Bây giờ là vẽ tranh nghệ thuật, bao lâu nữa trí tuệ nhân tạo sẽ giành hết công việc với con người?
Một tác phẩm chân dung mang tên Edmond de Belamy, vừa được bán đấu giá thành công với giá 432.500 đô la (trên 10 tỉ đồng) tại Christie’s ở New York. Nhưng điều đặc biệt nhất của bức tranh này là nó được hoàn toàn vẽ bằng… trí tuệ nhân tạo (AI) chứ không phải là con người hay hoạ sĩ!
Một nhóm phát triển công nghệ đã có một thuật toán có thể học hỏi về kĩ thuật, phong cách, chân dung khoảng 15.000 tác phẩm để tạo ra bức tranh riêng của Robot này!
Đáng vui hay đáng lo?
Trong tương lai 10-20 năm, với hai lực chuyển toàn cầu hoá mạnh mẽ là Robotics và AI thì các vấn đề liên quan đến bản quyền, sáng tạo, công việc, học hành, đầu tư sẽ thay đổi mạnh mẽ theo hướng ngày càng “phản động” disruptive mạnh mẽ hơn.
Sẽ sớm thôi, sẽ có các Robot, AI tự động lên thuật toán học tập, viết status đăng facebook, làm cộng đồng, chạy quảng cáo tự động, sản xuất phim quảng cáo, và thậm chí là viết tiểu thuyết…Tại sao lại không? Why not? Lúc đấy anh em marketing bán báo cả.
Với ngành tài chính thì cũng không phải ngoại lệ, sự co giật mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán toàn cầu thời điểm hiện tại đang là “sản phẩm” của hàng trăm ngàn các robot tự động nhồi lệnh lên xuống theo hàng loạt các biến, công thức, và câu lệnh được đưa vào. Các chuyên gia tài chính dạo gần đây chỉ ra “thủ phạm này” trong bối cảnh vĩ mô, FA không có gì quá biến động nếu không nói là tốt lên. Tâm lý đám đông, thứ mà nhà đầu tư đổ lỗi chỉ là phần của cuộc chơi (xem thêm thông tin tại đây).
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng manh nha với hàng loạt những hệ thống TA, FA đánh theo volume, theo ichimoku, theo hedging thuật toán phái sinh,…cũng tạo ra những cơn co giật, co giật của thị trường hoà nhịp với thế giới. Bán thì nhồi nhồi, mua cũng vậy, đặc biệt phiên ATC. Con người mà ngồi trading với Robot thì thắng khó, có cửa đầu tư dài thì còn tạm.
Có thể nói, chưa bao giờ mà tương lai của các ngành nghề phổ thông như kế toán, tài chính doanh nghiệp, kiểm toán, định giá công ty bị thách thức và sẽ bị thách thức ghê gớm đến vậy. Với các công việc đơn giản, kĩ năng thấp công ty trong tương lai không cần người mà chỉ cần phần mềm là đủ. Vì trong tương lai, Robot, AI tiếp tục “tự chuyển biến” tự học thì nó còn ngày càng hoàn thiện nữa.
Tối hôm trước, tôi có một buổi chia sẻ với sinh viên về những gì các em cần chuẩn bị để có 1 nghề nào khi ra trường. Tôi thấy phần lớn các em rất thiệt thòi: thiếu định hướng và thậm chí còn vẫn tiếp tục phải lao vào học 1.5-2 năm đầu với những môn học có nguồn gốc xuất xứ cách đây 100 năm hoặc hơn mà thế giới này chả ai còn sử dụng nữa. Nó lạc hậu, mà lại kém tiến bộ. Không cần nói, ai cũng biết các môn ấy. Vậy mà chưa dám đập bỏ. Và các bạn sẽ chỉ có 2 năm cuối để học thực sự chuyên ngành, mà các sinh viên quốc tế thì có tới hơn 3 năm tự học. Vậy làm sao để có thể cạnh tranh? Chưa kể AI đang gõ cửa đánh bật các lao động phổ thông. Chả nhẽ ra trường thất nghiệp hoặc chạy Grab bike?
Giải pháp có lẽ là tự học! Phải tự cứu mình thôi!
Còn một câu hỏi mở: vậy tương lai 5-10 năm thì nên hướng con cái mình học theo ngành nào để đối mặt với những thay đổi nhanh chóng của thời đại này? Khoa học máy tính? Sinh học? Vũ trụ học? Tài chính? Marketing?
Alexander Phạm – Founder Happy Live