BofA: Giá dầu có thể lên 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu Nga giảm mạnh
Giá dầu thế giới đang ở vùng cao nhất trong 2 tháng, trong bối cảnh nguồn cung dầu thắt chặt trên toàn cầu và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tăng mạnh…
Giá dầu thô Brent có thể nhảy vọt lên ngưỡng hơn 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga giảm mạnh trong mấy tháng tới đây – một báo cáo mới đây của ngân hàng Mỹ Bank of America (BofA) nhận định.
“Với mục tiêu 120 USD/thùng của giá dầu Brent đã trong tầm tay, chúng tôi tin rằng một sự sụt giảm mạnh trong hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có thể đẩy giá dầu Brent vượt 150 USD/thùng”, báo cáo viết.
Ở thời điểm BofA công bố báo cáo trên, giá dầu Brent còn ở dưới mốc 120 USD/thùng. Hiện tại, dầu Brent đã vượt qua mốc giá này.
Lúc hơn 8h sáng nay (31/5) theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,33 USD/thùng, tương đương tăng gần 0,3% so với đóng cửa phiên liền trước, đạt 122 USD/thùng – theo dữ liệu từ hãng tin CNBC.
Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York cùng thời điểm tăng 2,18 USD/thùng, tương đương tăng gần 1,9%, đạt 117,24 USD/thùng. Thị trường Mỹ đóng cửa phiên ngày thứ Hai nhân dịp lễ Memorial Day.
Trong kịch bản cơ sở mà BofA đưa ra, các nhà phân tích của ngân hàng này dự báo giá dầu Brent sẽ đạt bình quân 104,48 USD/thùng trong năm nay và 100 USD/thùng trong năm 2023.
Giá dầu thế giới đang ở vùng cao nhất trong 2 tháng, trong bối cảnh nguồn cung dầu thắt chặt trên toàn cầu và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tăng mạnh, khi Mỹ bắt đầu bước vào mùa lái xe cao điểm và trung tâm tài chính Thượng hải của Trung Quốc sẽ dần mở cửa trở lại từ ngày 1/6.
Trong một diễn biến có thể đẩy giá dầu tăng cao, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/5 đã nhất trí việc cấm vận một phần dầu Nga.
Theo tin từ Bloomberg, lệnh cấm vận trên sẽ không cho phép việc mua dầu và các sản phẩm từ dầu từ Nga giao hàng cho các nước thành viên EU bằng đường biển, nhưng bao gồm một điều khoản miễn trừ tạm thời cho phép tiếp tục nhập khẩu dầu Nga qua đường ống. Thông tin này được Chủ tịch Hội đồng châu ÂU Charles Michel công bố sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels.
“Biện pháp này ngay lập tức bao trùm hơn 2/3 dầu nhập khẩu từ Nga vào EU, làm mất đi một nguồn lực tài chính to lớn cho cỗ máy chiến tranh của Nga”, ông Michel viết trong một dòng tweet. “Sức ép tối đa đối với Nga để kết thúc chiến tranh”.
Nga hiện đã đẩy mạnh nỗ lực bán dầu cho Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng các khách hàng ở khu vực châu Á khó có khả năng hấp thụ hết số dầu Nga mà khách hàng phương Tây từ chối mua – theo nhận định của giới phân tích.
Trong báo cáo về thị trường dầu lửa toàn cầu tháng 5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng nguồn cung dầu từ Nga đã sụt giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4 và từ ngày 15/5 trở đi, theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây, các công ty giao dịch quốc tế phải dừng tất cả giao dịch với các công ty năng lượng lớn của nga bao gồm Rosneft, Gzprom Neft và Transneft.
“Sau cú sụt giảm 1 triệu thùng/ngày của nguồn cung dầu từ Nga trong tháng 4, sự mất mát nguồn cung này có thể tăng lên 3 triệu thùng/ngày trong nửa cuối của năm nay”, báo cáo của IEA cho biết.
Cũng theo IEA, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới dự kiến đạt 1,9 triệu thùng/ngày trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 4,4 triệu thùng/ngày trong quý 1. Mức tăng trưởng được IEA sẽ giảm còn 0,49 triệu thùng/ngày trong nửa sau của năm nay do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc và do giá dầu cao.
Riêng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể đạt 3,6 triệu thùng/ngày do nhu cầu nhiên liệu hàng không và xăng xe tăng mạnh để đáp ứng hoạt động đi lại trong mùa hè. Cả năm nay, IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,8 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, đạt bình quân 99,4 triệu thùng/ngày.
Nguồn: vneconomy
Có thể bạn quan tâm