fbpx

Chờ dòng tiền lớn nhập cuộc

Đợt cấu trúc cuối năm tài chính của các quỹ lớn chuẩn bị kết thúc, kỳ vọng áp lực bán ròng của khối ngoại sẽ giảm và thị trường có diễn biến tích cực hơn.

cho-dong-tien-lon-nhap-cuoc-happy-live-1

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng, lãi suất huy động đang ở mức rất thấp, nhưng điều quan trọng là lãi suất cho vay cần có sự chuyển dịch tương ứng trên các sản phẩm, trong đó có lãi vay giao dịch ký quỹ nhằm kích hoạt dòng vốn quay trở lại thị trường chứng khoán.

Gần đây, khối nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ròng. Ông có nhận xét gì về động thái này?

Có lẽ, đợt bán ròng mạnh của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 7 tuần liên tiếp trở lại đây bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, sự ảnh hưởng từ diễn biến rút vốn mạnh mẽ ra khỏi thị trường Trung Quốc khiến hoạt động luân chuyển vốn trên khu vực và toàn cầu trở nên rõ nét hơn.

Dòng vốn ngoại rút ra khỏi Trung Quốc được thúc đẩy bởi kinh tế tăng trưởng chậm với áp lực giảm phát và chênh lệch lãi suất nới rộng so với USD càng làm cho đồng Nhân dân tệ suy yếu. Rủi ro tỷ giá đã làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, khiến dòng vốn chảy ra khỏi nước này với tốc độ nhanh chưa từng có.

Theo dữ liệu của Bloomberg, kể từ đợt rút ròng đầu tiên diễn ra vào năm 2022 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ra khỏi Trung Quốc hơn 373 tỷ USD, trên cả thị trường tài chính và kênh FDI. Sự suy yếu của thị trường chứng khoán bên cạnh khó khăn của ngành bất động sản là yếu tố chính dẫn đến lần tái cơ cấu dòng vốn lớn này.

Kể từ đầu năm 2023, các chỉ số chứng khoán Trung Quốc có hiệu suất gần như kém nhất trong các nền kinh tế lớn, khi giảm trung bình gần 15% so với đầu năm, đi ngược diễn biến phục hồi chung của thị trường chứng khoán toàn cầu, với mức tăng 18%, riêng các chỉ số chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới và có mức tăng trung bình trên 23%. Do đó, dòng vốn có xu hướng giảm ở các thị trường có tăng trưởng yếu và quay trở lại phân bổ vào những thị trường hiệu quả hơn.

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường chịu sự ảnh hưởng của đợt tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán Thái Lan trong năm 2023 bị rút ra hơn 5,6 tỷ USD và chỉ số chứng khoán hiện có mức giảm gần 16%. Còn tại thị trường Việt Nam, đà bán ròng xuất hiện rõ nét kể từ tháng 8/2023 và kéo dài cho đến nay đã tạo ra sự đảo chiều dòng vốn từ dương sang âm, với giá trị bán ròng lũy kế 18.888 tỷ đồng. Mức bán ròng gần đây tăng mạnh, có thể đây là đợt cấu trúc cuối năm tài chính của các quỹ lớn.

Nhìn từ phía các quỹ ETF, xu hướng rút ròng tập trung vào Quỹ Diamond ETF, Quỹ SSIAM FINLEAD ETF và Quỹ DCVFMVN30 ETF Fund. Dòng vốn từ Thái Lan rút ra khỏi Việt Nam có tác động đến xu hướng này, do ảnh hưởng của chính sách thuế với khoản đầu tư nước ngoài (thuế tối thiểu toàn cầu) có hiệu lực từ đầu năm 2024 và một phần do khối ngoại rút vốn khỏi Thái Lan nên sự tái cân bằng dòng vốn là điều dễ hiểu.

Giao dịch của khối ngoại chiếm tỷ trọng không lớn trong dòng tiền giao dịch toàn thị trường, nhưng trong bối cảnh thanh khoản giảm, lực bán tập trung ở các nhóm cổ phiếu mang tính “trụ cột” với chỉ số, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến xu hướng thị trường và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước.

Xét về khung thời gian, việc tái cơ cấu dòng vốn thường kết thúc vào cuối năm tài chính và bước vào năm mới, dòng vốn sẽ cơ bản cân bằng. Năm 2023 chuẩn bị kết thúc, tôi kỳ vọng, áp lực bán ròng sẽ giảm và thị trường có diễn biến tích cực hơn.

Nếu chỉ trông chờ vào dòng tiền cá nhân thì thị trường khó có thể tiến xa. Đâu là góc nhìn của ông về chuyển động dòng tiền trong giai đoạn hiện nay?

Trong giai đoạn thị trường tăng giá (uptrend) 2020 – 2021, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước là chủ đạo và quyết định hướng đi của thị trường. Giai đoạn đó, mặc dù khối ngoại bán ròng khá mạnh, nhưng gần như không có ảnh hưởng nào đáng kể tới diễn biến chỉ số. Xu hướng dòng tiền trong nước rất khớp với các chính sách điều hành vĩ mô như lãi suất hay tăng trưởng tín dụng và cung tiền. Trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng, dòng tiền sẽ tìm cơ hội đầu tư sinh lời cao hơn và qua đó đổ dồn vào thị trường chứng khoán, giúp thanh khoản đạt kỷ lục mới.

Năm 2023, việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành đã tạo nên một con sóng tích cực nhất trong năm, từ tháng 4 đến hết tháng 9. Do đó, chuyển động của dòng tiền sắp tới có lẽ sẽ chờ đợi một số tín hiệu đáng chú ý trong năm 2024, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến hạ lãi suất khoảng 3 lần. Điều này sẽ giúp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD thu hẹp, tỷ giá ổn định hơn và Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Lãi suất huy động đã giảm về vùng rất thấp, nhưng điều quan trọng là lãi suất cho vay cần có sự chuyển dịch tương ứng và khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn với điều kiện cho vay “cởi mở” hơn. Khi đó, dòng tiền luân chuyển sẽ tích cực và là tiền đề quan trọng hỗ trợ thanh khoản cũng như điểm số trên thị trường chứng khoán.

Theo ông, đâu là yếu tố có thể kích thích dòng tiền lớn nhập cuộc?

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm về mức tương đương với giai đoạn dịch Covid-19, nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn khá cao và điều kiện vay vốn được kiểm soát chặt chẽ. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 13/12/2023 mới được gần 10% so với cuối năm 2022, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ và mục tiêu cả năm, nên chưa thể nói chúng ta đang có dòng vốn rẻ. Trong khi đó, một dòng vốn lớn đang bị “kẹt” trong thị trường bất động sản, có thể cần nhiều thời gian để khơi thông thị trường này, qua đó giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.

Điều quan trọng lúc này đó là chi phí vốn của nền kinh tế cần tiếp tục giảm, các ngân hàng giảm được chi phí vốn bình quân mới có thể giúp lãi suất cho vay dần hạ xuống. Xu hướng hạ lãi suất tiền gửi trong quý III và IV/2023 có thể sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp chi phí huy động vốn của các ngân hàng giảm nhanh. Diễn biến này có thể là tiền đề giúp nền lãi suất năm 2024 tiếp tục hạ.

Thêm vào đó, tôi kỳ vọng, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn nghiêng về xu hướng nới lỏng để kích thích tăng trưởng. Khi chính sách hạ lãi suất điều hành được kích hoạt, lãi suất cho vay hạ trên các sản phẩm, trong đó có lãi vay giao dịch ký quỹ sẽ là yếu tố cần thiết để kích hoạt dòng vốn quay trở lại thị trường một cách mạnh mẽ.

Dòng tiền đang quan tâm đến các nhóm ngành được dự báo hồi phục trong giai đoạn cuối năm 2023 và tăng trưởng trong năm 2024. Nếu dựa trên tiêu chí này, ngành nào sẽ có nhiều cơ hội?

Năm 2023 có nhiều khó khăn và thách thức ở hầu hết các nhóm ngành, với xu hướng doanh thu và lợi nhuận suy giảm. Theo dữ liệu từ FiinGroup, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của toàn thị trường giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 7,6% so với quý II/2023, nhưng tăng 26% so với quý IV/2022 – quý được coi là đáy về lợi nhuận trong gần 3 năm qua. Mặc dù chưa tăng trưởng dương so với cùng kỳ, nhưng đà suy giảm về lợi nhuận thu hẹp cho thấy, đà phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết có thể tiếp diễn trong quý IV/2023 và hai quý đầu năm 2024.

Những ngành, lĩnh vực có lợi nhuận phục hồi và tăng trưởng, thị trường đã nhận ra nên chỉ số giá các nhóm ngành này tăng rất tốt, thậm chí “dẫn sóng” như chứng khoán (SSI, BSI, BVS, SHS, FTS…), dầu khí (PVS, PVD, PVC…), công nghệ thông tin (FPT…). Trên nền tảng tích cực của năm 2023, 3 nhóm ngành đó có khả năng tăng trưởng trong năm 2024.

Các nhóm ngành có lợi nhuận lõi tăng trưởng hay đang hồi phục từ đáy chu kỳ có thể kể đến như ngân hàng, thép, xây dựng hạ tầng, bán lẻ, bất động sản công nghiệp dự kiến sẽ là nhóm thứ hai nhận được sự quan tâm của dòng vốn đầu tư. Trong đó, những cổ phiếu đầu ngành có tiềm năng phục hồi tăng trưởng bao gồm BID, CTG, ACB, STB, VPB, HPG, NKG, DGW, PNJ, KBC, VGC, VCG, HHV, CTD, C4G…, đây sẽ là những cơ hội đầu tư tiềm năng trong năm mới.

Tiến Phát

tinnhanhchungkhoan

Có thể bạn quan tâm

Bộ sách Kết hợp Phân tích cơ bản (FA) và Phân tích kỹ thuật (TA) để tìm kiếm Siêu cổ phiếu

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề