Chứng khoán vỡ lòng: 4 bài học phải lưu tâm cho GenZ để tránh ngày trắng tay ê chề
Nếu bạn chưa biết: Nhà đầu tư F0 là thuật ngữ để chỉ những người mới bắt đầu tham gia thị trường chứng khoán (TTCK), chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư.
Tất cả các nhà đầu tư đều phải trải qua giai đoạn là một F0. Trong giai đoạn này, đây là 4 bài học “vỡ lòng” mà bạn bắt buộc phải nằm lòng nếu không muốn mất cả chì lẫn chài.
1. Tránh xa cổ phiếu “trà đá”/cổ phiếu rủi ro cao
Cái tên cổ phiếu “trà đá” là cách nói miệng mà các nhà đầu tư dành cho những loại cổ phiếu có giá rẻ (thường dưới 10.000đ/cổ phiếu). Đây chính là một trong những loại cổ phiếu có rủi ro cao nhất, vì những biến động về giá thường không tuân theo bất kỳ phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản nào.
Những nhà đầu tư F0 chưa vững tâm lý và kiến thức thường dễ sa đà vào những cổ phiếu rủi ro cao vì cần ít vốn đầu vào. Thậm chí, không ít người còn không phân biệt được cổ phiếu đang bị giảm giá sâu của những doanh nghiệp có nền tảng tốt, với cổ phiếu “rác” của những doanh nghiệp làm ăn sa sút, đang trên bờ vực phá sản. Trong hoàn cảnh này, tham rẻ mà chốt mua nhiều cổ phiếu rủi ro cao, việc trắng tay cũng không mấy bất ngờ.
Vậy phải làm sao để nhận biết dược cổ phiếu rủi ro cao? Hãy nhìn vào 3 điều dưới đây, chính là 3 dấu hiệu nhận biết loại cổ phiếu này:
– Biến động giá cổ phiếu bất thường: Nếu giảm giá, sẽ sàn nhiều phiên liên tiếp. Còn khi tăng, sẽ tăng một loạt các phiên kịch trần.
– Biên lợi nhuận gộp liên tục giảm: Biên lợi nhuận gộp cho biết tỷ lệ phần trăm của doanh thu còn lại sau khi trừ chi phí sản xuất. Nếu tỷ lệ này quá thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành, hoặc so với chính doanh nghiệp trong quá khứ, công ty có thể đang và sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.
– Nợ vay hoặc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu liên tục tăng và tăng cao bất thường.
2. Không đầu tư theo thông tin “phím” trên mạng
Hiếm có nhà đầu tư nào (kể cả bậc lão làng lẫn thế hệ F0 non nớt) lại không tham gia vào các group chia sẻ kinh nghiệm đầu tư trên Zalo hoặc Telegram.
Thường thì trong những group này, mọi người hay kháo nhau “mua mã này đi, sắp tăng đấy” hoặc “bán cắt lỗ mã kia nhanh còn kịp”.
Người ta vẫn bảo “buôn có bạn, bán có phường”. Việc “nằm vùng” trong những hội nhóm này không xấu, thậm chí còn là cách rất tốt để bạn thu thập thêm điểm nhìn cũng như tâm lý của các nhà đầu tư khác khi thị trường có biến động.
Tuy nhiên, tuyệt đối đừng nghe theo những thông tin “phím hàng” mà không có sự tự nghiên cứu, tìm hiểu.
Lý do thì đơn giản thôi, tiền là của bạn và quyết định đầu tư thế nào phải là do bạn. Còn nếu cứ nghe người này mách, người kia “phím”, thực chất bạn là một con rối chứ không phải một nhà đầu tư.
3. Đừng ngồi soi bảng điện cả ngày và lơ là công việc chính
Nếu việc đầu tư chứng khoán không phải là nguồn thu nhập chính đang nuôi sống bạn, đừng ngồi soi “bảng điện” cả ngày và lơ là công việc chính của mình.
Phần lớn các nhà đầu tư F0, trong giai đoạn đầu khi mới bước chân vào thị trường, đều có chung một mục đích: Học hỏi lấy trải nghiệm hoặc thử nghiệm xem hình thức đầu tư này có phù hợp với mình hay không.
Ham học, không ngại thử là tốt, nhưng đừng quên công việc chính mới đang là thứ mang lại cho mình nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống. Ngồi canh bảng điện cả ngày không làm cổ phiếu bạn mua tăng giá, chỉ làm bạn tốn thời gian một cách vô nghĩa, đôi khi còn làm phát sinh cảm giác lo lắng không đáng có.
4. Tránh xa các lớp học dạy đầu tư chứng khoán với cam kết “chắc chắn lời to”
Chưa có nhiều kiến thức kết hợp với tham vọng làm giàu có thể sẽ khiến bạn bị mê muội mà đăng ký các lớp học đầu tư chứng khoán có cam kết chắc chắn về khoản lời, hoặc tệ hơn, là trao hết tiền của mình cho “thầy giáo” để thầy vừa dạy mình đầu tư, vừa đầu tư luôn hộ mình.
Những biến động của TTCK là điều mà không ai dám khẳng định chắn chắn 100%, kể cả các chuyên gia. Bạn cần hiểu rằng có muôn vàn yếu tố có thể bất ngờ tác động đến TTCK mà không ai có thể dự đoán trước (thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị,…). Thế nên việc cam kết đầu tư chắc chắn có lời là điều quá hoang đường.
Hãy bắt đầu hành trình tìm hiểu và học cách đầu tư chứng khoán từ chính đôi chân của mình qua 4 cuốn sách:
3. Tuyệt kỹ giao dịch bằng đồ thị Nến Nhật
Happy Live Team
Nguồn: Cafef