Con người, bại bởi chữ NHÀN; vượng ở chữ CẦN; bất an bởi chữ BỊ
Con người, bại bởi chữ NHÀN; vượng ở chữ CẦN; bất an bởi chữ BỊ. Càng là người nhìn xa trông rộng, càng ý thức được rằng, có tư duy về nguy cơ, mới có thể bình an được lâu; có sự chuẩn bị sẵn sàng, mới không sợ hãi bất cứ điều gì.
Sống ở đời, không ai có thể vĩnh viễn thuận buồm xuôi gió.
Trong “Kinh dịch” có câu: “Nguy giả, an kì vị giả dã.”
Ý muốn nói, nguy hiểm là khi bạn cảm thấy an toàn.
Trên thế gian này, không có an toàn tuyệt đối, cuộc sống luôn thiên biến vạn hóa, mỗi người cần phải luôn có sự chuẩn bị để ứng phó với thay đổi.
Càng là người nhìn xa trông rộng, càng ý thức được rằng, có tư duy về nguy cơ, mới có thể bình an được lâu; có sự chuẩn bị sẵn sàng, mới không sợ hãi bất cứ điều gì.
01. “Nhàn” là khởi nguồn của thất bại
Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau.
Trên núi Ngũ đài Sơn có một con chim tên “nhát cáy”, nó sinh ra có da có thịt có cánh đàng hoàng, nhưng lại không thể bay.
Mùa hạ, cả người nó được bao phủ bởi màu lông rực rỡ, tuyệt đẹp.
Vì điều này, nó vô cùng đắc ý, đi đâu cũng khoe khoang rằng: “Phượng hoàng cũng không bì lại được với tôi.”
Trong khi những loài chim khác bận làm tổ, nó lại chẳng vội vàng, nói mùa đông hãy còn xa, đã xây tổ làm gì?
Mùa thu tới, lông trên người bắt đầu rụng, nhưng nó vẫn không lo lắng.
Nó cảm thấy, dù bị rụng mất vài cọng lông, khí hậu cũng dần chuyển sang mát mẻ hơn, nhưng chịu một chút thì vẫn ok, vậy là nó tiếp tục lơ đi việc xây tổ, tiếp tục sự nghiệp khoe khoang của mình.
Mùa đông tới, lông trên người toàn bộ đều rụng hết, dù rất lạnh nhưng nó vẫn không xây tổ, còn ngồi đó ảo tưởng: chắc mùa đông năm nay sẽ ấm áp thôi.
Và rồi, cái rét căm căm ập tới, tuyết cũng bắt đầu rơi.
Con chim bé nhỏ rụng hết lông không chịu được rét, vừa niệm câu thần chú “mình sẽ vượt qua được, mình sẽ vượt qua được…” vừa từ giã cuộc sống ngắn ngủi của mình.
Con người cũng như vậy.
Trên mạng có một câu hỏi rằng: con người, làm thế nào trở nên vô dụng?
Một câu trả lời nhận được rất nhiều lượt like rằng: hài lòng với hiện trạng, không có ý thức cầu tiến.
Bởi lẽ người hài lòng với hiện trạng, là người không có ý thức nguy cơ, lười biếng dự định, lập kế hoạch cho tương lai, không thích học hỏi.
Người như vậy, muốn năng lực không có năng lực, muốn giàu có không có giàu có.
Một người không có một kĩ năng nào đó, khi phong ba bão táp đột ngột xảy đến, anh ta sẽ là người đầu tiên không chịu được đả kích.
Một người nếu không có chút tiền tiết kiệm nào trong tài khoản, khi nguy cơ xảy đến, sẽ trở nên lúng túng, khó mà kịp trở tay.
Trong “Luận ngữ” có nói: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu.”
Người quá thoải mái với hiện trạng, không có ý thức lo xa, sớm muộn cũng sẽ bị thế giới thay đổi từng giây này đào thải.
Rảnh rỗi là khởi nguồn của thất bại
02. “Cần” là liều thuốc tốt hóa giải nguy cơ
Có câu: “Nhữ đăng thường cần tinh tiến, thí như tế thủy trường lưu, tắc năng xuyên thạch.”
Ý muốn nói, bình thường cần siêng năng nỗ lực, không ngừng cải thiện, tích lũy, nước chảy rồi đá cũng sẽ mòn.
Nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ gốc Do Thái nổi tiếng, Itzhak Perlman, trong một lần biểu diễn ở một buổi lễ âm nhạc lớn, chiếc violon của ông đã bị đứt dây.
Khi khán giả còn đang toát mồ hôi hộ ông, thì ông lại dùng chiếc đàn “khuyết” đó tạo ra những âm thanh đẹp đẽ và trong trẻo đến lạ thường.
Buổi biểu diễn thành công ngoài mong đợi, cả hội trường nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh.
Sau đó, khi phóng viên phỏng vấn: “Sao ngài có thể tạo ra những âm thanh lay động lòng người tới như vậy với một chiếc đàn bị mất 1 dây?”
Itzhark Perlman trả lời rằng, bạn không thể đảm bảo rằng cuộc sống luôn xảy ra thuận lợi theo cách mà bạn muốn, bất kì điều gì cũng có thể xảy ra, điều chúng ta cần làm là không ngừng nâng cao năng lực để có thể ứng biến với những sự cố và thay đổi bất ngờ.
Cũng chính vì vậy mà trong quá trình luyện tập, ông thường luyện kèm thêm những trường hợp không may có thể phát sinh, chẳng hạn như đứt dây đàn thì phải làm sao vẫn cho ra được những âm thanh hoàn hảo.
Không có việc gì khó, chỉ sợ bạn không siêng năng, cần cù.
Khi khủng hoảng xuất hiện, có thể bình tĩnh mà hóa giải, đây chính là sự tự tin mà năng lực đem tới cho bạn.
Năng lực càng giỏi, tự tin càng lớn.
Siêng năng, cần cù, có thể tạo ra những năng lực vượt trội không ngờ tới.
Có người nói: “Mỗi người đều là kiến trúc sư cho vận mệnh của chính mình.”
Bạn lựa chọn ra sao, bạn sẽ có vận mệnh như vậy.
Bạn lựa chọn khu vực an toàn, bạn có thể bị nguy cơ đá đít bất cứ lúc nào.
Bạn lựa chọn phát triển bản thân, mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, thời đại ắt sẽ ưu ái cho bạn.
Cần cù siêng năng là liều thuốc tốt hóa giải nguy cơ
03. “Bị” là phương pháp tuyệt vời để ngăn ngừa tai nạn
Tô Thức (một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc) khi vừa mới tới Hàng Châu (thành phố thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) là khi vụ thu hoạch lúa nước rất được mùa, lão bách tính rất vui mừng.
Nhưng qua điều tra, ông phát hiện ra rằng, tuy rất giàu tài nguyên nước, nhưng địa hình nơi đây lại thấp, mùa mưa vừa nhiều vừa dài, nếu không có sự chuẩn bị, đợi tới khi lũ quét xảy tới thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Vậy là Tô Thức phát động nhân dân, khai hà dẫn thủy, củng cố bờ kè, đồng thời mua một lượng lớn lương thực từ các vùng xung quanh lại cho vào kho lương tích trữ, phòng khi cần tới.
Tháng 5 của 2 năm sau, Hàng Châu xảy ra mưa lớn, kéo dài hơn 1 tháng trời, các con sông không kịp thoát nước, toàn bộ khu vực Tô Châu và Hàng Châu chìm trong ngập lụt.
Lúa và các loại cây trồng khác đều bị xói mòn do lũ lụt, không còn vụ thu hoạch nào nữa.
Khi lũ rút, nạn đói xảy đến như một điều hiển nhiên, lúc này, Tô Thức đã mở kho lương phân phát lương thực cho người dân, người dân sống sót qua khó khăn, chính quyền địa phương cũng không phải trả giá đắt cho nạn đói và các vấn đề thứ yếu nảy sinh.
Sống ở đời, không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Chẳng có ai thích sự cố hay nguy hiểm, nhưng “trời còn có lúc mưa gió bất ngờ, người cũng có họa phúc khôn lường”, đây không phải là điều chúng ta muốn thay đổi là được.
Thứ chúng ta có thể làm đó là, trong những ngày an ổn, vẫn luôn phải duy trì ý thức cảnh giác với nguy cơ, đồng thời có những chuẩn bị sẵn sàng để nghênh đón sự cố.
Sống trong no đủ giàu sang, đừng quên tích lương thực.
Khi cơ thể khỏe mạnh, đừng quên chăm sóc chúng, phòng còn hơn chống.
Trong những năm tháng tuổi trẻ nhiệt huyết, cũng đừng quên tích lũy cho tuổi già sau này.
Con người, tầm nhìn xa với nhất, chính là “sống yên ổn nhưng vẫn ý thức tới ngày gian nguy”.
Sống ở đời, đừng mãi đắm chìm trong huy hoàng của quá khứ để rồi dậm chân tại chỗ.
Cũng đừng quá hài lòng với hiện trạng mà mất đi sự cầu tiến.
Chỉ khi không ngừng nỗ lực nâng cao bản thân, trong an ổn không quên ý thức tới nguy cơ, mới có thể phòng và tránh được nguy cơ, đồng thời an toàn trong thời kì khủng hoảng.
Theo Báo Dân Sinh
Có thể bạn quan tâm:
THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI THỊNH VƯỢNG – CẨM NANG XÂY DỰNG MỘT CUỘC ĐỜI ĐÁNG SỐNG