Bán chiếc Porsche giá $10.000 đến 42 triệu đô la: Bí mật nằm ở 10 mẫu hình – 10 nguyên tắc vàng
Vào tháng 12 năm 2000, trong bài báo có tựa đề “My Stock are Up 10,000% (Cổ phiếu của tôi đã tăng 10,000%)” trên tạp chí Fortune, Sở thuế vụ Hoa Kỳ sau khi đã xác nhận Dan Zanger xác lập 2 kỷ lục thế giới: Đầu tiên là về mức tăng trưởng danh mục đầu tư trong một năm: 29,000%. Hai là, trong chưa đầy 18 tháng, Dan Zanger đã biến số tiền 10,775 đô la thành 18 triệu đô la, tương ứng với mức sinh lợi 164,000%. Cuối cùng, tài khoản của ông đạt mức 42 triệu đô la sau 23 tháng.
Dan Zanger sinh ra và lớn lên ở San Pernando Valley của bang Los Angeles. Dan Zanger bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán vào năm 1976, trong khi đang làm việc toàn thời gian trong ngành xây dựng bể bơi. Cuộc đời của ông thay đổi khi tham dự một buổi hội thảo của chuyên gia chứng khoán William O’Neil, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Làm giàu từ chứng khoán (How to Make Money in Stock)”. O’Neil là người có ảnh hưởng lớn đến Dan Zanger. Tuy nhiên, Zanger không phải là một Canslim thuần túy. Chật vật trong suốt 10 năm nghiên cứu chứng khoán, Dan Zanger đã 3 lần cháy tài khoản. Cuối cùng, ông tìm ra công thức giao dịch “Đồ thị giá, giá và khối lượng” chứ không phải hoàn toàn dựa trên Canslim. Năm 1997, ông bán chiếc Porche để có được gần 11,000 đôla tham gia thị trường chứng khoán. Những gì diễn ra sau đó đã trở thành lịch sử.
10 Quy tắc vàng: Giúp Dan Zanger Sàng Lọc cổ phiếu
Chiến lược của Dan Zanger là sự kết hợp giữa các mẫu hình kỹ thuật – điểm nổi bật của ông – và phân tích cơ bản mà ông đã học trong hành trình tìm đến thành công của mình.
1 – Chỉ mua khi cổ phiếu có một nền giá hoặc mẫu hình tốt. Bạn không cần biết quá nhiều mẫu hình mà chỉ cần thành thạo một số mẫu hình thường gặp nhất và luyện tập nhận diện mẫu hình cho thành thạo.
2 – Mua cổ phiếu khi giá cắt qua đường xu hướng hoặc mẫu hình breakout (phá vỡ). Không bao giờ mua đuổi khi giá tăng cao hơn 5% điểm phá vỡ.
3 – Nhanh chóng bán nếu giá rơi trở lại mẫu hình/bên dưới đường xu hướng.
4 – Bán một phần vị thế của bạn khi giá di chuyển 15-20% từ điểm phá vỡ.
5 – Giữ những cổ phiếu tăng mạnh và bán những cổ phiếu yếu ngay khi chúng không còn tăng tốt.
6 – Xác định các nhóm cổ phiếu dẫn đầu thị trường và chỉ giao dịch trong các nhóm đó.
7 – Bán cổ phiếu của bạn khi bạn thấy mẫu hình đảo chiều báo hiệu đỉnh hoặc sự điều chỉnh, ví dụ (Vai đầu Vai ở đỉnh, mẫu hình 2 đỉnh, Tam giác cân ở đỉnh)
8 – Hiểu rõ khối lượng giao dịch và chỉ mua khi khối lượng tăng theo chuyển động.
9 – Theo dõi hành động giá sau điểm phá vỡ, đừng mua một cách mù quáng dựa vào mẫu hình.
10 – Không sử dụng margin cho đến khi bạn đã tinh thông về thị trường, thành thạo về đọc biểu đồ và làm chủ được cảm xúc. Margin có thể thổi bay tài khoản.
Phương pháp phân tích cơ bản được ông kết hợp với phân tích kỹ thuật dựa trên phương pháp CANSLIM của William O’Neil. Đây là phương pháp mà ông học được khi nghiên cứu cuốn sách của O’Neil vào đầu sự nghiệp giao dịch của mình.
1. Tìm kiếm nền tảng mạnh mẽ
Chiến lược này lọc các cổ phiếu theo ba tiêu chí chính:
– Tăng trưởng EPS hàng quý >20% so với năm trước, cũng như >20% so với quý trước
– Doanh thu tăng >20% trong quý gần đây
– Tăng trưởng EPS hàng năm >20%
Những thông số này được coi là “thông số tăng trưởng,” nên đây là một phiên bản của đầu tư cổ phiếu tăng trưởng.
Điều này quan trọng vì các công ty đầu tư lớn như ngân hàng và quỹ thường xem xét những tiêu chí này cho các khoản đầu tư cổ phiếu tăng trưởng của họ.
Việc lọc cổ phiếu này nhằm giúp bạn đứng về phía dòng tiền lớn đang đổ vào các mã cổ phiếu đó.
2. Giới hạn thua lỗ ở mức 7-8%
Một quy tắc tương tự cũng xuất hiện trong “10 Quy tắc Vàng” của Zanger, đó là lý do ông nói rằng có rất nhiều điểm tương đồng giữa chúng.
Mức dừng lỗ 7-8% được khuyến nghị trong CANSLIM; Zanger cũng nhấn mạnh rằng có thể có một số ngoại lệ, nhưng điều quan trọng là phải đóng vị thế khi giá bắt đầu giảm.
Đây là một phần quan trọng không chỉ trong CANSLIM mà còn trong mọi chiến lược giao dịch, vì không ai có thể dự đoán cổ phiếu sẽ giảm sâu đến đâu.
3. Hiểu rõ các setup giao dịch
Đây là điểm mà Zanger nổi trội.
Việc biết đâu là setup của xu hướng tăng so với setup của xu hướng giảm hoặc setup trung lập sẽ quyết định sự thành công của bạn.
Phân tích kỹ thuật chủ yếu liên quan đến việc canh thời điểm thị trường *market timing*, nên khi sức mạnh của công ty đã được xác nhận qua các yếu tố cơ bản, thì các setup giao dịch sẽ quyết định khi nào bạn tham gia giao dịch.
Đây cũng là phần mà Zanger đặc biệt xuất sắc. Ông từng nói: “Cổ phiếu là bạn của tôi, tôi biết khi nào chúng tốt và khi nào chúng tệ.” Dành nhiều thời gian quan sát biểu đồ đã giúp ông phát triển trực giác nhạy bén về các mẫu hình giá cổ phiếu.
Cần lưu ý rằng, CANSLIM và các phương pháp tương tự hoạt động dựa trên khả năng tăng trưởng của cổ phiếu. Những hệ thống giao dịch này hiệu quả hơn trong các thị trường tăng giá, vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải biết cách đọc điều kiện thị trường chung để sử dụng chúng cho phù hợp.
4. Tinh thần là tất cả
Tinh thần và quản lý rủi ro cũng là một phần trong chiến lược của Zanger. Đây là bài học khó khăn mà ông đã trải qua, khi có thời điểm ông mất đến 75% danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, ông cũng từng kiếm được 5,2 triệu đô la trong một ngày giao dịch duy nhất. Việc tuân thủ quản lý rủi ro có thể ngăn chặn những khoản lỗ lớn như vậy, nhưng luôn có khả năng cổ phiếu rớt giá sâu, lúc đó bạn cần tâm lý của một nhà giao dịch.
Điều giữ Zanger vượt qua những thời điểm khó khăn là sự kiên trì và đam mê của ông. Ông từng nói rằng không hiếm khi ông xem lại biểu đồ của những giao dịch thua lỗ để xem mình đã bỏ lỡ điều gì, nhận thấy điều gì mới, và điều này sẽ giúp ông trở thành một nhà giao dịch tốt hơn trong lần xuất hiện tiếp theo của setup giao dịch.
Trading gần như hoàn toàn là một trò chơi về tâm lý, bất kể bạn sử dụng chiến lược nào. Để thành công, bạn phải có khả năng chịu đựng và vượt qua khó khăn. Đam mê của Zanger đã giúp ông thành công trong lĩnh vực này. Nếu bạn không yêu thích trò chơi này, sẽ rất khó để trụ lại khi thị trường không thuận lợi.
10 Mẫu hình Dự báo xu hướng – Dan Zanger thường sử dụng để tìm kiếm lợi nhuận
Phần này được Dan Zanger thiết kế nhằm giới thiệu cho bạn một số mẫu biểu đồ có xác suất dự báo cao, qua đó giúp bạn đưa ra những quyết định kịp thời và chính xác hơn khi dự đoán xu hướng của cổ phiếu và thị trường.
Những thay đổi về giá này thường hình thành các mẫu biểu đồ có ý nghĩa, có thể đóng vai trò là tín hiệu giúp cố gắng xác định các xu hướng có thể phát triển trong tương lai bao gồm: Cốc & Tay cầm (The Cup & Handle), Nền phẳng (Flat Base), Tam giác tăng dần và giảm dần (Ascending and Descending Triangles), Đường cong Parabol (Parabolic Curves), Tam giác đối xứng (Symmetrical Triangles), Cái nêm (Wedges), Lá Cờ (Flags and Pennants), Kênh giá (Channels) và Mô hình Vai Đầu Vai (Head and Shoulders Patterns). Đây là một số mô hình tốt nhất để giao dịch.
1. Mô hình cốc và tay cầm (tiếp diễn xu hướng tăng)
Cốc và tay cầm là mẫu hình điều chỉnh điển hình sau một nhịp tăng giá mạnh. Thông thường, cổ phiếu sẽ có pha bứt phá kéo dài khoảng 2 đến 4 tháng, trước khi bước vào giai đoạn điều chỉnh. Trong thời gian này, giá có thể giảm 20% đến 35% so với đỉnh, tạo nên phần “cốc” của mẫu hình. Giai đoạn hình thành phần cốc thường kéo dài từ 7 đến 65 tuần, tuỳ thuộc vào sức mạnh thị trường chung.
Khi cổ phiếu phục hồi và tiến sát đỉnh cũ, áp lực bán từ những nhà đầu tư từng mua ở vùng giá cao sẽ xuất hiện. Áp lực này khiến giá bước vào một nhịp điều chỉnh nhỏ – hình thành phần “tay cầm” – kéo dài 4 ngày đến 3 tuần và thường nằm khoảng 5% dưới đỉnh cũ. Nếu phần tay cầm điều chỉnh quá sâu, điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy cổ phiếu đã suy yếu và tiềm ẩn rủi ro thất bại cao hơn.
Điểm mua lý tưởng không phải ở đỉnh cũ mà là khi giá bứt phá vượt qua đỉnh tay cầm với thanh khoản tăng mạnh. Đây là tín hiệu xác nhận lực cầu đang chiếm ưu thế và cổ phiếu sẵn sàng bước vào một chu kỳ tăng giá mới.
Nhiều cổ phiếu tăng trưởng hàng đầu trong lịch sử từng sở hữu nền giá theo mẫu hình cốc tay cầm – một trong những cấu trúc đáng tin cậy nhất để nhận diện những mã cổ phiếu tiềm năng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là những cổ phiếu tốt nhất với mẫu hình này thường xuất hiện ở đầu chu kỳ tăng giá, ngay sau một nhịp điều chỉnh lành mạnh, chứ không phải khi thị trường đã tăng nóng hoặc sắp hết sóng.
Một điểm cần lưu ý: Dan Zanger, nhà giao dịch lừng danh, ưa chuộng mẫu cốc tay cầm có phần “cốc” ngắn, chỉ 8–12 tuần. Trong khi đó, theo William O’Neil, mẫu hình này có thể kéo dài tới 12 tháng hoặc hơn, tuỳ độ sâu và độ mạnh của quá trình tích lũy.
2. Mô hình nền giá phẳng (tiếp diễn xu hướng tăng)
Nền giá phẳng là mẫu hình kỹ thuật đặc trưng bởi sự đi ngang của giá trong một khoảng thời gian nhất định, có thể từ vài tuần đến vài tháng. Đây là giai đoạn thị trường gần như “ngủ yên”, nhưng lại là bước đệm vững chắc cho những cú tăng giá mạnh mẽ sau đó.
Điểm đặc biệt của mẫu hình này là khối lượng giao dịch thường giảm dần, cho thấy áp lực bán đã cạn kiệt và nguồn cung đang được hấp thụ một cách âm thầm.
Để xác định điểm mua, bạn hãy vẽ một đường xu hướng nằm ngang hoặc hơi nghiêng xuống nối các đỉnh gần nhất của nền giá. Khi cổ phiếu phá vỡ đường xu hướng này với khối lượng giao dịch tăng đột biến, đó là tín hiệu cho thấy lực cầu đã quay trở lại mạnh mẽ – và thời điểm mua vào lý tưởng đã xuất hiện.
Mẫu hình nền giá phẳng thường được các nhà giao dịch chuyên nghiệp ưa chuộng vì nó mang lại tỷ lệ rủi ro/thưởng hấp dẫn, dễ nhận biết và đặc biệt hiệu quả nếu xuất hiện ở giai đoạn đầu của một sóng tăng.
3 Đường cong Parabolic
Mô hình Parabolic (đường cong parabol) là một trong những mẫu hình kỹ thuật được săn lùng nhiều nhất bởi các nhà giao dịch chuyên nghiệp – vì nó mang lại lợi nhuận vượt trội trong thời gian cực ngắn. Tuy nhiên, đi kèm với phần thưởng lớn cũng là mức độ rủi ro cao nếu không kiểm soát chặt chẽ.
Đặc điểm nổi bật:
– Giá cổ phiếu tăng với tốc độ ngày càng nhanh, tạo thành đường cong hướng lên giống hình parabol.
– Mô hình này thường xuất hiện ở giai đoạn cuối hoặc gần cuối của một chu kỳ tăng giá lớn – nơi thị trường “phát cuồng” vì FOMO và kỳ vọng tăng vô hạn.
– Đường cong parabolic là kết quả của việc phá vỡ liên tiếp nhiều nền giá tích lũy, khiến giá gần như không có nhịp nghỉ.
Vì sao được săn đón?
Bởi nếu bắt đúng thời điểm, lợi nhuận có thể nhân đôi, nhân ba chỉ trong vài tuần hoặc thậm chí vài ngày – điều mà hiếm mô hình nào khác có thể mang lại.
Nhưng cần cực kỳ cẩn trọng:
– Khi động lực tăng chững lại, giá thường đảo chiều rất nhanh và rất mạnh, không cho cơ hội thoát hàng nếu bạn chậm trễ.
– Vì vậy, nếu giao dịch theo mô hình parabolic, kỷ luật chốt lời và quản trị rủi ro là bắt buộc – đặc biệt là khi có dấu hiệu phá vỡ đường hỗ trợ dốc.
4. Mẫu hình Tam giác hướng lên – Ascending Triangle Pattern (tiếp diễn xu hướng tăng)
Tam giác dốc lên là một biến thể của mẫu hình tam giác đối xứng, nhưng mang tính tăng giá rõ rệt hơn. Mẫu hình này đặc biệt đáng tin cậy khi xuất hiện trong một xu hướng tăng, vì nó thể hiện lực cầu ngày càng áp đảo và niềm tin của bên mua được củng cố theo thời gian.
Đặc điểm nhận diện:
– Phần trên của tam giác gần như phẳng, tạo thành một vùng kháng cự rõ ràng – nơi giá nhiều lần không thể vượt qua.
– Phần đáy của tam giác dốc lên, cho thấy mỗi lần điều chỉnh, bên mua quay trở lại sớm hơn và đẩy giá lên mức cao hơn trước.
Diễn biến tâm lý bên trong mẫu hình như sau:
1 – Cổ phiếu tăng đến vùng kháng cự và bị bán ra, khiến giá điều chỉnh.
2 – Lực mua tái xuất hiện, đẩy giá trở lại vùng đỉnh – nhưng lại bị cản thêm một lần nữa.
3 – Giá tiếp tục điều chỉnh, nhưng lần này chỉ chạm một đáy cao hơn trước – cho thấy bên bán đang suy yếu.
4 – Cuối cùng, cổ phiếu bứt phá khỏi vùng kháng cự khi lực cầu gia tăng mạnh mẽ – cũng là thời điểm những người mua mới nhảy vào thị trường.
Tương tự như các mẫu hình tam giác khác, sự phá vỡ sẽ đáng tin cậy hơn khi đi kèm với khối lượng giao dịch tăng đột biến, xác nhận lực mua thực sự đang dẫn dắt xu hướng mới.
5. Tam giác hướng xuống – Descending Triangle Pattern
Tam giác hướng xuống là một biến thể của tam giác đối xứng, nhưng mang hàm ý giảm giá rõ rệt hơn. Mẫu hình xuất hiện trong xu hướng tăng/giảm, đóng vai trò như một vùng tích lũy tạm thời trước khi giá tiếp tục đi xuống.
Đặc điểm nhận diện:
– Cạnh dưới của mẫu hình nằm ngang, đóng vai trò là vùng hỗ trợ quan trọng – nơi giá nhiều lần kiểm định lại.
– Cạnh trên dốc xuống, phản ánh bên bán ngày càng hạ thấp mức kỳ vọng, chủ động bán ra ở giá thấp hơn.
Diễn biến tâm lý trong mẫu hình:
1 – Giá giảm sâu và chạm vùng hỗ trợ, bên mua thăm dò, đẩy giá phục hồi nhẹ.
2 – Tuy nhiên, mỗi đợt phục hồi đều yếu dần và bị bán ra sớm hơn, khiến giá quay lại kiểm định đáy cũ.
3 – Quá trình này lặp lại nhiều lần, với các đỉnh thấp dần, cho thấy lực cầu suy yếu, trong khi lực cung ngày càng chiếm ưu thế.
4 – Cuối cùng, bên bán ép giá xuyên thủng đáy hỗ trợ, và khi đó nhiều nhà đầu tư bắt đầu cắt lỗ, tạo ra một cú giảm mạnh theo xu hướng trước đó.
Về khối lượng giao dịch:
Tương tự các mẫu hình tam giác khác, khối lượng có xu hướng giảm dần trong quá trình hình thành, nhưng tăng vọt tại điểm phá vỡ, xác nhận rằng áp lực bán đang thực sự chiếm ưu thế.
6. Mẫu hình Tam giác Cân
Tam giác đối xứng là một trong những mẫu hình kỹ thuật thể hiện sự lưỡng lự và cân bằng tạm thời giữa bên mua và bên bán. Thị trường như đang “dừng lại để thở”, khi cả hai phe đều chưa đủ quyết đoán để dẫn dắt xu hướng rõ ràng.
Đặc điểm dễ nhận thấy của mẫu hình này là:
– Bên mua cố gắng đẩy giá lên, nhưng ngay lập tức gặp áp lực chốt lời từ bên bán.
– Bên bán nhấn giá xuống, thì lại nhanh chóng bị hấp thụ bởi lực cầu xem đó là cơ hội mua vào.
Sự giằng co này khiến giá tạo ra các đỉnh thấp dần và đáy cao dần, hội tụ lại thành hình tam giác. Trong suốt quá trình này, khối lượng giao dịch thường giảm dần, phản ánh sự thận trọng ngày càng tăng của cả hai phía.
Điều đáng chú ý là: sự do dự không kéo dài mãi. Khi một bên đủ mạnh để chiếm ưu thế, giá sẽ phá vỡ khỏi mô hình tam giác với lực bứt phá rõ rệt, đi kèm khối lượng giao dịch tăng đột biến – và đó chính là thời điểm hành động.
Dù tam giác đối xứng có thể dẫn đến bứt phá theo cả hai chiều, nhưng xác suất tiếp diễn theo xu hướng trước đó thường cao hơn – đặc biệt nếu mô hình xuất hiện sau một đợt tăng mạnh.
7. Mẫu hình lá cờ và Cờ đuôi nheo (Flag and Pennant Pattern)
Mẫu hình lá cờ (flag) và cờ đuôi nheo (pennant) là hai mẫu hình tiếp diễn xu hướng mạnh mẽ, thường xuất hiện ngay sau một đợt tăng hoặc giảm giá nhanh và dốc. Chúng giống như một khoảng “nghỉ ngơi ngắn” của cổ phiếu trước khi tiếp tục bứt phá theo xu hướng ban đầu.
Nghiên cứu kỹ thuật chỉ ra rằng đây là hai trong số những mẫu hình tiếp diễn đáng tin cậy nhất – đặc biệt hiệu quả với những cổ phiếu đang trong trạng thái “năng động”.
Lá cờ tăng (Bullish Flag): Hình thành sau một cú tăng giá mạnh. Giá điều chỉnh trong một vùng hẹp với các đỉnh thấp dần và đáy thấp dần, tạo nên một hình chữ nhật dốc xuống nhẹ – ngược hướng với xu hướng trước đó.
Điểm khác biệt so với mẫu hình cái nêm là hai đường xu hướng chạy song song, không hội tụ. Xuất hiện sau một pha giảm giá nhanh. Giá hồi phục trong ngắn hạn theo dạng đỉnh cao dần và đáy cao dần, tạo thành một kênh giá dốc lên nhẹ – ngược chiều xu hướng giảm trước đó.
Hai đường xu hướng cũng chạy song song, thể hiện sự tích lũy trong hoài nghi.
8. Mẫu hình Vai Đầu Vai ở đáy & ở đỉnh
Vai Đầu Vai ở đáy là phiên bản đảo chiều từ giảm sang tăng – một trong những tín hiệu phục hồi đáng tin cậy nhất trong phân tích kỹ thuật.
Cách hình thành:
1 – Vai trái ngược: Giá giảm và hồi phục nhẹ, kèm theo khối lượng gia tăng.
2 – Đầu ngược: Giá tiếp tục giảm sâu hơn, tạo đáy mới, nhưng khối lượng lại giảm sút, cho thấy lực bán đang yếu đi.
3 – Vai phải ngược: Giá giảm nhẹ, nhưng không tạo đáy mới. Khối lượng thấp hơn cả phần đầu, báo hiệu bên bán đang cạn kiệt.
Khi giá phá vỡ đường viền cổ đi lên với khối lượng lớn, mô hình được xác nhận – mở ra cơ hội cho một xu hướng tăng mới.
Vai trò của khối lượng:
– Khối lượng lớn ở vai trái, giảm dần ở đầu và thấp nhất ở vai phải → cho thấy áp lực bán đang suy yếu.
– Điểm bứt phá đường viền cổ cần có khối lượng tăng mạnh, xác nhận dòng tiền mua mới đã nhập cuộc.
9. Kênh Giá
Mẫu hình kênh giá thường được xem là một dạng tiếp diễn xu hướng. Đây là giai đoạn giá dao động trong một biên độ hẹp, giữa hai đường xu hướng song song – tạo thành hình chữ nhật. Trong thời gian này, lực cung và cầu tạm thời cân bằng, khiến giá lưỡng lự, không rõ xu hướng.
Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng: sau khi mẫu hình này kết thúc, giá có xu hướng tiếp tục đi theo hướng cũ nhiều hơn là đảo chiều. Nói cách khác, đây là giai đoạn “nghỉ ngơi” của cổ phiếu trước khi tiếp tục hành trình tăng (hoặc giảm) như trước đó.
Bên trong kênh giá, các đỉnh và đáy liên tục được kiểm định lại: giá chạm vùng đỉnh thì bị bán xuống, chạm đáy thì được mua vào. Biên độ dao động thường khá rõ ràng và đều đặn, phản ánh sự giằng co giữa bên mua và bán.
Về khối lượng giao dịch, tuy không quá nổi bật như trong các mẫu hình khác, nhưng vẫn có xu hướng giảm dần trong suốt giai đoạn hình thành kênh giá – cho thấy sự cạn kiệt dần của lực bán. Điểm mấu chốt nằm ở thời điểm phá vỡ kênh giá: khối lượng tăng mạnh chính là tín hiệu xác nhận rằng xu hướng đang được tiếp tục.
10/ Mẫu hình Cái Nêm
Hình dạng của mẫu hình cái nêm tương tự mẫu hình tam giác đối xứng, chúng đều có các đường xu hướng hội tụ cùng nhau ở một đỉnh. Tuy nhiên, cái nêm khác biệt bởi góc nghiêng rõ rệt ở mặt tăng hoặc mặt giảm. Tương tự ở mẫu hình tam giác, khối lượng sẽ giảm dần trong quá trình hình thành mẫu hình và gia tăng khi phá vỡ mẫu hình. Sau đây là hai mẫu hình cái nêm điển hình:
– Mẫu hình cái nêm hướng xuống (falling wedge) thường thấy trong xu hướng tăng, thường là mẫu hình dự báo tiếp diễn xu hướng tăng. Nhưng nó cũng có thể được tìm thấy trong các xu hướng giảm, hàm ý nói chung vẫn là tăng. Mẫu hình này được đánh dấu bởi một loạt các đỉnh thấp hơn và đáy thấp hơn. Điểm mua là khi giá cắt lên vượt khỏi đường xu hướng phía trên với khối lượng gia tăng.
– Mẫu hình cái nêm hồi phục (rising wedge) thường thấy trong xu hướng giảm, thường là mẫu hình dự báo tiếp diễn xu hướng giảm. Chúng cũng có thể được tìm thấy trong các xu hướng tăng, nhưng nhìn chung vẫn được coi là mẫu hình báo hiệu giảm giá. Mẫu hình cái nên hồi phục được đặt trong một chuỗi các đỉnh cao hơn và các đáy cao hơn. Điểm bán của mẫu hình là khi giá cắt xuống khỏi đường xu hướng phía dưới với khối lượng gia tăng.
Kết luận:
Nếu bạn là nhà đầu tư – hoặc đang bắt đầu bước chân vào con đường này – thì xin hãy nhớ: Không có con đường tắt để làm chủ dòng tiền của mình. Bạn phải đọc, đọc và đọc; thực hành, thực hành và thực hành. Chính khát vọng làm giàu bằng trí tuệ sẽ thôi thúc bạn hành động đúng đắn. Sách là người thầy giúp bạn rèn tư duy, hình thành phương pháp, và học cách chọn cổ phiếu chất lượng giữa biển 1.600 mã. Nếu không có hệ thống, không có quy tắc, bạn sẽ sớm phải trả giá. Thị trường không dễ dàng – nhưng phần thưởng là xứng đáng với những ai nghiêm túc và kỷ luật. Nếu bạn trân trọng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình, hãy học cách bảo vệ nó, nó sẽ ở lại bên bạn và sinh lợi cho mình.
Happy Live team tổng hợp