Charlie Munger: “Bộ óc loài người cũng như trứng của loài người vậy”
Câu chuyện trích từ bài nói chuyện “The Psychology of Human Misjudgement” huyền thoại của ngài Munger.
Xu hướng nhất quán trong tư duy (commitment & consistency bias)
Ngài Munger: “Bộ óc của loài người chúng ta được lập trình để ngại thay đổi. Chúng ta thấy điều này cực kỳ phổ biến trong thói quen của con người, kể cả thói quen tốt lẫn thói quen hủy hoại.
Rất hiếm người có thể tự liệt kê những thói quen xấu của mình ra và tự hào rằng mình đã tiêu diệt được nó – thậm chí một số người còn không thể nhận ra chúng. Và như thế, nhiều người dần chấp nhận các thói quen của mình như số phận, rồi từ bỏ việc thay đổi.
Một quy tắc ở đây để giải quyết lại một lần nữa đến từ lời khuyên của ngài Benjamin Franklin trong quyển Poor Richard’s Almanack: “Một tấc phòng ngừa còn hơn một tấn để chữa trị (one ounce of prevention is worth a pound of cure)”. Với tâm lý nhất quán trong tư duy, việc ta đề phòng các thói quen hủy hoại như cờ bạc, rượu chè, thuốc sách, ngoại tình, trễ hẹn, tiêu pha, lười biếng, trì hoãn… có lợi hơn rất nhiều với việc phải chữa trị thứ thói quen “xiềng xích” trói buộc ta.
Ngoài thói quen, xu hướng tâm lý nhất quán này còn làm tư duy bộ não ta như cô đặc lại, khó chịu với các thay đổi. Ngài Lord Keynes từng làm nghiên cứu với một nhóm người thông minh trong trường đại học danh giá nhất. Và ngạc nhiên thay, ông mới nhận ra rằng các ý tưởng mới khi được đưa vào thảo luận trong nhóm ấy, đều bị gạt bỏ một cách nhanh chóng đầy bảo thủ. Tất cả chỉ vì ý tưởng đó trái ngược với các niềm tin đã được hình thành từ trước.
Từ nhiều nghiên cứu khác nữa cộng lại, ông mới kết luận rằng não loài người cũng giống trứng loài người vậy (the human mind is a lot like the human egg). Khi một con tinh trùng đi vào bên trong trứng, mọi cánh cửa tự động đóng lại, ngăn tất cả các con khác đi vào. Não ta cũng hoạt động với cơ chế chẳng khác gì như thế. Một ý tưởng ta cho là hay, từng hoạt động tốt trong quá khứ, đột nhiên gặp ý tưởng khác hay hơn, hoặc ý tưởng tốt cũ của ta đã lạc hậu – óc ta vẫn tự động “đóng lại” lạ thường!
Có thể nói, người mà nghĩ ra liệu pháp hay nhất cho xu hướng tâm lý này là Charles Darwin. Ông tự rèn luyện cho ông cái thói quen khách quan: tìm kiếm mạnh mẽ (intensively) những bằng chứng chống lại các lập luận trước của ông – đặc biệt khi lập luận của ông cảm thấy rất hay. Ông chính là minh chứng của việc lợi dụng bẫy tâm lý của con người để hình thành nên một trong những bộ óc vĩ đại nhất lịch sử.”
Đây có thể nói là một trong những bẫy tâm lý chúng tôi cho rằng quan trọng nhất, và khó kiểm soát nhất trong đầu tư chứng khoán!
Nhìn một cách khách quan, tâm lý nhất quán trong tư duy giúp chúng ta duy trì những thói quen tốt, giúp mọi người giữ lời hứa và vai trò mục sư, lãnh đạo, thầy giáo, cha mẹ trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong đầu tư, nó là một nhân tố tiêu cực trong thói quen, thậm chí thành vật cản trở ta nhìn ra những rủi ro hiện hữu của doanh nghiệp.
Thứ nhất, việc đầu tiên mà các nhà đầu tư cá nhân chúng ta cần làm là loại bỏ các thói quen xấu, bao gồm: hành động cảm tính – chạy theo đám đông, xem bảng điện liên tục từng phút một, mua/bán liên tục, vay nợ margin – ham muốn làm giàu nhanh chóng, … Khi bỏ đi các thói quen xấu của những kẻ thua cuộc, và học theo các thói quen tốt của những nhà đầu tư thành công như ngài Buffett, Munger, Lynch, Greenblatt, Town, qua thời gian, ta sẽ dần gặt hái được các phẩm chất của một nhà đầu tư thành công.
Thứ hai, ta phải học theo ngài Darwin. Ta phải năng đi tìm những rủi ro hiện hữu(*) của cổ phiếu mà ta đang nắm giữ, ngay cả khi ta đang sinh lời rất lớn và trở nên mất cảnh giác. Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu tuyệt vời như MWG, PNJ, VCS, CTD, VNM trở nên tự tin và dần chủ quan với các rủi ro.
Ta phải luôn đi tìm những dẫn chứng ngược lại: từ rủi ro ngành, rủi ro suy giảm lợi thế cạnh tranh, cho đến rủi ro ban lãnh đạo (dựa trên bộ tiêu chí 4M của ngài Phil Town). Mọi thứ đều có thể xảy ra. Bài học của Bill Ackman, Bill Miller và rất nhiều các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam năm 2008 vẫn còn đó để ta lưu tâm. Ta cần phải am hiểu mọi rủi ro và theo dõi sát sao doanh nghiệp.
Chúng tôi luôn ghi nhớ một câu châm ngôn tuyệt vời mà ngài Munger phát biểu gần đây: “Tôi không bao giờ tham gia một khoản đầu tư giá trị mà kẻ khác hiểu rõ về rủi ro của doanh nghiệp nhiều hơn tôi.” Chúng ta nhất định phải là người nắm rõ rủi ro của doanh nghiệp hơn ai hết; điều đó rất quan trọng!
Nguồn: newslettervietnam