fbpx

Cuối năm im ắng khác lạ của ngành ngân hàng

Những ngày cuối năm của ngành ngân hàng đang trôi qua rất trầm lắng với những bước nhích chậm của tín dụng, sự thiếu vắng các cuộc đua lãi suất huy động và xôn xao mùa thưởng tết ngân hàng.

Không còn cảnh tấp nập xếp hàng chờ giải ngân khi có room tín dụng, công bố ước tính sớm lợi nhuận cả năm hay xôn xao bàn luận về thưởng tết… Không khí ngành ngân hàng cuối năm dường như đang khá trầm lắng so với các năm trước đó.

Tăng trưởng tín dụng nhích từng bước

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đồng, chuyên viên tín dụng tại một ngân hàng tầm trung cho biết năm nay lượng giải ngân cuối năm của khách hàng giảm mạnh, chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ năm trước. 

Mặc dù tín dụng trong ba tháng gần đây đã tăng trưởng nhanh hơn nhưng con số đạt được vẫn còn cách khá xa mục tiêu tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm (14%). Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến 13/12 đạt 9,87%. Con số này cải thiện hơn rất nhiều so với mức 6,92% đạt được vào cuối tháng 9.

cuoi-nam-im-ang-khac-la-cua-nganh-ngan-hang-happy-live-1
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu, để đạt được mức tăng trưởng tín dụng này, toàn ngành ngân hàng đã có sự nỗ lực rất lớn. NHNN đã liên tiếp tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành khắp cả nước nhằm tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình tiếp cận tín dụng. 

Nhằm thúc đẩy tín dụng vào nền kinh tế, trong tháng 12, Thủ tướng cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo của 38 ngân hàng thương mại cùng nhiều bộ ban ngành có liên quan để tìm cách khơi thông dòng vốn. Không chỉ riêng ngành ngân hàng, nhiều bộ ngành, cơ quan có liên quan và cả doanh nghiệp, người dân cũng được kêu gọi phải đồng lòng để thực hiện mục tiêu đề ra.

Trước đó, NHNN cũng đã cho phép các ngân hàng chủ động điều chỉnh hạn mức tín dụng (room tín dụng) khi đáp ứng các điều kiện theo quy định như: mức giảm lãi suất cho vay, thực hiện được 80% room tín dụng hiện có, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán, các ngân hàng cổ phần ngoài quốc doanh sẽ được hưởng lợi từ động thái này khi có mức tăng trưởng tín dụng khá cao trong 11 tháng đầu năm, có nhà băng sử dụng gần hết room được cấp.

Tuy tín dụng vào cuối năm thường tăng nhanh hơn bình thường nhưng khi chỉ còn 10 ngày nữa là năm 2023 sẽ khép lại, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 14% là khó khả thi. Nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia phân tích dự báo mức tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 10% – 12%.

Thiếu vắng các cuộc đua lãi suất vào cuối năm

Sự trầm lắng không chỉ xảy ra ở đầu ra của vốn ngân hàng. Ở chiều huy động, thị trường cũng kém sôi động khi thiếu đi sự cạnh tranh bằng các hình thức tăng lãi suất, tặng quà, trúng thưởng như các năm trước.

Với thông điệp giảm lãi suất được nhà điều hành đưa ra từ đầu năm, các ngân hàng được yêu cầu cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí vốn của các doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế.

Theo số liệu từ NHNN, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND giảm khoảng 2,0 điểm % so với cuối năm 2022.

Tính đến hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, dao động từ 4,78% đến 5,29%/năm, thấp hơn cả giai đoạn trong dịch COVID-19. Lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhóm ngân hàng nước ngoài giảm về 2,8%/năm, thấp hơn 50 điểm cơ bản so với giai đoạn 2021.

cuoi-nam-im-ang-khac-la-cua-nganh-ngan-hang-happy-live-2

Mặc dù vậy, theo số liệu công bố chính thức từ NHNN, tính đến hết tháng 9, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm ngoái, cao gần bằng so với tăng trưởng tiền gửi của cả năm 2022. Điều này được lý giải bởi sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hay đầu tư kinh doanh…

Hoạt động thị trường mở, tín phiếu tạm ngưng

Trên thị trường liên ngân hàng, kể từ đầu tháng 12, kênh nghiệp vụ thị trường mở không diễn ra giao dịch mới. Trong khi đó, ngày 6/12, số tín phiếu lưu hành cuối cùng cũng đã đáo hạn.

Lãi suất cho vay qua đêm chạm mức đáy lịch sử (0,14%) vào cuối tháng 11 và hiện tại dao động ở vùng thấp quanh ngưỡng 0,15%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất VND – USD kỳ hạn qua đêm ở mức – 5 điểm % nhưng áp lực tỷ giá không quá lớn khi Fed tung tín hiệu giảm lãi suất trong thời gian tới.

cuoi-nam-im-ang-khac-la-cua-nganh-ngan-hang-happy-live-3
Điểm sôi động duy nhất trên thị trường 2 là khối lượng giao dịch ở kỳ hạn qua đêm ở mức trung bình khoảng 240 nghìn tỷ đồng/ngày, cho thấy sự phân bổ thanh khoản trên thị trường không đồng đều giữa các ngân hàng thương mại.

Bức tranh lợi nhuận ảm đạm

Tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu cao khiến lợi nhuận ngân hàng quý IV và cả năm 2023 được dự báo có mức tăng trưởng thấp. Số liệu từ báo cáo tài chính các ngân hàng quý III cho thấy lợi nhuận ngành ngân hàng giảm ba quý liên tiếp, đây là điều hiếm khi xảy ra. Trong giai đoạn trước, ngành này từng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lên tới hàng chục phần trăm. 

Lợi nhuận ngành ngân hàng quý IV có thể sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ so với cùng kỳ, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup dự báo. Trong khi đó Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây ước tính lợi nhuận các nhà băng năm 2023 chỉ tăng khoảng 5,2%. 

“Nhìn chung, tình hình ngành ngân hàng trong năm 2023 khá là khó khăn. Tín dụng nhiều khả năng không đạt được mục tiêu đề ra, trong khi nợ xấu tăng cao, lợi nhuận sụt giảm”, PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM nhận định.

Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến đến thời điểm những ngày cuối cùng của năm 2023 nhưng vẫn chưa ngân hàng nào công bố ước tính kết quả kinh doanh cả năm.

Lợi nhuận giảm sút, không còn nhiều những con số lãi kỷ lục hay tăng trưởng đột biến từ các nguồn thu khác, các khoản thưởng Tết của các ngân hàng được dự báo sẽ không còn “đong đầy” như trước đây. Câu chuyện “thưởng tết ngân hàng” không còn được bàn tán nhiều trên các hội nhóm banker trên mạng xã hội.

“Mặc dù chưa có thông tin chính thức nhưng thưởng tết năm nay chắc chắn sẽ kém hơn năm ngoái”, chị Hằng, Giám đốc Khách hàng ưu tiên tại chi nhánh một ngân hàng cổ phần chia sẻ.

Mặc dù triển vọng ngành ngân hàng được dự báo vẫn sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2024, vẫn có những điểm tích cực có thể trở thành động lực hỗ trợ như: biên lãi thuần (NIM) đang trên đà hồi phục, CASA tăng trở lại,… cũng như tín hiệu cắt giảm lãi suất trong thời gian tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research, dự báo rằng ngành ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 17% trong năm 2024 dựa trên giả định rằng tăng trưởng tín dụng 2024 khá hơn so với 2023, đặc biệt vào nửa cuối năm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm sau, CASA, NIM hay tăng trưởng tín dụng của ngân hàng sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế. Với những kỳ vọng về việc nền kinh tế năm tới tốt hơn thì tổng thu nhập năm 2024 của các ngân hàng sẽ tốt hơn.

Tiến Phát

vietnambiz

“Cuốn sách giúp thay đổi rất nhiều luận điểm còn đang mơ hồ và những lầm tưởng khi nghĩ về kinh tế học”.

Basic Economics

ĐẶT SÁCH NGAY

Các viết cùng chủ đề