fbpx

Bí mật của chiến lược mua tích trữ KHÔNG CHÚT RỦI RO

Bí mật của chiến lược mua tích trữ không chút rủi ro chính là hiểu rằng giá cả khác giá trị. Những gì Warren Buffett và rất nhiều tỉ phú đô la khác biết chính là giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng thể hiện đúng giá trị của một doanh nghiệp.

Bí mật của chiến lược mua tích trữ KHÔNG CHÚT RỦI RO

Bí mật duy nhất của mua tích trữ cổ phiếu là đảm bảo rằng giá trị của một doanh nghiệp phải thực sự cao hơn cái giá trên thị trường mà bạn bỏ ra để mua nó. Tôi thề rằng tất cả bí mật chỉ có vậy. Nếu bạn thực hiện đúng điều này, bạn chỉ có thể giàu lên mà thôi. Số đông các nhà đầu tư mắc sai lầm khi nghĩ rằng cái giá mà họ bỏ ra để mua cổ phiếu nhất định phải có mối liên hệ mật thiết nào đó với giá trị thực của công ty mà họ mua. Tôi không hiểu tại sao các nhà đầu tư chứng khoán lại nghĩ vậy trong khi rõ ràng họ chẳng vấp phải sai lầm này bao giờ trong những thương vụ khác.

Ắt hẳn họ đã mua xe cũ một vài lần trong đời. Họ không hề mơ hồ giữa giá tiền của chiếc xe với giá trị của chiếc xe đó, đúng chứ? Người bán chào giá 5.000 đô la cho chiếc Toyota cũ của anh ta không có nghĩa rằng nó thực sự đáng giá 5.000 đô la. Nếu bạn đủ thông minh, bạn sẽ xem xét kỹ chiếc xe, bạn cần biết chắc động cơ của chiếc xe còn hoạt động và thân xe không phải thảm họa. Bạn sẽ hỏi dò những chiếc xe cùng mẫu được bán với giá bao nhiêu và dùng nó làm tham chiếu về giá cả, và bạn chỉ mua khi mức giá chào bán là hợp lý.

Tại sao các nhà đầu tư lại không làm điều tương tự khi họ mua cổ phiếu?

Bởi vì họ không biết cách tính toán giá trị của một công ty giống như họ có thể làm đối với một chiếc xe hơi. Giá là cái bạn bỏ ra, nhưng giá trị là cái bạn thu được. Hai thứ đó có thể, và thường, khá là khác nhau. Chúng ta sẽ bắt đầu bài học về cách thức mua tích trữ các công ty bị định giá thấp hơn giá trị thực và kiếm bộn tiền bằng câu thần chú: giá cả không đồng nhất với giá trị.

(Trong ấn phẩm Nhà Đòi Nợ, Phil Town sẽ hướng dẫn nhà đầu tư từng bước về cách định giá một cổ phiếu để có thể thu mua nó ở mức giá hợp lý nhất.)

Hãy hình dung chiến lược đầu tư  mua tích trữ cổ phiếu như việc đầu tư vào một chú ngựa 

Vì tôi chưa chỉ bạn cách tìm ra giá trị của một doanh nghiệp, cho phép tôi làm rõ quan điểm của mình bằng một ví dụ từ trang trại ngựa của mình:

Bí mật của chiến lược mua tích trữ KHÔNG CHÚT RỦI RO

Tuy không phải là một người cưỡi ngựa giỏi, nhưng tôi rất muốn học cưỡi ngựa, nên tôi đã tìm kiếm một chú ngựa thuần và đã được huấn luyện kỹ lưỡng. Vợ của tôi, Melissa, để mắt đến một chú ngựa đã được huấn luyện kỹ lưỡng ở cấp độ bốn đang được rao bán vì chủ nhân mới vừa qua đời. Gia đình người chủ rất giàu có, nên họ chỉ cần kiếm một người chủ mới đàng hoàng cho chú ngựa mà thôi. Melissa gọi đến và biết được rằng họ đã mua con ngựa với giá 60.000 đô la chưa kể tiền vận chuyển từ Đức về. Họ muốn bán nhanh với giá 35.000 đô la. Melissa đã trả lời rằng chúng tôi không hứng thú lắm, nhưng nếu không có ai ngỏ ý muốn mua với giá đó thì họ có thể gọi lại cho chúng tôi. Hai tuần sau họ gọi lại và ra giá 10.000 đô la. Chúng tôi lái xe đến tận nơi để xem ngựa. Tại đó, chúng tôi thấy được vì sao họ khó lòng bán được nó. Chú ta cần được tỉa lại móng guốc và đóng lại bộ móng sắt mới. Chú cũng cần được cho ăn đàng hoàng hơn. Và mấy tháng rồi chẳng có ai cưỡi chú ta. Tôi leo lên lưng và chú cố gắng quăng tôi xuống, nhưng chú đã yếu quá rồi, không thể làm nổi chuyện đó nữa. Tôi không hề thấy ấn tượng tí nào cả. Một con ngựa to, gầy trơ xương, mất dáng, khó thuần không phải là thứ tôi đang tìm mua.

Tuy nhiên, Melissa, vốn xuất thân từ một công ty nhập khẩu và chuyên huấn luyện ngựa đồng thời cũng giữ chức vô địch quốc gia cưỡi ngựa nhiều năm liền. Cô hiểu rành rẽ về ngựa. Cô dành 10 phút nhìn cậu chàng di chuyển vòng quanh sân, sau đó kéo tôi sang một bên và nói: “Đón nó về nhà thôi, nó cực tuyệt luôn.”

Trong khi tôi toàn thấy những vấn đề bên ngoài, Melissa nhìn ra một chú ngựa trị giá 60.000 đô la và là một chú ngựa tuyệt vời, có đủ khả năng khiến tôi trở thành một người cưỡi ngựa giỏi.

(Hãy lưu ý những câu tô đậm vì những câu nói này sẽ liên quan đến một trong 4 yếu tố quan trọng hình thành một cổ phiếu tuyệt vời để tiến hành chiến lược mua tích trữ – Meaning (ý nghĩa), tức nghĩa chính là doanh nghiệp đứng sau cố phiểu mà bạn định đầu tư có dễ hiểu đối với bạn hay không, Warren Buffett không bao giờ đầu tư vào những doanh nghiệp mà ông không hiểu và Phil Town cũng đã thừa nhận rằng lý do mất tiền của ông thường đến từ việc đầu tư vào những cổ phiếu mà bản thân không hiểu rõ.)

Chúng tôi đã bỏ ra 2.000 đô la và hiện giờ chú ta đang ở trong chuồng ngựa nhà tôi, với bộ móng mới và đang được vỗ béo. (Tác giả đã bỏ ra 2.000 đô la tiền mặt, mua bảo hiểm và được ngân hàng cho vay 8.000 đô la còn lại nên số tiền bỏ ra thực tế chỉ có 2.000 đô la). Thế giá trị của chú ngựa là gì? Tôi chắc chắn rằng trong thị trường này, nếu chúng tôi bán nó đi, chúng tôi sẽ kiếm được nhiều hơn số tiền đã bỏ ra. Thậm chí là hơn gấp bội lần. Vậy bài học ở đây là gì? Trong một thị trường ảm đạm, những vấn đề nổi cộm lên bề mặt vốn chẳng ảnh hưởng gì đến giá trị, vẫn có thể tác động mạnh mẽ đến giá bán. 

Trước khi chúng ta trở lại việc chính và đi sâu vào tính toán giá trị của doanh nghiệp, tôi muốn bạn lưu ý thêm một điều nữa về phi vụ của tôi: Về cơ bản, nó hoàn toàn không có rủi ro. Tôi chẳng thể nào mất tiền được khi mua con ngựa. Thậm chí nếu nó chết, tôi vẫn có tiền từ bảo hiểm cơ mà. 

Bí mật của chiến lược mua tích trữ KHÔNG CHÚT RỦI RO

Hãy dành chút thời gian suy nghĩ về điều đó. Nếu chúng ta biết rằng giá cả của một vật rẻ hơn mức giá nó xứng đáng (giá trị của nó), những điều kỳ diệu sẽ trở thành hiện thực: Chúng ta có thể mua nó và đoán chắc rằng chúng ta sẽ kiếm ra tiền. Bạn có thể thốt lên “thật không đó?”, “thôi nào, không có cách đảm bảo rằng bạn sẽ kiếm ra tiền”. Ừ thì có một cách đảm bảo, và nó cực kỳ đơn giản. Hãy đội vào chiếc nón logic, lý trí và học theo tôi: Nếu giá trị của thứ bạn mua lớn hơn số tiền bạn bỏ ra để sở hữu nó, bạn được đảm bảo sẽ kiếm ra tiền. Như vậy, bạn loại trừ xong nguy cơ của hoạt động đầu tư rồi.

Nhưng có một vấn đề quan trọng trong chiến lược đầu tư mua tích trữ này là: Phải chờ bao lâu để giá cả trở về đúng với giá trị?

Trong trường hợp chú ngựa Sherman của chúng tôi, với giá mua quá hời, chúng tôi có thể bán nó đi và kiếm lời ngay lập tức sau khi chú được tút tát sơ bộ về móng guốc. Nếu chúng tôi muốn bán nó với mức giá tối đa có thể – giá trị cao nhất của một con ngựa được huấn luyện kỹ lưỡng ở cấp độ bốn, chiều dài thân bằng 17 gang tay với những chuyển động tuyệt vời – chúng tôi phải kiên nhẫn hơn và đợi chờ một thị trường tốt hơn khi giá bán được nâng lên ngang hàng với giá trị.

Và chúng ta cũng phải áp dụng nguyên tắc mua ngựa kể trên của tôi với cổ phần doanh nghiệp. Nếu bạn mua được giá thấp hơn so với giá trị lâu dài, có thể bạn sẽ không thể bán kiếm lời ngay tức thời. Nhiều khi giá còn xuống thấp nữa trước khi bắt đầu lên lại. Không có gì bảo đảm rằng giá ngắn hạn của Sherman không xuống thấp hơn. Nhưng cùng với thời gian, giá cả sẽ đạt đến bằng mức giá trị. Điều này đã đúng với ngựa, và sẽ đặc biệt đúng với doanh nghiệp.

Giả sử khi chúng ta cần rút khoản tiền đầu tư ban đầu về mà chúng ta không thể rút ra được thì sao (thị trường không phù hợp)? Ta phải chờ đợi đến khi nào? 

Hãy cân nhắc về quy tắc 10–10 của tôi: 

Nếu không sẵn lòng giữ cổ phiếu trong 10 năm, đừng cầm nó dù chỉ trong 10 phút. 

Chúng ta thực hành quy tắc này vì hai lý do: 

  1. Nó buộc chúng ta phải nhìn xa, nghĩ dài hạn. 
  2. Chúng ta có thể mắc kẹt trong một thị trường chứng khoán tồi tệ mà chúng ta thực sự phải chờ đến 10 năm thì giá cả mới bằng giá trị thực, và chúng ta phải hoàn toàn bình thản với nó.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết là chúng ta cần hiểu biết cặn kẽ về doanh nghiệp của mình định đầu tư và sở hữu giống như cách mà Melissa thấu hiểu về ngựa vậy. Trong lúc ấy, trong trường hợp những điều tôi vừa đề cập làm bạn hoang mang, thì bạn chỉ cần nhớ điều này: Tôi đã thực hiện đánh giá giá trị cho cả doanh nghiệp và ngựa, và tôi thấy việc đánh giá giá trị của doanh nghiệp dễ hơn rất nhiều. Khi bạn tìm được một công ty có giá cả thấp hơn giá trị, bạn sẽ không thể thua lỗ nếu bạn không buộc phải bán cổ phiếu

Trích từ Ngày Đòi Nợ 

Có thể bạn quan tâm ấn phẩm bán chạy nhất của Happy Live

Ngày đòi nợ – Phil Town

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề