fbpx

Chuyện chưa kể về Lý Tiểu Long: Từ thời niên thiếu ngang tàng đến tượng đài võ thuật xuất chúng

Từ giây phút Bruce Lee (Lý Tiểu Long) đặt chân đến đất Mỹ, lần đầu tiên trải nghiệm cú sốc tâm lý từ người giàu ở Thế giới Thứ ba trở thành kẻ nghèo của Thế giới Thứ nhất và phải làm những công việc mà trước đó anh chưa bao giờ chạm tay vào như dọn dẹp bàn ăn, cọ rửa chén bát, lau chùi nhà cửa, phụ bếp… Giai đoạn khó khăn này đã tôi luyện Lý Tiểu Long từ một gã thanh niên chơi bời, lêu lổng trở thành một người có quyết tâm và tràn đầy ý chí.

Chuyện chưa kể về Lý Tiểu Long: Từ thời niên thiếu ngang tàng đến tượng đài võ thuật xuất chúng

Ngỗ ngược, mê đánh đấm, bạo lực là những từ diễn tả Lý Tiểu Long thời niên thiếu

Lý Tiểu Long sinh ra giữa thời khắc chiến tranh loạn lạc, khi thế chiến thứ II nhấn chìm cả Thế giới trong máu và lửa; quân đội Nhật tiến sâu vào đại lục Trung Hoa trong khi Hồng Kông bị cắt đứt khỏi Trung Quốc lẫn mẫu quốc Anh, trơ trọi và bất lực. Như bao người dân ở Hồng Kông buộc phải chống chọi để sinh tồn trong cuộc chiến khốc liệt, cậu bé Lý Tiểu Long, vốn đã quen với bầu không khí trong lành của San Francisco đã lăn ra ốm nặng, phải trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh do khí hậu ẩm ướt của Hồng Kông cùng môi trường chuột, gián và tràn đầy khói súng.

Sự đau ốm bệnh tật từng ám ảnh Lý Tiểu Long suốt thời kỳ Nhật chiếm đóng đã dần rời bỏ cậu bé sau khi hòa bình lập lại. Cậu trở nên hiếu động thái quá đến mức cả nhà đặt cho cậu biệt danh “Never Sits Still – Không Bao Giờ Ngồi Yên”. Cậu luôn nhảy nhót, la hét, chơi đùa không biết mệt. Cuộc sống nội tâm phong phú bên trong con người của Lý Tiểu Long còn bị ảnh hưởng một phần bởi truyện tranh và tiểu thuyết kiếm hiệp. Mỗi khi chìm vào trang sách, con chữ trong truyện, cậu bé Lý Tiểu Long thường tưởng tượng mình là vị anh hùng trong tác phẩm đang đọc. Cha anh đã đã nhiều lần tức giận vì tính cách ngông cuồng của con trai, có lần ông đã bực dọc phải thốt lên rằng: “Con thật là vô dụng, con chẳng bao giờ chịu nhường nhịn người trong nhà”.

Chuyện chưa kể về Lý Tiểu Long: Từ thời niên thiếu ngang tàng đến tượng đài võ thuật xuất chúng

Cậu thiếu niên Lý Tiểu Long trước khi đến với con đường võ thuật là một chàng trai hư hỏng, thích đánh đấm bạo lực. Ban đầu, Lý Tiểu Long chỉ đánh nhau vì bị bắt nạt, thế rồi cậu dần nếm mùi vị chiến thắng và nhanh chóng bắt đầu trở thành người gây sự để đánh đấm. Tiếng tăm của cậu chuyển từ đứa không dễ gì xơi thành đứa nên tránh mặt, các bậc phụ huynh thì cấm con của họ giao du với cậu.

Là một học sinh yếu kém, ở lại lớp hai lần, luôn tham gia ẩu đả và gây sự, lại còn rút dao đe dọa thầy giáo thể dục. Cuối cùng, sau năm năm mài đũng quần ở La Salle, Lý Tiểu Long bị tống cổ khỏi trường vào năm 1956. Trong quyển tiểu sử về anh mình, Robert Lee, em trai của Lý Tiểu Long, viết: “Bởi lẽ anh quá nghịch ngợm, luôn bị kéo vào những trận đánh đấm và thường cúp cua từ khi bắt đầu học Vịnh Xuân Quyền năm mười bốn tuổi, thêm vào đó anh hay xuất hiện ở trường với trang phục dị hợm, rốt cục họ đuổi cổ anh”.

Các bạn học kể rằng một sự kiện khác cuối cùng cũng làm cậu bị trục xuất khỏi trường. “Đó là câu chuyện mà bạn đồng niên chúng tôi hay kể lại mỗi khi nhắc đến Lý Tiểu Long”, Dennis Ho tiết lộ. Theo lời kể của Dennis và một người bạn khác giấu tên, vào một giờ nghỉ ăn trưa năm 1956, khi các học sinh đang chơi đùa ở chân đồi sau trường, Lý Tiểu Long buộc một nam sinh tụt quần xuống. Không ai biết chính xác lý do vì sao anh lại làm vậy, “cũng có thể do cậu ấy buồn chán hoặc muốn khoe mẽ thôi”, Dennis nói. Sau khi lột truồng cậu bé, Lý Tiểu Long lôi ra một hộp sơn màu đỏ cậu vừa thó được từ một công trường xây dựng và vẽ lên phần kín của nạn nhân tội nghiệp.

Sau này Lý Tiểu Long thuật lại với tạp chí Black Belt tháng 10/1967 rằng: “Thuở niên thiếu ở Hồng Kông, tôi là đứa trẻ lêu lổng chuyên đi kiếm chuyện để đánh nhau. Chúng tôi thường thủ sẵn dây xích, ngòi bút và dao nhọn trong người.” Lý Tiểu Long cùng đàn em lang thang khắp các con hẻm khu Kowloon tìm kiếm các trận ẩu đả. Thắng nhiều hơn thua, nhưng do rất ghét làm kẻ chiến bại nên anh quyết định nâng cấp kỹ năng đánh đấm. Giống như trang phục trên phim, Lý Tiểu Long diện bộ cánh truyền thống của Trung Hoa – áo dài cổ trụ – và lượn lờ khắp phố phường trong khi mọi người xung quanh đều mặc Âu phục. Nổi bật giữa phố như một cái gai trong mắt, anh đợi cho ai đó buông lời chọc ghẹo hoặc nhìn mình chằm chằm. “Nhìn cái gì mà nhìn? Bộ trông tao kỳ lạ lắm hả?”. Đa số đều xin lỗi và lảng tránh. Những kẻ không làm vậy sẽ biến thành bao tải người để anh tẩn cho một trận.

Khi Lý Tiểu Long có những tiến bộ vượt bậc trong quyền pháp, đến lượt anh thay mặt môn phái Vịnh Xuân Quyền tham gia cuộc tỉ võ trên sân thượng. Được đồng môn thúc giục, Tiểu Long đưa ra lời thách đấu với một võ sư trợ giảng của phái Thái Lý Phật tên là Chung. Về đến nhà với một con mắt bị bầm và môi sung vều, Lý Tiểu Long lẻn vào phòng để lánh mặt cha. Một người hầu lấy trứng mới luộc áp vào chỗ mắt bị thương cho cậu. Khi em trai út Robert hỏi anh mình có bị thương không, Tiểu Long huênh hoang: “Anh chỉ bị xây xát nhẹ. Giá mà em thấy được gã kia thương tích như thế nào – anh đánh bay mấy cái răng của hắn!”. Cậu viết trong nhật ký như sau “Đấu với một võ sinh Trung Hoa của Lung Chi Chuen (có thâm niên bốn năm). Kết quả: Thắng (tên đó gục ngã, gãy một răng, tôi bị bầm một mắt).

Hành trình đến Mỹ – lần đầu trải nghiệm cú sốc tâm lý của Lý Tiểu Long

Dù có làm cách nào, cha mẹ cũng không tài nào thuyết phục Tiểu Long ngưng việc đánh đấm. Vì thế, song thân của Lý Tiểu Long đã quyết định đưa anh sang Mỹ du học thay vì ở Hồng Kông. Họ hy vọng rằng nước Mỹ sẽ làm anh thay đổi. Cha của Tiểu Long muốn anh phải nếm trải cay đắng khổ cực ở Mỹ, nhưng nào ngờ chính phán quyết đó đã nhào nặn anh từ một thanh niên lêu lổng, ngỗ ngược thành một chàng trai chín chắn và điềm đạm. Lý Tiểu Long vốn dĩ là người lạc quan và độc lập. Anh dần cảm thấy chuyến đi tới nước Mỹ xa xôi có thể là một cuộc phiêu lưu kỳ thú và bắt đầu lên kế hoạch chi tiết cho cuộc sống tương lai.

Ngày 17/5/1959, mười tám năm sau khi rời khỏi nước Mỹ, Tiểu Long đặt chân trở lại San Francisco, mảnh đất anh cất tiếng khóc chào đời.

Anh đặt chân đến căn hộ chật hẹp của ông Quan Ging Ho, vốn là một người bạn cũ của cha anh và ngao ngán khi phát hiện nơi trú ngụ của anh chỉ là một cái giường đơn đặt trong góc phòng khách giữa các đồ đạc bàn ghế khác. Mặc dù không gian sống của anh với cả gia đình mười ba thành viên ở Hồng Kông cũng rất chật chội, nhưng quả thật nơi đây quá ngột ngạt và đầy chán nản. Ít ra ở nhà anh cũng có những người hầu. Lý Tiểu Long lần đầu tiên trải nghiệm cú sốc tâm lý từ người giàu ở Thế giới Thứ ba trở thành kẻ nghèo của Thế giới Thứ nhất.

Ông Quan xin cho Tiểu Long vào làm nhân viên chạy bàn ở nhà hàng Kum Hom đối diện căn hộ của họ. Lý Tiểu Long vốn dĩ chưa từng làm bất cứ công việc gì khác ngoài đóng phim, nhanh chóng chứng tỏ anh không hề thích hợp với ngành công nghiệp dịch vụ và anh chỉ trụ được không quá một tuần.

Chuyện chưa kể về Lý Tiểu Long: Từ thời niên thiếu ngang tàng đến tượng đài võ thuật xuất chúng

Sau khi chuyển đến Seattle, Lý Tiểu Long đã ở nhờ nhà của ông Ping Chow – người bạn thân của cha anh. Thoạt tiên cứ nghĩ anh sẽ được đối xử trịnh trọng như một vị khách quý và không có nghĩa vụ gì ngoài việc thỉnh thoảng trông coi Mark, con trai út của Ruby (vợ ông Ping Chow). Nhưng thay vào đó, Ruby sắp xếp cho anh vào ở trong một căn phòng bé tí vỏn vẹn có mười hai mét vuông, vốn dĩ là phòng thay đồ trước đây, nó nằm dưới chân cầu thang, chỉ có một bóng đèn trơ trọi gắn trên trần nhà và một thùng gỗ đựng trái cây cũ làm bàn viết, lớp vữa bong tróc cả ra. Bà còn lập tức giao cho Lý Tiểu Long những công việc hạ cấp nhất của nhà hàng như dọn dẹp bàn ăn, cọ rửa chén bát, lau chùi nhà cửa, phụ bếp.

Lý Tiểu Long tỏ thái độ bất mãn bằng cách từ chối đối xử lễ phép với Ruby Chow. Theo văn hóa Trung Hoa, người nhỏ tuổi phải xưng hô với người lớn một cách trịnh trọng hoặc luôn đi kèm với danh xưng gia đình như “cô, dì, chú, bác”. Vậy mà Tiểu Long chỉ đơn thuần gọi cô là “Ruby”, một sự vi phạm lễ giáo không thể chấp nhận được.

“Con phải gọi ta là bà Chow hoặc là dì Chow”, bà mắng anh.

“Cô không phải là dì tôi”, Bruce độp lại, “việc quái gì tôi phải gọi cô bằng dì?”

Thái độ xấc láo, “không trên không dưới” của anh đối với người lớn tuổi đã có lần kích động một đầu bếp đe dọa anh với con dao phay. “Chém đi”, Lý Tiểu Long hét to với gã đầu bếp. “Ông cứ chém một nhát đi, tôi thách ông đó”. Các nhân viên trong nhà hàng chạy đến can ngăn, buộc người đầu bếp lùi lại.

Trong cuốn sách Lý Tiểu Long – Một cuộc đời phi thường, Lý Tiểu Long đã viết một bức thư cho cậu bạn thân Hawkins kể về quãng thời gian khó khăn khi phải một mình bươn chải nơi đất Mỹ: “Giờ đây tớ đã tự thân tự lập. Từ ngày bước chân vào đất nước này, tớ không nhận xu nào từ cha. Tớ đang làm bồi bàn sau giờ học. Nói cho cậu biết nhé, cuộc sống ở đây không phải dễ!”

Trải qua quãng thời gian khó khăn là tiền đề tạo nên một phần ý chí và sự thành công trong cuộc đời Lý Tiểu Long. Đây chính là điều mà cha Lý Tiểu Long mong muốn. Ông muốn gửi con trai đến nước Mỹ để anh “nằm gai nếm mật”. Xuất thân từ nghèo khổ, ông tin rằng gian khó sẽ xây dựng nhân cách, bởi lẽ vợ ông, người lớn lên trong một gia tộc giàu có bậc nhất Hồng Kông, đã quá nuông chiều cậu quý tử.

Trong ba suốt ba năm Lý Tiểu Long rửa chén bát và ở trọ phía trên lầu nhà hàng của Ruby, mối quan hệ giữa họ luôn căng thẳng, hằn học. Anh gọi bà là “bà chằn lửa”. Dẫu vậy, bất chấp sự kháng cự của Tiểu Long, Ruby ít nhiều đem đến sự tổ chức chặt chẽ cho cuộc sống sau này của anh. Lúc rời khỏi nhà bà, từ một gã thanh niên chơi bời lêu lổng, anh đã biến thành một người có quyết tâm và tràn đầy ý chí.

Khi bạn đối mặt với môi trường khó khăn có thể không hoàn toàn đem lại kết quả tốt nhưng sẽ mang lại nhiều bài học giá trị trong suốt cuộc đời bạn. Quả thật như vậy, vào ngày 27/3/1961, Lý Tiểu Long được nhận vào học ở trường Đại học Washington. Với một đứa trẻ từng ở lại lớp, bị đuổi học, và có thể xem như một kẻ vô dụng, đây là bước ngoặt đầy ngoạn mục. Khi cha anh đón nhận tin vui này, ông nhảy múa khắp nhà, miệng reo hò: “Chúng ta đã đặt cược đúng con ngựa chiến rồi!”. Lần đầu tiên sau rất lâu, anh làm cha mát mặt và khiến ông rất đỗi tự hào. Chỉ những học sinh giỏi nhất (hoặc con nhà giàu có nhất) tại Hồng Kông mới được vào học ở các trường đại học Anh Quốc và Hoa Kỳ.

Chính nhờ khoảng thời gian sống và làm việc tại Mỹ, những lần bị ảnh hưởng bởi kỷ luật của Ruby tưởng chừng là tháng ngày tiêu cực của Lý Tiểu Long nhưng đây chính là đòn bẩy đã khiến anh đi xa hơn. Không ai ngờ một cậu bé Trung Hoa nhỏ con mở lớp dạy võ Kung Fu ở gần siêu thị lại có thể hạ gục những gã da trắng to lớn dễ dàng như trở bàn tay. Và sau này lại là diễn viên võ thuật gốc Hoa nổi tiếng trong nền điện ảnh Hoa Kỳ, đồng thời là võ sư sáng lập võ phái Triệt quyền đạo.

Chuyện chưa kể về Lý Tiểu Long: Từ thời niên thiếu ngang tàng đến tượng đài võ thuật xuất chúng

Lý Tiểu Long – Một cuộc đời phi thường được dịch từ sách gốc “Bruce Lee: A Life”. Đây là quyển sách phản ánh cuộc đời đầy đủ nhất của Lý Tiểu Long. Cuốn sách dẫn dắt người đọc khám phá thời thơ ấu của cậu bé Lý Tiểu Long, sinh ra trong những tháng ngày rong ruổi dưới ánh đèn sân khấu nơi đất khách, lần đầu tiếp xúc với máy quay phim trước khi biết bò. Là những trò nghịch ngợm, chơi khăm năm lên mười tuổi nhằm trả thù cho người bạn thân, là mối tình đầu và những thiếu nữ đi qua cuộc đời Lý Tiểu Long, là những trận thách đấu tay đôi, trận đấu quyền Anh, những vai diễn nhí để đời đến sự nghiệp điện ảnh tại Hồng Kông và hành trình trở thành tượng đài võ thuật nổi tiếng nhất thế giới.

Nguồn: Tri thức trẻ

Các viết cùng chủ đề