Big Tech vẫn sẽ thống trị thị trường dù phải cắt giảm chi phí, sa thải nhân sự hàng loạt
Các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ đã từng là sự kết hợp hiếm hoi giữa các yếu tố bao gồm tốc độ phát triển nhanh chóng và sự đổi mới mạnh mẽ, theo Wall Street Journal.
Bây giờ, các công ty này chủ yếu mang nhãn mác “Big Tech”. Sự tăng trưởng của họ đã giảm xuống và những đổi mới cũng không còn xuất hiện thường xuyên. Một số người hiện coi trí tuệ nhân tạo (AI) là chất xúc tác tiếp theo cho sự tăng trưởng, nhưng vẫn cần thêm thời gian để xem liệu AI có tạo ra một sản phẩm thực sự mới và đem lại hiệu quả cho con người hay không.
Đại dịch đã giúp tăng doanh thu và lợi nhuận của những ông lớn công nghệ như Apple, Alphabet (công ty mẹ Google), Meta (công ty mẹ Facebook), Microsoft và Amazon. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi trong năm 2022. Thậm chí, lượng người dùng tích cực trên toàn cầu với Facebook và Instagram của Meta, YouTube của Google và Twitter chỉ tăng từ 1% đến 3% vào năm ngoái, theo Sensor Tower.
Trong năm 2022, các công ty đã thực hiện các chiến lược được coi là xu hướng chung của toàn ngành: Sa thải nhân viên, cắt giảm chi phí để tăng tỷ suất lợi nhuận hay mua lại cổ phiếu để tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Tất cả họ vẫn chi mạnh tay cho mảng nghiên cứu và phát triển. Các Big Tech thực tế vẫn nỗ lực để đổi mới, chẳng hạn như việc thời gian giao hàng của Amazon ngày càng nhanh hay công cụ tìm kiếm của Google trở nên hiệu quả hơn. Dù vậy, đây không phải là những sản phẩm hoàn toàn mới, có tính biến đổi mà chúng chỉ là những cải tiến cho các sản phẩm hiện có.
Big Tech đã đặt cược lớn, chỉ là những lần đặt cược đó vẫn chưa đem lại kết quả. Bộ phận thực tế ảo của Meta, Reality Labs, chỉ tạo ra 2,2 tỷ USD doanh thu vào năm ngoái, chưa đến 2% tổng doanh thu của Meta, trong khi chịu lỗ 13,7 tỷ USD.
“Các vụ đặt cược khác” của Alphabet như Waymo trong lĩnh vực lái xe tự động và Calico trong lĩnh vực sức khỏe chỉ mang lại lần lượt doanh thu 1 tỷ USD và khoản lỗ 6 tỷ USD. Các cổ đông đã gây áp lực, buộc nhiều công ty phải rút lại những vụ cá cược mang nhiều rủi ro đó.
Big Tech vẫn chiếm thị phần lớn ở nhiều lĩnh vực
Dù vậy, những hành động của Big Tech không phải là không đem lại kết quả gì. Một ví dụ cụ thể có thể kể tới Twitter và Elon Musk. Kể từ khi nắm quyền điều hành tại Twitter, Elon Musk đã khiến toàn công ty thay đổi “chóng mặt”, thậm chí khiến cả những nhà quảng cáo cảm thấy lo lắng và rời khỏi nền tảng này.
Tuy nhiên, các lượt truy cập vào Twitter trong thời gian qua gần như tương đương với những tháng trước khi Elon Musk tiếp quản, bất chấp việc công ty đã cắt giảm chi phí và đối mặt với những bất ổn khác, theo ước tính của Similarweb.
Dường như tất cả vị trí trên thị trường của Big Tech vẫn tương đối bền vững. Google và Meta vẫn chiếm tới 48% tổng số tiền quảng cáo kỹ thuật số vào năm ngoái, theo Insider Intelligence. Tương tự, sau nhiều thập kỷ sau khi được giới thiệu, Microsoft Office vẫn chiếm một thị phần khá lớn trên thị trường phần mềm máy tính để bàn và lợi nhuận của Microsoft.
Mô hình kinh doanh của Apple ngày càng giống với Alphabet và Meta: Nhượng quyền thương mại được xây dựng xung quanh một sản phẩm duy nhất có rào cản gia nhập cao. Trong quý IV/2022, iPhone vẫn là sản phẩm chủ lực của Apple, chiếm 56% tổng doanh số.
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook nói với các nhà phân tích: “iPhone đã trở nên không thể thiếu trong cuộc sống của mọi người”. Nhà phân tích Erik Woodring của Morgan Stanley ước tính mỗi người trong số 1,2 tỷ người dùng iPhone của Apple tạo ra doanh thu dịch vụ khoảng 69 USD/năm, chẳng hạn như từ Apple Music, App Store và iCloud.
AI có thể là một chương mới
Big Tech hiện đang đổ tài nguyên vào trí tuệ nhân tạo. Thành công bất ngờ của ChatGPT cho thấy đây có thể là sản phẩm ăn khách mới, tạo ra kỷ nguyên khác đối với lĩnh vực công nghệ. Thay vì là một sản phẩm độc lập, các mô hình ngôn ngữ lớn có thể quan trọng hơn với tư cách là một công nghệ làm cho những sản phẩm khác đó trở nên tốt hơn, chẳng hạn như chất bán dẫn.
Với hầu bao rủng rỉnh và cơ sở dữ liệu rộng lớn, Big Tehc có vị trí độc nhất để khai thác khả năng của AI. Thực tế, khi Microsoft đầu tư lần đầu vào OpenAI, đơn vị đứng sau ChatGPT, đó là để cải thiện hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của mình. Alphabet vừa phân loại lại DeepMind, dự án AI của họ, thành một khoản chi phí của công ty để hỗ trợ các sản phẩm hiện có thay vì một liên doanh độc lập.
Tuần này cũng đánh dấu các Big Tech có những dấu mốc mới đối với mảng AI. Microsoft đã ra mắt phiên bản mới của công cụ tìm kiếm Bing sử dụng OpenAI, với mục tiêu phá vỡ thế độc tôn của Google trên thị trường công cụ tìm kiếm. Ngược lại, để bảo vệ vị thế, Google đã phản ứng bằng cách tung ra ứng dụng AI của riêng mình mang tên Bard.
Hiện tại vẫn còn quá sớm để dự đoán chính xác tác động của AI đối với thế giới công nghệ, ngoại trừ một điều rằng AI có lẽ sẽ giúp cho công nghệ nói chung và các công ty công nghệ hàng đầu nói riêng, trở nên lớn mạnh hơn.
Hà An
Có thể bạn quan tâm: CẢI TIẾN TRƯỚC – PHÁT KIẾN SAU