Bí quyết của các bậc thầy đầu tư – mèo trắng hay mèo đen miễn là bắt được chuột
Có rất nhiều cách để các nhà đầu tư hiện đại sử dụng thành công các phương pháp khác nhau được sử dụng trong những năm của Công ty Hợp danh, kể cả những phương pháp mà Buffett đã từ lâu không còn sử dụng nữa. Tất cả đều thành công. Câu hỏi thực sự quan trọng dành cho bạn là, cách nào sẽ có hiệu quả đối với bạn.
Giả sử bạn là một nhà đầu tư nắm trong tay lượng vốn khiêm tốn, bạn nên đi theo phương pháp giống Graham và Buffett những ngày đầu, chú trọng vào giá trị tính toán, hay nên chú trọng vào chất lượng, giống chiều hướng đầu tư của Buffett khi càng gần về cuối thời kỳ Công ty Hợp danh?
Bạn nên tập trung vào những giao dịch chắc chắn hơn được định hướng dựa trên bảng cân đối kế toán, hay tốt hơn là tìm kiếm những doanh nghiệp chất lượng cao, tốt, bền vững mà không ít thì nhiều đã trở thành tiêu chuẩn trong chiến lược thâu tóm của Berkshire kể từ năm 1967?
Ai cũng có thể đưa ra lập luận cho mỗi phương án, như nhiều nhà đầu tư tài giỏi đã làm vậy. Cả hai đều có thể hiệu quả, nhưng phương án nào phù hợp với bạn còn phụ thuộc vào quy mô quỹ đầu tư bạn quản lý, tính cách của bạn và khả năng bạn có thể làm tốt công tác định giá, khả năng nhận định một cách khách quan những khía cạnh nằm ngoài phạm vi của mình. Tobias Carlisle, với cuốn sách năm 2014 của mình, tựa đề Deep Value (Giá trị lớn), xuất hiện như là một ví dụ điển hình của những nhà đầu tư thuần túy theo chủ nghĩa Graham. Nghiên cứu của ông cho thấy rằng nền tảng của một công ty rẻ càng tệ hại bao nhiêu, thì cổ phiếu công ty đó càng có khả năng sinh lời bấy nhiêu. Với định hướng đi sâu vào phương pháp định lượng, Tobias đã phát triển cái ông gọi là “Acquirer’s Multiple” để xác định và đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn có hệ thống. Dường như ông đã tìm được cách thức mình hiểu và có tác dụng với bản thân. Lưu ý rằng trong phương pháp của mình, ông đã gần như phớt lờ chất lượng để đi tìm giá trị.
Lợi nhuận dưới mức trung bình trong một ngành công nghiệp thường khiến các đối thủ cạnh tranh biến mất. Ban quản lý được thôi thúc khôi phục lợi nhuận ít nhất quay về mức vừa tương xứng với tiền bạc và thời gian của mình, thường thay đổi chiến lược, cải thiện quá trình hoặc cho dừng những việc kinh doanh gây thất thoát. Mua cổ phiếu rẻ khi các công ty đó đang khó khăn đem đến lợi ích gấp đôi cho các nhà đầu tư: một là qua kết quả kinh doanh được cải thiện và hai là qua việc đánh giá thị trường tốt hơn tương ứng với kết quả kinh doanh tốt hơn. Các phương án lựa chọn của Tobias có đăng trên trang web của ông.
Trong khi rất sáng suốt khi tìm ra được thứ gì đó hiệu quả với mình, ông thậm chí còn sáng suốt hơn khi tránh những thứ không hiệu quả. Đương nhiên ông muốn mua một doanh nghiệp tốt hơn một doanh nghiệp tồi nếu có thể chắc rằng doanh nghiệp đó vẫn duy trì được mức lợi suất cao trong tương lai. Tuy vậy, ông vẫn chưa tìm ra cách để xác định được những công ty có những yếu tố cần thiết để giữ vững lợi nhuận cao trước sự cạnh tranh thị trường, hoặc ít nhất theo một cách có hệ thống, nên ông tránh những trường hợp như vậy.
Trong hệ thống thị trường tự do, các doanh nghiệp sinh lời cao thường khiến các đối thủ tìm cách động tay động chân. Trong trường hợp không có rào cản đầu vào, những đối thủ cạnh tranh này sẽ tìm cách xen chân vào thị trường cho tới khi những mức lợi nhuận vượt mức này trở nên cân bằng. Động lực này chính là động cơ của hệ thống nền kinh tế của chúng ta, là lý do đằng sau hàng thập kỷ tăng năng suất lớn của các tập đoàn Mỹ, và cũng là lý do lợi nhuận trên vốn liên tục xoay quanh mốc 12-14%. Điều này đúng trong những năm 1950 và vẫn đúng cho tới tận bây giờ. Sự cạnh tranh có xu hướng làm giảm mức lợi nhuận cao và chỉ có vài ngoại lệ không có xu hướng như vậy. Những người chọn cách tìm kiếm giá trị ở những công ty lợi nhuận cao cần phải tìm những công ty có khả năng duy trì mức lợi nhuận đó.
Tom Gayner, giám đốc đầu tư lâu năm của Tập đoàn Markel, là một ví dụ tuyệt vời cho một nhà đầu tư hiện đại theo khuynh hướng đi sâu vào chất lượng. Ông luôn sẵn lòng đánh giá khả năng chống chịu của một công ty chất lượng cao. Ông tìm kiếm những công ty lợi nhuận lớn, những doanh nghiệp đã được thiết lập với những thành tích vững chắc về thành công qua những chu kỳ kinh doanh trước đó, được quản lý bởi đội ngũ giám đốc đủ tài và đức. Ông muốn công ty
tái đầu tư lợi nhuận vào các dự án lãi suất cao tăng dần khi có, và nếu không thì trả lại số lợi nhuận đó cho các cổ đông. Cuối cùng, ông tìm kiếm một giá mua hợp lý. Với hệ thống của mình, ông đã tìm ra cách tăng trưởng vượt các mốc chỉ số trong hàng thập kỷ qua.
Tom nhấn mạnh rằng bạn cần phải chọn đúng một số ít cổ phiếu loại này thì chiến lược mới có khả năng thành công. Những công ty bạn lựa chọn hợp lý sẽ khai khác được sức mạnh của lãi kép và tăng trưởng tới mức át đi những sai lầm khác. Ông lập luận rằng các nhà đầu tư mà thực hiện hai mươi hoặc hơn những vụ mua vào chắc chắn như vậy trong cả đời đầu tư rồi sẽ đến lúc nhìn thấy một hoặc hai trong số đó phát triển trở thành tỉ lệ phần trăm lớn trong giá trị tài sản ròng của mình.
Tom có một ví dụ tuyệt vời về hiện tượng này đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta không nên đánh giá một cách không công bằng rằng Ben Graham đơn thuần chỉ là một nhà đầu tư giá trị. Graham đầu tư tiền cho chất lượng khi ông mua công ty bảo hiểm GEICO – cuối cùng ông tạo ra lợi nhuận từ chỉ một vụ đầu tư này nhiều hơn tất cả các hoạt động đầu tư khác của ông cộng lại.
Chiến lược của Tom gần như ngược lại so với chiến lược của Tobias nhưng ông hiểu nó và nó có hiệu quả đối với ông. Chẳng có cái nào “đúng” hay “sai” cả; mỗi cách đều phát triển một hệ thống giá trị có tác dụng với ông. Điều đúng đắn trong đầu tư là điều mà có hiệu quả đối với cá nhân người đó.
Các nhà đầu tư tài ba khác thời nay, cũng không hề bị giới hạn bởi quy mô vốn cơ sở, có thể đầu tư vào cả hai hạng mục. Giáo sư Joel Greenblatt, một người quản lý đầu tư xuất sắc, đã thu về một trong những kết quả đầu tư tốt nhất lịch sử bằng cách bỏ vốn vào những trường hợp đặc biệt và những công ty vốn hóa nhỏ bị nhận định sai lầm. Hiện tại, ông sử dụng một hệ thống mà xác định theo phương pháp định lượng cổ phiếu chất lượng cao giao dịch ở các mức giá hấp dẫn mà ông gọi là công thức ma thuật, vô cùng có hiệu quả.
Bạn cũng có thể thấy đấy, có rất nhiều cách để các nhà đầu tư hiện đại sử dụng thành công các phương pháp khác nhau được sử dụng trong những năm của Công ty Hợp danh, kể cả những phương pháp mà Buffett đã từ lâu không còn sử dụng nữa. Khi có thể, ông đã rất thành công với những cổ phiếu net-net và “đầu lọc xì gà” mà Tobias hiện tại đang ưa dùng. Một số năm lợi nhuận cao nhất của ông là trong những năm 1950 khi ông đầu tư vào những trường hợp đặc biệt như Greenblatt sau này đã làm vô cùng tốt. Khi quỹ đầu tư của ông phát triển tới quy mô khiến cho những hoạt động này quá nhỏ để thay đổi kết quả kinh doanh, ông tiếp tục đầu tư theo cách mà Tom Gayner đã chủ yếu sử dụng. Tất cả đều thành công. Câu hỏi thực sự quan trọng dành cho bạn là, cách nào sẽ có hiệu quả đối với bạn.
Lại một lần nữa, chắc hẳn giờ bạn đã có thể đoán được rồi, chúng ta đang nói về việc hiểu chính bản thân mình, điều mà Buffett sau này gọi là vòng tròn năng lực. Giữ mình ở trong vòng tròn đó là điều cốt yếu tạo nên thành công của Buffett. Ông luôn thể hiện rằng khi phát hiện điều gì ông thích và có thể hiểu được, dù cho đó là cổ phiếu netnet hay lãi kép, ông bắt lấy ngay lập tức. Ông bỏ qua bất kỳ những vụ đầu tư nào nằm ngoài vòng tròn đó.
Trong một buổi nói chuyện với sinh viên vào năm 2007, Buffett đưa ra lời khuyên dưới đây, tóm tắt ý tưởng về việc bạn nên đầu tư vào cổ phiếu Tổng quát thế nào và luôn nhớ về vòng tròn khả năng của mình:
Tôi có ba hộp thư trong văn phòng của mình – THEO, BỎ, và QUÁ KHÓ. Lúc đó tôi đùa với các sinh viên MIT rằng đáng lẽ tôi nên có một hộp thư đề QUÁ KHÓ và các em đã làm cho tôi một chiếc hộp như vậy, nên giờ tôi có rồi và đang sử dụng nó. Tôi sẽ chỉ vung gậy trước những cú ném mà tôi thực sự thích. Nếu bạn làm được như vậy 10 lần trong đời, bạn sẽ giàu có. Bạn nên tiếp cận đầu tư như là mình đang có một chiếc thẻ với 20 nút bấm, mỗi nút là một vụ giao dịch trong đời bạn.
Tôi nghĩ người ta sẽ tốt hơn nếu chỉ có mười cơ hội để mua cổ phiếu trong suốt cả cuộc đời. Các bạn biết điều gì sẽ xảy ra không? Họ sẽ đảm bảo rằng mỗi lần mua phải là một thương vụ tốt. Họ sẽ tìm tòi nghiên cứu rất rất nhiều trước khi mua. Bạn không cần tới nhiều cơ hội tăng trưởng để giàu có. Bạn không cần phải làm gì nhiều, nhưng môi trường xung quanh lại khiến bạn thấy mình lúc nào cũng phải làm gì đó mới được.
Dưới đây là một danh sách kiểm tra để đánh giá một vụ đầu tư tiềm năng vào cổ phiếu Tổng quát:
(1): Định hướng: Công cụ hay kiến thức chuyên môn gì cần có để hiểu được tình hình đó? Mình có công cụ hay kiến thức đó không?
(2) Phân tích: Có những thành phần kinh tế vốn có nào trong doanh nghiệp và trong ngành? Chúng liên hệ thế nào với kỳ vọng dài hạn về lợi nhuận và dòng tiền của mình?
(3) Hỏi ngược: Mình có thể sai theo cách nào được nhỉ? Nếu sai lầm, mình sẽ mất bao nhiêu?
(4) Giá trị nội tại hiện thời của doanh nghiệp là bao nhiêu? Nó sẽ phát triển hoặc suy yếu nhanh tới mức nào?
(5) So sánh: liệu khoản chiết khấu thành giá trị nội tại, đã được tính trọng số chính xác cho cả rủi ro sụt giá và tưởng thưởng tăng giá, có lợi hơn khi so sánh với tất cả những lựa chọn khác không?
Nếu bạn thấy mình không thể đi hết danh sách này, vậy hãy viết lại những ích lợi của khoản đầu tư này trong một đoạn duy nhất. Nếu bạn mắc kẹt giữa chừng, vậy hãy tìm hiểu thêm hoặc đơn giản quên ý tưởng đó đi như là một trường hợp “quá khó” và tiếp tục với những khoản đầu tư khác.
Mặc dù Buffett đã thực hiện rất nhiều vụ đầu tư trong suốt sự nghiệp của mình, chỉ có một ít trong số đó chiếm phần lớn tài sản ông có thể tạo ra. Nhận ra được điều này, Buffett khuyến khích các nhà đầu tư làm một thẻ đục lỗ, sau đó chỉ sử dụng khi nào thấy bản thân đang ở trong chính vòng tròn năng lực của mình.
Nguồn: Luật của Warren Buffett
Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z