Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ thái độ làm việc: Người tiêu cực sợ mất việc chỉ biết nói xấu công ty
Sự việc giống nhau, hai thái độ và cách tiếp cận khác nhau, chia thành người giỏi, vươn lên không ngừng và kẻ lơ mơ ngồi than trách sao phận mình ngang trái.
Chuyên gia Nguyễn Phi Vân hiện là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia…
Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Nhượng quyền khởi nghiệp”, “Con đường ngắn để bước ra thế giới”, “Tôi đi tìm tôi”, “Tôi, chúng ta và thế giới”.
Mới đây, nữ chuyên gia đã “rút ruột” chia sẻ về tâm thế làm việc của người trẻ. Trong đó, nhiều bạn coi đi làm chỉ là “cần câu cơm”, đi làm đầy đủ cả tháng chỉ để nhận lương cuối tháng chứ không hề là công việc để sáng tạo, để cống hiến.
Theo quan điểm nữ chuyên gia, chẳng có công việc nào sinh ra để làm hài lòng với chúng ta, chỉ có chúng ta là người thay đổi và nỗ lực để biến công việc đó trở nên phù hợp. Người tích cực chắc chắn sẽ biết được chìa khoá của thành công còn người tiêu cực mãi mãi chỉ nhìn công việc giống như một nghĩa vụ phải làm mỗi ngày mà thôi!
“Ngày xưa khi còn đi làm thuê cho tập đoàn, tôi được cất nhắc lên rất nhanh nhờ 2 cách tiếp cận vô cùng đơn giản. Một là luôn làm việc với tâm thế xem công ty đó là công ty của mình. Hai là khi được giao việc, luôn tìm hiểu tại sao người ta giao cho mình việc đó, mục đích muốn đạt được là gì, và nhờ hiểu chữ “tại sao” nên luôn nghĩ ra được thêm một mớ cách nữa để giúp đạt được mục đích.
Ai đi làm thuê cũng hay nghĩ kiểu, trả nhiêu đó tiền, làm nhiêu đó việc, công ty của người ta làm ăn ra sao là chuyện của người ta, chả liên quan gì đến cuộc đời mình. Người có cách nghĩ như thế là người tự lột bỏ cơ hội học hỏi, tiến thân của cá nhân và trong sự nghiệp. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đi làm công ăn lương.
Tôi nghĩ thật cám ơn lòng dũng cảm của người ta vì đã dám thuê mình, cho mình cơ hội được trả tiền để đi học MBA. Trời ơi đi học đóng tiền muốn xỉu. Ở đây vừa được học vừa có tiền. Làm sai hậu quả người ta chịu. Có cái trường nào mà nó vô lý như vậy hay không?
Tâm thế vậy, nên tôi đi làm bằng lòng biết ơn, bỏ qua những sự linh tinh bon chen ganh ghét chốn đông người. Công ty nào cũng thế. Tập thể nào cũng thế. Hơi đâu mà để ý phí thời gian và công sức. Để thời gian lo học cho hết cái khoá sung sướng vừa học vừa được trả tiền này.
Và vì biết ơn, nên nghĩ như người làm chủ, hiểu nỗi đau của họ, chia sẻ nỗi đau đó bằng cách luôn tìm nhiều cách để đạt được mục tiêu đề ra. Giao 5 việc, tự nghĩ ra thêm 5 việc nữa để hoàn thành mục tiêu. Làm với tinh thần say mê sáng tạo, xây dựng ý tưởng và thử nghiệm cách mới không ngừng để hoàn thành mục tiêu hơn mong đợi, nhanh hơn, tốt hơn, hay hơn, vui hơn, wow hơn.
Tâm thế luôn là như thế. Thái độ luôn là như thế. Thời đi làm có lẽ tôi học được về quản trị kinh doanh gấp vạn lần so với thời ngáp dài ngồi trong lớp học MBA.
Trên tâm thế đó, và vì nghĩ mình làm chủ, nên làm gì cũng bắt đầu từ cái gốc mà suy nghĩ. Khi được giao việc, câu đầu tiên sẽ hỏi là tại sao cần làm việc này, để đạt được mục đích gì? Tôi chưa bao giờ làm việc như thiên lôi, ai bảo sao làm vậy, ai chỉ đâu đánh đó. Nếu không hiểu tại sao cần làm một việc nào đó, làm sao bạn có thể sáng tạo hơn và làm tốt hơn? Không thể nào! Không xác định được mục đích muốn đạt được là gì, làm sao suy nghĩ được nhiều hướng tiếp cận?
Đây chính là tử huyệt của giáo dục Việt Nam, đào tạo những thế hệ nói sao nghe vậy, bảo sao làm vậy, không biết hỏi chỉ học vẹt, không biết sáng tạo vì chả hiểu nguyên lý, mục đích chính của bản thân không quan tâm toàn lo nhiều chuyện, drama, chửi bới thiên hạ mà không biết khiêm cung nhìn lại bản thân mình.
Ngày nay, người ta xài chữ trending là ‘intra-preneur’, doanh nhân làm thuê. Thật ra, ý nghĩa chỉ đơn giản là suy nghĩ, tư duy, hành động như một người làm chủ. Cũng là đi làm 8 tiếng, có người nghĩ mình làm chủ, luôn xông pha, đưa ra sáng kiến mới liên tục để hoàn thành mục tiêu, cô chỗ làm như trường học. Có người như con zombie, ngồi chờ hết giờ bấm nút, coi việc đi làm như ngồi tù.
Sự việc giống nhau, hai thái độ và cách tiếp cận khác nhau, chia thành người giỏi, vươn lên không ngừng và kẻ lơ mơ ngồi than trách sao phận mình ngang trái. Người có tâm thế làm chủ, họ luôn tích cực, bỏ qua chuyện nhỏ nhặt linh tinh, thấy môi trường không tốt không học được thì dễ dàng bỏ đi, vì họ biết còn rất nhiều nơi khác sẵn sàng chào đón họ. Người ngồi một chỗ, sợ mất việc, nhưng than phiền, nói xấu, càm ràm đủ thứ về công ty đã đóng học phí cho mình là kẻ vô dụng, làm không được, học không xong.
Sau này trong đời, nghe ai mắng chửi, than phiền, chỉ trích nơi họ vẫn cứ lết tới lãnh lương không dám bỏ hàng ngày, tôi biết đó không phải là người dùng được.
Tôi đi làm thuê nhiều nơi, làm chủ cũng nhiều nơi. Với tôi, tất cả mọi chỗ làm, mọi cơ hội đều là nơi đã đóng học phí cho tôi lớn lên, cho tôi thành người, cho tôi lãnh bằng MBA trường đời, cho tôi có được tất cả những gì ngày hôm nay có. Mỗi năm, đến ngày sinh nhật ông chủ tịch tập đoàn vẫn nhắn tin cám ơn hai ông bà đã cho tôi cơ hội được làm việc và lớn lên, cám ơn sự tin tưởng và học phí họ đã đóng cho tôi.
Cả đời này, tôi luôn nợ họ lời cám ơn như thế.”
Nguồn: Cafebiz