fbpx

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Đang tìm cách để doanh nghiệp bất động sản tiếp cận vốn giữa lúc thị trường lao dốc

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 22/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ Việt Nam muốn mở rộng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản bị khủng hoảng thanh khoản vì tình trạng đòn bẩy cao ở một số doanh nghiệp.

bo-truong-ho-duc-phoc-dang-tim-cach-de-doanh-nghiep-bds-tiep-can-von-giua-luc-thi-truong-lao-doc-happy-live-1

Lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ Chính phủ Việt Nam không muốn cuộc khủng hoảng này gây vạ lây các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, mà chỉ gói gọn trong các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật hoặc sai lệch. Các cơ quan chức trách đang tìm cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận vốn trong bối cảnh thị trường lao dốc, đồng thời giúp họ tiếp cận vốn dễ dàng hơn trong vài năm tới.

“Các doanh nghiệp gặp rắc rối tài chính là do đã mở rộng quá mạnh và vượt khả năng của họ, như xây dựng hàng tá dự án cùng một lúc và vượt khả năng của chính mình”, ông Hồ Đức Phớc nói. “Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết tín dụng để chống lạm phát, các công ty này đối mặt với rắc rối về thanh khoản và làm giảm niềm tin từ phía nhà đầu tư”.

Đến năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lên 25% GDP, từ mức 11% hiện tại, ông Phớc cho biết thêm. Tổng giá trị của thị trường trái phiếu hiện tại ở mức 1,200 ngàn tỷ đồng (tương đương 48.3 tỷ USD).

Bên cạnh đó, ông Phớc cho biết Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các công ty phát triển bất động sản, làm việc với NHNN để giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp và hỗ trợ cho quá trình cơ cấu lại việc trả nợ. Đảm bảo các nhà phát hành trái phiếu cung cấp thông tin chính xác và thanh toán nợ trái phiếu đúng thời hạn để xây dựng lòng tin của nhà đầu tư.

Các nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh quá trình kiểm soát thị trường trái phiếu – vốn là nguồn vốn quan trọng của các công ty bất động sản. Các công ty bất động sản hiện đang khủng hoảng thanh khoản, trong bối cảnh lãi suất ngày càng cao và NHNN cảnh báo về rủi ro từ các khoản cho vay bất động sản.

Đợt siết kiểm soát từ Chính phủ Việt Nam có thể cũng gây tác động lớn tới một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Đất nước hình chữ S cũng là nơi đặt nhà máy của một số nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn như Apple và Samsung Electronics.

Xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư

Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh trong năm nay, với giá trị trái phiếu thông qua phát hành riêng lẻ giảm 51%, xuống 240.76 ngàn tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm, theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA). Con số này chiếm 96% tổng giá trị bán trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Chỉ số VN-Index đã sụt 36% vì đợt giảm mạnh của các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, qua đó trở thành chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới.

Trên thị trường, các nhà đầu tư lo ngại thị trường bất động sản đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng và gây tác động tới nền kinh tế chung. Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn các dự án bất động sản.

Tình thế có thể xoay chuyển trong thời gian tới. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết muốn tạo điều kiện để các công ty bất động sản tiếp cận nguồn vốn, phát hành trái phiếu và được cấp phép để bán dự án. Điều này sẽ khôi phục lại niềm tin trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đang tìm cách giúp quá trình thay đổi giấy phép xây dựng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, đồng thời giúp các công ty linh hoạt hơn trong việc thay đổi lịch trình để tận dụng các cơ hội trên thị trường. Trong đó, bao gồm việc chuyển từ kế hoạch phát triển văn phòng sang xây dựng một khu chung cư và nhà ở giá cả phải chăng hơn, ông Phớc nói.

Tuy nhiên, để thuyết phục thị trường, đầu tiên Chính phủ phải xoa dịu nỗi lo của nhà đầu tư. Theo ông Phớc, niềm tin của nhà đầu tư đã bị tổn thương bởi những lời đồn thổi trong thời gian gần đây.

“Gần đây, thị trường chứng khoán lao dốc vì nhà đầu tư mất niềm tin và có quá nhiều tin đồn. Vì vậy, chúng tôi sẽ chia sẽ thêm thông tin qua các kênh chính thống và phải thực hiện các biện pháp để củng cố hoạt động của các công ty”, ông Phớc cho biết.

Tiến Phát

vietstock

Có thể bạn quan tâm: Tủ sách Đầu tư Happy.Live

tủ sách đầu tư

ĐỌC THỬ

Các viết cùng chủ đề