Con đường đi đến sự giàu có: Nên nghĩ về tiền như thế nào?
Nếu muốn trở nên giàu có – cả bằng cách kiểm soát nhu cầu lẫn mở rộng tài sản của mình – thì bạn sẽ cần kiểm tra lại và đặt câu hỏi: Nên nghĩ về tiền như thế nào?
Có 3 cấp độ khi nghĩ về tiền như sau:
Cấp độ 1: Không chỉ là chi tiêu
Hãy Nghiên Cứu Mike Tyson: Tyson là một trong những võ sĩ quyền anh đáng sợ và đáng gờm nhất mọi thời đại. Sau khi kiếm được khoảng 300.000.000 đô la, ông đã phá sản. Một lối sống được cho là tiêu tốn 400.000 đô la một tháng không giúp mang lại cuộc đời sung túc cho ông.
Mike Tyson chỉ là một ví dụ. Thế giới tràn ngập các vận động viên, nghệ sĩ, luật sư, bác sĩ, giám đốc kinh doanh và những người có thái độ tương tự, họ là những người được tắm trong những khoản tiền thường sẽ ngay lập tức chảy ra khỏi họ để tiến vào túi của những người khác. Theo một nghĩa nào đó, thực ra họ không bao giờ có cơ hội. Họ chưa bao giờ được học cách nghĩ về tiền bạc.
Học cách nghĩ về tiền bạc không hề khó. Hãy ngừng suy nghĩ về những thứ mà tiền của bạn có thể mua được. Thay vào đó, hãy bắt đầu suy nghĩ về việc tiền của bạn có thể kiếm được thứ gì. Và sau đó, hãy nghĩ về số tiền mà khoản tiền bạn kiếm được có thể sinh lời. Một khi bạn bắt đầu suy nghĩ theo cách này, bạn sẽ bắt đầu thấy rằng, khi bạn tiêu tiền, không chỉ số tiền đó biến mất vĩnh viễn, mà số tiền có thể sinh lời cho bạn cũng biến mất vĩnh viễn.
Cấp độ 2: Cân nhắc chi phí cơ hội
Bạn có thể đã nghe nói về “phép màu của lãi kép”. Trong ngắn hạn, ý tưởng này nói về việc số tiền bạn tiết kiệm được sẽ sinh lãi.
Tiền lãi đó sau đó lại tự sinh lãi. Điều này tạo ra hiệu ứng quả cầu tuyết, khi bạn kiếm được tiền lãi trên một lượng tiền ngày càng lớn hơn và lớn hơn nữa. Giống như một quả cầu tuyết ban đầu rất nhỏ, nhưng trong quá trình lăn nó sẽ nhanh chóng phát triển một cách ngoạn mục. Đó là một điều thật tuyệt vời.
Hãy coi chi phí cơ hội như đứa em song sinh xấu xa của lãi kép. Một trong những điều tuyệt vời của việc độc lập tài chính là: Bạn sẽ có đủ tiền, sao cho sức mạnh của lãi kép có thể lớn hơn chi phí cơ hội của những khoản mà bạn chi ra. Một khi bạn đã có F-You Money, điều bạn cần làm là đảm bảo mình sẽ tiếp tục tái đầu tư để vượt qua lạm phát, và giữ cho chi tiêu của bạn nằm dưới mức mà bạn có khả năng làm đầy lại.
Nếu bạn chưa độc lập về tài chính, và bạn thấy đây là một mục tiêu hấp dẫn, bạn nên xem xét chi tiêu của mình thông qua lăng kính chi phí cơ hội, điều này sẽ tạo động lực rất lớn cho bạn.
Cấp độ 3: Nghĩ thế nào về các khoản đầu tư
Warren Buffett có một trích dẫn khá nổi tiếng rằng:
• Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền.
• Nguyên tắc số 2: Đừng bao giờ quên nguyên tắc số 1.
Thật không may, rất nhiều người chỉ coi trọng ý nghĩa bề mặt của trích dẫn này và đi đến kết luận rằng: Buffett đã tìm ra một cách kỳ diệu nào đó để có thể ra vào thị trường và tránh được những đợt sụt giảm không thể nào tránh khỏi. Điều này là không đúng, và trên thực tế, lúc trích dẫn này được tạo ra, ông đang nói về sự cố gắng dại dột: “Trong thế kỷ trước, chỉ số Dow bắt đầu ở mức 66 và kết thúc ở mức 11.400. Làm sao bạn có thể mất tiền trong suốt khoảng thời gian như vậy? Rất nhiều người đã mất tiền chỉ bởi vì họ đã cố gắng để nhảy vào và ra liên tục”.
Sự thật là trong thời kỳ sụp đổ năm 2008 – 2009, Buffett đã “mất” khoảng 25 tỷ đô la, cắt giảm tài sản của ông từ 62 tỷ đô la xuống còn 37 tỷ đô la (Vào thời điểm đó, hơn 37 tỷ đô la còn lại là lý do tại sao tôi đi lang thang và khiến bạn bè phát cáu khi than thở rằng: “Ôi trời. Tôi ước mình có thể mất 25 tỷ như ông ấy!”). Giống như những người khác, Buffett không thể xác định được thời gian lên xuống của thị trường, và trên thực tế, việc biết trước thời điểm thị trường là vớ vẩn đến nỗi ông ấy thậm chí còn chả thèm thử bao giờ.
Nhưng không giống như nhiều người khác, Buffett không hoảng sợ và bán hết. Ông biết rằng những sự kiện như vậy là điều hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, ông vẫn tiếp tục đầu tư bởi vì sự sụt giảm mạnh cũng mang đến những cơ hội mới. Khi thị trường phục hồi, như mọi khi, thì tài sản của ông cũng vậy. Vận may của tất cả những người ở lại cũng vậy.
Chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp, và công cụ hữu dụng nhất, mạnh mẽ nhất để điều hướng thế giới đó chính là tiền. Chính vì vậy, chúng ta cần học cách sử dụng nó. Và hành trình này sẽ bắt đầu bằng việc học cách nghĩ về nó. Không bao giờ là quá muộn để hiểu về tiền bạc cả.
Happy Live Team (Tổng hợp sách Con đường đi đến sự giàu có)