fbpx

Chủ tịch Powell: Fed phải chấp nhận rủi ro suy thoái cao hơn để chống lạm phát

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông lo ngại về nguy cơ không dập tắt được lạm phát hơn là rủi ro tăng lãi suất quá cao và đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

chu-tich-powell-fed-phai-chap-nhan-rui-ro-suy-thoai-cao-hon-de-chong-lam-phat-happy-live-1
Chủ tịch Fed Jerome Powell

“Có rủi ro mà chúng tôi sẽ hành động quá trớn không? Chắc chắn là có chứ”, ông Powell nói hôm thứ Tư (29/06). “Sai lầm nghiêm trọng hơn sẽ là không khôi phục được sự ổn định giá cả”.

Các quan chức Fed đang nâng lãi suất mạnh nhất kể từ thập niên 80, một phần vì lo ngại rằng giá cao hơn có thể thay đổi tâm lý người tiêu dùng theo cách có thể khiến lạm phát cao kéo dài. Các nhà kinh tế tin rằng kỳ vọng lạm phát gia tăng có thể đẩy lạm phát lên cao hơn. Điều đó có nghĩa là Fed có thể được buộc phải nâng lãi suất cao hơn nếu những kỳ vọng đó tăng lên.

Ông Powell cho biết Fed phải tăng lãi suất nhanh chóng, ngay cả khi điều đó làm tăng nguy cơ suy thoái. Điều này nhằm tránh một mối nguy hiểm nghiêm trọng hơn cho nền kinh tế: Lạm phát cao cắm rễ quá sâu trong nền kinh tế. Ông cho biết Fed không thể nâng lãi suất dần dần vì lo ngại rằng giai đoạn lạm phát cao gần đây có thể khiến người tiêu dùng và những người định giá kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng.

“Rủi ro ở đây là vì xuất hiện nhiều cú sốc, nền kinh tế bắt đầu chuyển sang môi trường lạm phát cao hơn. Công việc của chúng tôi về cơ bản là ngăn điều đó xảy ra”, ông nói.

Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang vội vàng tăng lãi suất trong bối cảnh áp lực giá cả gia tăng. Chi phí nhiên liệu tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng từ cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá hàng hóa tăng mạnh hơn trong những tháng gần đây. Ở Mỹ, đà tăng của giá hàng hóa đang thúc đẩy lạm phát tăng mạnh hơn trước.

Kể từ tháng 3, Fed đã 3 lần nâng lãi suất chuẩn từ mức gần bằng 0% lên phạm vi từ 1.5%-1.75%, bao gồm mức tăng 0.75 điểm phần trăm trong tháng này, mức tăng lớn nhất trong 28 năm. Ông Powell và nhiều đồng nghiệp báo hiệu rằng Fed có thể tăng 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 7 – dự kiến diễn ra vào ngày 26-27/07.

Các nhận định của ông Powell trong ngày 29/06 là lời khẳng định gần nhất rằng Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát được kiểm soát trở lại, ngay cả khi điều này gây ra suy thoái. Mặc dù suy thoái gây nhiều đau thương – thường là mất việc làm và sản lượng kinh tế, nhưng các quan chức Fed tin rằng lạm phát cao còn tồi tệ hơn. Nếu không giải quyết sớm thì có thể dẫn tới đợt suy thoái còn nghiêm trọng hơn sau đó.

Thông điệp của ông là ngăn chặn kỳ vọng lạm phát gia tăng và giúp nhà đầu tư lường trước về các đợt nâng lãi suất trong tương lai.

Trong khi đó, các lãnh đạo hàng đầu của NHTW châu Âu báo hiệu họ sẽ hành động thận trọng hơn so với Fed trong việc nâng lãi suất. Họ vẫn đang đo lường tác động từ cuộc chiến Nga-Ukraine. Xung đột này đã thúc đẩy giá năng lượng và hàng hóa ở châu Âu, đồng thời làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng trong một khu vực phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu.

“Việc nâng lãi suất dần dần chắc chắn hợp lý trong bối cảnh quá bất ổn hiện nay”, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết.

Bà Lagarde cũng xác nhận lại kế hoạch nâng lãi suất dần dần tại cuộc họp chính sách tháng 7 và 9/2022. Bà cho rằng NHTW châu Âu có thể hành động nhanh hơn nếu họ có thể dễ dàng đánh giá được xu hướng của nền kinh tế.

Lạm phát ở Eurozone chạm mức kỷ lục 8.1% trong tháng 5/2022. ECB phát tín hiệu nâng lãi suất 0.25 điểm phần trăm trong tháng 7 (từ mức âm 0.5% hiện tại) và có thể nâng mạnh hơn trong tháng 9.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey cho biết nền kinh tế đang đối mặt với “một cú sốc thu nhập thực rất lớn” vì cuộc chiến ở Ukraine và vẫn chưa rõ yếu tố này sẽ tác động tới lạm phát ra sao.

Ông Bailey phát tín hiệu rằng các nhà hoạch định chính sách Anh có thể cân nhắc nâng 0.5 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 7. Trước đó trong tháng này, BoE đã nâng 0.25 điểm phần trăm lên 1.25% khi lạm phát vượt 9%.

“Sẽ có tình huống mà chúng tôi sẽ buộc phải hành động mạnh hơn. Chúng tôi vẫn tới bước đó”, ông Bailey cho biết.

Một số chuyên viên phân tích lạc quan cho rằng sự giảm tốc về nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ có thể kéo giảm lạm phát. Tuy vậy, ông Powell cho biết Fed muốn có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng áp lực giá cả suy giảm trước khi giảm nhịp độ hoặc trì hoãn nâng lãi suất.

Hầu hết quan chức Fed đều muốn nâng lãi suất nhanh chóng lên phạm vi 3-3.5% trong năm nay trước khi đánh giá về lộ trình năm tới.

Fed hy vọng có thể giảm tốc kinh tế Mỹ đủ để kéo giảm lạm phát, nhưng không gây ra suy thoái. Đây là tình huống hạ cánh mềm (soft landing). Tuy nhiên, ông Powell nhiều lần cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine đang khiến kết quả này trở nên khó đạt được hơn.

“Fed không thể đảm bảo sẽ đạt được hạ cánh mềm”, ông Powell cho biết. “Mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn. Con đường đến kịch bản đó đang hẹp dần đi”.

Sau đó, ông nói thêm: “Quá trình này nhiều khả năng sẽ có đau thương, nhưng nỗi đau sẽ tồi tệ hơn khi không giải quyết được lạm phát”.

Nguồn: vietstock

Có thể bạn quan tâm: Bộ sách Đầu tư giá trị từ A đến Z

bo-sach-dau-tu-gia-tri-tu-den-z

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề