[Đầu tư theo phương pháp 4M] Phần 11 – Bước 1: DÒNG TIỀN TỪ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH (OCF)
Suốt quá trình “lớn lên” của doanh nghiệp tuyệt vời, dòng tiền chính là “huyết mạch” của toàn bộ sự phát triển. Dòng tiền của doanh nghiệp thường đến từ các hoạt động kinh doanh chính, từ hoạt động đầu tư và từ hoạt động vay mượn tài chính. Chúng ta sẽ quan tâm tới dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính (Operating Cash Flow – OCF) vì đây chính là dòng tiền quan trọng nhất của một doanh nghiệp.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Operating Cash Flow – OCF)
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) là đồng tiền thu vào – chi ra liên quan đến doanh thu và chi phí cua doanh nghiệp, xảy ra thường xuyên trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) là thước đo lượng tiền mặt được tạo ra từ các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. OCF còn được gọi là Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động kinh doanh.
Ý nghĩa
OCF là dòng tiền quan trọng nhất trong bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ vì nó thể hiện khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trả nợ, chia lãi cho các cổ đông và tăng đầu tư. Ngoài ra, các thông tin từ Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) kỳ này là cơ sở quan trọng cho việc lập kế hoạch lập lưu chuyển tiền tệ kỳ tới.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) cho biết: Liệu công ty có thể tạo ra đủ dòng tiền dương để duy trì và phát triển hoạt động hay không, hay có cần phải phát hành thêm cổ phiếu hoặc vay mượn thêm tiền để hoạt động.
Xác định Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF)
Trong bảng Báo cáo tài chính doanh nghiệp, Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) được tính bởi 2 phương pháp tính toán: phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp.
Phương pháp trực tiếp
Dòng tiền chi cho hoạt động kinh doanh bao gồm:
+ Tiền chi trả cho nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ, kể cả các khoản chi mua chứng khoán kinh doanh.
+ Tiền chi trả cho người lao động
+ Tiền chi trả lãi vay
+ Tiền chi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
+ Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh như tiền phí bảo hiểm, chi tạm ứng, ký quĩ, tiền bồi thường do doanh nghiệp vi phạm hợp đồng kinh tế và các khoản chi khác không thuộc dòng tiền hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.
Theo phương pháp trực tiếp tuy đơn giản và chính xác, nhưng không cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều thông tin về công ty, hoạt động của công ty hoặc các nguồn tiền mặt.
Có một nguyên tắc dễ nhớ về OCF là: Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mục nào tiền vào là dấu Dương, tiền ra khỏi là dấu Âm – được bỏ trong ngoặc ().
Ví dụ: Công ty Cổ phần Công viên nước Đầm Sen (mã: DSN) năm 2018
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của DSN năm 2018
Dòng tiền vào:
Tiền thu bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác – mã số 01: 237.1 tỷ
Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh – mã số 06: 3,8 tỷ
Tổng dòng tiền vào là: 237.1 + 3.8 = 249.9 tỷ
Dòng tiền ra:
Tiền trả nhà cung cấp, người lao động, trả lãi vay, thuế, & tiền chi khác – Tương ứng các mã số: 02, 03, 04, 05, 07 với tổng số tiền tương ứng là:
58.9 + 34.1 + 0 + 24.6 + 48.2 = 165.8 tỷ
Tổng dòng tiền ra là: 165.8 tỷ
Vậy OCF = 240.9 – 165.8 = 75.1 tỷ
Phương pháp gián tiếp
Bảng báo cáo lưu chuyển tiền tệ thường được thực hiện theo phương pháp gián tiếp. Tức là điều chỉnh thu nhập ròng thành tiền mặt bằng các chênh lệch các khoản như khấu hao, phải thu, hàng tồn kho.
Phương pháp gián tiếp sẽ làm rõ hơn về công ty các biện pháp kế toán và báo cáo tài chính nên các công ty thường sử dụng phương pháp gián tiếp.
Phương pháp gián tiếp sẽ điều chỉnh thu nhập ròng cho những thay đổi các khoản không dùng tiền mặt như khấu hao & hàng tồn kho…
Ví dụ: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã: VNM) năm 2018
Trong bảng Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nó thể hiện ở Lợi nhuận trước thuế, điều chỉnh các khoản và sự thay đổi của vốn lưu động.
Như ta đã thấy trong hình, đây là phần cấu tạo của OCF trong khung màu đỏ của công ty Vinamilk, bằng phương pháp gián tiếp.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu và tổng số tiền chi ra từ hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo.
Ở đây ta chú ý 2 điều để hiểu về Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF)
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) chỉ thể hiện các hoạt động liên quan đến kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi còn có lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư & lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính.
- OCF thể hiện phần chênh lệch dòng chảy của tiền. Nếu phần chênh lệch dương – dòng tiền chảy vào thì mang dấu dương (+), tiền ra khỏi túi doanh nghiệp thì mang dấu âm (-). Ở trong Báo cáo tài chính thì số âm để trong ngoặc, ví dụ biến động mục khoản phải thu (mã 09) của VNM năm 2018 là (108 tỷ) tức ta hiểu âm 108 tỷ => Tức là VNM đã bán hàng nhưng chưa thu được tiền về tăng thêm 108 tỷ.
Như Báo cáo tài chính ở trên: Ta thấy OCF tập trung vào dòng tiền liên quan đến hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp như mua và bán hàng tồn kho, trả lương, thanh toán thuế, hay khấu hao nhà máy.
Bất kỳ giao dịch đầu tư và tài chính nào đều được loại trừ khỏi Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF) như việc tiền xây dựng nhà máy, mua bán công nợ hay trả cổ tức.
Vai trò của Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (OCF)
Bất kể trong kinh doanh lợi nhuận thế nào thì dòng tiền là thứ giúp công ty mở rộng, phát triển sản phẩm mới, mua lại cổ phiếu, trả cổ tức, trả nợ. Do đó, rất nhiều nhà đầu tư coi trọng dòng tiền – đặc biệt là OCF – hơn bất kỳ các chỉ số tài chính khác kể cả lợi nhuận. Việc tối ưu hóa được doanh thu, chi phí, sự hiệu quả trong hoạt động có tác động mạnh đến dòng tiền.
Nếu dòng tiền âm, mà đặc biệt OCF âm, bắt buộc công ty phải phát hành bán cổ phiếu mới dẫn đến pha loãng cổ phiếu làm giảm giá trị cổ phiếu hoặc vay thêm tiền cho hoạt động kinh doanh, tiềm tàng những rủi ro nguy hiểm trong kinh doanh, dẫn đến giá cổ phiếu giảm. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý việc OCF âm không phải lúc nào cũng là điều xấu.
Ví dụ công ty chi tiền để xây dựng thêm nhà máy để phát triển hơn và từ đó sinh ra tiền nhiều hơn; nhưng nếu OCF âm do công ty hoạt động không tốt hoặc đầu tư không tốt thì lợi ích lâu dài sẽ không có.
Những nhà đầu tư thường tìm kiếm những cổ phiếu của công ty có OCF cao và tăng trưởng nhưng giá cổ phiếu thấp như P/E, P/B thấp – điều này ngụ ý là cổ phiếu sẽ sớm tăng trở lại.
OCF > 0: Doanh nghiệp đủ tiền cho các hoạt động của nó, nên nó có thể dùng tiền tái đầu tư vào doanh nghiệp mở rộng hoạt động hoặc trả cổ tức.
OCF < 0: Doanh nghiệp phải lấy tiền từ bên ngoài bằng cách biện pháp tài chính, dẫn đến nguy hại cho doanh nghiệp.
Mối quan hệ giữa Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh với lợi nhuận
Nhiều nhà đầu tư ưa thích đánh giá dòng tiền hơn so với các số liệu tài chính khác. Bởi dòng tiền khó bị thao túng hơn nên chất lượng báo cáo của doanh nghiệp nó rõ ràng và cụ thể hơn rất nhiều. Có thể nói, dòng tiền là phiên bản rút gọn của công ty, nơi dễ dàng nhìn thấy các vấn đề trong quá trình hoạt động.
Ví dụ: Một công ty có lợi nhuận lớn nhưng OCF âm hoặc quá thấp. Tại sao lại có tình trạng đó xảy ra?
Có thể là công ty đang gặp khó khăn ở khoản phải thu, tức bán mà không thu được tiền về tương ứng, hoặc do việc doanh nghiệp tích trữ nguyên vật liệu, sản phẩm quá nhiều (do khó bán ra).
Ngược lại, một công ty báo cáo lợi nhuận thấp nhưng OCF cao. Có thể công ty đang thực hiện khấu hao nhanh, hoặc đang giải quyết được dần nút thắt khó khăn của mình như giảm được hàng tồn kho quá lớn, khoản phải thu giảm nên thu được tiền về.
Đánh giá mối quan hệ giữa OCF với lợi nhuận sau thuế của Vinamilk.
Ta nhận thấy:
- OCF năm 2018: 8.140 tỷ => Con số rất lớn và tích cực
- OCF của VNM năm 2018 giảm 15% so với 2017 (tức giảm từ 9.601 tỷ về 8.140 tỷ): => Tiêu cực
- OCF/LNST 2018 = 80% => tương đối tốt
Kết luận: Xét về dòng tiền thuần thì công ty Vinamilk là công ty rất mạnh, tính thanh khoản cao và hoạt động rất tốt, nhưng Vinamik năm 2018 kém hơn Vinamilk 2017. Đây là 1 trong nhiều lý do khiến giá Vinamilk năm 2018 diễn biến tiêu cực so với VNM năm 2017.
Có thể bạn quan tâm: Payback Time – Ngày đòi nợ – Phil Town
(đọc báo cáo tài chính, xác định giá cả giá trị cổ phiếu như
Warren Bufffett, Charlie Munger)