Chữ tín với sức lan tỏa toàn cầu
Từ chỗ phải đi xin viện trợ và bị động trông chờ các nước lớn giải quyết các vấn đề liên quan đến Việt Nam cách đây mấy chục năm, Việt Nam đã trở thành một đối tác tham gia chủ động, tích cực, bình đẳng và có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ kinh tế, thương mại đa phương và song phương nói riêng.
Trong cuộc bầu cử Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, nhiệm kỳ 2022 – 2023, diễn ra ngày 7/6/2022, ngoài Hungary được bầu làm Chủ tịch, Việt Nam cùng 16 quốc gia khác đã được bầu làm Phó Chủ tịch, đại diện cho các khu vực khác nhau trên thế giới. (Đại diện cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương gồm Việt Nam, Malaysia, Nepal, Tajikistan và Turkmenistan).
Đại hội đồng là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc và là cơ quan duy nhất có đại diện của tất cả 193 nước thành viên.
Đại hội đồng Liên hợp quốc có thẩm quyền rộng trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương Liên hợp quốc hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu, theo mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới bền vững.
Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc trong một năm, kể từ ngày thứ ba, 13/9/2022 – ngày khai mạc kỳ họp Đại hội đồng khóa 77, mà theo quy định đã thành truyền thống của Liên hợp quốc, khóa họp Đại hội đồng hàng năm luôn được khai mạc vào ngày thứ ba của tuần lễ thứ 3, tháng 9, tính từ tuần đầu tiên có ít nhất một ngày làm việc.
Hoàn toàn ngẫu nhiên, vinh dự này đến với Việt Nam vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc (20/9/1977 – 20/9/2022).
Đây là lần đầu tiên, trong 45 năm qua, Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Sự kiện này diễn ra sau chưa đầy 6 tháng, kể từ khi Việt Nam kết thúc thành công nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc lần thứ hai (2020-2021) mà trong nhiệm kỳ thứ hai này, hai lần đại diện nước ta đảm nhiệm vai trò Chủ tịch (tháng 1/2020 và tháng 4/2021).
Rõ ràng vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam đã được coi trọng ở tầm toàn cầu.
Vị thế và uy tín ấy trước hết bắt nguồn từ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế mà “Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó”, như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, khi phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) trong chuyến thăm làm việc tại Hoa Kỳ hồi trung tuần tháng 5 vừa qua.
Vị thế và uy tín ấy còn xuất phát từ một thực tế là Việt Nam đã nổi lên với tư cách một quốc gia đang phát triển nhanh, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và tham gia ngày càng chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của cộng đồng quốc tế, phù hợp với xu thế chung của nhân loại là hòa bình, hợp tác và phát triển theo tinh thần cùng thắng.
Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện và đối tác toàn diện với 30 nước; có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế. Hơn 70 quốc gia đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với nước ta. Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội theo chủ trương xây dựng một nền kinh tế đa thành phần, độc lập, tự chủ và mở, với những chính sách khuyến khích đầu tư và thương mại, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác thương mại quốc tế. Lũy kế đến 20/5/2022, các nhà đầu tư từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến đầu tư tại Việt Nam, với 34.989 dự án còn hiệu lực và số vốn đăng ký đạt hơn 426 tỷ USD. Với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt con số kỷ lục hơn 668 tỷ USD năm 2021 (tăng 22,6% so với năm trước), Việt Nam đã lọt vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Những thành tựu to lớn về kinh tế – xã hội cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam, vì “nghèo thì hèn”, như lời ông cha ta đã truyền lại.
Vậy là từ chỗ phải đi xin viện trợ và bị động trông chờ các nước lớn giải quyết các vấn đề liên quan đến Việt Nam cách đây mấy chục năm, chúng ta đã trở thành một đối tác tham gia chủ động, tích cực, bình đẳng và có trách nhiệm trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ kinh tế, thương mại đa phương và song phương nói riêng.
Với vị thế và uy tín có sức lan tỏa toàn cầu, cũng như tiềm năng, năng lực và kinh nghiệm tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ thành công trong nỗ lực hoàn thành trách nhiệm với vai trò một Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Nguồn: Vnecomony
Có thể bạn quan tâm: TỦ SÁCH KHỞI SỰ – KHỞI NGHIỆP – LÀM GIÀU