Các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân cho người trẻ
Đánh giá tình hình, đặt mục tiêu, bỏ những khoản chi không cần thiết, lập kế hoạch chi tiêu, xác định thời gian hoàn thành là các bước lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả.
Với cơ hội tiếp cận thông tin không bị giới hạn, ngày càng nhiều người trẻ quan tâm hơn đến kiến thức tài chính, trong đó có giải pháp bảo vệ trước rủi ro và hoạch định tài chính như bảo hiểm nhân thọ. Kế hoạch tài chính cá nhân là bảng kế hoạch về việc sử dụng dòng tiền trong thu nhập, chi tiêu, tích lũy và đầu tư của một cá nhân. Thông thường, kế hoạch tài chính sẽ được tạo thành bảng với các công thức tính toán cụ thể. Từ đó, chúng ta sẽ có con số chính xác cho việc tích lũy, đầu tư, chi tiêu trong ngắn hạn hay dài hạn.
Đánh giá tình hình hiện tại
Đầu tiên, cần đánh giá lại các khoản thu nhập, đầu tư và vay trong 3 tháng gần nhất. Việc thống kê rõ ràng sẽ giúp bạn lập kế hoạch chi tiêu hiệu quả nhất.
Đặt ra các mục tiêu tài chính
Mục tiêu tài chính có thể là chi tiêu, đầu tư, tích lũy… Chúng ta cần điền tên cụ thể và mức giá trị cần đạt được tương ứng với khoảng thời gian thực hiện.
Loại bỏ những khoản chi không thiết yếu
Hàng ngày, bạn nên ghi chép đầy đủ các khoản chi tiêu rồi rà soát lại, cân nhắc điều chỉnh các khoản chưa hợp lý và loại bỏ những khoản không cần thiết. Chi tiêu không thiết yếu sẽ mang tính nhất thời, cảm xúc. Ví dụ, bạn mua một bộ quần áo chỉ vì đang giảm giá, không hoàn toàn cấp thiết trong thời điểm đó.
Lập kế hoạch chi tiêu chi tiết
Có nhiều cách để bạn lập kế hoạch chi tiêu như áp dụng quy tắc 50/20/30, 6 chiếc lọ… Với phương pháp 50/20/30, bạn sẽ dành 50% thu nhập cho các chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, điện, nước; 20% cho mục tiêu đầu tư tài chính, tiết kiệm, trả các khoản vay; 30% cho chi tiêu cá nhân như hiếu hỷ, hội họp bạn bè, vui chơi giải trí.
Với quy tắc 6 chiếc lọ, lọ thứ nhất chiếm 55% tổng thu nhập, sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu, các sinh hoạt thường ngày. Lọ thứ 2 chiếm 10% tổng thu nhập, dùng cho tiết kiệm dài hạn, hoạt động kinh doanh, mua sắm tài sản. Lọ thứ 3 chiếm 10% thu nhập, đầu tư cho tri thức. Lọ thứ 4 chiếm 10% thu nhập dành cho các hoạt động hưởng thụ. Lọ thứ 5 là 10% thu nhập, để tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác cho bản thân. Lọ thứ 6 chiếm 5% còn lại, dùng để thực hiện các hoạt động từ thiện, giúp đỡ…
Xác định thời gian hoàn thành
Việc đưa ra các mốc thời gian thực hiện cụ thể là điều cần thiết. Thời gian hoàn thiện được đưa ra dựa trên bản chất của từng mục tiêu và tình hình tài chính thực tế của bản thân.
Lưu ý, cần chia nhỏ thời gian để đảm bảo tính thực thi cho mục tiêu dài hạn. Ví dụ, trong 3 tháng tới, bạn cần một khoản để mua laptop, hãy hoạch định cụ thể từng ngày trong 3 tháng đó cần tiết kiệm bao nhiêu.
Tuân thủ theo kế hoạch chi tiêu
Để chi tiêu được đảm bảo theo đúng kế hoạch, bạn cần rèn luyện tính kỷ luật, nghiêm túc thực hiện. Nếu bỏ giữa chừng, kế hoạch của bạn sẽ bị phá vỡ, không có cơ hội đạt đến sự tự chủ về tài chính.
Hoạch định tài chính từ sớm không chỉ hỗ trợ người trẻ có sự chuẩn bị tốt hơn trước những biến cố của cuộc sống, còn giúp đạt được các mục tiêu lớn đơn giản hơn. Trong đó, lựa chọn bảo hiểm phù hợp giúp mang lại sự tự tin để người trẻ chinh phục những mục tiêu quan trọng, bảo vệ những thành tựu đạt được.
Happy Live Team
Nguồn: theo vnexpress
Có thể bạn quan tâm: 101 Lời khuyên tài chính cá nhân từ Thái Phạm
Từng bước xây dựng tương lai tài chính của bạn và gia đình thịnh vượng, bền vững