Cắt lỗ là cả một nghệ thuật, kê dao “tự cung” cũng phải biết cách
Cắt lỗ là một người bạn thân thiết đối với trader, đã là trader là phải biết cutloss. Nhưng sự thực là cắt lỗ phải có phương pháp, từ cách đặt lệnh dừng lỗ (tôi thường gọi là kê dao tự cung) cho đến việc quyết tâm thực hiện lệnh dừng lỗ.
(*) *Bài viết nhằm mục đích hướng dẫn ứng dụng các chiến lược giao dịch tại cuốn sách “The New Trading For A Living – Phương pháp mới để giao dịch kiếm sống“ (đặt sách tại đây) của tác giả Alexander Elder.
“Ba yếu tố chính tạo nên giao dịch thành công là : (1) Cutloss, (2) cutloss and (3) cutloss. Nếu bạn tuân thủ ba quy tắc này, bạn sẽ có cơ hội chiến thắng.”– Câu nói kinh điển của nhà giao dịch theo sau xu hướng huyền thoại Seykota.*Seykota là nhà giao dịch được đề cập đến trong cuốn sách Market Wizard (Phù Thủy thị trường tài chính) với tỷ suất sinh lợi 250,000% trong vòng 16 năm.
Luôn sử dụng lệnh dừng lỗ
Giao dịch không có lệnh dừng lỗ giống như đang đánh bạc. Nếu thế, tốt hơn hết là bạn nên đi vào sòng bạc casino. Hãy đến Macao, Las Vegas hoặc Thành Phố Atlatic, là những trung tâm đánh bạc nổi tiếng trên thế giới, bạn sẽ được phục vụ đồ uống miễn phí và thoải mái vui đùa. Những tay đánh bạc mất tiền trên phố Wall mất tiền nhưng chẳng được chút quà gì.
Lệnh dừng lỗ là điều cần thiết để sinh tồn và thành công trong dài hạn, nhưng hầu hết chúng ta luôn cảm thấy do dự khi sử dụng nó. Thị trường khiến bạn bám lấy những thói quen xấu bằng cách nói cho chúng ta đừng sử dụng lệnh dừng lỗ. Chúng ta thường gặp phải tình huống không vui như sau: bạn mua cổ phiếu và đặt lệnh dừng lỗ mà bị chạm tới ngay sau đó, và khi bạn vừa dính phải một khoản lỗ- thì ngay lập tức chứng khoán của bạn đảo chiều tăng giá giống như kỳ vọng lúc đầu. Nếu bạn vẫn nắm chứng khoán mà không cần dùng lệnh dừng lỗ, bạn sẽ có lãi thay vì thua lỗ. Cái bẫy chết người này lặp đi lặp lại nhiều lần khiến bạn cảm thấy chán ghét với các lệnh dừng lỗ.
Muốn học “Quỳ hoa bảo điểm” phải tự cung, muốn thành trader phải biết cách cắt lỗ.
Sau vài lần gặp phải tình huống này, bạn giao dịch mà không có lệnh dừng lỗ, và mọi chuyện có vẻ như rất tốt trong một khoảng thời gian nào đó. Thị trường không xuất hiện cái bẫy nào cả. Nếu một giao dịch có vẻ không tốt, bạn sẽ thoát ra mà không cần phải dùng đến lệnh dừng lỗ- bạn cho rằng mình có đủ kỷ luật để thực hiện điều đó. Cuộc vui kết thúc sau khi có một vị thế giao dịch lớn bắt đầu thua lỗ. Bạn chờ đợi với hy vọng giá phục hồi thêm một chút và bạn sẽ có cơ hội thoát tốt hơn, nhưng giá vẫn tiếp tục giảm xuống. Từng ngày trôi qua, lệnh giao dịch này càng lúc càng thua lỗ lớn và làm tổn hại trầm trọng tài khoản- chính xác là bạn đang bị cá mập cắn. Khi bạn đóng vị thế với khoản lỗ lớn, niềm tin trong bạn vỡ vụn.
Khi giao dịch không có lệnh dừng lỗ, đàn cá mập bao vây quanh tài khoản của bạn càng lúc càng đông. Nếu bạn giao dịch không có lệnh dừng lỗ, chuyện bị cá mập cắn chỉ là vấn đề thời gian. Vâng, dừng lỗ là một nỗi đau- nhưng sử dụng nó vẫn tốt hơn là giao dịch mà không có nó. Vậy làm sao để đặt lệnh dừng lỗ đúng cách.
Đặt lệnh dừng lỗ bên ngoài ‘vùng nhiễu” của thị trường: chỉ báo ATR được các trader chuyên nghiệp tin dùng
Nếu đặt lệnh dừng lỗ quá gần, nó sẽ dễ bị chạm vì những dao động giá trong ngày. Nếu đặt lệnh dừng lỗ quá xa, bạn được bảo vệ quá lỏng lẻo.
Tôi vay mượn khái niệm kỹ thuật, tất cả chuyển động của thị trường được chia thành hai nhóm: đúng tín hiệu (signal) và bị nhiễu (noise). Tín hiệu là xu hướng cổ phiếu của bạn. Khi xu hướng tăng, chúng ta có thể định nghĩa nhiễu chính là một phần của khung biến động giá trong ngày nằm dưới đáy thấp nhất của ngày hôm trước. Khi xu hướng giảm, chúng ta có thể định nghĩa nhiễu chính là một phần của khung biến động giá trong ngày nằm trên đỉnh cao nhất của ngày hôm trước.
Một chỉ báo thường được các trader sử dụng để đo lường độ biến động là chỉ báo ATR (Average True Range). Đây là chỉ báo được nhiều trader nổi tiếng trên thế giới sử dụng để đo lường độ biến động như Seykota, nhóm Turtle… Khi bạn tham gia giao dịch tại một thanh giá, đặt lệnh dừng lỗ ít nhất cách xa 1 ATR so với đỉnh hoặc đáy thấp nhất của thanh giá đó. Đôi lúc phải dùng đến 2 ATR thì lệnh dừng lỗ mới an toàn. Cá nhân tôi thậm chí còn tăng lên 3 ATR khi nhận thấy thị trường có thể sẽ đối diện với những thông tin gây ra độ biến động mạnh.
Bạn có thể sử dụng ATR để di chuyển lệnh dừng lỗ (trailing stop), tức di chuyển nó theo mỗi thanh giá. Nguyên tắc là tương tự nhau- đều đặt lệnh dừng lỗ bên ngoài vùng nhiễu của thị trường.
Tìm hiểu thêm về chỉ báo ATR tại Chương 24 cuốn sách “THE NEW TRADING FOR A LIVING- PHƯƠNG PHÁP MỚI ĐỂ GIAO DỊCH KIẾM SỐNG”
Đừng đặt lệnh dừng lỗ tại các mức giá rõ ràng, hoặc con số làm tròn.
Các nhà giao dịch thường có thói quen đặt lệnh giao dịch thấp hơn vài tick giá dưới một đáy gần nhất. Vấn đề là hầu hết mọi người đều đặt lệnh dừng lỗ ở đó, tạo ra một vùng mục tiêu hấp dẫn để thị trường loại bỏ lệnh dừng lỗ này. Thị trường có những thói quen không vui là nhanh chóng giảm xuống dưới các mức đáy rõ ràng gần nhất và kích hoạt lệnh dừng lỗ trước khi đảo ngược và sau đó mới bắt đầu một xu hướng tăng mới. Đừng vội chỉ trích ai đó đã chơi khăm lệnh dừng lỗ của bạn, hãy để tôi đề nghị một vài giải pháp khắc phục.
Hãy đặt lệnh dừng lỗ tại một mức giá không rõ ràng- hoặc là gần với mức giá hiện tại của thị trường hoặc là thấp hơn khá sâu so với mức đáy thấp nhất rõ ràng này. Một lệnh dừng lỗ gần hơn sẽ giúp bạn giảm được rủi ro cho mỗi cổ phiếu đang mua nhưng lại làm tăng rủi ro bị sập bẫy thị trường. Một lệnh dừng lỗ khá sâu sẽ giúp bạn tránh được các lần thị trường có điểm phá vỡ giả, nhưng nếu lệnh dừng lỗ này bị chạm tới, bạn sẽ có khoản thua lỗ lớn hơn.
Đối với các nhà giao dịch theo dao động (swing trader) ngắn hạn, thường có khuynh hướng đặt các lệnh dừng lỗ khá gần, trong khi các nhà nhà giao dịch vị thế thường đặt các lệnh dừng lỗ khá rộng. Nên nhớ “tam giác kiểm soát rủi ro” yêu cầu quy mô vị thế giao dịch thấp hơn khi độ rộng lệnh dừng lỗ lớn hơn.
Cách đặt lệnh dừng lỗ kiểu Nic
Một phương pháp tôi ưa thích là lệnh dừng lổ kiểu Nic, đặt theo tên của người bạn người Áo của tôi là Nic Grove. Anh ấy đã phát minh ra phương pháp đặt lệnh dừng lỗ không gần với đáy thấp nhất, mà dưới mức đáy thấp nhất thứ hai (second lowest low). Logic đơn giản như sau- Nếu thị trường phá thủng đáy thấp nhất thứ hai, nó chắc chắn sẽ tiếp tục giảm và phá thủng mức đáy thấp nhất. Sử dụng phương pháp lệnh dừng lỗ kiểu Nic, tôi thoát ra khỏi thị trường với một khoản lỗ nhỏ và giảm được thiệt hại khi thị trường rơi xuống thấp hơn các mức đáy thấp rõ ràng.
Logic hoàn toàn tương tự khi thực hiện bán khống- đặt lệnh dừng lỗ kiểu Nic không phải “cao hơn 1 tick giá so với đỉnh cao nhất” mà là tại mức đỉnh cao nhất thứ hai.
Tại sao trader thường không chịu cắt lỗ? “Không chấp nhận lỗ nhỏ thì sẽ phải chấp nhận lỗ lớn”
Trader thường dễ dàng chốt lãi nhưng lại ôm khư khư các khoản lỗ. Và điều này khiến cho các khoản lỗ lớn dần lên. Seykota có một câu nói nổi tiếng khác. “Nếu bạn không chấp nhận một khoản lỗ nhỏ, sớm hay muộn bạn cũng sẽ nhận lấy khoản lỗ lớn“. Tôi thường phụ họa thêm câu nói của Seykota bằng cách thêm một vế nữa: “Nếu bạn vẫn không chịu chấp nhận một khoản lỗ lớn, cuối cùng bạn sẽ chấp nhận khoản thua lỗ cực lớn”.
Theo một số nghiên cứu của Van K.Tharp, chuyên gia hàng đầu về quản trị tiền, nếu một trader không tuân thủ kỹ luật cắt lỗ để chấp nhận một khoản thua lỗ nhỏ ban đầu, thì anh ta thường phải chấp nhận cắt lỗ với mức lỗ nhiều hơn 3-4 lần mức lỗ ý định bắt đầu. Ví dụ, bạn mua EUR/USD và dự định cắt lỗ 100 pip dưới giá mua, tuy nhiên bạn lại kéo lùi lệnh Stoploss xuống và thường bạn sẽ cảm thấy cùng cực nhất để cắt lỗ là khoảng 300-400 pip so với giá mua. Trong nhiều trường hợp, Trader còn bị cháy tài khoản vì tiếp tục kéo stoploss xuống.
Thế tại sao con người hoặc trader lại phản ứng chậm chạp trong việc cắt lỗ như vậy? Làm thế nào để tránh rơi vào trường hợp này?
Câu trả lời đó là do trader thường mở vị thế quá lớn so với quy mô tài khoản của họ. Đây là lỗi cơ bản trong quản trị tiền và nó dẫn đến sai lầm trong việc chậm cắt lỗ. Cảm xúc của trader hình thành là do quy mô vị thế trong mỗi giao dịch so với tài khoản. Ví dụ, Trader có 10,000 USD trong tài khoản, anh ta mở một trạng thái sell vàng với tỷ lệ giải ngân tương ứng mức đặt cược 5,000 USD. Như vậy, anh ta đã đặt một nữa số tiền trong tài khoản để đánh cược vàng sẽ rớt giá. Lúc này, trạng thái cảm xúc của anh ta sẽ bị gắn chặt vào vị thế bán. Anh ta sẽ không còn đủ sự minh mẫn và sáng suốt nữa. Anh ta chỉ muốn tìm lý do kỹ thuật, tin tức ủng hộ vàng giảm. Anh ta không muốn nhìn vào kịch bản vàng tăng giá vì điều đó buộc anh ta chấp nhận cú thua lỗ lớn. Một hành vi thường gặp khi bị mắc kẹt tâm lý vào vị thế do mở số lượng vị thế quá lớn là “Chết Đơ”, tức trader thường ngẩn người ra, không còn có khả năng phản ứng, tư duy khi thị trường đi ngược lại vị thế của anh ta. Anh ta chỉ biết đứng đó, nhìn tài khoản sụt giảm mà cứ ngây người ra.
Trong nhiều năm giao dịch và hành nghề tư vấn tài chính, tôi đã gặp rất nhiều tâm sự kiểu này. Nhiều khách hàng nói với tôi, họ gần như “đơ người ra” khi nhìn thấy tài khoản sụt giảm mà không thể đặt tay lên bàn phím ấn nút cắt lỗ. Đối với TTCK Việt Nam, vốn không có lệnh dừng lỗ cứng (là loại lệnh gửi trực tiếp tới sàn), lệnh dừng lỗ là mức giá nằm sẵn trong đầu (lệnh dừng lỗ mềm) thì để cắt lỗ phải cần hành động bấm nút của trader. Tôi đã gặp một nữ khách hàng, chơi theo kiểu gọi là “all in one” theo cách nói trang trọng của tiếng anh, còn theo cách gọi dân dã là “Tất Tay Tài Khoản”, tức đánh cược toàn bộ tài khoản vào một mã cổ phiếu duy nhất. Cách đây 3 năm, vị khách hàng này đã mua cổ phiếu HAG ở ngay vùng đỉnh giá 28,000. Khi HAG trong quá trình lao dốc về mức đáy 5,500 đồng, chị khách hàng tâm sự gần như ngây người ra, không thể nào phản ứng gì khi tài khoản cứ sụt giảm mỗi ngày. Chị không có đủ dũng khí để thực hiện cắt lỗ cho đến tài khoản chỉ còn lại con số rất nhỏ. Tôi nói vui, chị từ một Trader (“Chây Đơ”) trở thành một “Chết Đơ”.
Bí quyết chính là phải mở số lượng vị thế giao dịch phù hợp với quy mô với tổng tài khoản. Khi giao dịch ở một số lượng vị thế hợp lý so với tài khoản, trader sẽ dễ dàng hơn trong việc cắt lỗ. Đó là tâm lý cơ bản của con người. Cắt một khoản lỗ nhỏ, vừa phải, dễ dàng chấp nhận hơn cắt một khoản lỗ lớn. Đó là lý do tại sao nhiều trader chuyên nghiệp chỉ cho phép đặt cược rủi ro không quá 1%-2% tổng tài khoản. Giao dịch ở số lượng vị thế hợp lý tạo ra sự thanh thoát, sẵn sàng buông bỏ khi cần thiết. Tại VFA, chúng tôi xây dựng các thuật toán để tính toán mức rủi ro cho mỗi lần đặt cược và số lượng vị thế phù hợp cho năng lực và cảm xúc mỗi trader.
Không có cách nào để thoát khỏi trạng thái tâm lý “bị kẹt lệnh”. Quy tắc quản trị tiền giống như luật giao thông được đặt ra để tránh cho bạn khỏi gặp tại nạn. Còn khi bạn đã phóng nhanh, vượt ẩu, vi phạm quy tắc quản trị tiền, điều chắc chắn là bạn sẽ gặp phải tai nạn thảm khốc. Chính vì vậy, nhiều trader chuyên nghiệp phải tuân thủ quy tắc quản trị tiền một cách chặt chẽ, để tránh rơi vào trạng thái tâm lý “Chết Đơ” khi phải đối diện cắt một khoản lỗ lớn.
Đừng bao giờ kéo dao tự cung theo hướng thua lỗ, chỉ được kéo dao tự cung theo hướng thắng lợi.
Bạn mua chứng khoán và là một nhà giao dịch có kỷ luật, đặt một mức dừng lỗ bên dưới. Chứng khoán tăng giá, tạo ra một khoản lãi chưa thực hiện khá lớn, nhưng sau đó giá cổ phiếu đảo chiều. Tiếp theo, giá cổ phiếu giảm dần một chút và sau đó là giảm mạnh, cuối cùng khiến cho bạn bị lỗ và gần chạm tới mức giá dừng lỗ. Khi bạn nghiên cứu đồ thị, mẫu hình tạo đáy của cổ phiếu này trông có vẻ khá chắc chắn, với tín hiệu phân kỳ dương tại một mức hỗ trợ mạnh. Bạn sẽ làm gì tiếp theo?
Đầu tiên, bạn phải đúc kết kinh nghiệm từ những sai lầm quá khứ là không được di chuyển lệnh dừng lỗ. Lệnh dừng lỗ chỉ được phép nâng lên đến điểm hòa vốn. Lựa chọn tốt nhất lúc này của bạn là: chấp nhận một khoản lỗ nhỏ và sẵn sàng mở lại một vị thế mới sau đó- hoặc tiếp tục giữ nguyên lệnh dừng lỗ. Vấn đề là bạn lại nhanh chóng chọn một giải pháp thứ ba và không hề có trong kế hoạch là hạ thấp mức giá dừng lỗ, để khiến cho bạn có thêm nhiều không gian hơn nữa nhằm tiếp tục “gồng lỗ”.
Đừng làm như thế!
“Gồng lỗ” là một suy nghĩ mà nhiều đầu tư thường hay mắc phải nhưng nó không có trong từ điển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Gồng lỗ” giống như bạn nói với những đứa con rằng, bạn sẽ lấy lại chìa khóa xe nếu như chúng không vâng lời, nhưng cuối cùng thì chính bạn lại không thực hiện hình phạt đó. Điều này sẽ khiến cho lũ trẻ cảm thấy việc vi phạm những lời dạy của bạn là không có vấn đề gì và thậm chí còn khuyến khích chúng có những hành vi tồi tệ hơn. Giữ vững kỷ luật giúp các nhà giao dịch có kết quả tốt trong dài hạn.
Điều nên làm khi một giao dịch trở nên xấu đi là chấp nhận một khoản lỗ nhỏ. Tiếp tục quan sát chứng khoán đó và sẵn sàng mua lại một lần nữa nếu chúng đạt đáy. Các nhà đầu cơ chuyên nghiệp thường làm như thế: nhanh chóng cắt các giao dịch thua lỗ và mua lại khi giá cổ phiếu lại đi theo hướng dự đoán của họ.
Cuôi cùng: Đừng để một giao dịch lãi chuyển thành lỗ
Đừng bao giờ để một vị thế đang có lãi thành khoản lỗ! Trước khi mở một giao dịch, hãy lập kế hoạch tại mức giá nào bạn sẽ bắt đầu bảo vệ khoản lợi nhuận của mình. Ví dụ, nếu mục tiêu lợi nhuận của bạn cho giao dịch này là 1,000 USD, bạn có thể xác định mức lợi nhuận khoảng 300 USD sẽ bắt đầu được bảo vệ. Một khi lợi nhuận cho vị thế đang mở tăng đến 300 USD, bạn sẽ di chuyển lệnh dừng lỗ đến điểm hòa vốn. Tôi gọi đó là di chuyển “khoanh vùng giao dịch”.
Ngay sau khi di chuyển lệnh dừng lỗ đến điểm hòa vốn, bạn cần tập trung vào việc bảo vệ phần lợi nhuận đang lớn dần. Hãy quyết định tỷ lệ phần trăm lợi nhuận mà bạn muốn bảo vệ.
Ví dụ, sau khi lệnh dừng lỗ hòa đạt tới điểm hòa vốn, bạn sẽ bảo vệ 1/3 lợi nhuận của vị thế đang mở. Nếu lợi nhuận của giao dịch đó nhảy lên 600 USD, bạn sẽ tiếp tục di chuyển lệnh dừng lỗ lên theo, sao cho khoản lợi nhuận 200 USD được bảo vệ.
Các mức lợi nhuận cần bảo vệ không nên được thiết lập cứng nhắc. Bạn có thể sử dụng các tỷ lệ phần trăm khác nhau mức lợi nhuận cần bảo vệ tùy theo mức độ tự tin về giao dịch đang thực hiện và khả năng chấp nhận rủi ro.
Khi giao dịch đang thực hiện đi theo hướng dự đoán của bạn, phần lợi nhuận tiềm năng còn lại bắt đầu giảm xuống, trong khi rủi ro của bạn- là khoảng cách so với mức giá dừng lỗ- tăng dần. Giao dịch thực chất là công việc quản trị rủi ro. Khi tỷ số lợi nhuận/rủi ro cho giao dịch đang có lãi giảm dần, bạn cần phải giảm rủi ro cho vị thế. Bảo vệ một phần lợi nhuận cho giao dịch đang có lãi sẽ giúp bạn giữ được tỷ số lợi nhuận/rủi ro ở một mức chắc chắn.
Nguồn: chiemtinhtaichinh
The New Trading For A Living – Phương Pháp Mới Để Giao Dịch Kiếm Sống