fbpx

Đầu tư trong thời kỳ bong bóng và lợi thế của những nhà đầu tư đi ngược xu hướng thị trường

Bong bóng không vỡ tan một sớm một chiều, chúng luôn đi kèm những dấu hiệu từ rất sớm. Nhưng kể cả khi nhìn ra những tín hiệu nguy hiểm ấy, liệu nhà đầu tư đã có chiến lược để phủ đầu chúng và sống sót trong thời kỳ giá giảm kéo dài?

Đầu tư trong thời kỳ bong bóng và lợi thế của những nhà đầu tư đi ngược xu hướng thị trường

John P. Calverley, một nhà nghiên cứu với nhiều bài báo về bong bóng tài chính và những tập sách liên quan đến chủ đề này, đã đưa ra một số đối sách cho nhà đầu tư trong thời kỳ giá giảm.

1. Đầu tư thuận xu thế

Theo John P. Calverley, những nhà đầu tư theo dõi thị trường mỗi ngày và sẵn sàng nhận lấy rủi ro sẽ có khả năng tiếp tục đầu tư cổ phiếu và cố gắng lướt theo các đợt tăng giá. Phong cách đầu tư thuận theo xu thế này không thể đẩy lùi bong bóng và nguy cơ phá sản nhưng có thể giúp ích cho những nhà đầu tư cá nhân, miễn là họ tuân theo hai điều kiện tiên quyết: Bán ra khi giá có chiều hướng giảm và không để bị lôi kéo trở lại thị trường dễ dàng khi giá cổ phiếu chỉ mới bắt đầu giảm chút ít.

Thế nhưng, đa số nhà đầu tư trước cuộc khủng hoảng năm 2001 hay 2008 đều bị mắc kẹt trong cơn say máu đến tột độ. Trong mắt họ, mỗi đợt giảm giá nhẹ là một cơ hội để mua vào hơn là dấu hiệu cho thấy thị trường đang chuẩn bị lao dốc, do đó khi bong bóng nổ tung, chúng cũng cuốn theo số tiền của họ.

2. Đầu tư nghịch xu thế

Với những người ít dành thời gian theo sát diễn biến thị trường và chỉ mặn mà với các chứng chỉ quỹ dài hạn, họ sẽ không đủ khả năng chịu rủi ro nếu lướt trên những ngọn sóng. Nếu những nhà đầu tư này thấy giá đang quá cao và bong bóng có vẻ như đang dần thành hình thì chiến lược tốt nhất thường là giảm tỷ lệ cổ phiếu, tăng cường nắm giữ tiền mặt hoặc trái phiếu hoặc bất động sản. Chưa hết, nếu thị trường chứng khoán sau đó tăng cao hơn, họ phải giảm thêm tỷ lệ cổ phiếu đang giữ.

Điều này rất khó thực hiện trong thực tế. Dù thời kỳ bong bóng gây nguy hiểm cho nhà đầu tư nhưng từ trước đến nay, mọi người đều nhận biết nó theo hướng ngược lại. Họ tin rằng giá không thể giảm xuống và một khoản đầu tư mới có khả năng sinh lợi rất nhanh. Trái lại, khi thị trường giảm xuống đáng kể, chúng ta có xu hướng tin rằng chứng khoán hiện nay không còn hy vọng gì, đầu tư thêm chỉ gây ra thiệt hại kép. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội để mua vào ở giá thấp và thường tạo lợi nhuận trong dài hạn. Đầu tư nghịch xu thế dựa trên ý tưởng các thị trường sẽ xoay chiều qua lại, do đó chiến lược tốt nhất vẫn là đi theo quan điểm ngược lại.

Còn trong ngắn hạn, phương pháp đầu tư thuận xu thế sẽ đem lại lợi nhuận bởi có tâm lý tin rằng thị trường tăng giá hôm nay thì ngày mai sẽ tăng nữa. Nhà đầu tư lướt sóng có thể khai thác chúng, miễn là họ đừng quá bị kích động. Ngược lại, nhà đầu tư nghịch xu thế sẽ phải chờ thêm một khoản thời gian trước khi giá điều chỉnh đúng hướng.

3. Tái cân bằng danh mục định kỳ

John P. Calverley khuyên nhà đầu tư nên thận trọng trước những đánh giá cực đoan, giữ mình cách xa trạng thái phấn khích vì bong bóng cũng như đừng tuyệt vọng trước thông tin về những vụ phá sản. Ông không khuyến khích nhà đầu tư bán hết mọi thứ hoặc mua bừa bãi cổ phiếu và các loại tài sản khác. Thay vào đó, chúng ta nên cân nhắc chuyển đổi tỷ lệ giữa chúng trong một giới hạn nhất định.

Nhà đầu tư nên thận trọng trước những đánh giá cực đoan, giữ mình cách xa trạng thái phấn khích vì bong bóng

Một điểm khác cần lưu ý là cổ phiếu thường có lợi nhuận cao hơn trái phiếu và tiền mặt. Vì vậy, ngay cả khi nhà đầu tư không tái phân bổ, cổ phiếu vẫn sẽ chiếm tỷ trọng nhiều hơn trong danh mục. Đó là lý do các chuyên gia thường khuyên bạn nên giữ một tỷ lệ cố định cổ phiếu, tiền mặt và trái phiếu và cân bằng lại theo định kỳ. Việc tái phân bổ chỉ cần thực hiện hằng năm hoặc nhiều nhất là hai lần trong một năm.

4. Tái phân bổ kiểu Warren Buffett

“Nhà tiên tri xứ Omaha” nổi tiếng là nhà đầu tư dài hạn, điều đó chính xác, nhưng ông không đơn thuần mua cổ phiếu và giữ chúng nguyên như vậy từ năm này qua năm khác. Warren Buffet sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ nếu giá tăng hơn mức mà ông cho là hợp lý, rồi sau đó mua vào khi tất cả những người khác hoảng loạn và bán ra.

Suốt giai đoạn thập niên 1990, ông thường xuyên cảnh báo về bong bóng tài chính và từ chối mua cổ phiếu công nghệ vì ông không hiểu chúng. Khi bong bóng phình to hơn, hình ảnh đáng kính của ông trong mắt các nhà đầu tư bị lu mờ, họ chê cười và chế nhạo ông lỗi thời. Sau đó, thị trường bắt đầu sụp đổ và Warren Buffet hiên ngang trở lại vị trí dẫn đầu vì những điều ông tiên đoán hoàn toàn chính xác.

5. Phải thực tế khi đánh giá lợi nhuận thu được

Trong thập niên 1990, nhiều nhà đầu tư cổ phiếu bắt đầu xem lợi nhuận ở mức hai chữ số là bình thường và họ mong nó sẽ kéo dài mãi. Giai đoạn 2001-2007, họ cũng nhìn lĩnh vực nhà đất theo cách tương tự. Nhưng rốt cuộc, lợi nhuận không hề cao mà thực chất trong dài hạn, chúng còn thấp hơn mức trung bình. John P. Calverley đã thực hiện một cuộc khảo sát lợi nhuận dài hạn đối với trái phiếu, chứng khoán và bất động sản.

Ông đi đến kết luận: “Trong dài hạn, rất khó để biến số tiền nhỏ thành khoản tiền lớn chỉ bằng việc mua tài sản. Điều đó có thể thực hiện được nhưng chỉ bằng cách nhận lấy rủi ro lớn hơn và vay nợ nhiều hơn cùng với việc ước tính thời điểm thị trường chính xác”.

Những người tránh phải vay nhiều nợ và theo đúng các chiến lược phân bổ tỷ lệ đầu tư đã nói ở trên có thể trở nên giàu có, “nhưng không phải một bước từ khố rách biến thành đại gia” – ông nói.

Nhìn chung, đầu tư vào tài sản được xem như cách tốt nhất để bảo toàn và tăng trưởng sự giàu có ở một mức độ vừa phải. Và cách duy nhất đáng tin cậy để tích lũy của cải lúc ban đầu là thông qua làm việc, dù bằng tiền lương hay tiền thu được nhờ kinh doanh. Theo cách hiểu này, tài sản tuyệt vời nhất của con người chính là khả năng của bản thân.

Nguồn: Kinhtechungkhoan

Có thể bạn quan tâm: Lạc Quan Tếu – Irrational Exuberance

Nhận diện SIÊU BONG BÓNG

Cơ hội làm giàu từ sự phi lý trí của thị trường chứng khoán

ĐỌC THỬ

ĐẶT SÁCH

Các viết cùng chủ đề