fbpx

Chỉ với một chiếc móng ngựa cũ, Khổng Tử đã dạy cho học trò bài học nhớ đời

Câu chuyện chiếc móng ngựa cũ của Khổng Tử cùng người học trò Tử Lộ dưới đây đã gửi đi một thông điệp, một triết lý sống tích cực mà ai cũng nên ngẫm cho chính mình.

Học được cách cúi mình, mới có thể ngẩng cao đầu

Khi Khổng Tử dẫn theo đệ tử tên Tử Lộ chu du liệt quốc, trên đường đi đã phát hiện một chiếc móng ngựa bằng sắt cũ. Ông liền bảo Tử Lộ nhặt nó lên, song không ngờ Tử Lộ làm biếng, ngại khom lưng cúi xuống nhặt, nên cố tình giả vờ như không nghe thấy.

Khổng Tử thấy vậy không nói gì, tự cúi người xuống nhặt chiếc móng ngựa lên. Trên đường đi, ông lấy cái móng ngựa cũ đổi cho người chuyên đóng móng ngựa lấy 3 đồng tiền. Ông dùng 3 đồng tiền này mua được 7 quả đào.

Ra khỏi thành, hai người tiếp tục bước về phía trước, đi qua một vùng đất hoang rộng mênh mông.

Khổng Tử khi đó ngồi trên lưng trâu đoán rằng đệ tử của mình chắc đang khát lắm, liền khéo léo làm rơi một quả đào được giấu trong tay áo xuống đường. Tử Lộ vừa nhìn thấy, vội vã nhặt lên ăn.

Cứ thế, Khổng Tử vừa đi vừa cố tình làm rơi đào xuống đường, Tử Lộ cũng cắn răng chấp nhận khom lưng đến 7 lần để nhặt đào lên ăn cho hết cơn khát.

Sau những gì đã trải qua, cuối cùng, Khổng Tử nói với Tử Lộ: “Nếu như khi nãy con khom lưng một lần, chẳng phải về sau con hoàn toàn không cần phải khom lưng nữa hay sao? Việc nhỏ mà con không làm, thì sau này sẽ phải khổ sở vì những việc còn nhỏ hơn”.

Bài học về sự hạ mình

Khom lưng, cúi mình thực ra chỉ là một động tác đơn giản mà ngay cả một đứa trẻ cũng có thể làm. Thế nhưng, trong cuộc sống, có rất nhiều người không thể làm việc đó, có thể họ lười, cũng có thể họ kiêu ngạo, hoặc do họ chỉ quan tâm đến việc ngẩng đầu lên cao mà quên mất…

Vì thế, họ nhiều lúc đánh mất đi rất nhiều cơ hội khi ngẩng cao đầu mà vốn dĩ khó lòng có được. Thực ra, trong cuộc đời, có rất nhiều người có thể dạy ta khom lưng, hạ mình.

Khi chúng ta còn nhỏ, bố mẹ là người dạy chúng ta hạ mình. Họ nói rằng: Nếu con không chịu cúi đầu chịu khó, mà luôn để sự việc dây dưa sang đến ngày mai, vậy thì đến cuối ngày, con cũng chẳng thể hoàn thành được việc gì cả.

Sau khi đi học, giáo viên là những người dạy chúng ta hạ mình. Họ nói rằng mỗi ngày xách cặp ra khỏi nhà, hãy hạ mình nhặt từng chữ, từng từ, từng phương trình mà giáo viên đã dạy rồi tích cóp lại, đó là những thứ vô cùng giá trị.

Bước vào trong xã hội, nơi cuộc sống phức tạp hơn, các cấp lãnh đạo chính là người dạy chúng ta cách hạ mình.

Tuy nhiên, có nhiều khi, chính bản thân bạn mới là người dạy bạn cách hạ mình. Chỉ có bạn mới có thể nhắc nhở bản thân mọi lúc mọi nơi rằng “Mình nên làm thế nào? Trong cuộc đời bản thân đã hạ mình và nhặt được cái gì, đã ngẩng đầu để mà mất đi cái gì?”.

“Khom lưng, cúi đầu” có thể khiến chúng ta đánh mất hiện tại nhưng tuyệt đối không thể đánh mất chính mình.

Ở đời, biết cúi đầu, ngẩng đầu đúng thời điểm chính là một nghệ thuật sống. Chỉ cần khom lưng, cúi đầu một lần, có thể cuộc đời bạn sẽ từ đó mà đổi thay. Khom lưng, cúi đầu là để có thể ngẩng đầu một cách đường hoàng hơn.

Theo Tri Thức Trẻ

Có thể bạn quan tâm: 396 LỜI KHUYÊN ĐẮT GIÁ VỀ KINH DOANH – TRÒ CHUYỆN 5 ĐÔ VỚI DOANH NHÂN TRIỆU ĐÔ

396 lời khuyên đắt giá về kinh doanh - LGTKD

ĐẶT MUA

Các viết cùng chủ đề