Con đường làm giàu của ‘nhà tài phiệt thông minh nhất’ Len Blavatnik
Dù giới tài phiệt Nga đang gặp vấn đề với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, vẫn còn đó một số người, tiêu biểu như tỷ phú Len Blavatnik, có thể làm giàu nhanh chóng trong giai đoạn này.
Len Blavatnik tự gọi mình là tỷ phú tự thân. Ông là một ông trùm truyền thông, tỷ phú công nghệ, nhà đầu tư bất động sản và nhà công nghiệp. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, ông luôn cố gắng làm rõ một điều rằng bản thân không có mối liên hệ nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cũng không phải “oligarch”, từ dùng để chỉ giới tài phiệt Nga. Thậm chí, ông còn không phải là người Nga, theo Bloomberg.
Tỷ phú Len Blavatnik làm giàu từ những mỏ dầu ở vùng Siberia cũng như chiến thắng trong “cuộc chiến nhôm”. Đặc biệt, trong khi các tỷ phú Nga khác liên tục bị Mỹ và các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt sau cuộc xung đột tại Ukraine, ông Len Blavatnik lại kiếm về hàng tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.
Nếu diễn biến thay đổi, có lẽ Len Blavatnik cũng bị trừng phạt. Tuy nhiên, thay vào đó ông lại trở thành tỷ phú giàu thứ 33 thế giới và lặng lẽ thâm nhập vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội Anh và Mỹ. Ông đã quyên góp từ thiện và đặt cược vào các công ty Mỹ thông qua nhóm đầu tư thuộc sở hữu cá nhân có tên Access Industries.
Tỷ phú Len Blavatnik (trái) trong một buổi gặp với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 2013. (Ảnh: Amanda Gordon).
Những người bị trừng phạt
Một số đối tác kinh doanh cũ của Blavatnik đã bị nhắm mục tiêu trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt, chẳng hạn Mikhail Fridman, Petr Aven và German Khan.
Viktor Vekselberg, bạn cùng lớp đại học của Blavatnik và là đối tác cũ trong một số công ty liên doanh, bao gồm TNK và tập đoàn nhôm khổng lồ Rusal, đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ năm 2018 và tiếp tục bị nhắm tới trong năm nay.
Hai đối tác khác của Blavatnik là Mikhail Fridman và Petr Aven đã gọi các biện pháp trừng phạt là vô căn cứ và bác bỏ quan điểm cho rằng họ có sợi dây liên kết với Tổng thống Putin.
Định nghĩa về một nhà tài phiệt là người cai trị hoặc ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo trong một chính phủ do số ít thống trị. Nhưng thuật ngữ này đã mang một ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều trong văn hóa đại chúng, chỉ những tỷ phú Nga đã làm giàu nhanh trong thời kỳ tư nhân hóa của đất nước vào những năm 1990.
Có sự khác biệt giữa giới tài phiệt đời đầu và giới tài phiệt thế hệ sau của Nga. Ví dụ cụ thể nhất là các nhà tài phiệt đời đầu (những người làm giàu từ những năm 1990) đã tự tham gia vào chính phủ, trong khi các nhà tài phiệt thế hệ sau tìm cách tồn tại thông qua việc khẳng định bản thân không liên quan tới chính trị.
Lên án cuộc xung đột tại Ukranie
Sau khi Nga mở “chiến dịch đặc biệt” tại Ukraine, nhiều tỷ phú Nga đã lên án cuộc chiến này. Vào cuối tháng 3, ông trùm thép Alexey Mordashov, từng là người giàu nhất nước Nga, gọi cuộc chiến là một “thảm kịch” và mong muốn nó kết thúc. Trong khi đó, Oleg Deripaska mô tả cuộc xung đột là “điên rồ.”
Tháng trước, đích thân ông Blavatnik đã phá vỡ sự im lặng vốn có của mình. “Ông Blavatnik và Access Industries tin rằng những gì đang xảy ra ở Ukraine là hoàn toàn không thể tưởng tượng được và lên án tình trạng bạo lực đang diễn ra. Ông Blavatnik hy vọng và cầu nguyện rằng xung đột chấm dứt ngay lập tức để tất cả công dân Ukraine một lần nữa có thể sống trong hòa bình và tự do”, theo thông báo của Access Industries.
Bên cạnh đó, thông tin từ Access Industries cũng cho biết tỷ phú 64 tuổi và gia đình của mình đã quyên góp hàng triệu USD cho các quỹ từ thiện để giúp đỡ những người tị nạn từ Ukraine.
Hành trình của Blavatnik tại Nga
Sự khác biệt lớn nhất giữa Blavatnik và giới tài phiệt Nga đó là ông không phải là người Nga. Mặc dù sinh ra ở Ukraine thuộc Liên Xô và lớn lên ở một thành phố phía bắc Moscow, ông đã bị tước quyền công dân Liên Xô vì là người Do Thái di cư sau khi chuyển đến Mỹ vào đầu những năm 20 tuổi. Hiện ông có quốc tịch Mỹ và Anh, và chưa bao giờ có hộ chiếu Ukraine.
Ông Len Blavatnik không phải là người Nga.
Ông trở lại Nga nhiều năm sau đó. Chính tại nơi này, ông đã đặt nền móng cho khối tài sản kếch xù của mình. Một số nguồn tin tiết lộ ông Blavatnik giống như một “bóng ma”, hiếm khi xuất hiện và chỉ giao dịch thông qua những người đáng tin cậy được ông ủy quyền.
Blavatnik đã cùng một số tỷ phú Nga khác, bao gồm Fridman và Vekselberg để mua TNK, một trong những tập đoàn dầu mỏ nhà nước khổng lồ cuối cùng. Họ đã giúp phát triển công ty và hợp nhất nó với BP. Thành công lớn nhất của ông đến khi các đối tác bán TNK-BP cho Rosneft thuộc sở hữu nhà nước vào năm 2013 trong một thương vụ trị giá 55 tỷ USD. Thương vụ này đã biến ông trở thành tỷ phú khi đó với khối tài sản ròng trị giá 7 tỷ USD.
Kể từ đó, giá trị khối tài sản ròng của Blavatnik đã tăng vọt lên 37,1 tỷ USD, nhiều hơn Stephen Schwarzman của Blackstone Inc., Ken Griffin của Citadel hay Vladimir Potanin, người giàu nhất nước Nga, theo Bloomberg Billionaires Index.
Theo tính toán của Bloomberg, ông vẫn sở hữu tài sản ở Nga trị giá khoảng 500 triệu USD. Một nữ phát ngôn viên nói rằng chưa đến 1% tài sản của Access có liên quan đến người Nga và ông đã cố gắng bán 8% cổ phần gián tiếp của Rusal trong hơn ba năm.
Bởi vì Blavatnik sở hữu cổ phần của mình thông qua quan hệ đối tác với Vekselberg, người bị trừng phạt, ông đã phải xin giấy phép từ Bộ Tài chính Mỹ để thoái số cổ phần trị giá 535 triệu USD. Người phát ngôn tiết lộ thêm rằng nỗ lực bán của ông đã bị ngăn cản bởi các cổ đông khác của Rusal.
Đầu tư vào các nước khác ở phương Tây
Tuy nhiên, phần lớn tài sản của Blavatnik hiện nay gắn liền với phương Tây. Rủng rỉnh tiền mặt sau thương vụ TNK-BP năm 2013, Blavatnik và các đối tác đã nắm bắt cơ hội để đầu tư rộng khắp Mỹ và châu Âu, nơi tiền của họ có thể tạo ra lợi nhuận và danh tiếng.
Blavatnik đẩy nhanh các khoản đầu tư của mình vào Mỹ, nơi trước đó ông đã đặt cược vào nhà sản xuất nhựa và hóa chất LyondellBasell Industries NV, mang lại cho ông lợi nhuận 170%, cộng với 5,3 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu và trả cổ tức.
Thương vụ mua bán đáng chú ý nhất của ông là Warner Music vào thời kỳ đỉnh điểm của sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp âm nhạc vào năm 2011. Nó rất hấp dẫn, phù hợp với danh mục đầu tư của Blavatnik. Ông đã nhanh chóng thu về số tiền đầu tư vào Warner. Sau đó, khi Warner Music IPO vào năm 2020, ông đã kiếm về khoản lợi nhuận nhiều gấp ba lần vốn bỏ ra.
Dịch vụ phát trực tuyến đầy tham vọng và chưa có lợi nhuận của Blavatnik, DAZN – đôi khi được gọi là “Netflix của thể thao” – đã chi hàng trăm triệu USD để đảm bảo quyền phát sóng các môn thể thao bao gồm bóng đá, quyền anh và Formula 1.
Ông cũng đã đầu tư vào hàng chục startup, bao gồm Spotify và nhãn hiệu thời trang Tory Burch. Blavatnik đã quyên góp hơn 320 triệu USD cho nghiên cứu khoa học và y tế, thường thông qua trường đại học Ivy League.
Và trong một đặc quyền dành riêng cho công dân hoặc người thường trú ở Mỹ, Blavatnik tự khẳng định mình là một nhà tài trợ chính trị lớn của quốc gia này khi trao hơn 5 triệu USD kể từ giữa những năm 1990, gần như được chia đều cho cả hai đảng lớn.
Nguồn: Vietnambiz
Có thể bạn quan tâm: BỘ SÁCH LÀM GIÀU TỪ KINH DOANH