó gợi ý cho tôi về công ty khai thác KAYRAND. Khai thác gì đây? Tiền, tôi hy vọng như vậy. Tôi không có hiểu biết những gì về tên tuổi công ty này nhưng cổ phiếu của nó chỉ có 10 cent một cổ phiếu, chắc chắn nghe có vẻ rất hời. Để kiếm được tiền nhanh hơn, kiếm lời lớn hơn, tôi quyết định mua 10 nghìn cổ phiếu của hãng này và tôi phải trả 1.000 đô-la.
Một nghìn đô-la thực sự là một khoản tiền lớn đối với tôi, kể cả khi tôi đã có vài nghìn đô-la sau vận may với cổ phiếu của BRILUND. Đây là một ván bài và tôi theo dõi KAYRAN MINES với cảm xúc mãnh liệt của một giáo viên dám dặt cược tỷ lệ 1 ăn 30 ngay trong lần đầu tiên đến trường đua.
Tôi đinh ninh rằng, KAYRAND MINES chắc chắn đang khai thác một cái gì đó. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, giá cổ phiếu của nó đã tăng lên tới 11 cent.
Nếu như lúc này tôi đi xa đâu đó thay vì ở ngay gần trung tâm chứng khoán, thì có lẽ tôi đã để mặc cho nó đến đâu thì đến, và cầu trời cho tôi lặp lại vụ BRILUND một lần nữa trong khi tôi tìm kiếm hướng đi khác. Giờ đây, khi ngày càng tiếp cận thị trường nhiều hơn, tôi mới nhận ra rằng, tôi không có đủ tố chất của một con bạc – tôi vốn quá dè dặt – và như vậy sẽ chẳng thể theo đuổi một cơ hội lâu dài.
Hoàn toàn tự nhiên, những lập luận của tôi lại theo đúng một thành ngữ trên Phố Wall: “Bạn sẽ luôn tìm thấy các khoản lợi nhuận của mình.”
Bạn đừng tin vào điều đó!
Và đây là phép toán nhẩm của tôi trong trường hợp cổ phiếu của KAYRAND MINES:
Mua vào 10 nghìn cổ phiếu với giá 10 cent mỗi cổ phiếu, hết 1.000 đô-la
Bán ra 10 nghìn cổ phiếu với giá 11 cent mỗi cổ phiếu, được 1.100 đô-la
Lời: 100 đô-la
Thế nhưng, tôi đã bỏ sót một chi tiết tuy nhỏ song lại rất quan trọng, đó là khoản phí môi giới. Và rồi người môi giới của tôi đã thông báo cho tôi một tin chẳng tốt lành gì. Tiền phí tôi phải trả cho anh ta sau khi mua 10 nghìn cổ phiếu của KAYRAND MINES là 50 đô la. Ôi trời, vâng, và tôi phải trả anh ta thêm 50 đô la nữa tiền phí để bán 10 nghìn cổ phiếu đó…
Đón chờ phần tiếp theo: Bịt ngay các lỗ rò – phí môi giới
Nguồn: Sách Wall Street – The Other Las Vegas, Nicolas Darvas
Có thể bạn quan tâm: Người Đàn Ông Đánh Bại Mọi Thị Trường: từ sòng bạc Las Vegas tới phố Wall – Edward Thorp