fbpx

Chuyện chưa kể của một “lão làng” trên TTCK Việt Nam: Từng lập file excel để tính lãi 7% mỗi ngày và 3 lí do tin rằng đội lái vẫn còn nhiều đất diễn

Thời kỳ 2007, NĐT xếp hàng từ sớm trước cửa công ty chứng khoán Bảo Việt để chờ được bốc số đặt lệnh, cái cảnh mà giờ chắc chỉ còn thấy khi khai trương các quán café có ca sĩ/diễn viên Hàn quốc, hay cửa hiệu Uniqlo…

Chuyện chưa kể của một "lão làng" trên TTCK Việt Nam: Từng lập file excel để tính lãi 7% mỗi ngày và 3 lí do tin rằng đội lái vẫn còn nhiều đất diễn

Nhân dịp 20 năm chính thức hoạt động TTCK Việt Nam, Trí Thức Trẻ đã có buổi trao đổi với một “lão làng” trên TTCK Việt Nam. Anh tham gia TTCK từ những ngày đầu, là một trong số ít những người còn bám trụ lại với nghề, sau rất nhiều thăng trầm trên thị trường chứng khoán. Vì một vài lí do cá nhân, anh muốn được giấu tên, và chỉ muốn kể câu chuyện của mình một cách chân thực nhất.

Có những ngày chỉ ngồi lập file excel để xem ngày mai, tuần sau, tháng sau lời được bao nhiêu tiền

Năm 1999 là thời điểm tôi tốt nghiệp đại học kinh tế, là dân tỉnh nên xin việc và trụ lại ở xứ Sài Gòn là vấn đề quan trọng bậc nhất. Tôi nộp đơn nhiều công ty, nhiều ngành liên quan đến kinh tế, khi đó trùng hợp sao HOSTC (khi đó là Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM) có thông báo tuyển dụng thì tôi đăng ký. Tất nhiên tôi biết chứng khoán là ngành mới, và là ngành tôi chả nhớ gì mấy (có học ở những năm đại cương nhưng đâu có nghĩ là ở Việt Nam sắp ra đời sàn chứng khoán).

Nói đùa rằng nộp đơn vào HOSTC tính ra cũng là việc mạo hiểm, vì tôi hầu như không thể sử dụng kiến thức gì trong 5 năm đại học vừa xong. Giờ nghĩ lại, nếu mọi người cùng cho rằng chứng khoán Việt Nam có nhiều thành tựu lớn sau 20 năm thì rõ ràng là tôi may khi “chọn” theo ngành này.

Gia nhập thị trường từ khá sớm, đến nay kỷ niệm về những ngày đầu cũng có nhớ khá nhiều, ví dụ như tôi nhớ từng lập 1 file excel, chỉ nhằm tính toán nếu cổ phiếu cứ tăng trần đều đều 1 ngày 7% thì ngày mai ngày kia, tuần sau tháng sau… tôi lời bao nhiêu %. Tôi nhớ từng tham gia lập bảng kiểm tra tốc độ đặt lệnh cho đại diện sàn, với mục tiêu 10 giây 1 lệnh, và choáng khi có một chị bên Agriseco gõ nhanh chưa tới 3 giây 1 lệnh (sau này nghe nói đại diện sàn copy lệnh thì nhanh khỏi nói).

Chuyện chưa kể của một "lão làng" trên TTCK Việt Nam: Từng lập file excel để tính lãi 7% mỗi ngày và 3 lí do tin rằng đội lái vẫn còn nhiều đất diễn
Trong những ngày đầu khai trương thị trường, tốc độ nhập lệnh là yếu tố quyết định khả năng mua được cổ phiếu. Lúc đầu chỉ khớp lệnh định kỳ 1 lần/ngày, và 1 trong những mánh lới đầu tiên của đại diện sàn để đua lệnh là gõ 10 ký tự số hiệu tài khoản cùng 1 con số, sau đó sửa lại đúng số tài khoản trước giờ khớp lệnh. Đây là trường dữ liệu duy nhất có thể sửa được mà không ảnh hưởng đến thứ tự ưu tiên thời gian của lệnh. Ảnh: Lê Toàn

Trong những ngày đầu khai trương thị trường, tốc độ nhập lệnh là yếu tố quyết định khả năng mua được cổ phiếu. Lúc đầu chỉ khớp lệnh định kỳ 1 lần/ngày, và 1 trong những mánh lới đầu tiên của đại diện sàn để đua lệnh là gõ 10 ký tự số hiệu tài khoản cùng 1 con số, sau đó sửa lại đúng số tài khoản trước giờ khớp lệnh. Đây là trường dữ liệu duy nhất có thể sửa được mà không ảnh hưởng đến thứ tự ưu tiên thời gian của lệnh. Ảnh: Lê Toàn

Ngày HOSTC khai trương, tôi nhớ từng bị 1 sếp la vì cái tội hiển thị giá cổ phiếu trên bảng điện (giá ảo) có màu đỏ (hồi đó giá tăng là đỏ, nhưng sếp sợ màu đó xui).

Tôi cũng còn nhớ cảnh NĐT xếp hàng từ sớm trước cửa công ty chứng khoán Bảo Việt để chờ được bốc số đặt lệnh, cái cảnh mà giờ chắc chỉ còn thấy khi khai trương các quán café có ca sĩ/diễn viên Hàn Quốc, hay cửa hiệu Uniqlo…

Tết âm lịch 2007 là cái Tết hoành tráng nhất khi nhà nhà thắng chứng khoán

Tôi từng kiếm được tiền, rồi lại mất gần hết trong giai đoạn 2007-2008. Tôi còn nhớ mấy anh chị quen nói Tết Âm lịch đầu năm 2007 là cái tết hoành tráng nhất trong bao nhiêu năm qua ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, vì nhà nhà thắng chứng khoán, người người thắng chứng khoán. Ai cũng ăn mừng chứng khoán, và ai cũng hy vọng sau Tết sẽ đánh chứng mạnh hơn nữa.

Tháng 2/2007 là thời điểm tôi bắt đầu từ bỏ nghề công chức chứng khoán mà ra làm cho 1 công ty chứng khoán tư nhân. Không làm môi giới, mà làm phân tích, nhưng khi đó chứng khoán sục sôi thì môi giới và phân tích cũng chả khác biệt gì lắm. Cũng nhận định, dự phóng định giá model các kiểu, nhưng khi đa số cổ phiếu đều tăng giá thì anh nào cũng vênh mặt vì ai cũng nói đúng, bất kể theo “phương pháp” nào.

Chuyện chưa kể của một "lão làng" trên TTCK Việt Nam: Từng lập file excel để tính lãi 7% mỗi ngày và 3 lí do tin rằng đội lái vẫn còn nhiều đất diễn

Nhưng có lẽ khi đó có một loại trải nghiệm đáng nhớ mà nhiều bạn trẻ bây giờ chưa được “hưởng”, đó là giá cổ phiếu được “định giá” thay đổi tăng gấp 5-10 lần chỉ trong vòng 24 giờ. Đó là khi đấu giá IPO, nhất là đấu giá cổ phiếu dầu khí họ PVN.

Bạn nào từng xem những bộ phim xưa về sàn chứng Mỹ, người người đông nghẹt, chen chân giơ tay ra ký hiệu… thì đấu giá ở HOSE cũng vậy. Đến ngày đấu giá tại HOSE, khi NĐT bắt đầu ghi giá đấu lên phiếu, giá cổ phiếu bắt đầu tăng chóng mặt, vì người này nhòm phiếu người kia, người nào ghi sớm thì sau khi nhòm, họ chỉ muốn ghi lại, thế là sửa xóa trên phiếu, dẫn đến phiếu đấu bị hủy vì phạm quy định.

Kỉ niệm đáng buồn nhất: Tự tay viết hộ đơn thôi việc cho sếp

Nhìn lại thời điểm 2007, VNIndex và giá nhiều cổ phiếu tăng rất nhanh và mạnh, nhưng chỉ kéo dài có 4 tháng ngắn ngủi rồi sau đó giảm thê thảm.

Từ tháng 4/2007 chứng khoán bắt đầu đổ, nhưng dù gì cũng có 2 đợt hồi phục lớn trong năm đó, do vậy đến cuối năm 2007 VN-Index chỉ giảm hơn 20% (tất nhiên cổ phiếu rớt nặng hơn). Nhưng năm 2008 mới là năm thực sự buồn cho cả ngành chứng Việt Nam khi chịu tác động kép cả từ tâm lý thất vọng của NĐT trong nước, lẫn chứng khoán thế giới sụp đổ.

VN-Index chỉ có 1 đợt hồi nhẹ duy nhất vào giữa năm đó, nhưng rồi lại rớt về dưới 300 điểm cho đến cuối năm. Nhiều vị lãnh đạo lên tiếng cũng không ngăn được tình trạng bán tháo của NĐT. Nhiều anh em trong ngành chứng cũng phải “chia tay” nhau trong giai đoạn này, trong đó có một vị sếp của tôi. Kỷ niệm đáng (buồn) nhớ nhất của tôi là gì? Là tự tay viết giùm đơn thôi việc cho sếp lần thứ 2 trong năm này (lần đầu vào năm đầu nào đó của ngành chứng).

Chưa khi nào muốn rời ngành chứng khoán

Tôi không nói rằng tôi yêu ngành này mà cố bám trụ. Tôi nghĩ ai làm lâu trong 1 ngành đều có tình yêu với ngành đó, do đó nói lên tình yêu không phải là việc gì to tát. Tôi bám trụ, đơn giản vì tôi không có nhiều lựa chọn để tìm ngành khác. Kiến thức tôi học ở đại học đã quên rồi, đâu còn nhớ mấy mà đi xin việc. Hơn nữa, kinh nghiệm tính theo số năm của tôi ở ngành chứng khá lớn, nó là lợi thế lớn nhất để nhảy từ công ty này qua công ty khác, miễn là còn trong ngành. Còn qua ngành khác, kinh nghiệm sẽ về gần con số không.

Tất nhiên có nhiều bạn bè tôi đã bỏ ngành, không ít người thất vọng với tương lai ngành chứng khoán, nhưng đa số họ có điều kiện nhất định khác. Còn tôi đã trải qua mấy giai đoạn thăng trầm lớn của thị trường, tôi vẫn khá lạc quan với tương lai.

Chứng khoán không thể tăng mãi, mỗi giới không thể khuyến nghị bách phát bách trúng

Thường người ta nói, làm trong ngành chứng khoán rất áp lực, lúc lên thì khách hàng đòi tìm kiếm lợi nhuận, nhưng lúc xuống thì trách móc, chuyện này rất bình thường. Tôi từng tự ý bán cả danh mục 20-30 mã cổ phiếu của một chị khách rất thân quen trong năm 2007 và bị cằn nhằn không dứt, may là tình chị em vẫn còn sau đợt khủng hoảng đó.

Gần đây kiểm nghiệm lại những lần tư vấn cho anh em môi giới hay khách, tôi tự thấy vẫn luôn có những nhận định sai hay “phím hàng sai”. Tuy nhiên, áp lực đối với tôi lúc này không phải là sợ “phím hàng sai”, mà là không biết nói gì khi thị trường sideway hay có nhiều thông tin ngược chiều nhau cũng làm nhiễu loạn thị trường. Lý do là giờ tôi không còn phải “phím hàng” hàng ngày như các bạn môi giới trẻ.

Đối với các bạn môi giới trẻ, có lẽ áp lực lên các bạn đúng như câu hỏi, là luôn bị khách hàng cằn nhằn. Khi thị trường lên thì phải phím được mã nào chạy thật nhanh, vừa mua là tăng liền, không là bị cằn nhằn. Khi thị trường xuống thì phải biết trước hoặc cắt lỗ thật sớm sau đó là phải biết phím đúng đáy, không là bị cằn nhằn…

Phím hàng đúng nơi đúng lúc thì ít được khen, nhưng nếu sai mà gặp khách hàng nhớ dai thù sâu thì bị nghe mắng rất mệt. Tôi nghĩ những áp lực này không thể tránh được, trừ phi bạn chỉ có những khách hàng thân thiết, có họ hàng hay anh anh em em bè bạn bao năm biết chia sẻ cảm thông, hoặc khách hàng là NĐT giá trị “cổ điển”, tức mua rồi cầm hoài ăn cổ tức. Bạn càng có nhiều khách hàng, tỷ lệ khách thích lướt sóng càng tăng lên, tỷ lệ khách ít thân quen càng tăng lên…, khi đó áp lực loại này cũng tăng lên.

Chuyện chưa kể của một "lão làng" trên TTCK Việt Nam: Từng lập file excel để tính lãi 7% mỗi ngày và 3 lí do tin rằng đội lái vẫn còn nhiều đất diễn

Tôi nghĩ có một vài cách có thể áp dụng để giảm bớt áp lực trên, nhất là đối với khách hàng ít thân quen. Ví dụ như nên làm việc theo team, không nên làm cá nhân. Làm theo team không phải để đổ thừa, mà là có được kết quả tư vấn toàn diện hơn và chất lượng hơn khi cùng nhau làm.

Ví dụ như khi tìm kiếm cổ phiếu, không nên chọn duy nhất 1 mã. Không nên cam kết lãi hay bao lỗ. Khi giới thiệu, nên nói rõ cổ phiếu này mua đầu tư hay lướt, nếu lướt thì nên nói trước mức cắt lỗ. Đừng sợ nói cắt lỗ với khách hàng. Không nên khuyến nghị khách hàng bắt đáy nếu khách hàng không hiểu cắt lỗ là một tiêu chí của kỷ luật. Và điều quan trọng là, bạn nên thường xuyên cảnh báo khách hàng khi thấy có rủi ro.

Nhiều trường hợp tôi từng trải nghiệm qua, cho dù có thể cảnh báo sai, nhưng nhỡ đúng, khách hàng sẽ nhớ đến bạn. Tại sao nên làm chuyện này? Vì tôi nghĩ lời cảnh báo khác lời khuyến nghị ở một điểm rất quan trọng, đó là nó mang lại cảm giác thật lòng hơn. Chứng khoán không thể tăng hoài tăng mãi, bạn không thể khuyến nghị bách phát bách trúng, do đó khách hàng sẽ có lúc thắng lúc thua. Khi thua, họ sẽ nhớ rằng bạn đã cảnh báo vì lo lắng cho họ, và họ sẽ biết ơn vì điều đó.

Chuyện chưa kể của một "lão làng" trên TTCK Việt Nam: Từng lập file excel để tính lãi 7% mỗi ngày và 3 lí do tin rằng đội lái vẫn còn nhiều đất diễn

“Đội lái” hiện tại chuyên nghiệp gấp nhiều lần hồi xưa

TTCK Việt Nam thường gắn liền với khái niệm “đội lái”, tôi nghĩ ở quan điểm cá nhân tôi, đội lái hiện tại quy mô và độ chuyên nghiệp lớn gấp nhiều lần “hồi xưa”. Nhiều con số thống kê trên cả 2 sàn chứng khoán cơ bản và phái sinh cho thấy rất nhiều thời điểm giá chứng khoán diễn biến theo đúng thuyết âm mưu hay tin đồn lan truyền trước đó trong giới môi giới.

Nhiều khi giá chứng khoán giống như được vẽ sẵn, dụ được cả giới phân tích kỹ thuật. Đặc biệt những ngày phái sinh “đáo hạn”, thì rổ cổ phiếu VN30 thường tạo sự bất ngờ đến ngỡ ngàng vào ATC, bạn nghĩ nó công bằng minh bạch ư?

Nói chung, đội lái vẫn còn đất diễn rất rộng theo tôi vì 3 lý do:

Một là tâm lý đầu cơ chứng khoán ở nước mình rất cao, nhiều người thích “ăn” dày, “ăn” ngay và luôn khi vừa mua xong, kiếm tiền kiểu đó thì chỉ là zero-sum game, bạn lấy tiền từ túi người khác.

Hai là cổ phiếu giá rẻ quá nhiều, gọi nôm na là cổ phiếu rác, những mã này không khiến NĐT sợ hãi mà còn kích thích lòng tham. Trên sàn có rất nhiều cổ phiếu giá chỉ chừng vài ba ngàn đồng (thậm chí vài ba trăm đồng), chỉ cần tăng lên 1 ngàn đồng là tương đương mấy chục phần trăm. Giả sử có 2 cổ phiếu cùng tăng giá 50% nhưng cổ phiếu tăng 1 ngàn đồng mang lại cảm giác nhanh và dễ hơn nhiều so với cổ phiếu tăng vài chục ngàn, hay cả trăm ngàn mới đạt mức % tương tự. Một cổ phiếu giá 2 ngàn đồng lên 4 ngàn đồng có khi chỉ cần mấy phiên hoặc hơn tuần, nhưng một cổ phiếu giá 100 ngàn đồng lên 200 ngàn đồng thì phải chờ mấy năm, nên chơi cổ phiếu 2 ngàn đồng mới chóng giàu.

Thứ ba là hình phạt rất yếu, chủ yếu là phạt tiền với giá trị mà nhiều người từng nói đùa là tương đương đóng thêm 1 lần phí giao dịch.

Lớp nhà đầu tư số 0: Vẫn tham lam với chứng khoán, đua trần và dám gồng lỗ margin

Về câu chuyện nhà đầu tư số 0 xuất hiện từ đợt Covid vừa qua, quan điểm của tôi cho rằng với những ai có nhiều năm kinh nghiệm lăn lộn trên sàn chứng, tất nhiên họ khôn hơn. Khôn ở đây nhiều nghĩa, ở mặt tích cực thì có cả tỉnh táo hơn, bớt liều hơn và biết sợ nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn cũng có.

Tôi từng gặp những khách hàng chia sẻ rằng họ có phương pháp đầu tư cụ thể, chi tiết và họ tuân thủ một cách kỷ luật. Ở mặt tiêu cực, khôn hơn tức là nhiều “thủ đoạn”, kể cả như sẵn sàng đua theo lái. Gần đây tôi vẫn thấy nhiều mã cổ phiếu xuất hiện chiêu đặt lệnh “rải đinh”, trò này không phải dân kinh nghiệm thì còn ai? Còn đối với NĐT F0, tôi vẫn có cảm giác họ chẳng khác gì mấy với lớp F0 xưa, vẫn tham lam với chứng khoán, mua theo lời rỉ tai, dám chơi cổ phiếu rác, dám đua trần và thậm chí dám gồng lỗ margin.

Chuyện chưa kể của một "lão làng" trên TTCK Việt Nam: Từng lập file excel để tính lãi 7% mỗi ngày và 3 lí do tin rằng đội lái vẫn còn nhiều đất diễn

Có ý kiến thú vị rằng Covid-19 đã mang lại cho lớp F0 này chiến thắng lớn, và nó hình thành một thói quen, hay tâm lý rằng nếu Covid-19 tái diễn, họ sẽ còn dám chơi lớn hơn nữa.

Cơ hội đầu tư luôn hiện hữu trên sàn chứng khoán, chỉ khác ở khoảng thời gian bạn đầu tư. Ở đây tất nhiên tôi tách bạch rạch ròi chuyện đầu tư và đầu cơ vì công việc chính của tôi là tìm kiếm cơ hội đầu tư, cơ hội đầu cơ thì tôi có 1 nhóm anh em khác đảm nhiệm. Làm nghề phân tích đầu tư lúc này, nhiệm vụ của tôi là luôn phải tìm ra cổ phiếu, kể cả những lúc khó tìm, kiểu như hồi tháng 3 vừa qua. Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ tìm cổ phiếu đầu tư không khó, nhưng thuyết phục người mua thì mới khó. Đây lại là câu chuyện dài, tùy mình tùy người và tùy từng bối cảnh.

Nguồn: Trí thức trẻ

Các viết cùng chủ đề