Thời điểm vàng cho “nhỏ lẻ” lên chiến lược đầu tư
Dòng tiền nước ngoài vẫn duy trì ở Việt Nam và 2 yếu tố mềm khác đang chứng minh điều này là dự trữ ngoại hối tăng từ 28,4 tỷ USD năm 2015 lên 65 tỷ USD trong năm nay và tỷ giá duy trì 22.520 – 22.800 đồng/USD trong giai đoạn này.
Tăng, giảm và tăng trở lại (rise, fall, and rise again) – Blackstone
Bài viết này không nhằm dự báo về đáy thị trường hoặc tư vấn để mua/bán mà nó chỉ diễn tả suy nghĩ của người viết về những gì đang xảy ra, từ biến động (nếu có nhưng không chắc chắn) về vĩ mô, doanh nghiệp, nhưng chắc chắn về mặt tâm lý nhà đầu tư sẽ rất dao động tiêu cực khi truyền thông liên tục đưa ra các bài viết về:
– Thống kê: các bài viết này đưa ra các tiêu đề tiêu cực như : cổ phiếu “èo uột”.., “vì đâu nên nỗi?..; Giá dầu thô rơi mạnh.. ( dù giá đã tăng 36% trong 1 năm qua)…
– Các dự báo về phân tích kỹ thuật với các nhận định : nếu… thì, hoặc dựa trên các mẫu hình trong quá khứ.
– Các diễn đàn chứng khoán: thị trường chứng khoán là nơi ồn ào hơn cả chợ Cá, nơi ai cũng có thể có ý kiến của mình và lôi kéo người khác theo ý kiến chủ quan của mình mà không có luận cứ, nghiên cứu, thực hành.
– Hay các học thuyết về âm mưu, bắt bớ trong giai đoạn này, đã làm cho nhà đầu tư không còn niềm tin.
– Và cuối cùng, tận đáy lòng, nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 85% giao dịch mỗi ngày) tại thị trường Việt Nam dành nhiều thời gian theo dõi giá cổ phiếu, tin tức hơn là đọc báo cáo tài chính, báo cáo phân tích, làm bài tập về nhà hay có cho riêng mình một kế hoạch giao dịch cổ phiếu. Những yếu tố này dẫn đến tâm lý dễ biến động và phản ứng luôn thái quá so với thực tế cần phản ứng. Đó cũng là lý do Việt Nam vẫn là thị trường cận biên.
Hãy cùng nhìn lại vào năm 2014, khi thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động nặng nề bởi giá dầu rơi từ quanh 100 USD/thùng (tháng 6/2014) xuống 52 USD/thùng vào cuối năm 2014, nhóm cổ phiếu Dầu khí vào thời điểm đó cũng đã giảm giá 60-70% kể từ đỉnh (giá dầu 100 USD/thùng) nhưng rồi chỉ 3 năm sau, dù giá dầu chỉ hồi phục 100% kể từ đáy (32 USD/thùng lên 70 USD/thùng) giá cổ phiếu ngành dầu khí đã tăng 4,5 lần cùng thời gian. Ví dụ này dựa trên cổ phiếu đầu ngành (không phải cổ phiếu nhỏ) là GAS (thấp nhất 27.000 đồng/cp vào 01/2016 đến cao nhất 130.000 đồng/cp năm 2018).
VN-Index đạt 520 điểm vào 12/2014 và đến năm 2018 đã tăng 230% lên đỉnh 1.200 điểm và so với thời điểm hiện tại đã tăng 185% trong vòng hơn 3 năm khi các nhà đầu tư và truyền thông tại thời điểm đó nghĩ là khủng hoảng kinh tế.
Bài viết này tại thời điểm thị trường phá vỡ nhiều mốc kỹ thuật quanh khu vực VN-Index 500 điểm, tâm lý đầu tư cực kỳ hoang mang do truyền thông đưa tin, các nhà phân tích liên tục đưa ra các ý kiến tiêu cực về giao thương Việt Nam-Trung Quốc… và bắt đầu từ đó, VN-Index đã tăng hơn 200% trong 3 năm kế tiếp.
Các dữ liệu tại thời điểm đó cho thấy một bức tranh rất khác với diễn biến trên truyền thông và thị trường chứng khoán, đó là nhà đầu tư nước ngoài tích cực mua ròng.
Tại thời điểm này, nhà đầu tư nước ngoài vẫn trong trạng thái tích lũy mua ròng dù trong ngắn hạn 1 tháng qua họ bán ròng vì tập trung cơ cấu danh mục cho những deal đặc biệt: FPT Retail, Vinhomes, Techcombank… Họ đã mua ròng 1,7 tỷ USD trên thị trường cổ phiếu và 84,9 triệu USD trên thị trường trái phiếu từ đầu năm đến nay. Nếu bóc tách những thương vụ đặc biệt, họ vẫn mua ròng 309 triệu USD so với việc rút ròng 3,2 tỷ USD tại Thái Lan, 3 tỷ USD tại Indonesia, 900 triệu USD tại Philipines kể từ đầu năm 2018 đến nay.
Kết luận từ những dữ liệu lớn này cho thấy dòng tiền nước ngoài vẫn duy trì ở Việt Nam và 2 yếu tố mềm khác đang chứng minh điều này là: (i) Dự trữ ngoại hối tăng từ 28,4 tỷ USD năm 2015 lên 65 tỷ USD trong năm nay và (ii) Tỷ giá duy trì 22.520 – 22.800 đồng/cp trong giai đoạn này.
Số liệu về nền kinh tế cho thấy các chỉ số chính đều cải thiện so với những năm trước đó:
Cuối cùng, đây đang là thời điểm Vàng cho nhà đầu tư theo nhiều chiến lược khác nhau:
– Nhà đầu tư theo phương pháp Top – Down: Kinh tế Việt Nam vẫn chắc chắn là nền kinh tế năng động nhất trong khu vực Châu Á tại thời điểm này và tiếp tục tăng trưởng- không nghi ngờ gì về điều đó khi tầng lớp trung lưu tiếp tục tăng dựa trên sự mở rộng của cơ sở hạ tầng và chi tiêu của lớp dân số trẻ, VN-Index đã điều chỉnh 19,7% kể từ đỉnh và chỉ tăng nhẹ 1% so với đầu năm.
– Đầu tư theo ngành tăng trưởng: Vẫn như trong Báo cáo chiến lược đầu năm nay, ngành ngân hàng được tin rằng vẫn đang là ngành đáng đầu tư nhất trong năm nay. 3 ngân hàng cần phân bổ tiền trong danh mục là: VCB (đầu ngành- Định giá 64.200 – upside so với giá hiện tại 28,4%) – HDB (Hệ sinh thái đang mở rộng – Định giá 50.000 – Upside so với giá hiện tại 41,8%) – VPB (Ngân hàng cho vay tiêu dùng dẫn đầu đang duy trị mọi kế hoạch đề ra – Định giá 78.000 – Upside so với giá hiện tại 87%).
– Đầu tư theo những yếu tố đặc biệt (M&A, Giá hàng hóa, ..): Lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng lên do tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, điều này sẽ gây tác động đến chỉ số giá hàng hóa, cụ thể chỉ số Bloomberg Commodity Index đã tăng 10,73% trong 1 năm qua. Một số nhóm hàng hóa đã bắt đầu thoát đáy của chu kỳ giảm là: Giá đường: đang tăng 12,77% trong 1 tháng qua, giá bột cam tăng 11,65%, giá cotton tăng 5,51%. Điều này dẫn đến nhóm cổ phiếu sản xuất hàng hóa sẽ là điểm sáng trong giai đoạn này.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Thạch, NDH