fbpx

Chuyên gia BSC chỉ ra 4 dấu hiệu cho thấy thị trường tạo đáy

Các chuyên gia nhận định nhịp giảm điểm quá 15% của thị trường ở hiện tại là rất hiếm, đây là hệ quả do nhà đầu tư lo lắng với những biến động ở bên ngoài từ thị trường quốc tế cũng như chuyển biến về mặt vĩ mô và doanh nghiệp trong nước.

chuyen-gia-bsc-chi-ra-4-dau-hieu-cho-thay-thi-truong-tao-day-happy-live-1

Qua mùa báo cáo tài chính quý III, nhiều nhóm ngành đã có sự tăng trưởng tích cực (như công nghệ, dầu khí,…) những nhóm ngành trước đây bị ảnh hưởng nặng nề (như dệt may, thép,…) cũng có sự phục hồi đáng kể. Sự phục hồi tích cực từ phía các doanh nghiệp đã góp phần đưa Việt Nam đang là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế  trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lại có phản ứng ngược lại khi sụt giảm mạnh trong gần hai tháng qua và có dấu hiệu phục hồi trở lại trong những phiên gần đây. Theo giới phân tích, không dễ để nhà đầu tư đoán được đâu là đáy của thị trường, thay vào đó đây là cơ hội để cơ cấu lại danh mục khi những cổ phiếu tốt đang có mức giá giảm sâu.

Những nhà phân tích cũng cho biết, sau giai đoạn thị trường điều chỉnh sâu, mức định giá P/E của các cổ phiếu Việt Nam đang ở mức hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á, cùng với những yếu tố tích cực của nền kinh tế sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Nhịp giảm điểm quá 15% của thị trường vừa qua là rất hiếm

Trong chương trình “Phố Tài chính” do VTV tổ chức với chủ đề “Thị trường chứng khoán liệu đã tạo đáy?” mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC), cho biết thị trường sau một giai đoạn tăng điểm kéo dài thường sẽ có những đợt giảm điểm tương đối lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trong suốt 9 tháng đầu năm với mức tăng xấp xỉ 25%, sau đó giảm điểm liên tục trong hơn một tháng.

Thị trường có những nhịp điều chỉnh là điều bình thường, tuy nhiên nhịp giảm điểm quá 15% như hiện tại là rất hiếm, đây là hệ quả do nhà đầu tư lo lắng với những biến động ở bên ngoài từ thị trường quốc tế cũng như chuyển biến về mặt vĩ mô và doanh nghiệp trong nước.

Về diễn biến nhà đầu tư bán mạnh trong thời gian vừa qua, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, cho biết những thông tin vĩ mô đặc biệt là ở trong nước đang theo xu hướng tích cực nhiều hơn, tuy nhiên thị trường lại có phản ứng ngược lại.

Nguyên nhân là do thị trường trong 8 tháng đầu năm đã tăng mạnh, trong đó nhiều cổ phiếu tăng bằng lần và thậm chí có mức định giá cao hơn thời điểm hoàng kim VN-Index đạt trên 1.500 điểm, tuy nhiên tốc độ cải thiện và hiệu quả sản xuất kinh doanh không nhanh bằng tốc độ tăng giá của cổ phiếu.

“Nhà đầu tư quyết định tham gia lớn hơn, sử dụng đòn bẩy lớn hơn nên khi thị trường điều chỉnh đến một mức độ nào đó sẽ khiến lực bán giải chấp mạnh hơn và đẩy thị trường xuống sâu hơn”, ông Khánh chia sẻ.

Nhận định ở một khía cạnh khác, ông Trần Thăng Long cho biết VN-Index đang ở vùng điểm gần tương đương với tháng 11/2022, tuy nhiên yếu tố vĩ mô ở hiện tại tương đối tốt hơn, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mặc dù còn khó khăn nhưng cũng đã có những dấu hiệu cải thiện nhất định.

“Theo thống kê, khoảng 1.100 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III với tổng doanh thu khoảng 1,2 triệu tỷ đồng và tổng lợi nhuận khoảng 98.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tăng trưởng nhẹ 4%. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư có những bi quan nhất định, tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư chưa tham gia nhiều vào thị trường”, ông Long chia sẻ. 

Khối ngoại không chỉ bán ròng ở Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia châu Á

Ông Trần Thăng Long cho biết một năm trước đây thị trường có những khó khăn nhất định từ xung đột giữa Nga – Ukraine, hiện nay có thêm một điểm nóng là Israel – Palestine, cùng với giá dầu, giá lương thực tăng đã thúc đẩy lạm phát tăng trở lại.

Điều này khiến chính sách tiền tệ ở một số quốc gia tiếp tục phải thắt chặt, đẩy chi phí vốn toàn bộ nền kinh tế thế giới ở mức cao, gây sức ép lên tỷ giá ở tất cả các quốc gia, nhất là những quốc gia mới nổi. Nhà đầu tư nước ngoài không chỉ bán ròng ở Việt Nam mà ở hầu hết quốc gia châu Á, chỉ khi lãi suất có dấu hiệu suy giảm thì dòng tiền mới thực sự đảo chiều trở lại.

Cũng nhận định về vấn đề này, ông Phan Dũng Khánh bổ sung rằng chính sách tiền tệ nói chung trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu, vẫn thiên về hướng thắt chặt nhiều hơn, điều này sẽ ảnh hướng tới thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn. Thị trường phục hồi là điều tốt nhưng nhà đầu tư cần biết rằng xu hướng ở đây sẽ mang tính chất phục hồi hơn là tăng mạnh như trong 8 tháng đầu năm nay.

4 dấu hiệu cho thấy thị trường đã tạo đáy

Qua nghiên cứu các khu vực đáy của VN-Index trong vòng 15 năm qua với khoảng 7, 8 lần tạo đáy lớn, ông Trần Thăng Long nhận thấy 4 đặc điểm chính thường thấy khi thị trường tạo đáy.

Thứ nhất là thị trường rẻ, với P/E khoảng 10 – 11x và P/B khoảng 1,4 – 1,5x và thường thấp hơn so với trung bình 5 năm.

Thứ hai là thanh khoản giảm, quan sát trong tất cả những lần tạo đáy trước, thanh khoản thường thấp hơn 50% so với thanh khoản ở vùng đỉnh gần nhất.

Thứ ba là yếu tố liên quan đến chuyển biến của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại thường sẽ mua hoặc ít bán ròng đi khi thị trường đủ rẻ. 

Thứ tư là dựa vào những cổ phiếu có trọng số cao, thị trường sẽ tạo đáy khi những mã này có dấu hiệu đổi chiều trở lại.

Dự báo về thị trường sắp tới, ông Phan Dũng Khánh đưa ra hai kịch bản: “Nếu vùng điểm 1.020 được giữ vững trong tháng 11, có thể xem đây là đáy trung hạn. Tuy nhiên, nếu kịch bản xấu hơn, vùng 1.000 điểm nhiều khả năng sẽ bị phá vỡ. Ngoài ra, nhà đầu tư nên lưu ý ngay trong trường hợp đáy được xác lập thì thị trường nhiều khả năng sẽ đi theo mô hình chữ U hơn là chữ V, do thị trường cần thời gian tích luỹ”.

Tiến Phát

vietnambiz

Có thể bạn quan tâm

Trọn bộ Sách phân tích kỹ thuật 2023

ĐẶT SÁCH NGAY

 

Các viết cùng chủ đề