William O’neil: Tầm quan trọng của khối lượng giao dịch và vai trò của các tổ chức lớn
Những đối tượng có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường là các quỹ tương hỗ và các tổ chức lớn. Trong bài này, William O’neil thảo luận ảnh hưởng của những tổ chức này đối với thị trường và việc các nhà đầu tư cá nhân có thể nhận biết hoạt động giao dịch của các tổ chức lớn.
Khối lượng giao dịch là gì và tại sao lại quan trọng?
Quy luật cung cầu rất phổ biến trên thị trường. Các cổ phiếu không bao giờ bất ngờ tăng giá. Đằng sau đó chắc chắn phải có một lượng cầu mua lớn. Đa phần lượng cầu này xuất phát từ các tổ chức lớn. Họ thường mua hơn 75% trong tổng số cổ phiếu hàng đầu trên thị trường.
Khi lựa chọn cổ phiếu, bạn có thể đo lượng cầu dựa vào khối lượng giao dịch hàng ngày hoặc hàng tuần. Khối lượng giao dịch là con số thực về lượng cổ phiếu được giao dịch trong ngày. Số liệu này có thể dễ dàng tìm thấy ở các tờ nhật báo. Tuy nhiên, nếu bạn không theo dõi liên tục để nhận ra khối lượng giao dịch nào thật sự vượt trội (báo hiệu những vụ mua bán lớn), các số liệu hàng ngày chưa hẳn đã hữu ích.
Chỉ có các bảng cổ phiếu trên tờ Investor’s Business Daily cung cấp cho bạn số liệu “Tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch” của mỗi cổ phiếu hàng ngày. Nhờ đó bạn có thể theo dõi được sự thay đổi phần trăm khối lượng giao dịch trong ngày hôm qua của mỗi loại cổ phiếu so với trung bình 50 ngày trước đó. Bạn cũng có thể biết cổ phiếu được giao dịch với khối lượng nhiều hơn hay ít hơn khối lượng giao dịch trung bình. Ví dụ, một cổ phiếu được ghi “+356” ở cột “Tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch” có nghĩa là cổ phiếu đó có khối lượng giao dịch trong ngày tăng 356% so với khối lượng giao dịch trung bình 50 ngày trước đó. Ngoài ra, các cổ phiếu có tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch cao nhất cũng được công bố trên tờ Investor’s Business Daily, trong mục “Nơi dòng tiền chảy nhiều nhất” ở đầu các bảng cổ phiếu NYSE và Nasdaq hàng ngày.
Các tổ chức lớn không thể mua cổ phiếu mà không tạo ra sự thay đổi nào trong mục “Tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch” và mục “Nơi dòng tiền chảy nhiều nhất” ở đầu các bảng cổ phiếu NYSE và Nasdaq. Để giúp các bạn hình dung về sự tác động của các tổ chức lớn đối với thị trường, tôi sử dụng ví dụ sau: Một quỹ đầu tư có 1 tỷ đô-la và chỉ muốn đầu tư 2% tài sản (tương đương 20 triệu đô-la) vào một cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá 40 đô-la. Như vậy, họ sẽ mua được 500 nghìn cổ phiếu. Việc mua bán của các quỹ đầu tư được ví như hình ảnh các chú voi lớn nhảy vào bồn tắm, nước sẽ trào lên và bắn tung toé khắp nơi. Tờ Investor’s Business Daily giúp bạn dễ dàng theo dõi sự di chuyển của những con voi này.
Dựa vào khối lượng giao dịch, nhà đầu tư sẽ biết được một cổ phiếu đang được giao dịch với khối lượng lớn. Vậy làm thế nào để biết cổ phiếu đó đang được bán ra hay mua vào?
Tờ Investor’s Business Daily có phương tiện đánh giá độc quyền rất hữu ích để xác định một cổ phiếu đang được bán ra hay mua vào, đó là mục “Phân phối/Tích luỹ”. Mục này theo dõi khối lượng giao dịch trong 30 tuần trước đó của một cổ phiếu và cho bạn biết cổ phiếu đó đang được tích luỹ (các tổ chức mua vào) hay phân phối (các tổ chức bán ra). Theo đó, các cổ phiếu sẽ được xếp hạng từ A đến E, nếu A hoặc B nghĩa là cổ phiếu đang được mua vào, D hoặc E nghĩa là cổ phiếu đang được bán ra (nhà đầu tư nên tránh thời điểm này), và C chỉ ra lượng mua bán cân bằng.
Bảo trợ là gì?
Đó là khi các nhà đầu tư tổ chức lớn tập trung mua vào một cổ phiếu. Nếu bạn thật sự muốn mua các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng đáng kể, thì điều cần thiết là cổ phiếu đó phải được ít nhất 1 hoặc 2 quỹ đầu tư hoạt động tốt gần đây cũng mua vào. Nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng số lượng những cổ phiếu mới được mua trong quý cuối cùng là yếu tố quan trọng nhất và số lượng cổ phiếu được mua thêm rất nhiều trong hiện tại là yếu tố quan trọng thứ hai.
Làm sao để tìm ra những quỹ đầu tư hoạt động tốt và biết được họ đang mua và bán cổ phiếu nào?
Việc bạn phải làm là tạo thói quen theo dõi mục “Quỹ tương hỗ” trên tờ Investor’s Business Daily. Mục này cung cấp thông tin về tất cả các quỹ có hoạt động tốt nhất trong 3 năm qua. Một mục đánh giá độc quyền khác là mục xếp hạng “Hoạt động trong 3 năm”, so sánh mọi loại quỹ, và xếp hạng chúng trong một bảng tỷ lệ: Quỹ xếp hạng A+ thuộc nhóm 5% các quỹ dẫn đầu; xếp hạng A thuộc nhóm 10% các quỹ dẫn đầu; xếp hạng A- thuộc nhóm 15% các quỹ dẫn đầu; xếp hạng B+ thuộc nhóm 20% các quỹ dẫn đầu, v.v… Đó là chìa khoá giúp bạn nhận ra những quỹ hoạt động tốt nhất.
Trong mục này còn có những danh mục đặc biệt chứa các thông tin quan trọng khác về các quỹ hoạt động tốt, như 10 cổ phiếu lớn nhất của một quỹ, các giao dịch mua cổ phiếu mới (thể hiện bằng chữ “N” bên cạnh tên cổ phiếu) và những cổ phiếu được một quỹ mua thêm hay cắt giảm (thể hiện bằng dấu “+” hoặc “-” bên cạnh tên cổ phiếu). Thông tin về nhóm 10 cổ phiếu hàng đầu được các quỹ nắm giữ nhìn chung đáng quan tâm hơn những cổ phiếu ít được các quỹ nắm giữ.
Đồng thời mục “Quỹ tương hỗ” còn công bố nhóm 10 cổ phiếu được một quỹ mua vào gần đây với số lượng lớn. Tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm 3 hoặc 4 cổ phiếu hàng đầu mới được các quỹ mua. Một quỹ hoạt động hàng đầu mua một cổ phiếu với số lượng lớn cho bạn biết cổ phiếu đó có sức thuyết phục nhất đối với họ. Theo dõi mục này hàng ngày, bạn sẽ biết được khi nào một vài quỹ khác nhau cùng mua vào một loại cổ phiếu mới hoặc đang bán ra một cổ phiếu bạn đang quan tâm.
Ví dụ, tôi theo dõi mục ”Quỹ tương hỗ” trên tờ Investor’s Business Daily ngày 24-8-1998. Mục này cho biết các quỹ MAS, có mức tăng trưởng vốn hoá trung bình được tờ Investor’s Business Daily xếp hạng A+, đã bán một lượng lớn các cổ phiếu Complete Business Solutions, Advanced Fibre Communications, Ciena, Franklin Resources, PeopleSoft, và Dollar Tree. Nếu bạn sở hữu một trong những cổ phiếu đó, bạn cần biết thông tin quan trọng này. Không có bất kỳ tờ báo hay trang web nào có những thông tin giá trị như vậy.
Nhưng tại sao những giao dịch của một quỹ cách đây 2 tháng lại liên quan đến ngày hôm nay?
Hàng quý hoặc nửa năm, trong khoảng 5 hoặc 6 tuần sau khi kết thúc một thời điểm quan trọng, hầu hết các quỹ đều thông báo công khai những cổ phiếu họ đang nắm giữ. Nhiều người cho rằng việc này quá muộn để có giá trị, nhưng điều này không đúng.
Ông khuyên các nhà đầu tư thế nào nếu đã quá muộn để mua?
Hãy luôn kiểm tra biểu đồ hàng ngày hoặc hàng tuần của các cổ phiếu được những quỹ đầu tư hoạt động tốt mua gần đây. Các cổ phiếu này đang ở thời điểm thích hợp để mua, hay giá của chúng đã tăng quá cao nên việc mua chúng là quá mạo hiểm? Luôn có những câu hỏi như vậy và chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách tìm ra thời điểm tốt nhất để mua những cổ phiếu mà các quỹ lớn mua gần đây.
Nhiều người nghĩ rằng họ nên mua một cổ phiếu chưa có bất kỳ quỹ nào sở hữu và hy vọng giá của nó sẽ tăng lên khi được các quỹ quan tâm tới. Quan niệm này thật thiển cận. Hãy tránh xa cổ phiếu không được một quỹ đầu tư hoạt động tốt nào quan tâm đến. Hãy tự hỏi tại sao các quỹ hoạt động tốt không quan tâm đến cổ phiếu đó? Dù thế nào đi nữa, sức mua mạnh mẽ của các quỹ đầu tư vẫn có thể làm tăng giá cổ phiếu. Vì vậy, bạn nên mua những cổ phiếu được một số quỹ hoạt động tốt mua vào gần đây.
Bằng cách thường xuyên theo dõi mục “Quỹ tương hỗ” trên tờ Investor’s Business Daily, bạn sẽ phát hiện một số điều về những cổ phiếu mà các quỹ đầu tư xuất sắc thường mua và không mua. Họ không mua những cổ phiếu giá rẻ mà thích các công ty chất lượng cao có thể đáp ứng sức mua của họ. Bạn cũng có thể xác định những ngành họ đầu tư vào nhiều nhất cũng như các lĩnh vực họ đang rút lui.
Một nhà đầu tư khôn ngoan luôn chú ý liệu tổng số quỹ mua một cổ phiếu có tăng lên đều đặn trong những quý gần đây không.
Làm thế nào để biết cổ phiếu của mình được các nhà đầu tư tổ chức bảo trợ?
Tờ Investor’s Business Daily có một mục độc quyền khác có tên là mục “Xếp hạng bảo trợ”, thể hiện ở các bảng cổ phiếu vào ngày thứ ba hàng tuần. Bảo trợ của mỗi cổ phiếu được xếp hạng từ A đến E. Cổ phiếu xếp hạng A hoặc B là cổ phiếu được các quỹ hoạt động tốt sở hữu và/hoặc số lượng quỹ sở hữu cổ phiếu tăng trong những quý gần đây.
Kết luận
1. Khối lượng giao dịch là số lượng cổ phiếu được giao dịch trên thực tế.
2. Các cổ phiếu không bao giờ tự nhiên tăng giá. Chắc chắn phải có nhà đầu tư (đặc biệt là những nhà đầu tư tổ chức lớn như các quỹ tương hỗ và các quỹ hưu trí) mua chúng với số lượng lớn.
3. Cột “Tỷ lệ phần trăm thay đổi khối lượng giao dịch” trên tờ Investor’s Business Daily theo dõi sự thay đổi phần trăm khối lượng giao dịch ngày hôm qua của mỗi cổ phiếu so với trung bình 50 ngày trước đó, chỉ ra cổ phiếu giao dịch với khối lượng nhiều hơn hay ít hơn khối lượng giao dịch trung bình.
4. Sử dụng mục “Phân phối/ Tích luỹ” để biết các cổ phiếu đang được các nhà đầu tư tổ chức lớn mua hoặc bán.
5. Biết được các quỹ tương hỗ hoạt động tốt nhất đang mua và bán cổ phiếu nào rất quan trọng. Mục “Xếp hạng bảo trợ” giúp bạn xác định liệu cổ phiếu của bạn có được các tổ chức lớn bảo trợ hay không.
6. Khi bắt đầu đầu tư, bạn nên chọn dịch vụ môi giới trọn gói hoặc dịch vụ môi giới giá hạ. Nếu bạn thuê một nhà môi giới, hãy chắc chắn người đó làm việc hiệu quả.
Nguồn: 24 bài học sống còn để đầu tư trên thị trường chứng khoán
Có thể bạn quan tâm: