Bí ẩn những triệu phú vô danh: Điểm chung ngày làm tối chơi chứng khoán
Những triệu phú vô danh có thể ở ngay bên cạnh mà bạn không hề hay biết. Họ có thể tiết kiệm đến mức mặc quần áo bạc màu, lái xe đã qua sử dụng và không ai biết họ giàu có cho đến khi họ qua đời.
Sylvia Bloom là một thư ký pháp lý đã làm tại duy nhất một công ty trong gần 7 thập kỷ, sống một cách tiết kiệm tại Brooklyn (New York, Mỹ). Nhưng bạn bè và gia đình đều không hề hay biết Bloom là một triệu phú ẩn danh.
Theo The New York Times, nữ thư ký này đã lặng lẽ tích lũy được khối tài sản trị giá hơn 9 triệu USD trước khi qua đời vào năm 2016. Số tiền này được cho là đến từ các khoản đầu tư khôn ngoan. Là thư ký pháp lý, một phần công việc của cô là theo dõi việc mua cổ phiếu của sếp nên học hỏi được về thị trường từ đó. Người quen tiết lộ Bloom chỉ đầu tư và không chi tiêu nhiều, đi xa vẫn sử dụng tàu điện ngầm.
Theo di chúc, Bloom để lại 6,24 triệu USD cho một nhóm hoạt động cộng đồng ở địa phương và 2 triệu USD cho Đại học Hunter (Mỹ) cùng quỹ học bổng.
Bloom không phải triệu phú kín tiếng đầu tiên được khám phá. Những người giàu khác có nghề nghiệp khá đa dạng, từ người gác cổng đến tiếp viên hàng không. Vào năm 2015, một người bán tạp hóa đã nghỉ hưu ở Milwaukee đã để lại 13 triệu đô la cho một trường trung học
Người bảo vệ, bán xăng có biệt tài chọn cổ phiếu
Ronald Read, cựu nhân viên bán xăng và bảo vệ đã qua đời năm 2014 được biết đến là một người đàn ông kín đáo và tiết kiệm. Ông mặc những chiếc sơ mi đã bạc màu và lái một chiếc Toyota Yaris đã qua sử dụng. Ronald Read có vẻ bề ngoài giản dị đến nỗi ông từng được người khác thanh toán hóa đơn tại quán cà phê vì nghĩ rằng Read không đủ tiền để trả.
Chỉ sau khi Read qua đời, thị trấn Brattleboro quê hương ông mới ngỡ ngàng khi biết người đàn ông này có khối tài sản 8 triệu USD (~187 tỷ đồng). Ông để lại phần lớn số tiền cho một thư viện và bệnh viện địa phương.
Theo tiết lộ của luật sư Laurie Rowell, Read đọc Wall Street Journal mỗi ngày, có biệt tài xác định các cổ phiếu có triển vọng và rất giỏi trong đầu tư. Một số người bạn thân thiết của ông chia sẻ rằng ông là kiểu người nếu kiếm được 50 USD/tuần thì sẽ đầu tư tới 40 USD trong số đó.
Cổ phiếu mà Read mua và nắm giữ trong thời gian dài là cổ phiếu Blue chip (cổ phiếu của những công ty có uy tín và tình hình tài chính vững chắc, giá trị vốn hóa thị trường lớn). Đây là loại cổ phiếu mang lại thu nhập ổn định, có độ rủi ro thấp và cổ tức không cao.
Người thủ thư tiết kiệm gần như từng xu kiếm được
Robert Morin, người đã dành gần nửa thế kỷ làm thủ thư tại thư viện Đại học New Hampshire (Mỹ) sau khi tốt nghiệp, sống một mình và ăn những bữa sáng giản dị. Vậy nên khi ông qua đời ở tuổi 77, các đồng nghiệp và người quen rất ngạc nhiên khi ông để lại toàn bộ tài sản trị giá 4 triệu USD cho trường cũ của mình.
Ông đã tích lũy gần như toàn bộ số tiền kiếm được vào tài khoản séc và tài khoản hưu trí. Trong mắt mọi người, Morin là người lập dị có tính cách ôn hòa, hiếm khi mua quần áo mới. “Ông ấy là người mà bạn chỉ có thể gặp một lần trong đời”, cố vấn tài chính của Morin, Edward Mullen, nói với tờ Globe.
Thư ký kiếm hàng triệu USD từ cổ phiếu
Grace Groner là một thư ký chuyên nhặt quần áo cũ tại các gara thanh lý và sống trong căn nhà một phòng ngủ Illinois (Mỹ) để “sống sót” qua cuộc Đại khủng hoảng. Tằn tiện với bản thân nhưng Groner rất hào phóng với người khác. Bà đã tặng một bất động sản trị giá 7 triệu USD cho trường cũ, trước khi qua đời ở tuổi 100 vào năm 2010.
Theo tờ Chicago Tribune, Groner kiếm được số tiền khổng lồ này nhờ mua cổ phiếu trị giá 180 USD từ năm 1935. Luật sư và cũng là bạn của Groner tiết lộ người phụ nữ này có thể sống ở bất kỳ ngôi nhà nào tiện nghi hơn nhưng lại không làm thế.
Tiếp viên hàng không sống bằng bơ đậu phộng và kem
Doris Schwartz là một cựu tiếp viên hàng không và cũng từng là một giáo viên. Bà dường như sống sót nhờ bơ đậu phộng và kem khi sống những năm tháng tuổi xế chiều trong một dãy nhà đông đúc ở Pennsylvania (Mỹ).
Nhưng khi Schwartz qua đời ở tuổi 93 vào năm 2013, bà đã để lại 3,4 triệu USD (~79 tỷ đồng) cho một quỹ cộng đồng địa phương để giúp đỡ giáo viên và học sinh, theo Daily Record. “Schwartz đã tạo ra một di sản tồn tại mãi mãi cho những người khác. Đó là một cách tuyệt vời và thú vị để chúng ta nhớ đến cô ấy”, Bryan Tate, phó chủ tịch của quỹ này chia sẻ.
Hoai An Le (Theo Nhịp sống thị trường)
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách được chọn lọc tinh gọn dành riêng cho những F0 “chập chững”
gia nhập phương pháp đầu tư Kungfu Chứng Khoán